“Covid-19 là bước ngoặt để mối quan hệ Hàn Việt thêm đà phát triển”
Vừa qua, báo VietNamNet nhận được chia sẻ từ đại diện Hiệp hội người Hàn ở Việt Nam về quan điểm chống dịch Covid-19.
Ông Yoon Sang Ho, Chủ tịch Liên hiệp hội người Hàn tại Hà Nội cho biết: “Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang hiện hữu như quốc gia anh em ruột thịt. Trước đại dịch Covid-19, tuy rằng phương thức đối ứng của hai bên có thể khác nhau, nhưng quan trọng hơn hết chúng ta cần có tấm lòng cởi mở để nhìn nhận lẫn nhau”.
Theo ông, dịch Covid 19 đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ giữa hai nước Hàn Việt. Sau dịch Covid 19 sẽ xuất hiện bước tiến hóa, bước ngoặt chuyển mình sâu sắc trong mối quan hệ hai nước. Ý thức được tầm quan trọng đó, Hiệp hội đã và đang dồn mọi tâm sức vào các hoạt động.
Hàn Quốc là quốc gia thành công trong việc khống chế dịch Covid-19
“Có thể nảy sinh sự không đồng tình trước những biện pháp kiểm soát phòng dịch mạnh mẽ, dứt khoát của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta đang sống tại Việt Nam, chính Chính phủ Việt Nam, hơn bất cứ ai hết, là cơ quan nước sở tại tiên phong bảo vệ chúng ta trước đại dịch. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta đó là phải tin tưởng, ủng hộ tích cực những chính sách của Chính phủ Việt Nam”, ông khẳng định.
Bản thân ông mong người dân Hàn Quốc có cái nhìn ấm áp về Việt Nam. “Tôi nhận thấy cùng vượt qua đại dịch, chúng ta có cơ hội hiểu rõ về nhau hơn. Chúng ta có thể công nhận sự khác biệt và đánh giá lẫn nhau một cách khách quan hơn”.
Dưới vai trò là đại diện thay mặt cho 200.000 người Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Yoon Sang Ho vô cùng cám ơn sự thân thiện, tấm lòng hữu hảo mà người Việt Nam luôn đem đến trao tặng cho người Hàn Quốc. “Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp hội người Hàn tại Việt Nam, tôi sẽ dành hết tâm sức góp phần trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19, để tình hình dịch có thể trôi qua ổn thỏa, cũng như nỗ lực vun đắp mối tri kỉ trân quý, thiêng liêng giữa hai dân tộc”, ông chia sẻ.
Ban Bạn đọc
Hàn Quốc "làm phẳng đường cong" Covid-19 nhờ sự bình thản đến khó tin
Ngay trong những lúc cam go nhất khi phải đối mặt với Covid-19, người dân Hàn Quốc vẫn thể hiện sự bình thản đến khó tin để vượt qua dịch bệnh.
Video đang HOT
Điều phi thường nhỏ bé
Cuối tuần qua, hàng triệu người dân Hàn Quốc đã kiên nhẫn xếp hàng tại các điểm bầu cử để bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc. Họ giữ im lặng chờ đợi đến lượt, đeo khẩu trang kín mít và giữ đúng khoảng cách an toàn được khuyến cáo.
Người dân Hàn Quốc tham gia bầu cử Quốc hội. Ảnh: AP
Điều phi thường từ đám đông bình thản ở Hàn Quốc là ở chỗ, chỉ vài tuần trước đó, cũng như Mỹ và một số quốc gia châu Âu, việc ra ngoài ăn tối, dù chỉ là từng cá nhân riêng lẻ đã được coi là "bất khả thi" chứ chưa nói đến việc người dân cả một quốc gia cùng đi bỏ phiếu. Khi đó, "bóng ma" Covid-19 cũng đang chạm đến mọi ngõ ngách của quốc gia Đông Bắc Á này.
Thậm chí, trước cả khi các chính trị gia Anh chấp nhận thực tế rằng, Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng tới nền y tế cộng đồng của nước này, Hàn Quốc đã phải chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng chóng mặt.
Hơn 1 tháng sau khi Hàn Quốc ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 20/1, số ca mắc trong những ngày tiếp theo vẫn được duy trì ở mức thấp trước khi tăng vọt lên đến đỉnh điểm là 909 ca/ngày trong ngày 29/2.
Bỗng nhiên, một điều gì đó lạ thường xảy ra, số ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm dần và đến cuối tháng 3 số ca mắc trong ngày bắt đầu giảm dần xuống 2 con số và đến giờ đã xuống còn 1 con số. Chỉ trong có vài tuần, dường như Hàn Quốc đã "làm phẳng được đường cong" dịch bệnh Covid-19.
Tính đến trưa 23/4, Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19, nếu con số này được duy trì cho đến hết ngày, đây đã là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới ở Hàn Quốc trong một ngày được duy trì ở mức dưới 15 ca. Với 240 người thiệt mạng trong tổng số 10.702 ca mắc, Hàn Quốc đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới ở mức dưới 2,2%.
Sự bình thản trong dịch bệnh của người dân Hàn Quốc là rất đáng học tập. Ảnh: AP
Sự kết hợp từ công nghệ và con người
Nhiều quốc gia đang nhìn Hàn Quốc với ánh mắt thán phục, nhất là ở khả năng ứng phó với Covid-19 mà không phải tiến hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như đang diễn ra tại Anh, Italy, Pháp - 3 trong số nhiều ổ dịch ở châu Âu.
Hơn thế nữa, khác với cảnh hỗn loạn tranh mua, tranh bán, vơ vét thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong đại dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, người dân Hàn Quốc đối mặt với việc này một cách rất bình thản. Đã không có tin đồn thất thiệt, không có sự hoảng loạn không cần thiết. Tất cả những gì họ làm chỉ đơn giản là yên lặng xếp hàng chờ xét nghiệm hoặc chờ đến lượt mua khẩu trang hay mới đây nhất là chờ bỏ phiếu.
Vào thời điểm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẩn thiết kêu gọi các nước tiến hành "xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm" hồi giữa tháng 3, Hàn Quốc đã làm được điều này trong vài tuần, năng lực xét nghiệm tăng từ 12.000 mẫu/ngày lên 20.000 mẫu/ngày vào giai đoạn cao điểm.
Ngoài năng lực xét nghiệm, Hàn Quốc còn tận dụng hệ thống kết nối mạng tốt nhất trên thế giới và những công nghệ di động tối tân vào việc theo dõi những người mắc Covid-19 và những người tiếp xúc với họ. Cụ thể, những người mắc Covid-19 được yêu cầu khai báo quá trình di chuyển của họ dựa trên thông tin từ các thiết bị định vị toàn cầu, camera giám sát và cả những lần giao dịch qua thẻ tín dụng.
Những thông tin chi tiết đến vậy đã giúp Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc dễ dàng phát đi cảnh báo theo thời gian thực về thông tin di chuyển của những người mắc Covid-19 trước cả khi tình trạng mắc bệnh của họ được chính thức xác nhận.
Tuy nhiên, "điều kỳ diệu" thực sự đến từ chính những người dân Hàn Quốc khi chính họ đã chấp nhận thay đổi hành vi của mình theo khuyến cáo của Chỉnh phủ tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội, các công ty Hàn Quốc cũng sẵn sàng cho phép các nhân viên được làm việc ở nhà bất chấp những bất tiện trong quá trình làm việc.
Ông Jerome Kim, Giám đốc Viện Vaccine Quốc gia Hàn Quốc, thừa nhận: "Người dân đã tuân thủ nghiêm ngặt những khuyến cáo của Chính phủ về giãn cách xã hội, giữ vệ sinh sạch sẽ, không tụ tập đông người tại quán bar, nhà thờ, phòng gym... Sự hợp tác vô điều kiện của họ đã đóng góp rất lớn vào thành công của việc đối phó với dịch bệnh".
Hàn Quốc đã thành công trong khống chế Covid-19 dù người dân vẫn được tự do đi lại. Ảnh: Reuters
Bài học đau đớn từ MERS-CoV 2015
Ý thức tuân thủ chỉ dẫn của người Hàn Quốc có thể xuất phát từ bài học nghiệt ngã hồi năm 2015 khi dịch MERS-CoV (còn gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông) bùng phát trong khi Chính phủ chậm trễ trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Vào thời điểm đó, với chỉ một du khách nước ngoài bị phát hiện dương tính ở Hàn Quốc, MERS-CoV sau đó đã bùng phát nhanh chóng, khiến 186 người lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của 36 người và buộc hàng nghìn người dân nước này phải sống trong các trại cách ly.
Đến thời điểm này, trong cuốn sách mới công bố về cách thức khống chế và làm phẳng đường cong dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã tự hào khẳng định: "Hàn Quốc đã thành công trong việc "làm phẳng đường cong" dịch bệnh Covid-19 trong vòng 20 ngày mà không cần tiến hành các biện pháp hà khắc hạn chế quyền tự do đi lại của mọi người".
Dù các chuyên gia y tế vẫn thận trọng cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ 2 có thể xảy ra, cuộc sống đã dần trở lại bình thường với người dân Hàn Quốc. Những giới hạn đối với các cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phòng gym và các cơ sở tôn giáo... đã được nới lỏng. Nhiều khu vui chơi giải trí được xác định là có nguy cơ thấp lây lan dịch bệnh cũng đã dần được mở cửa dù việc giãn cách xã hội vẫn được duy trì đến đầu tháng 5.
"Cho đến khi chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc có được một loại vaccine an toàn và hiệu quả, chúng ta sẽ cố gắng duy trì cuộc sống bình thường theo kiểu mới chú trọng hơn đến việc giữ vệ sinh, đảm bảo giãn cách xã hội và sẵn sàng thiết lập tình trạng phong tỏa ở các địa phương nếu thấy cần thiết", ông Jerome Kim nói.
Đối với anh Kim Tae-hyung, 31 tuổi, làm kỹ sư ở Seoul, sự thận trọng của giới chức Hàn Quốc khi đề cập tới Covid-19 không quan trọng bằng việc cuối cùng anh đã cảm thấy cuộc sống đã dần trở lại như trước, khi anh có thể cùng với mọi người làm những điều anh ưa thích.
"Tôi là thành viên của một đội bóng địa phương và cuối tuần qua, lần đầu tiên chúng tôi đã ra ngoài đá bóng trong suốt 2 tháng qua. Chúng tôi vẫn phải đeo khẩu trang và chưa hết lo lắng về Covid-19. Nhưng trời quá đẹp và tôi cảm thấy mình được thoải mái"./.
Trần Khánh
Người Hàn Quốc đeo khẩu trang đi bầu cử Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang và găng tay để tham gia kỳ bầu cử quốc hội được tổ chức trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp. Khoảng 14.000 điểm bỏ phiếu ở Hàn Quốc mở cửa từ 6h ngày 15/4 (4h Hà Nội) để người dân tiến hành bầu cử quốc hội. Các điểm bỏ phiếu trước đó đều được khử...