COVID-19 khiến du học sinh Trung Quốc phải mua vé với giá ‘cắt cổ’ khi bay trở lại Mỹ
COVID-19 bùng phát cùng với căng thẳng địa chính trị trong quan hệ Mỹ-Trung khiến các du học sinh Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng và đó chính là giá vé máy bay tăng vọt.
Số ghế máy bay tới Mỹ bị hạn chế khiến du học sinh Trung Quốc phải chấp nhận giá vé máy bay cao ngất ngưởng khi tới Mỹ. Ảnh: Weibo
Sau khi Mỹ nới lỏng quy định về cách ly, các du học sinh Trung Quốc vội vàng trở lại Mỹ để kịp tới trường trong năm học mới. Trong quá khứ, khi học kỳ mới khai giảng vào tháng 9, thường có cả hàng trăm nghìn du học sinh Trung Quốc bay tới Mỹ. Tuy nhiên, năm nay các em sẽ gặp phải khó khăn mới: do số ghế máy bay bị hạn chế, nên du học sinh sẽ phải chấp nhận mức giá cao hơn.
Ngày 20/8, vé một chiều rẻ nhất từ Bắc Kinh hoặc Thượng Hải tới New York, Boston hay nhiều thành phố lớn tại Mỹ loại hai chặng trung chuyển có giá gần 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.000 USD) cho bất kỳ chuyến bay nào sau ngày 1/9. Mức giá này cao hơn ít nhất hai lần so với thời điểm dịch chưa bùng phát. Còn đối với các chuyến bay chỉ có một chặng dừng tại Hong Kong, mức giá lên đến 80.000 nhân dân tệ (gần 12.000 USD).
Andrew Li, một du học sinh sẽ bay tới bờ đông nước Mỹ trong tháng 9 tới để theo học chương trình thạc sĩ, cho biết khi em bắt tay tìm vé từ cuối tháng 6, mức giá dao động từ 20.000-30.000 nhân dân tệ (khoảng 3.000 – 4.500 USD) đối với vé một chiều và một chặng dừng. “Cuối cùng, tôi mua vé một chiều, một chặng quá cảnh ở Hong Kong với giá hơn 20.000 nhân dân tệ. Đây là mức giá vé đắt nhất mà tôi từng đặt mua”, Li cho biết.
Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho biết các lưu học sinh có visa còn thời hạn có thể vào Mỹ 30 ngày trước khi khai giảng năm học mới và sẽ không cần phải có miễn trừ quốc gia đối với di chuyển cá nhân. Điều chỉnh này được áp dụng hơn một năm sau khi Mỹ thực hiện quy định ngừng nhập cảnh đối với người đã ở Trung Quốc 14 ngày trước khi tới Mỹ. Đến tháng 8, việc đi lại được nới lỏng thêm một bước, khi du học sinh Trung Quốc sẽ không phải cách ly 2 tuần ở một địa điểm thứ 3 trước khi nhập cảnh vào Mỹ.
Video đang HOT
Nhưng khó khăn cũng chưa hẳn đã hết. Trong bối cảnh cả hai nước đều tăng cường biện pháp để kiểm soát đại dịch COVID-19 do biến thể Delta, hiện chỉ có 20 chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc tới Mỹ mỗi tuần. Tình hình còn tồi tệ hơn khi hai nước áp quy định hạn chế khai thác công suất chở khách trên mỗi chuyến bay.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ngày 18/8 cho biết sẽ áp đặt quy định đối với một số chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc khai thác, theo hướng chỉ được chở 40% công suất chỗ ngồi của máy bay. Quy định này sẽ có hiệu lực trong 4 tuần, được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc áp hạn chế tương tự với các chuyến bay do hãng hàng không United Airlines khai thác.
Trước đó, Trung Quốc ngày 6/8 ra quyết định áp hạn chế đối với hãng United Airlines, sau khi có 5 hành khách trên chuyến bay từ San Francisco tới Thượng Hải được cho là dương tính với SARS-CoV-2 hôm 21/7. Giới chức Trung Quốc đưa ra 3 lựa chọn cho hãng hàng không Mỹ: Cắt giảm hai chuyến bay từ San Francisco tới Thượng Hải, vận hành hai chuyến bay không khách hoặc là thực hiện cả 4 chuyến bay nhưng chỉ được khai thác không quá 40% số ghế.
Lý giải cho quyết định áp hạn chế trả đũa, giới chức Mỹ cho biết chính sách “ngắt cầu dao” của Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận về dịch vụ hàng không giữa hai nước và tạo ra những sức ép trách nhiệm không đáng có với các hãng vận tải hàng không liên quan đến kết quả xét nghiệm của hành khách.
Sinh viên Trung Quốc chiếm 35% trong tổng số sinh viên nước ngoài tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Quyết định của của chính quyền Mỹ được áp đặt cho 4 chuyến bay, ứng với 4 hãng hàng không Trung Quốc, gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines Co và Xiamen Airlines. Lệnh giới hạn được thực hiện trong 4 tuần, đúng thời điểm nhiều sinh viên, du học sinh Trung Quốc chuẩn bị quay trở lại Mỹ để bước vào năm học mới.
Hiện có khoảng 372.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc theo học ở Mỹ, chiếm 35% tổng lưu học sinh nước ngoài tại Mỹ tính trong năm học 2019-2020. Với những người như Li, họ quyết định bay sang Mỹ dù mức giá có đắt đến đâu và thủ tục đi lại khó khăn ra sao. “Đó là khóa học thạc sĩ hai năm. Toi đã mất một năm ngồi lỳ trước màn hình máy tính để học trực tuyến từ Trung Quốc. Tôi muốn có trải nghiệm được học thực tế tại Mỹ”, Li chia sẻ.
Thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay cũng phức tạp hơn do yêu cầu kiểm soát đại dịch. Hành khách bay từ Trung Quốc sang Mỹ buộc phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 cấp trong vòng 72 giờ trước khi bay. Họ cũng phải điền rõ địa chỉ, người quan hệ ở điểm đến tại Mỹ, ký cam kết về tình trạng bản thân về COVID-19.
Wu Qing, một cán bộ làm việc tại cảng Ninh Ba ở tình Chiết Giang cho biết con gái bà đã phải mất gần 5 tiếng mới hoàn tất hết các thủ tục tại sân bay Thượng Hải hồi đầu tuần qua để được lên chuyến bay sang Mỹ, với giá 20.000 nhân dân tệ. “Đó là khoản tiền lớn. Quan hệ song phương [Mỹ-Trung] xấu đi, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc lên cao. Con cái có tiếp tục theo học tại Mỹ hay không là quyết định không hề đơn giản”, bà Wu Wing nói.
Nhóm sinh viên Trung Quốc muốn kiện chính phủ Mỹ
Một nhóm sinh viên Trung Quốc định kiện chính phủ Mỹ vì không được cấp visa để theo học các ngành khoa học nâng cao tại nước này.
Các sinh viên Trung Quốc định kiện chính phủ Mỹ đến từ 8 trường đại học, gồm Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh và các cơ sở được mệnh danh là "7 đứa con của Quốc phòng Trung Quốc" gồm Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Hàng không Bắc Kinh, Viện Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh, cùng Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh.
Sinh viên Trung Quốc trong lễ tốt nghiệp ở một trường đại học Mỹ. Ảnh: Xinhua .
Nhóm sinh viên cho biết họ gần như chắc chắn bị bác đơn xin visa vào Mỹ mà không qua xem xét bởi Tuyên bố Tổng thống (PP) số 10043 được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 5/2020. Tài liệu này cấm nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu có liên hệ đến "chiến lược hợp nhất dân sự - quân sự" của quân đội Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ, nhằm ngăn chặn hành vi gián điệp và thu thập trái phép tài sản sở hữu trí tuệ.
Một sinh viên họ Li cho biết họ đang phối hợp với luật sư để chuẩn bị thách thức pháp lý, trong đó cho rằng PP10043 được thực thi một cách không hợp lý và không bảo vệ được an ninh quốc gia Mỹ. Li tốt nghiệp Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân hồi năm 2020 và phải hoãn kế hoạch lấy bằng thạc sĩ ở Đại học UC Davis vì điều này.
Nhóm sinh viên đã gửi lời kêu gọi tham gia đơn kiện trên mạng xã hội WeChat từ ngày 1/6 và nhận được hơn 1.000 câu trả lời. Số tiền gây quỹ cho quá trình khởi kiện đã vượt qua 300.000 USD, nhưng dường như chưa đủ cho vụ kiện dự kiến kéo dài và rất đắt đỏ. Các sinh viên Trung Quốc ước tính quá trình tố tụng có thể tốn ít nhất 500.000 USD, thậm chí vượt mức một triệu USD.
Đơn kiện được chuẩn bị sau nhiều nỗ lực thất bại nhằm hối thúc chính phủ Mỹ rút lại PP10043, trong đó có gửi thư với 550 chữ ký của sinh viên Trung Quốc cho 50 trường đại học ở Mỹ để kêu gọi ủng hộ.
Phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết PP10043 ảnh hưởng tới chưa đầy 2% tổng số đơn xin cấp visa du học tại Trung Quốc, khẳng định Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế và duy trì lợi thế ưu việt trong khoa học, đồng thời cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi dụng những điểm yếu từ chính sách cởi mở trong môi trường học thuật của Mỹ.
Bài tập tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc, đọc xong đến người Việt cũng "trầm cảm" vì quá khó Trời ơi, tiếng Việt khó đến thế sao? Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu âm điệu, độc đáo bởi ngoài bảng chữ cái, chúng ta còn 6 thanh ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng tạo nên độ trầm, bổng trong tiếng nói. Bởi thế, nhiều người nhận định tiếng Việt thuộc top những ngôn ngữ khó học bậc nhất thế giới. Nhiều sinh...