Covid-19 khó chấm dứt trong năm nay
Giáo sư Yuen Kwok-yung từ Đại học Hong Kong cho rằng dịch Covid-19 có thể sẽ không kết thúc trong năm nay vì đã lây lan toàn thế giới.
Giáo sư Yuen là chuyên gia vi sinh, từng tư vấn cho các cơ quan chức năng về biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Ông cho rằng dù tình hình ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong có thể cải thiện khi sang hè, vẫn sẽ có nhiều ca bệnh nhập cảnh từ bán cầu nam.
“Chúng tôi nghĩ rằng dịch bệnh có thể sẽ không chấm dứt”, giáo sư Yu Yuen trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 8/3. “Sẽ có những trường hợp được gọi là ca bệnh ‘nhập ngược’. Lúc đầu, các quốc gia khác sợ chúng ta, bây giờ chúng ta sợ họ sẽ mang virus quay trở lại”.
Theo ông, dịch Covid-19 sẽ không chấm dứt cho đến khi có thuốc kháng virus, vaccine hoặc phần đông dân số nhiễm virus và sản sinh miễn dịch tự nhiên.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi ra đường để phòng ngừa dịch. Ảnh: SCMP.
Kể từ cuối tháng 2, Covid-19 lan ra nhiều nước. Hàn Quốc, Italy và Iran hiện là ba quốc gia có số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc. Ngày 8/3, Italy cách ly toàn bộ tỉnh Lombardy dân số khoảng 10 triệu người, sau khi ghi nhận số ca mắc mới lên 1.247, nhiều nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở nước này hôm 21/2.
Tất cả người đến Hong Kong từ Iran, thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) cùng ba khu vực ở Italy bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Kể từ 8/3, Hong Kong cũng yêu cầu khách nhập cảnh phải khai báo tình trạng sức khỏe.
Video đang HOT
Chính quyền đặc khu cho biết sẽ tiến hành đánh giá rủi ro trước khi đưa ra các biện pháp. Họ cũng cho rằng khía cạnh cần xem xét là số lượng người bệnh, độ lây lan và tốc độ gia tăng của các ca nhiễm ở những quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Các yếu tố khác bao gồm biện pháp giám sát và kiểm soát của chính phủ các quốc gia và tần suất ghé thăm những nơi đó của người dân Hong Kong.
“Đặc khu sẽ xem xét và điều chỉnh các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh lan rộng”, đại diện chính quyền cho hay.
Tính đến chiều 8/3, Hong Kong có 113 trường hợp dương tính và hai ca tử vong.
Giáo sư Yuen kêu gọi người dân hạn chế du lịch ít nhất cho đến cuối năm. Ông chỉ ra hai ca nhiễm có liên quan tới một nhóm khách đến Ấn Độ gần đây. Một phụ nữ khác khoảng 80 tuổi cùng nhóm cũng được chẩn đoán mắc Covid-19 sau khi quay về từ Vancouver, Canada.
“Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, hãy tránh đi lại trừ khi cần thiết”, ông Yuen nói.
Giáo sư Yuen Kwok-yung, chuyên gia vi sinh Đại học Hong Kong. Ảnh: K.Y. Cheng
Ông nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để biết liệu tình hình trên đại lục có thể được kiểm soát trước cuối tháng 4 như nhận định của một số chuyên gia hay không.
Yuen cũng cho biết virus này, giống như hầu hết chủng khác, đã biến đổi, nhưng đến nay chưa có bằng chứng cho thấy nó trở nên nguy hiểm hoặc dễ lây truyền hơn.
Ông nhấn mạnh chìa khóa để chống lại dịch bệnh là vệ sinh cá nhân.
“Nếu tất cả mọi người đều rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nơi đông người, nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm. Vấn đề là việc cùng tuân thủ, chúng ta không thể chống lại virus mãi mãi, nhưng chúng ta càng trì hoãn sự lây lan của nó càng lâu thì cơ hội có vaccine kịp thời càng cao”, ông Yu Yuen nói.
Yuen cho biết nhóm của ông và các nhà khoa học khác đang phát triển một loại vaccine. Thí nghiệm trên chuột cho thấy nó không có tác dụng phụ, giúp chuột sản xuất kháng thể thành công. Vaccine này cần nghiên cứu thêm.
“Tôi tin rằng sẽ mất một hoặc một năm rưỡi để vaccine được đưa vào sử dụng lâm sàng”, ông cho hay.
Linh Phan (Theo SCMP)
Theo vnexpress.net
TQ phát hiện đáng lo ngại về virus corona
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện virus corona đã tiến hóa thành hai chủng lớn với tốc độ lan truyền và phân bố địa lý khác nhau.
Báo South China Morning Post trích dẫn một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí khoa học National Science Review hôm 3/3 cho biết, kết luận được rút ra sau khi một nhóm nhà khoa học Trung Quốc tiến hành phân tích 103 đoạn gen virus corona và nhận diện các đột biến ở 149 vị trí khác nhau.
Hình ảnh mô phỏng virus corona. Ảnh: Live Sience
Các nhà nghiên cứu phát hiện, một chủng được đặt tên là L phổ biến hơn chủng S còn lại. Điều này đồng nghĩa, virus corona chủng L dễ lây lây lan hơn chủng S. Các chuyên gia cũng nhận thấy, chủng L đã tiến hóa từ chủng S và chủng L đã lây lan diện rộng hơn trước ngày 7/1 và tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi được tin khởi phát dịch Covid-19.
Nhóm nghiên cứu nhận định, các động thái của con người sau khi phát hiện dịch bùng phát hồi tháng 12 năm ngoái, chẳng hạn như những biện pháp phong tỏa các thành phố để chống dịch của Trung Quốc, có thể đã thay đổi số lượng truyền nhiễm của các chủng virus corona nói trên cũng như có khả năng đã ngăn chặn được sự phát tán của chủng L.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh, giới khoa học cần có các nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về sự tiến hóa cũng như lây lan của virus corona.
Trong một diễn biến riêng rẽ, nhà chức trách y tế Hong Kong (Trung Quốc) ngày 4/3 xác nhận, chó cưng của một bệnh nhân Covid-19 cũng nhiễm virus corona chủng mới. Con vật được phát hiện "dương tính yếu" với mầm bệnh lần đầu tiên vào ngày 28/2.
Tại cuộc họp báo diễn ra mới đây, lãnh đạo cơ quan y tế đặc khu hành chính cho biết đã tham vấn các chuyên gia đến từ Đại học Hong Kong, Đại học Thành phố cũng như Tổ chức thế giới về sức khỏe động vật và tất cả "đều đồng thuận rằng các kết quả kiểm tra cho thấy chú chó đã bị nhiễm virus ở liều lượng thấp". Các chuyên gia tin đây có thể là ca lây truyền Covid-19 từ người sang động vật đầu tiên.
Nhà chức trách Hong Kong sẽ tiếp tục cách ly vật nuôi nói trên để thực hiện thêm các xét nghiệm. Họ dự định sẽ không phóng thích chú chó cho đến khi kết quả kiểm tra cho âm tính với Covid-19.
Tuấn Anh
Theo vietnamnet.vn
Chuyên gia Hong Kong: 'COVID-19 có thể xem là đại dịch' Từ ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ, chuyên gia Hong Kong nói rằng dịch bệnh này có thể xem là đại dịch toàn cầu vì mức độ lây lan nhanh chóng của nó. Giáo sư Gabriel Leung từ Đại học Hong Kong nói rằng COVID-19 hiện nay có thể gọi là đại dịch toàn cầu. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST Báo South...