COVID-19 nhân tố làm thay đổi trật tự thế giới
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế thế giới. Hệ quả mà dịch bệnh gây ra sẽ còn lớn hơn nữa, bởi nói như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: “đại dịch sẽ thay đổi trật tự thế giới mãi mãi”.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố San Juan, Philippines, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
COVID-19 có thể thay đổi trật tự thế giới hiện hành trên những khía cạnh sau:
Hợp tác: COVID-19 dễ dàng vượt qua các đường biên giới quốc tế. Các quốc gia vì thế đã cùng nhau hợp tác về chiến lược ngăn chặn virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đóng một vai trò quan trọng trong liên kết các quốc gia khi tất cả phải đối mặt với tình huống y tế khẩn cấp. WHO từng trải qua giai đoạn khó khăn khi Tổng thống Donald Trump ra quyết định rút khỏi tổ chức này. Đưa Mỹ trở lại WHO là một trong những sắc lệnh đầu tiên mà Tổng thống Biden ký ban hành.
Một số học giả coi hợp tác nồng ấm này của Mỹ trên trường quốc tế như một động thái để đoàn kết, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Trump mang màu sắc chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Joe Biden được cho là đã tận dụng cơ hội do đại dịch COVID-19 tạo ra để sánh bước cùng các đồng minh tại châu Á.
An ninh: Các quốc gia hiếm khi dồn toàn lực để hướng đến các tiêu chuẩn an ninh con người do Liên Hợp Quốc định ra trong báo cáo Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 1994. Trong báo cáo này, an ninh lương thực, kinh tế và y tế được xác định là một trong những cấu thành quan trọng của an ninh con người.
Đại dịch đã thúc đẩy việc nhìn nhận, đánh giá đúng mức bản chất quan trọng của các thể chế và hợp tác quốc tế. An ninh, do đó, đã được định nghĩa lại. Ưu tiên đã được chuyển dịch sang an ninh y tế.
Cán cân sức mạnh: Nhiều người nói rằng, trong những thời điểm đại dịch bùng phát, các quốc gia đã xích lại gần nhau để chống chọi thách thức chung này. Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nhà tư tưởng chính trị cứng rắn. Sự gián đoạn trong nền kinh tế toàn cầu có xu hướng làm mất ổn định chính trị quốc tế, do đó, xung đột có khả năng gia tăng trong thế giới hậu COVID-19. Đơn cử, cạnh tranh kinh tế đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gia tăng khi hai cường quốc bắt đầu can dự vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.
Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc làm lây lan SARS-CoV-2. Ông Trump đã nhiều lần gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”. Để hóa giải cáo buộc này, Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19. Khủng hoảng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc chứng tỏ mình trước thế giới. Về lâu dài, điều này có thể làm dịch chuyển cán cân quyền lực.
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều không ở vào một vị thế có thể nổi lên như một bên “chiến thắng” theo hướng có đủ khả năng tạo ra thay đổi cơ bản trong cán cân quyền lực thế giới theo hướng có lợi cho riêng mình.
Cuộc đua vaccine: Việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn không khác gì một cuộc chạy đua xác lập trật tự trong không gian hay chạy đua vũ trang. Bào chế vaccine ngừa COVID-19 không chỉ là việc cứu sống con người, mà còn là vấn đề mang tính thể diện với một số nhà lãnh đạo thế giới. Nga, Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong cuộc đua vaccine.
Công nghệ chế tạo vaccine đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: NHK/TTXVN
Video đang HOT
Tổng thống Nga Putin hào hứng giới thiệu vaccine ra thế giới. Đó sẽ là một cột mốc về danh tiếng, uy tín trên trường quốc tế và giúp Nga áp đặt trật tự thế giới mới mà nước này muốn hướng tới. Tương tự, Trung Quốc có tham vọng dẫn đầu thế giới; cung ứng vaccine ra toàn cầu là một trong những cách thức để Bắc Kinh đạt được mục tiêu đó. Việc tái phân phối quyền lực trong thế giới hậu COVID-19 sẽ phụ thuộc vào thành tựu của các quốc gia về kiềm chế virus.
Trật tự thế giới tài chính: Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới ước (WB), kinh tế toàn cầu bị suy giảm 5,2% do tác động của đại dịch COVID-19. Cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn khôi phục lại nền kinh tế trong nước theo hướng vượt lên đối thủ. Về cơ bản, Mỹ đang dẫn đầu kinh tế toàn cầu, với GDP chiếm khoảng 25% quy mô nền kinh tế thế giới và khoảng 80% giao dịch thương mại trên thế giới được thực hiện bằng đồng USD.
Trung Quốc đặt mục tiêu thay đổi phương thức thanh toán này trong thương mại quốc tế. Nước này đang tạo ra sự cạnh tranh với Mỹ về trao đổi thương mại toàn cầu bằng cách xây dựng các ngân hàng của riêng mình. Tốc độ phục hồi kinh tế của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ quyết định trật tự thế giới tài chính hậu COVID-19.
Sự phụ thuộc lẫn nhau: Cả Mỹ và Trung Quốc đều cần đồng minh để cạnh tranh với nhau trong cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Đại dịch COVID-19 đã trao cho hai nước cơ hội để gây dựng, tập hợp đồng minh thông qua thông qua hỗ trợ y tế. Sáng kiến vaccine toàn cầu Covax lên kế hoạch phân phối một lượng lớn vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tháng 7/2020, Trung Quốc hứa cho các nước Mỹ Latinh và Caribean vay 1 tỷ USD.
Mỹ cũng quan tâm đến hoạt động này vì Tổng thống Biden là người ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa thiết chế toàn cầu. Covax có thể là một hình thức của gói cứu trợ. Nếu đúng như vậy, sự phụ thuộc của Thế giới thứ ba vào Thế giới thứ nhất có thể sẽ tăng lên.
Công nghệ: Dưới góc độ là một tác nhân tiềm ẩn, Covid đã giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các quốc gia có công nghệ tốt hơn có điều kiện để áp đặt trật tự thế giới theo mong đợi của mình. Trong khủng hoảng COVID-19, đã có sự tăng trưởng theo cấp số nhân về thích ứng công nghệ. Điều này mang một hàm ý rằng quân đội sẽ có thiết bị chiến lược tốt hơn so với thời kỳ tiền COVID. Trong quan hệ quốc tế hiện đại, sức mạnh quân sự là nhân tố quyết định cốt lõi của quyền lực nhà nước.
Y tế là yếu tố của sức mạnh quốc gia: Trước đại dịch, các yếu tố của quyền lực nhà nước thường được hiểu là sức mạnh quân sự hoặc kinh tế. Đại dịch đã chỉ ra rằng y tế cũng có thể là một yếu tố gián tiếp tạo nên sức mạnh quốc gia. Các quốc gia có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn có cơ hội kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Kinh tế của họ có triển vọng phục hồi tốt hơn. Kết quả là, các quốc gia “khỏe” có lợi thế hơn các nước khác trong việc khai triển quyền lực chính trị.
Biến đổi khí hậu: Do phải thu hẹp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở thời kỳ đóng cửa, nền kinh tế toàn cầu đã sụp đổ. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhiều người cho rằng việc đóng cửa sẽ là một sự may mắn, vì góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để khôi phục nền kinh tế, chính phủ của cả các nước phát triển và đang phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở lại các ngành công nghiệp của họ. Điều này có nghĩa là lượng khí thải carbon nhiều hơn.
Các thỏa thuận về khí hậu có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi nền kinh tế đi vào hoạt động trở lại. Giá dầu giảm do đại dịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nước nghèo khôi phục các ngành công nghiệp của họ. Đây là một trở ngại khác đối với cách thức của một nền kinh tế toàn cầu không có carbon. Vì vậy, thế giới hậu Covid sẽ có những ảnh hưởng xấu đến khí hậu.
Đe dọa đối với quyền chính trị: Đại dịch là điều không may cho lực lượng cánh hữu đang đà trỗi dậy. Các nhà lãnh đạo cánh hữu không còn được hưởng lợi từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa mị dân. Đại dịch COVID-19 đòi hỏi khả năng thực thi đối sách và kết quả hiện hữu, chứ không phải là các bài phát biểu và khẩu hiệu. Điều này được thể hiện rõ từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Xử lý khủng hoảng COVID-19 yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến ông Donald Trump thất bại trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Trump bị chỉ trích nhiều vì là một nhà lãnh đạo dân túy. Việc xử lý đại dịch là một trong những yếu tố chính khiến ông phải trả giá trong cuộc bầu cử vừa qua. Tương tự, ở nhiều nơi khác trên thế giới, người dân đang đòi hỏi một nền quản trị tốt hơn, không để quyền lực rơi vào tay những người cuồng bạo.
Dấu chấm hết cho toàn cầu hóa? Toàn cầu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa đã chậm lại từ trước khi đại dịch nổ ra. Một số học giả dự đoán về sự chấm dứt của toàn cầu hóa do đại dịch. Số khác lại người khác cho rằng, đại dịch cho thấy thế giới gắn kết chặt chẽ với nhau như thế nào. Họ nhìn thấy tiềm năng phát triển toàn cầu hóa và hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt là liên quan đến Covax.
Dữ liệu lịch sử cho thấy khủng hoảng có xu hướng củng cố toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế đang sa sút. Việc làm là một thành tố quan trọng của toàn cầu hóa. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đáng kể do việc áp đặt lệnh đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Để khắc phục tổn thất, mọi người sẽ có xu hướng vượt qua biên giới quốc tế. Do đó, nhập cư và hệ quả đi kèm là toàn cầu hóa, có khả năng sẽ gia tăng trong thế giới hậu Covid.
Chỉ riêng đại dịch COVID-19 có thể không thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới. Nhưng những dịch chuyển mà đại dịch tạo ra trong hệ thống quốc tế có khả năng quyết định thủ lĩnh trật tự chính trị toàn cầu. Trật tự thế giới hậu Covid phụ thuộc vào cách thức và tốc độ thế giới thoát ra khỏi đại dịch. Nếu Mỹ hoặc Trung Quốc không chống lại được chủ nghĩa dân tộc vaccine, sẽ rất khó để họ liên minh với các quốc gia khác trong tầm nhìn của mỗi nước về trật tự thế giới.
Henry Kissinger cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự Mỹ-Trung
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng chính quyền Biden sắp tới cần khôi phục quan hệ với Trung Quốc để tránh nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
" Cho tới khi có cơ sở cho một số hành động hợp tác, thế giới sẽ gặp phải một thảm họa tương đương với Thế chiến I ", Henry Kissinger phát biểu trong phiên khai mạc của Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg.
" Mỹ và Trung Quốc ngày càng xảy ra nhiều xung đột và họ đang tiến hành chính sách ngoại giao theo xu hướng đối chọi ", ông Kissinger nhận xét cuộc xung đột toàn diện giữa Mỹ - Trung có thể "thậm chí còn khó kiểm soát hơn" các cuộc khủng hoảng trong lịch sử. " Điều nguy hiểm ở đây là có thể có một cuộc khủng hoảng vượt ra khỏi phạm vi tranh luận và trở thành xung đột quân sự ".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. (Ảnh: AP)
Kissinger nói: " Nếu bạn có thể xem COVID-19 như một lời cảnh báo, dịch bệnh ở các quốc gia phần lớn được giải quyết một cách tự chủ, nhưng giải pháp về lâu dài cần dựa vào một cơ sở toàn cầu nào đó ", Kissinger cho biết ông hy vọng mối đe dọa chung từ đại dịch COVID-19 sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận chính trị giữa hai nước sau khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1.
Quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đầu năm 2020, hai bên đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một", nhưng sau đó COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, và lây lan trên toàn cầu. Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc vì dịch bệnh đã giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ, khiến căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang.
Không chỉ vậy, Mỹ còn áp đặt các biện pháp trừng phạt mới bằng cách cấm đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc bị cho là do quân đội Trung Quốc kiểm soát.
" Trump có phương pháp đàm phán mang tính đối đầu hơn là một cách có thể áp dụng vô thời hạn ", ông Kissinger nhận xét. " Quan trọng là ông ấy cần nhấn mạnh mối quan tâm sâu sắc của người Mỹ về sự phát triển mất cân bằng của nền kinh tế thế giới... "
Ông Joe Biden (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: CNN)
Giải pháp cải thiện quan hệ hai nước
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói mối quan hệ ngày càng xấu giữa Trung Quốc và Mỹ có khả năng trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời nhận định hai bên nên " đồng ý rằng bất kể tranh chấp nào xảy ra, họ sẽ không sử dụng đến xung đột quân sự ".
Để đạt được điều đó, Mỹ và Trung Quốc nên cùng nhau tạo ra " một hệ thống thể chế có những đại diện từ hai nước được Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng chỉ định để giữ liên lạc với nhau thay mặt cho lãnh đạo nước họ ".
" Tất nhiên là có những quan điểm khác biệt về nhân quyền ", ông Kissinger trả lời về những phương án Trung Quốc có thể thực hiện để cải thiện quan hệ. " Quan trọng là mỗi bên phải hiểu được điểm nhạy cảm của nhau. Vấn đề không nhất thiết phải được giải quyết, chỉ xoa dịu thôi cũng giúp đạt được bước tiến rồi ".
Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, đồng thời tránh xung đột, dù các chính sách của ông là nguyên nhân khiến Trung Quốc bất hòa với Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Ông Kissinger nhiều lần nhấn mạnh hai nước cần nỗ lực hợp tác để tránh các nguy cơ đụng độ quân sự. Xem xét một số đề xuất của ông Biden trong chính sách đối với Trung Quốc, Cựu Ngoại trưởng Mỹ trả lời thận trọng trước ý tưởng xây dựng một liên minh các nền dân chủ để đối đầu với Chính quyền Bắc Kinh: " Tôi nghĩ rằng một liên minh nhằm vào một quốc gia cụ thể là không khôn ngoan, nhưng một liên minh để ngăn chặn các mối nguy là cần thiết nếu hoàn cảnh yêu cầu ".
Cuối cùng, ông Kissinger cho rằng các nhà lãnh đạo của hai quốc gia cần nhận ra họ đang nhìn nhận cùng một vấn đề theo những cách khác nhau. Đó cũng là một phương thức tiếp cận trong các cuộc đàm phán của họ.
Quan hệ với Trung Quốc có thể chi phối chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông dự kiến sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước trong các lĩnh vực như tương lai của công nghệ 5G, vấn đề Biển Đông và quyền tự chủ của Hồng Kông.
Gần đây, quan điểm của Joe Biden trong chính sách đối ngoại với Trung quốc cũng dần gay gắt hơn, ông thường xuyên chỉ trích các chính sách của nước này trong khu vực cũng như vấn đề nhân quyền.
Tỷ giá USD hôm nay 6/4: USD chưa thể bứt phá Tỷ giá USD hôm nay (6/4) chững lại trong mối lo ngại sự hồi phục không đồng đều sau đại dịch COVID-19 giữa các nước sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới nói chung. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng...