Covid-19: Hà Nội kiến nghị Thủ tướng những vấn đề quan trọng nào?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng của Hà Nội đến Thủ tướng Chính phủ trước những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Sáng 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Hà Nội quyết kiểm soát dịch bệnh
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, cần song hành việc tập trung nguồn lực, thời gian cho công tác tác phòng chống dịch với bảo đảm vận hành thông suốt hệ thống chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại kinh tế, đồng thời tìm những dư địa để duy trì tăng trưởng như Thủ tướng đã nói khi tình hình dịch bệnh ổn định thì “nền kinh tế sẽ bật mạnh như lò xo nén lâu ngày”.
“Hà Nội cam kết với Thủ tướng, Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn để triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng các chính sách mà chính phủ, Thủ tướng ban hành”, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù khó khăn nhưng quý I, Hà Nội đạt tăng trưởng 3,72%; ngân sách của Hà Nội thu được hơn 72.600 tỷ đồng bằng 26% tổng dự toán, đây có thể coi là là tín hiệu phấn khởi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sáng 10/4.
Về nông nghiệp, năm nay TP quyết tâm sẽ đạt khoảng 4%, trên cơ sở đàn lợn tái đàn đưa lên 1,8 triệu con như lúc trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái cơ cấu lại ngành trồng trọt; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau củ quả; Rà soát sử dụng tối đa, triệt để các đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả….
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid -19 ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%. Thứ hai đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Thứ ba, đầu tư công, Thành uỷ sẽ thành lập Ban chỉ đạo, tổ đặc nhiệm để rà soát tất cả các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn.
Theo ông Vương Đình Huệ, trong 5 năm tổng đầu tư công của Hà Nội là 107.300 tỷ đồng, hơn 10% tổng 1 triệu tỷ của cả nước. Trong 4 năm Hà Nội đã phân bổ giải ngân được 80.000 tỷ, bình quân 4 năm giải ngân được 86%. Số còn lại của năm 2020 cộng lại với số còn tồn của những kì trước, Hà Nội có khoảng 37-40.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục giải ngân.
Video đang HOT
Qua rà soát mặc dù ngân sách trên địa bàn có thể giảm 30-33.000 tỷ đồng trong đó ngân sách của TP có thể sụt giảm 10-12.000 tỷ đồng nhưng TP.Hà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công.
Đề nghị tháo gỡ khó khăn các dự án trọng điểm
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kiến nghị một số vấn đề để tháo gỡ những vướng mắc ở Thủ đô để đảm bảo phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Những kiến nghị của Hà Nội rất xác đáng”.
Cụ thể, về tình hình thực hiện các dự án, Bí thư Hà Nội cho biết, năm nay có 125 dự án chuyển tiếp từ năm trước sang năm nay. Ngay trong Quý I đã hoàn thành 25 dự án và sẽ tiếp tục. Còn 84 dự án mới đã khởi công và giải ngân được 30 dự án, còn các dự án đầu tư công mới khác, đã làm xong các thủ tục về đầu tư cũng thủ tục lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công và sẽ giải ngân từ nay đến cuối năm.
Lãnh đạo TP.Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
“TP.Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ ngành giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn của dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông để đưa vào sớm. Các dự án trọng điểm khác đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đẩy nhanh tiến độ”- Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ kiến nghị và cho biết, như vành đai 3 đoạn Mai Dịch đến cầu Thăng Long, Hà Nội cố gắng tháng 9 sẽ hoàn thành dự án này để có công trình chào mừng Đại hội Đảng của TP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị về thể chế và chính sách, đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng quy trình đặc thù về GPMB, như Chính phủ và Thủ tướng cho phép TP.HCM, như vậy sẽ rút được thời gian mấy trăm ngày trong quy trình GPMB.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới…
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ.
Đáng chú ý, tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét tổ chức hội nghị giáo dục và đào tạo để tập trung giải quyết hai nội dung: Cho ý kiến nhất quán và cập nhật liên quan đến rút ngắn thời gian và chương trình về tổ chức học tập, đánh giá kết quả học trong điều kiện thực tiễn hiện nay, điều kiện thi… bởi đây là vấn đề liên quan đến 25-26 triệu học sinh và giáo viên.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là các cơ sở giáo dục công lập hiện nay đã thực hiện tự chủ tài chính thì rất khó khăn do nguồn thu bị sụt giảm và đặc biệt là các lĩnh vực y tế và giáo dục sự nghiệp ngoài công lập.
Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng, ở TP, riêng hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có 46.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
“Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng và sẽ triển khai quyết liệt, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo mức tăng trưởng và an sinh xã hội theo những chỉ tiêu của Chính phủ và Thủ tướng đặt ra” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Thành An
Bí thư Hà Nội: Xử lý nghiêm sai phạm, cương quyết bảo vệ cán bộ tốt
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan trong quá trình kiểm tra phải biết "gạn đục khơi trong", xử lý nghiêm các sai phạm song cũng cần cương quyết bảo vệ cán bộ tốt.
Ngày 7/4, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Đỗ Bá Ly cho biết, thời gian qua, các cuộc kiểm tra, giám sát được chú trọng ngay từ việc khảo sát, nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, đối tượng, xác định không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, ngày 7/4.
Công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, là khâu đột phá nên đã tổ chức quyết liệt, có hiệu quả.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, riêng Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 470 tổ chức đảng và 1.481 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra 67 tổ chức đảng và 230 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 4 Thành ủy viên và 53 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Bên cạnh số đảng viên do các cấp ủy Đảng thi hành kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 915 đảng viên, trong đó Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kỷ luật 36 đảng viên.
Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát còn một số hạn chế, khuyết điểm; xác định 7 nhóm nhiệm vụ thời gian tới; kiến nghị, đề xuất 8 nhóm vấn đề.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo khá đồng đều.
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp TP đã góp phần cùng TP giữ vững an ninh chính trị, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội; được dư luận đánh giá cao, tạo lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra đảng như: Một số quận, huyện còn nhiều vụ việc kéo dài không được giải quyết mà không kiểm tra, xử lý kịp thời cán bộ có liên quan; một số nơi còn chưa chủ động kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến những vụ việc nổi cộm...
Về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần tiếp tục nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của ngành; tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp kiểm tra giám sát, triển khai đồng bộ hiệu quả các biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính, công khai minh bạch kết quả kiểm tra giám sát.
Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra, giám sát chuyên đề, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp TP phải đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm.
Ông Vương Đình Huệ lưu ý, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần phát huy tốt vai trò trong Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy; kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy giải quyết ngay những vụ việc phức tạp ở cơ sở; tập trung củng cố những tổ chức đảng khó khăn, có biểu hiện mất đoàn kết, suy giảm sức chiến đấu; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; không để phát sinh thêm "điểm nóng".
Cùng đó, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự đại hội; phục vụ công tác thẩm tra tư cách đại biểu.
Đồng thời, nhấn mạnh, trong quá trình này, cơ quan kiểm tra của Đảng phải tăng cường công tác giám sát để nhắc nhở, cảnh báo để cán bộ không mắc sai phạm, đồng thời "gạn đục khơi trong", một mặt xử lý triệt để, nghiêm khắc cán bộ sai phạm, mặt khác phải cương quyết bảo vệ cán bộ tốt.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động, phát huy sáng kiến, sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở; nhất là đẩy mạnh việc kiểm tra cách cấp, sẵn sàng xuống tận chi bộ để kiểm tra và ra kết luận đối với những vấn đề, vụ việc nổi cộm để giao cho cấp ủy cấp dưới xử lý.
Thành An
Hà Nội quyết định cách ly y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai ở khách sạn Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định tổ chức cách ly tập trung cho cán bộ, nhân viên y bác sĩ của Bạch Mai tại một khách sạn trên địa bàn Thủ đô nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe lâu dài cho các y bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch dự kiến còn phức tạp, kéo dài. Chiều...