Covid -19 hoành hành, dấy lên nỗi lo thiếu nhân viên y tế học đường
Thực tế cho thấy, không ít trường học trên cả nước vẫn thiếu nhân viên y tế, khiến nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng cho học sinh; nhất là khi dịch bệnh do Covid -19 gây ra có những dấu hiệu bất thường.
Cơ sở y tế học đường chưa được đầu tư đúng mức để mang lại hiệu quả.
Người chịu thiệt là học sinh
Thầy Dương Minh Khả – Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) cho biết: Nhà trường được biên chế một nhân viên y tế học đường. Đầu năm học, nhân viên y tế học đường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho học sinh và chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh với ban giám hiệu.
Hiện tại, y tế học đường của trường được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị y tế cần thiết nhằm đáp ứng chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho học sinh. “Bình thường không có vấn đề gì, thậm chí nhiều người chưa ghi nhận hoặc đánh giá không cao về vai trò của y tế học đường, nhưng từ dịch bệnh như sởi, tay chân miệng hay Covid -19 gây ra mới thấy tầm quan trọng của y tế trường học như thế nào.
Thực tế này đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ, quan điểm về công tác y tế học đường”, thầy Khả chia sẻ, đồng thời cho biết: Nhà trường chưa có phòng y tế riêng nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe hoặc sơ cứu ban đầu cho học sinh. Mong rằng, trong thời gian tới công tác y tế nói chung tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Quý Quân (Hà Quảng, Cao Bằng), thầy Hiệu trưởng Đàm Văn Tuyên cho biết: Nhà trường chưa có nhân viên y tế học đường. Công việc này được giao cho nhân viên văn thư kiêm nhiệm. Điều này khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh gặp nhiều khó khăn, hạn chế và người chịu thiệt thòi chính là các em.
Thầy Tuyên dẫn giải, đơn cử như để ứng phó với dịch Covid-19, nếu như trường có nhân viên y tế học đường, họ sẽ nắm chắc chuyên môn, công tác phòng chống dịch bệnh của nhà trường sẽ chủ động hơn. “Nhưng vì không có nhân viên y tế, nên mọi việc chúng tôi đều phải chờ cấp trên hoặc phải phối hợp với trạm y tế để triển khai thực hiện. Hay như không may học sinh của nhà trường bị chảy máu chân, hoặc bị cảm cúm, ho, sốt, vì không có chuyên môn nên chúng tôi không dám cho các em uống thuốc, sơ cứu ban đầu mà phải đưa các em xuống trạm y tế xã”, thầy Tuyên chia sẻ.
Cũng theo thầy Tuyên, thực tế cho thấy, y tế học đường có vai trò quan trọng, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhà trường đã đề nghị bổ sung biên chế cho vị trí việc làm này nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng. “Hy vọng, trong thời gian tới, đề nghị của chúng tôi sẽ được chấp thuận”, thầy Tuyên nói.
Video đang HOT
Ảnh minh họa/ INT
Cần giải pháp hiệu quả và bền vững
Khẳng định, y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho học sinh, ông Nguyễn Minh Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang viện dẫn: Khi dịch bệnh Covid -19 xảy ra, nếu như có nhân viên y tế học đường chuyên trách, các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sẽ được nhà trường tổ chức thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều địa phương, trường học vẫn thiếu nhân viên y tế học đường. Điều này dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh gặp phải khó khăn nhất định. Chẳng hạn như việc kiểm tra răng miệng, cân nặng, chiều cao hoặc những vấn đề liên quan đến phát triển thể lực của học sinh sẽ không được thực hiện thường xuyên nên thiệt thòi cho các em. Hay những vấn đề về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe để học sinh phát triển thể lực nếu có nhân viên y tế học đường, họ sẽ làm tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.
Cũng theo ông Tuấn, vì không có nhân viên y tế trường học nên khi cần phải can thiệp về chuyên môn như học sinh bị ốm, nặng hơn là những trường hợp bị chấn thương cần phải sơ cứu ban đầu dễ bị bỏ qua, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và điều trị sau này, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ngoài ra, đối với cán bộ quản lý, khi thiếu nhân viên y tế, họ sẽ lúng túng trong việc xử lý những tình huống đột xuất, bất ngờ có liên quan đến sức khỏe của học sinh, hoặc xử lý không được chuẩn vì không có chuyên môn.
Từ thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Nguyễn Minh Anh Tuấn đề xuất: Ngành Nội vụ cần sớm có biên chế vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học. Đặc biệt với những trường nội trú, cần bảo đảm mỗi trường có một nhân viên y tế. Trong trường hợp chưa bố trí được biên chế thì ít nhất mỗi xã phải có một nhân viên y tế phụ trách trường học từ bậc mầm non đến THCS.
Theo ông Nguyễn Minh Anh Tuấn, hiện nay, một số trường học của tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện giải pháp hợp đồng nhân viên y tế hoặc trả thù lao cho cán bộ trạm y tế xã để thực hiện các nhiệm vụ về y tế học đường. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, điều chúng ta mong muốn là cần có giải pháp hiệu quả và bền vững.
Nếu như các trường có nhân viên y tế, việc chuyển tải thông điệp, biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ dễ dàng, sát với thực tiễn hơn. Nhưng vì không có nhân viên y tế nên ở một số trường, người được giao nhiệm vụ này chỉ thực hiện nhiệm vụ trung chuyển những khuyến cáo của ngành Y tế và Giáo dục. – Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn
Minh Phong
Theo Giáo dục thời đại
Trường học thiếu nhân viên y tế: TP.HCM đã kiến nghị nhiều lần
Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ chủ trì rà soát để chỉnh sửa về vị trí việc làm và số lượng người làm việc chuyên ngành cho phù hợp.
Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm tại các trường mầm non công lập. Theo đó, các vị trí việc làm trong trường gồm kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ. Tuy nhiên, số lượng người làm việc tối đa không vượt quá hai người.
Thông tư này từ khi ra đời đã gây khó khăn cho các trường mầm non TP.HCM về vấn đề nhân viên y tế. Vì thế, TP.HCM đã liên tục kiến nghị nhưng vẫn chưa có kết quả.
Kiến nghị nhiều lần
Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM khi đó cho biết: Trong phiên họp nội bộ, các đại biểu kiến nghị lên Chính phủ và Bộ GD&ĐT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh kiến nghị với Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM được thực hiện cơ chế đặc thù trong các luật về giáo dục và đào tạo.
Vào ngày 2-8, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 của 63 tỉnh, thành và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Sở GD&ĐT đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT có cơ chế đặc thù để ngành giáo dục TP thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, ngành giáo dục TP kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định hướng mở trong biên chế giáo dục.
Phòng y tế Trường Mầm non 30/4, quận Bình Tân phối hợp với BV Bình Tân khám sức khỏe đầu năm cho học trò. Ảnh: TT
Yêu cầu phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp
Vấn đề lại tiếp tục được Sở GD&ĐT TP.HCM đề cập tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vào chiều 13-8-2018.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, kiến nghị TP giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận, đồng thời cho tuyển dụng các chức danh nhân viên kế toán, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý học đường (theo các quy định hiện hành, không có các vị trí việc làm này) để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đối với Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục TP kiến nghị xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa hợp lý (bốn chức danh nhưng chỉ có hai vị trí, số lượng trẻ trên giáo viên ở nhóm nhỏ, bảo vệ).
Xung quanh các kiến nghị về việc bố trí các đơn vị, vị trí việc làm của ngành GD&ĐT, Bí thư nhân yêu cầu ngành GD&ĐT phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp, xây dựng các phương án để làm rõ nhu cầu thực sự của ngành giáo dục TP đối với các vị trí việc làm, đơn vị chức năng trong điều kiện đặc thù của TP, từ đó kiến nghị, đề xuất với các cơ quan cấp trên có liên quan.
Việc tháo gỡ những vướng mắc do Thông tư 06 ban hành lại tiếp tục được TP.HCM đề cập tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 của 63 tỉnh, thành và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 6-8-2019.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết do đặc thù của một đô thị trung tâm nên TP.HCM còn một số khó khăn, vướng mắc, đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, tháo gỡ. Cụ thể, trong thời gian qua, việc tạm dừng kế toán và y tế trường học gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Đây là đội ngũ quan trọng, cần thiết trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên quan tâm, nghiên cứu bổ sung biên chế đối với giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị cho các trường.
Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến chính thức
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương 6 và Nghị quyết 27 của Trung ương 7 khóa XII có giao Bộ GD&ĐT chủ trì rà soát để chỉnh sửa về vị trí việc làm và số lượng người làm việc chuyên ngành cho phù hợp. Khi Bộ GD&ĐT (chủ trì Thông tư 06/2015) thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Ông NGUYỄN DUY THĂNG, Thứ trưởng Bộ Nội vụ,
phụ trách mảng tổ chức, biên chế
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Nhật ký chống dịch COVID-19 của bác sĩ Việt Nam: Cú sốc chiều giáp tết 'Dù được báo động về nguy cơ dịch trước đó vài tuần nhưng khi trực tiếp đối mặt với hai bệnh nhân, tôi bất ngờ, lo lắng. Tôi không thể tin rằng từ Trung Quốc, loại virus này lại có thể nhanh chóng có tại TP.HCM', bác sĩ Võ Hạnh nhớ lại. Bác sĩ khám cho bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên...