Covid-19 lặp lại ác mộng cúm Tây Ban Nha
Mặc dù một thế kỷ đã trôi qua với nhiều tiến bộ khoa học ra đời, Covid-19 vẫn có nhiều điểm tương đồng với dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Sau dịch cúm Tây Ban Nha, thế giới đã hiểu thêm về các loại virus, chữa được nhiều bệnh, tạo ra các loại vaccine hiệu quả, có các phương thức liên lạc tức thời và chuẩn bị mạng lưới y tế công cộng tỉ mỉ. Thế nhưng thế giới vẫn chật vật đối phó Covid-19, đã khiến hơn 3,7 triệu người nhiễm và gần 260.000 người chết.
Giống như năm 1918, một lần nữa mọi người lại nghe thấy những hứa hẹn, trấn an, mâu thuẫn với thực tế là các bệnh viện và nhà xác quá tải trong khi tài khoản ngân hàng cạn kiệt. Năm 1918, không ai được tiêm vaccine hay có thuốc đặc trị khi dịch cúm tàn phá thế giới và giết hơn 50 triệu người. Các nhà khoa học hiện giờ cũng chưa phát triển được vaccine cho Covid-19.
Bệnh nhân cúm được điều trị tại bệnh viện ở Washington năm 1918. Ảnh: Library of Congress.
Khoa học hiện đại đã giúp thế giới nhanh chóng xác định được nCoV, lập bản đồ gene và phát triển kit xét nghiệm – những kiến thức không ai có vào năm 1918. Điều đó giúp nhiều người có cơ hội tránh lây nhiễm hơn, ít nhất là ở các quốc gia đã triển khai xét nghiệm nhanh chóng.
Nhưng cách để tránh lây nhiễm và phải làm gì khi bị bệnh không có nhiều thay đổi. Hai Tổng thống Mỹ ở cả hai thời kỳ cũng đều không nhìn nhận mối đe dọa nghiêm túc trong giai đoạn đầu. Trump ban đầu chỉ cho rằng Covid-19 như “cúm mùa” và “sẽ biến mất một cách diệu kỳ”. Các nhà sử học nói rằng Tổng thống Woodrow Wilson không công khai nói về dịch cúm Tây Ban Nha, dù lượng lớn người Mỹ tử vong và chính ông cũng nhiễm virus.
Một số chuyên gia cho rằng cúm Tây Ban Nha khởi phát từ Đông Á, khu vực có nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người. Claude Hannoun, chuyên gia hàng đầu về dịch cúm năm 1918 của Viện Pasteur, nhận định loại virus nhiều khả năng khởi phát từ Trung Quốc. Sau đó, nó biến đổi ở Mỹ và từ đó lan sang Pháp và khắp châu Âu. Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Andrew Price-Smith trích dẫn tài liệu lưu trữ của Áo cho thấy bệnh cúm bắt đầu ở Áo vào đầu năm 1917. Năm 2014, nhà sử học Mark Humphries lập luận rằng việc huy động 96.000 lao động Trung Quốc làm việc sau chiến tuyến của Anh và Pháp trong Thế chiến I có thể là nguồn gốc của đại dịch.
Có một điều rõ ràng: Mặc dù có tên gọi như vậy, dịch này không khởi phát từ Tây Ban Nha. Trong bối cảnh Thế chiến I, các nước tham chiến đã chặn tin tức về dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha, nước trung lập, là bên đầu tiên công khai ca nhiễm.
Giống như Covid-19, đại dịch năm 1918 xuất phát từ một loại virus đường hô hấp truyền từ động vật sang người, John M. Barry, tác giả một cuốn sách về cúm Tây Ban Nha, nói. “Cách biệt cộng đồng”, rửa tay và đeo khẩu trang cũng là biện pháp kiềm chế dịch hàng đầu thời đó.
Những lời khuyên thời đó vẫn đúng vào thời điểm hiện giờ. “Nếu nhiễm virus, hãy ở nhà, nghỉ ngơi trên giường, giữ ấm, uống nước ấm và tránh di chuyển cho đến khi hết triệu chứng”, John Dill Robertson, ủy viên y tế Chicago nói năm 1918. “Sau đó, hãy tiếp tục cẩn thận, vì mối nguy hiểm lớn nhất là phát bệnh viêm phổi hoặc một số loại bệnh khác sau khi hết cúm”.
Video đang HOT
Nhưng cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa virus năm 1918 và 2020. Trong khi Covid-19 chủ yếu ảnh hưởng người già, cúm Tây Ban Nha đặc biệt nguy hiểm với những người khỏe mạnh trong độ tuổi 20 – 40, nhiều lính Mỹ và châu Âu đã nhiễm bệnh.
Đây là điều nghịch lý vì người ở độ tuổi này thường có hệ miễn dịch tốt. Nhưng chính hệ miễn dịch đã “phản bội” họ. Chúng phản ứng quá mức, tiết ra chất chống lại cơ thể. “Hệ miễn dịch triển khai mọi vũ khí nó có để chống virus”, Barry nói. “Chiến trường là phổi và phổi bị phá hủy trong trận chiến đó”.
Khoảng 675.000 người Mỹ đã chết vì cúm Tây Ban Nha. Trong số những người tử vong có Friedrich Trump, ông nội của Tổng thống Trump. Các lãnh đạo Anh, Đức, Mỹ và vua Tây Ban Nha cũng nhiễm cúm Tây Ban Nha nhưng bình phục.
Nhưng những người chịu ảnh hưởng nặng nề là người nghèo, chen chúc trong các khu nhà đông đúc, phương tiện công cộng và các nhà máy nóng nực. Họ không thể tuân thủ khuyến cáo năm 1918 của tổng y sĩ Mỹ Rupert Blue: “Tránh xa đám đông và những nơi ngột ngạt hết mức có thể. Mở cửa sổ để giữ cho phòng thông thoáng là điều hết sức quan trọng. Hãy cố gắng hít thở càng nhiều không khí trong lành càng tốt”.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân ở Rome ngày 2/5. Ảnh: Reuters.
Năm 1918, tổng y sĩ Mỹ nhấn mạnh “người có triệu chứng nhẹ vẫn có thể gây nguy hiểm rất nghiêm trọng cho người khác”. Các nhà khoa học hiện tại cho biết lượng lớn người nhiễm nCoV thể lây virus cho người khác dù không có triệu chứng.
Blue cũng khuyến cáo người dân chỉ lấy thuốc từ bác sĩ có uy tín. Dù vậy, các bác sĩ không phải lúc nào cũng đúng, nhièu phương pháp điều trị bất thường đã xuất hiện. Một bác sĩ khuyến cáo mọi người nên ngửi axit boric và bột nở để rửa mũi. Những người khác kê những loại chất chưa được kiểm chứng. Nhiều “mẹo” thất thiệt như giữ ấm bàn chân, ăn đường nâu, chà hành tây lên ngực được lan truyền với quan niệm rằng chúng giúp tránh lây nhiễm.
“Thời đó không có Tony Fauci”, Barry nói, nhắc đến nhà miễn dịch học liên bang, người thường cung cấp kiến thức khoa học trong các buổi họp báo của Nhà Trắng. Tuy nhiên , vẫn có nhiều tin đồn sai sự thật được lan truyền thời Covid-19.
Một số người tung tin Covid-19 bùng phát vì sự phát triển mạng 5G, giống như từng có tin đồn sóng vô tuyến gây ra bệnh cúm năm 1918. Hàng chục tháp viễn thông Anh đã bị phá hoại. Trên Facebook và Twitter, một loạt “mẹo” giả được chia sẻ như dùng mấy sấy thổi khí nóng lên mũi, bôi thuốc mỡ lên mũi hay uống vodka có thể giúp tránh lây nhiễm.
Tháng 9/1918, khi đợt bùng phát cúm Tây Ban Nha thứ hai diễn ở Mỹ, giám đốc y tế công cộng Philadelphia phớt lờ lời khuyên của cố vấn, cho phép một cuộc diễu hành lớn diễn ra ở thành phố để gây quỹ cho phe Đồng minh trong Thế chiến I. Chỉ trong vòng 72 giờ sau cuộc diễu hành, tất cả bệnh viện tại Philadelphia chật kín bệnh nhân cúm Tây Ban Nha. Đây được gọi là cuộc diễu hành chết chóc nhất thế giới.
Khi các quan chức khẳng định không có gì đáng báo động, người Mỹ chứng kiến nhiều người hàng xóm qua đời và thi thể được chôn trong các mộ tập thể. Người dân không còn tin vào lời trấn an “đây chỉ là bệnh cúm thôi” của các quan chức.
San Francisco thời đó đã phong tỏa 6 tuần, bắt buộc người dân đeo khẩu trang và phạt tù người không tuân thủ. Các biện pháp nghiêm ngặt giúp họ có tỷ lệ tử vong thấp hơn các thành phố khác. Nhưng họ đã nới lỏng phong tỏa quá sớm vào tháng 11/1918. Tháng 12/1918, hàng nghìn ca mới xuất hiện, số người chết ở San Francisco tăng hơn 1.000.
Bài học rút ra từ cúm Tây Ban Nha là phải phản ứng sớm, thận trọng khi nới hạn chế, nói với người dân sự thật. Thế nhưng, khi đối phó Covid-19, chính quyền Mỹ ban đầu coi nhẹ mức nguy hiểm của dịch, sau đó có những phản ứng liên bang hỗn loạn và không đồng nhất trong việc nới lỏng phong tỏa, Barry nhận xét.
“Chúng ta vốn đã xây dựng những kế hoạch, chi hàng tỷ USD để chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh, giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên bang, nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn chẳng thay đổi được gì”, ông nói.
Vì sao gọi điện bị cấm ở Mỹ trong đại dịch khiến 50 triệu người tử vong trên thế giới?
Từng có những thời điểm người dân Mỹ bị "cấm cửa" dùng điện thoại, kể cả khi chỉ gọi điện để hỏi giờ.
Trong số rất nhiều sự thỏa hiệp và nhượng bộ mà mọi người phải thực hiện trong dịch Covid-19, chúng ta ít nhất vẫn còn có thể giữ liên lạc với người khác qua điện thoại. Dù chỉ là một niềm an ủi nhỏ trong bối cảnh thiếu hụt các hoạt động ngoài xã hội như hiện tại, nhưng sẽ là một mất mát lớn nếu một ngày việc nói chuyện điện thoại "biến mất".
Người Mỹ trong đại dịch cúm năm 1918 (còn gọi là cúm Tây Ban Nha) thì lại không may mắn như vậy. Trong một bài báo cho được đăng tải trên tạp chí Fast Company, người viết tên Harry McCracken giải thích rằng rất nhiều cư dân không được phép sử dụng điện thoại, và hóa ra nguyên nhân chính nằm ở hệ thống vận hành tổng đài lạc hậu cũ kỹ.
Thời điểm đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát trên toàn thế giới khiến khoảng 500 triệu người nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong, chỉ có khoảng 1/3 số hộ gia đình Mỹ có điện thoại. Trước đại dịch, các công ty như Bell Phone từng quảng bá việc nói chuyện điện thoại như một cách giữ liên lạc với những người thân yêu, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh như bạch hầu hoặc đậu mùa.
Từng có thời nhấc điện thoại gọi cũng là điều "cấm kỵ" tại Mỹ (Ảnh: Getty)
Nhưng thực tế thì sự lan tràn của dịch cúm Tây Ban Nha có vẻ là điều quá sức đối với các hệ thống điện thoại vận hành kiểu analog tại Mỹ, vốn phụ thuộc vào sức người - các tổng đài viên điều khiển bảng điện để kết nối cuộc gọi giữa 2 người. Giống như bao người khác, nhiều tổng đài viên cũng đổ bệnh, dẫn đến việc giảm số lượng nhân lực điều hành việc liên lạc. Số lượng cuộc gọi cũng vì thế mà bị hạn chế.
Khi nhận thấy số nhân viên điều khiển bảng điện của mình giảm đi quá nửa, Công ty Điện thoại thành phố New York bắt đầu gửi các tấm thẻ cho người dân, khuyến cáo họ tránh sử dụng điện thoại để nói chuyện, và chỉ được giới hạn liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp hoặc các nhu cầu y tế.
"Không được gọi điện trừ những trường hợp thực sự cần thiết", khuyến cáo cho hay, "Điều quan trọng nhất là các bác sĩ, cửa hàng thuốc và tất cả các cuộc gọi khẩn cấp phát sinh từ dịch bệnh phải được xử lý một cách hiệu quả và đó là mong muốn thiết tha của công ty chúng tôi khi thực hiện điều này. Hay nói cách khách - đừng nên gọi điện chỉ để hỏi mấy giờ rồi."
Điều này khiến nhiều người hay gọi điện để hỏi giờ giấc trong ngày - một thói quen phổ biến tại Mỹ trong thời điểm đó - trở nên bất bình. Nhưng may mắn thay, nghề tổng viên vẫn có thể sống sót qua đại dịch năm 1918, và vẫn là một phần không thể thiếu trong ngành viễn thông tại Mỹ tới tận những năm 1980.
Hiện tại các tổng đài tự động đang ngày một giảm tải hoặc loại bỏ nhu cầu đối với các tổng đài viên, và không cần thiết phải nhờ một người trung gian mới có thể kết nối cuộc gọi giữa 2 người (tổng đài cuối cùng còn dùng bảng điện ở Mỹ, nằm tại bang Califronia, chính thức đóng cửa vào năm 1991). Cho nên, dù thời điểm hiện tại có thể không thoải mái với nhiều người, nhưng ít nhất người Mỹ vẫn có thể nhấc máy gọi cho một ai đó ở đầu dây bên bất cứ khi nào họ muốn.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Việt Anh
100 năm trước, đeo khẩu trang từng được coi là bắt buộc ở Mỹ như thế nào? Khi dịch Covid-19 lây lan ở châu Á, người dân trên khắp khu vực đều đeo khẩu trang. Nhiều quốc gia coi việc đeo khẩu trang là điều bắt buộc khi ra khỏi nhà. Theo CNN, ở phương Tây, việc đeo khẩu trang được tranh cãi rất nhiều. Gần đây, Mỹ mới chính thức khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Trong đại...