COVID-19: Mỹ vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
Tình hình dịch ở Mỹ tiếp tục diễn biến nghiêm trọng và dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn khi đạt đỉnh trong vài tuần tới. Cộng đồng người Mỹ gốc Á tiếp tục đối mặt tình trạng kỳ thị ngày càng tăng.
Tính đến ngày 1-4, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận nước này có trên 185.000 ca nhiễm COVID-19 cùng số tử vong tăng kỷ lục hơn 700 ca trong 24 giờ qua, lên xấp xỉ 4.100 người. Với các thống kê này, Mỹ đã chính thức vượt qua Trung Quốc (TQ) đại lục về số nạn nhân thiệt mạng vì đại dịch, hiện chỉ dừng ở mức hơn 3.300 người, theo đài CNA.
Gần một nửa số tử vong nói trên tập trung tại bang New York, tâm dịch COVID-19 tại Mỹ, dù chính quyền bang đã đóng cửa mọi cơ sở kinh doanh, ăn uống và ban lệnh hạn chế đi lại. Số ca dương tính với COVID-19 tại bang này cũng tăng hơn 9.000 ca so với ngày trước đó, đưa tổng số trường hợp nhiễm lên xấp xỉ 76.000 bệnh nhân.
Chuẩn bị cho hai tuần quyết định
Phát biểu trước tình hình nghiêm trọng hiện tại, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo hai tuần tới sẽ là thời điểm “rất, rất đau thương” của đất nước Mỹ khi dịch chuẩn bị chạm đỉnh. Ông cho biết người dân Mỹ nên chuẩn bị ứng phó với những ngày khó khăn còn ở phía trước, theo tờ The New York Times.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố kéo dài lệnh giãn cách xã hội lên 30 ngày tiếp theo và yêu cầu người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định do các cơ quan chức năng ban hành. “Đây là vấn đề sống còn của quốc gia” – Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Dù vậy, ngay cả khi tiếp tục giãn cách xã hội, con số 100.000 người thiệt mạng vẫn sẽ không đáng ngạc nhiên, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho biết.
TS Deborah Birx, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, khẳng định việc người Mỹ tuân thủ sự giãn cách xã hội tốt như thế nào sẽ tạo ra sự khác biệt giữa 100.000 và hàng triệu người chết.
“Nếu chúng ta tiến hành mọi việc thật tốt, gần như hoàn hảo, số ca tử vong có thể rơi vào khoảng 100.000-200.000. Mỗi thay đổi trong hành động của chúng ta đều có thể chuyển hóa thành vũ khí làm chệch quỹ đạo của đại dịch trong vòng 30 ngày tới” – bà Birx phát biểu trên đài CNBC. Chuyên gia này cảnh báo kịch bản xấu nhất là “1,6-2,2 triệu người chết nếu người dân không tuân thủ” và coi thường các hướng dẫn giãn cách xã hội.
Các nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang Florida, Mỹ ngày 28-3. Ảnh: CNBC
Người Mỹ gốc Á đối mặt nguy cơ cao
Video đang HOT
Trả lời tờ South China Morning Post ngày 31-3, GS hành chính công tại ĐH Harvard (Mỹ) – bà Leesa Lin cảnh báo tình trạng phân biệt đối xử ngày càng tăng trong cách ứng phó với dịch COVID-19 đối với người Mỹ gốc Á đang làm tăng các rủi ro sức khỏe cho cộng đồng dân này. Chuyên gia này cho rằng các phản ứng dữ dội như vậy có thể ngăn họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
“Những người bị bệnh có thể phải trì hoãn việc đi xét nghiệm hay được điều trị vì sợ bị phân biệt đối xử. Những người bệnh hay khỏe mạnh dù có nghĩ đến việc đeo khẩu trang, trong trường hợp này cũng sợ bị phân biệt đối xử mà không dám làm thế” – bà Lin cho biết.
Tổng thống Donald Trump ngày 1-4 kêu gọi Quốc hội sớm tiếp tục thông qua thêm một gói cứu trợ 2.000 tỉ USD nữa để hỗ trợ tái thiết hạ tầng cơ sở công cộng và tạo thêm việc làm. Ông Trump nói đây là thời điểm thích hợp nhất để tung ra gói cứu trợ này khi toàn xã hội đang đình trệ.
Ngoài ra, chuyên gia Leesa Lin nhận định nhắm mục tiêu kỳ thị vào những người Mỹ gốc Á cũng tạo ra tâm lý chủ quan và dễ mất cảnh giác, bỏ qua việc giãn cách xã hội với người khác do chỉ dựa vào ngoại hình để phán đoán. Cụ thể, người Mỹ da trắng chỉ giữ khoảng cách đối với người gốc Á làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Tờ South China Morning Post cũng viện dẫn báo cáo từ Stop AAPI Hate, một dự án theo dõi các sự cố liên quan đến việc phỉ báng, tấn công và các hình thức phân biệt đối xử khác chống lại người châu Á trong dịch COVID-19, cho thấy có gần 100 sự việc như vậy diễn ra hằng ngày ở Mỹ. Kể từ khi khởi động dự án vào ngày 19-3 đến nay, Stop AAPI Hate đã nhận được hơn 750 báo cáo liên quan đến một số hình thức phân biệt đối xử hoặc tấn công.
Mỹ cấp phép kit xét nghiệm COVID-19 chỉ 2 phút
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 31-3 đã cấp phép khẩn cấp kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Công ty Bodysphere nghiên cứu và chế tạo với khả năng phát hiện virus trong 2 phút, theo hãng tin Reuters.
Phương pháp xét nghiệm của Bodysphere có nhiều điểm tương đồng với phương pháp xét nghiệm tiểu đường, song được thiết kế chỉ dành riêng cho các nhân viên y tế chuyên nghiệp. Hiện Bodysphere đang phối hợp với chính quyền các bang và liên bang để chuyển giao hàng loạt kit xét nghiệm nói trên. Tuần trước, FDA cũng đã cấp phép cho kit xét nghiệm của Tập đoàn Abbott Laboratories với khả năng cung cấp kết quả trong 5 phút.
VĨ CƯỜNG
Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 1-4
Ông Trump kêu gọi ra thêm một gói ngân sách 2.000 tỉ USD nữa. Nhật mở rộng cấm nhập cảnh đến 73 nước, vùng lãnh thổ. Đức cân nhắc bắt buộc đeo khẩu trang.
Tính đến 19 giờ 30 tối 1-4, trang thống kê Wordometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 43.522 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 876.348 ca nhiễm.
Như vậy, so với trưa cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.178 người, số ca nhiễm tăng 16.435 người. Hiện đại dịch đã lan ra 203 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 184.965 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 6.609 người so với trưa cùng ngày.
Nhân viên y tế xét nghiệm một người nghi nhiễm COVID-19 ở TP Munich, Đức ngày 29-3. Ảnh: AFP
Ông Trump kêu gọi thông qua thêm gói ngân sách 2.000 tỉ USD
Ngày 1-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Quốc hội sớm thông qua thêm gói ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỉ USD, theo đài CNBC.
Ông cho rằng lãi suất 0% tại Mỹ hiện tại là cơ hội tốt để thúc đẩy sáng kiến này, đặc biệt khi nền kinh tế đang chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Ông khẳng định gói ngân sách 2.000 tỉ USD sẽ được sử dụng chủ yếu để tạo thêm việc làm và tái thiết, tu bổ cơ sở hạ tầng công cộng.
Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội quan tâm hơn tới thực trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng nước này và yêu cầu các khoản chi mạnh tay để giải quyết vấn đề.
Các nghị sĩ Cộng hòa luôn hoài nghi một dự luật đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, trong khi đó phe Dân chủ lại ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này. Vấn đề này càng thu hút dư luận khi dịch bệnh COVID-19 khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Đề xuất trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi ông Trump ký ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD để hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp lớn nhỏ duy trì hoạt động, nhằm giảm ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế giao thông.
Đến tối cùng ngày, Mỹ ghi nhận 188.647 ca nhiễm COVID-19 với 4.059 ca tử vong, tiếp tục là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới.
Nhật sẽ mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đến 73 quốc gia, vùng lãnh thổ
Phát biểu ngày 1-4, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tới 73 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, theo hãng tin Kyodo News.
Ông Abe cho biết lệnh cấm mới sẽ được áp dụng từ ngày 3-4 tới và có hiệu lực cho đến tháng này.
Úc, Anh, Brazil, Canada, New Zealand, Đài Loan, Maroc và Mỹ là những cái tên nổi bật trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ mới được bổ sung vào danh sách. Nhật cũng sẽ mở rộng lệnh cấm sang toàn bộ Trung Quốc và Hàn Quốc, thay vì chỉ một số khu vực của hai nước này như thời gian vừa rồi.
Về phía công dân Nhật, nếu trở về từ những quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách trên sẽ phải xét nghiệm COVID-19.
Bộ Ngoại giao Nhật cũng nâng cảnh báo đi lại lên cấp 3 đối với 49 quốc gia và vùng lãnh thổ vừa được bổ sung vào danh sách, khuyến nghị người dân Nhật nên hạn chế mọi chuyến đi tới những địa điểm này.
Đến tối 1-4, Nhật ghi nhận 2.178 ca nhiễm COVID-19 với 57 trường hợp tử vong.
Đức cân nhắc bắt buộc đeo khẩu trang
Tờ The Guardian đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel với thủ hiến các bang tại Đức sẽ họp trong ngày 1-4 (giờ địa phương) bàn về việc siết chặt hay nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội mà nước Đức đang tiến hành từ gần hai tuần qua.
Chủ đề về việc có bắt buộc dân chúng Đức đeo khẩu trang hay không sẽ là một trong các trọng tâm thảo luận.
Trước đó, trong ngày 31-3, thị trấn Jena ở Đông Đức đã trở thành địa phương đầu tiên ra lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Nước láng giềng của Đức là Áo cũng ra quy định buộc những người đi siêu thị phải đeo khẩu trang.
Nhiều bang tại Đức cũng đã lên tiếng ủng hộ biện pháp này. Thủ hiến bang Baden-Wurttemberg (một trong các bang chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch) - ông Winfried Kretschmann tuyên bố sẽ đề cập vấn đề này với Thủ tướng Merkel.
Tại Đức cũng như nhiều nước châu Âu khác, giới chức y tế vẫn khuyến cáo rằng khẩu trang nên ưu tiên dành cho các nhân viên y tế và những người bị bệnh.
Tuy nhiên, các phân tích khoa học chỉ ra rằng có một số lượng lớn người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ và những người này vẫn có thể truyền bệnh cho người khác nếu không đeo khẩu trang.
Đến tối 1-4 (giờ Việt Nam), Đức ghi nhận 72.914 ca nhiễm COVID-19, 793 người tử vong.
VĨ CƯỜNG
Ông Trump cảm phục đội ngũ y tế ở New York: 'Họ như chiến binh vào trận địa' Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời cảm ơn các nhân viên y tế tại bệnh viện Elmhurst ở New York trong trận chiến chống Covid-19. "Tôi đã chứng kiến cảnh các bác sĩ, y tá đến bệnh viện sáng nay và thấy họ như chiến binh đi vào trận địa, như bước vào chiến tranh. Sự dũng cảm thật đáng kinh ngạc",...