COVID-19 đến 6h sáng 2/11: Thế giới vượt 1,2 triệu người chết; nhiều nước châu Âu phong toả lần 2
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 425.195 ca mắc COVID-19 và 5.100 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên gần 46,8 triệu người, trong đó có trên 1,2 triệu bệnh nhân không qua khỏi.
Nhiều nước châu Âu bắt đầu thực hiện đợt phong toả mới nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm tăng vọt ở mức “kinh khủng”.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ ngày 28/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 46.793.102 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.204.844 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 33.716.915 người, 11.871.343 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.265 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (65.823 ca), Ấn Độ (46.411 ca) và Pháp (46.290 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 493 ca), tiếp theo là Mexico (464 ca) và Mỹ (365 ca).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Szczecin, Tây Bắc Ba Lan ngày 24/10/2020. Ảnh: PAP/TTXVN
Châu Âu: Nhiều nước phong toả lần hai
Tại châu Âu, Nga thông báo ghi nhận thêm 18.665 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 1.636.781 ca mắc COVID-19, trong đó có 28.235 ca tử vong và 1.225.673 ca hồi phục. Nga, cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng kể từ đầu mùa Thu tới nay.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 22/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Đức phong toả đợt 2 từ ngày hôm nay, 2/11
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) cho biết, đợt phong tỏa lần thứ 2 để ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sẽ khiến nền kinh tế này thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý.
Theo tính toán của DIW, ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro, các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm 2,1 tỷ euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỷ euro. Ngoài ra, phần thiệt hại còn lại sẽ thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các công ty hậu cầu và các nhà khai thác rạp chiếu phim.
Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 thời gian gần đây, Chính phủ Đức đã quyết định phong tỏa có giới hạn lần thứ hai bắt đầu từ ngày 2/11. Chính phủ Đức cũng dự kiến chi 10 tỷ euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đợt phong tỏa lần này.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch, ngày 1/11 cơ quan y tế Đức ghi nhận thêm 14.177 ca mắc COVID-19 mới nâng tổng số người bị nhiễm bệnh từ đầu dịch 532.930 ca, 10.481 ca tử vong và khoảng 355.900 người được chữa khỏi.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vienna, Áo ngày 30/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố lệnh phong tỏa mới kể từ ngày 4/11 đối với phần lớn đất nước, yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ trường hợp ra ngoài vì lý do công việc, đi học hoặc mua sắm, đồng thời đề nghị các công ty chuyển sang chế độ làm việc từ xa. Các biện pháp hạn chế mới sẽ áp dụng với 121 thành phố, chiếm khoảng 70% trong 10 triệu dân Bồ Đào Nha, trong đó có các khu vực Lisbon và Porto. Biện pháp mới được công bố một ngày sau khi quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 141.000 ca mắc bệnh và 2.507 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Zagreb, Croatia ngày 31/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Chính phủ Anh thông báo sẽ không loại trừ khả năng gia hạn biện pháp phong tỏa 4 tuần sắp áp dụng với vùng England nếu tỷ lệ lây nhiễm không giảm. Trước đó, ngày 31/10, chính phủ ban bố lệnh phong tỏa xứ England trong 4 tuần sau khi xuất hiện nhiều cảnh báo rằng các bệnh viện sẽ quá tải trong vài tuần tới. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 5/11 tới hết 2/12. Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Anh Michael Gove cho biết chính phủ sẽ duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nếu tỷ lệ lây nhiễm (số người bị lây nhiễm virus từ một người mắc bệnh- R) vẫn ở trên mức 1. Theo lệnh phong tỏa mới áp dụng với xứ England, mọi người được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài để đi làm, đi học hoặc đi thể dục. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh tổng số ca mắc bệnh tại Anh đã vượt ngưỡng 1 triệu ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm gần 22.000 ca mắc mới trong ngày 31/10.
Một quán bar đóng cửa trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm khống chế dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 26/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhận định tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này diễn ra “kinh khủng” đồng thời cảnh báo chỉ có 48 giờ đồng hồ để chính phủ thông qua những hạn chế mới ngăn chặn dịch bệnh lây lan đáng ngại hơn. Trong ngày 31/10, Italy ghi nhận gần 32.000 ca mới mắc COVID-19, con số trong ngày cao kỷ lục kể từ đầu dịch trong khi số ca tử vong mới là gần 300 ca. Tổng số ca tử vong tại Italy vì COVID-19 hiện là 38.618 ca. Trước diễn biến này, Bộ trưởng Speranza nhấn mạnh cần nhanh chóng thông qua những hạn chế mới khi đường cong dịch bệnh vẫn rất cao. Theo ông, một lệnh phong tỏa mới, dù không mở rộng như lệnh phong tỏa áp đặt hồi tháng 3, dường như là lựa chọn duy nhất để kiềm chế số ca nhiễm mới.
Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland vừa thông báo trên Twitter, bà đã đi xét nghiệm và hiện đang tự cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19.
Thuỵ Sĩ: Geneva thực hiện bán phong toả
Ngày 1/11, chính quyền bang Geneva đã quyết định sẽ thực hiện biện pháp bán phong tỏa từ 19 giờ ngày 2/11 đến ngày 29/11 trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn.
Các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục, các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện và các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên, trường học, các điểm bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, siêu thị, các hiệu thuốc, cửa hàng dịch vụ và sửa chữa thiết yếu (chi nhánh ngân hàng, bưu điện, điểm bán hàng của các nhà khai thác viễn thông và giao thông công cộng, hiệu sách, người bán hoa, cửa hàng kim khí, đóng giày, tiệm giặt là, xưởng may, thợ khóa, gara ô tô, cửa hàng bán xe đạp có sửa chữa) vẫn mở cửa và có phương án bảo vệ.
Tình hình dịch bệnh tại Thụy Sĩ diễn biến phức tạp với số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày trên khắp đất nước lên tới hơn 9.000 ca vào cuối tháng 10, khiến chính phủ phải áp đặt các hạn chế trên toàn quốc nhằm kiểm soát sự gia tăng. Các hạn chế mới, bao gồm đeo khẩu trang trong tất cả các không gian kín công cộng, có hiệu lực trên khắp Thụy Sĩ vào ngày 29/10. Các biện pháp khác có thể khác nhau giữa các bang vì 26 bang ở Thụy Sĩ có quyền tự chủ về các vấn đề y tế.
Một quán bar đóng cửa khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được ban hành ở Brussels, Bỉ ngày 30/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Á: Hàn Quốc có kế hoạch giãn cách xã hội mới
Tại châu Á, Hàn Quốc công bố một kế hoạch mới về giãn cách xã hội trên cơ sở 5 mức giãn cách, thay vì 3 mức như trước đây. Kế hoạch mới được đưa ra nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của virus và có hiệu lực từ ngày 7/11. Theo đó, chính phủ chia quốc gia thành 7 khu vực dựa trên trung bình số ca mắc mới mỗi tuần. Các khu vực sẽ được xếp thành 2 nhóm gồm “ưu tiên” hoặc “bình thường” trong khi áp đặt các quy định phòng chống dịch bệnh. Những quy định gồm đeo khẩu trang bắt buộc hay một số quy định quan trọng khác vốn chỉ được áp dụng với nhóm “nguy cơ cao” nay cũng sẽ được áp dụng với tất cả các nhóm. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày thứ 5 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức 3 con số. Hiện tổng số ca bệnh tại nước này là 26.635 ca.
Tiêm phòng cúm cho người dân tại Hiệp hội phát triển y tế Hàn Quốc ở Seoul ngày 23/10/2020. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Iran: Ca tử vong mới cao kỷ lục
Iran cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày 1/11 với 434 ca mới, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên 35.298 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh cũng tăng lên 620.491 ca sau khi ghi nhận thêm 7.719 ca mắc mới trong ngày. Trước đó, ngày 31/10, Iran đã ban bố các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực trong 10 ngày kể từ ngày 4/11 tại 25/30 tỉnh trên cả nước. Để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3, Iran đã cấm các sự kiện như đám cưới, đám ma và hội họp tại vùng thủ đô Tehran và yêu cầu tất cả các trường học, trường đại học và nhà thờ ở trên hầu khắp cả nước đóng cửa.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Lembang,Tây Java, Indonesia, ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Philippines thông báo thêm 2.396 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 383.113 ca. Theo Bộ Y tế Philippines, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã hồi phục là 348.760 người, tăng 17.727 người so với một ngày trước đó. Thêm 17 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 7.238 ca. Indonesia ghi nhận thêm 2.696 ca mắc mới và 74 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 412.784 ca và 13.943 ca. Hiện Indonesia đứng đầu Đông Nam Á về tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19.
Ngày 1/11, Myanmar ghi nhận 699 ca nhiễm mới, nâng tổng bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên tới 53.405, bao gồm 1.258 ca tử vong và 34.189 người đã bình phục.
Tình hình tại Malaysia cũng có chiều hướng xấu đi trong những ngày gần đây. Ngày 1/11, nước này ghi nhận 957 ca mắc mới (cao thứ ba ASEAN), không có ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc mới ở nước này đã là 32.505 ca, trong đó 294 người chết. Trong số 957 ca mắc mới, có hai chùm ca bệnh mới được phát hiện. Bang đông dân nhất là Selangor ghi nhận số ca mắc tăng vọt, lập kỷ lục hàng ngày với 225 ca, chiếm 23,5% tổng số ca mắc mới ngày 1/11 của cả nước.
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lembang, West Java, Indonesia ngày 29/10. Ảnh: THX/TTXVN
Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 1/11 tại khu vực Đông Nam Á là Indonesia với 2.696 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 412.784 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày này cao nhất ASEAN với 74 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 13.943. Trong thời gian qua, Indonesia liên tục là nước có ca mắc và tử vong cao nhất ASEAN. Virus SARS-CoV-2 đã lan tới toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận tới 608 ca mắc mới, cao nhất nước. Tiếp đó là Trung Java với 458 ca, Đông Java với 253 ca, Tây Java với 245 ca, Tây Sumatra với 225 ca.
Trong khi đó, Singapore và Thái Lan đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 là 4 ca trong ngày 1/11. Tại Singapore, 4 ca mới ngày 1/11 đều là ca nhập cảnh và được lệnh ở nhà ngay khi tới Singapore. Ba trong 4 ca không có tiệu chứng. Không có ca mới trong cộng đồng và khu nhà ở của người lao động nước ngoài. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Singapore tới nay là 58.019.
Người lao động nhập cư khai báo tình trạng sức khỏe với nhân viên y tế khi trở lại tìm việc ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 20/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Australia: Không ca mắc mới trong cộng đồng sau gần 5 tháng
Tại Australia, ngày 1/11 đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng sau gần 5 tháng. Theo Bộ trưởng Y tế Australia Minister Greg Hunt, bang Victoria, điểm nóng COVID-19 chiếm hơn 90% ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Australia, thông báo không phát hiện ca nhiễm mới và tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp. Như vậy, đây là lần lần đầu tiên kể từ ngày 9/5, quốc gia châu Đại Dương này không có ca mắc mới trong cộng đồng. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Australia ghi nhận khoảng 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với đa số các những quốc gia phát triển khác.
Mỹ: Ít nhất 31 bang ghi nhận kỷ lục lây nhiễm
Ít nhất 31 tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã ghi nhận ít nhất một ngày lây nhiễm mới kỷ lục trong tháng 10 vừa qua, theo số liệu từ trường Đại học John Hopkins. Ngoài ra, 15 bang ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày do COVID-19.Mức lây nhiễm mới trung bình trong 7 ngày của tuần trước là 78.380 ca, tăng tới 128,2% so với ngày 12/9, ngày có mức tăng ca nhiễm mới thấp nhất của làn sóng hậu mùa Hè. Trong lúc vẫn đang chờ đợi một loại vaccine được lưu hành, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây lan mạnh hơn nữa trong những tháng mùa Đông sắp tới.
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng dịch COVID-19 tại Washington DC, Mỹ ngày 30/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc trường Đại học Washington, tháng 12 sắp tới có thể là tháng tồi tệ nhất về lây lan COVID-19 tại Mỹ. Các bệnh viện có thể sẽ bị quá tải do các ca lây nhiễm tăng mạnh. “Làn sóng Thu/Đông có thể dẫn tới con số tử vong hàng ngày cao gần gấp ba lần hiện nay vào giữa tháng 1/2021″, IHME cảnh báo.
Đại dịch Covid-19 đang thay đổi châu Âu theo cách nguy hiểm
Những xu hướng thay đổi này đều nổi lên từ trước khi Covid-19 bùng phát, nhưng giờ là lúc chúng gia tăng mạnh mẽ và thúc đẩy chủ nghĩa dân túy bài EU.
Dịch Covid-19 vẫn đang ở những chương đầu của một câu chuyện dài và vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động tổng thể của đại dịch. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận thấy rõ 6 xu hướng tiêu cực đối với châu Âu. Những xu hướng này đều đã nổi lên từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng giờ là lúc chúng gia tăng mạnh mẽ và thúc đẩy chủ nghĩa dân túy bài EU.
Một cửa hàng ở Rome treo biển đề nghị chính phủ Itaky trợ giúp mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Ảnh: EPA
Toàn cầu hóa đảo ngược
Covid-19 khiến nhiều người có lý do để kêu gọi sự độc lập (về kinh tế) nhiều hơn. Từ rất lâu trước khi dịch bệnh ập đến, đã có nhiều người kêu gọi ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược và tái bố trí chuỗi cung cấp (theo hướng chuyển quy trình sản xuất các mặt hàng về nước gốc của công ty). Điều này xuất phát 1 phần từ chính trị: các chính sách bảo hộ của chính quyền Donald Trump đang đe dọa chuỗi cung cấp toàn cầu và việc Anh theo đuổi Brexit "cứng".
Yếu tố kinh tế cũng quan trọng: sự khác biệt về tiền lương (nhân công) giữa các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và các nước giàu đang ngày càng thu hẹp, giảm bớt lợi thế của việc sản xuất ở nước khác.
Giờ đây, các lo ngại về an ninh cung cấp thuốc, các thiết bị y tế và thậm chí cả các linh kiện chủ chốt cho ngành công nghiệp ô tô, cùng với sự nghi ngờ ngày càng lớn đối với các công ty Trung Quốc, đã thúc đẩy việc các nước tìm cách đưa chuỗi sản xuất về nội khối châu Âu hoặc nội địa từng nước.
Xu hướng chính trị "quốc gia trước tiên"
Một số nước châu Âu hiện nay có sức ảnh hưởng hơn, quyền lực hơn so với các thể chế EU. Hàng chục năm qua, các thể chế này đã mất dần sự ủng hộ của một số nước thành viên, làm giảm dần quyền lực mà EU từng giành được.
Trong khi đó, các nước thành viên cũng không ngừng củng cố vị thế của mình trong những thời điểm khó khăn. Họ đã làm điều đó 10 năm trước, trong các cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu và khủng hoảng Eurozone, khi đó họ đã phải cung cấp tiền cứu trợ các nước khó khăn.
Giờ đây, họ lại làm điều đó một lần nữa. Ủy ban châu Âu đã phải gặp nhiều khó khăn trong việc đoàn kết 27 thành viên và để phối hợp các giải pháp đối phó với Covid-19, không chỉ vì hầu hết các sức mạnh chính về y tế, chính sách tài khóa và các đường biên giới ở cấp độ quốc gia mà còn vì nhiều người đang chờ đợi vào các nhà lãnh đạo quốc gia đi đầu trong việc giải quyết các khó khăn.
Kiểm soát chặt chẽ hơn các đường biên giới
Liên minh châu Âu đã đẩy mạnh việc kiểm soát các đường biên giới bên ngoài của khu vực đi lại tự do Schengen từ năm 2015, khi làn sóng di cư và tị nạn lần đầu tiên tăng lên mức báo động. Một số nước thậm chí đã dựng các chốt kiểm tra biên giới bên trong khu vực Schengen.
Tình trạng khẩn cấp y tế đã làm gia tăng sự nghi ngờ đối với người nước ngoài hồi tháng 3 vừa qua và các nước khu vực Schengen của EU đã đóng cửa đường biên giới bên ngoài với những người đi lại không vì mục đích quan trọng.
Thêm trở ngại khác đối với việc đi lại trong khu vực Schengen cũng đã nổi lên. Ở một chừng mực nào số điểm các nước sẽ kiểm soát tốt hơn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhưng họ sau đó sẽ càng lo ngại hơn về việc mở cửa đường biên giới Schengen.
Đòn mạnh đối với các chính sách xanh
Đại dịch Covid-19 sẽ làm gia tăng sự phản đối đối với các chính sách vốn được đặt ra nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Trước khi dịch Covid-19 tới, các đảng theo chủ nghĩa dân túy như Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển, AfD ở Đức, Nigel Farage ở Anh và lực lượng áo vàng ở Pháp đã tận dụng sự phản đối đối với các chính sách xanh như một công cụ để lôi kéo sự ủng hộ.
Nhiều cử tri có tiêu chuẩn sống bị giảm đáng kể cũng sẽ không muốn công việc của mình, thu nhập của mình bị tác động thêm nữa từ các biện pháp được thiết kế nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp khí hậu. Các nhà lãnh đạo EU khẳng định kế hoạch của họ về kiềm chế phát thải carbon là bất khả xâm phạm. Nhưng với một "vết cắn" của suy thoái, áp lực sẽ ngày càng gia tăng, buộc họ phải giảm bớt các chương trình xanh.
Căng thẳng Đông-Tây
Trong vài năm qua, căng thẳng Đông-Tây đã khiến Hungary, Ba Lan và đôi khi một số nước Trung Âu khác bất đồng với phần còn lại của EU.
Họ bất đồng về việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư và tị nạn, trong đó một số nước Đông Âu từ chối tiếp nhận thêm; bất đồng về các mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon, trong đó các nước phía đông có xu hướng phụ thuộc vào than đá; cùng những bất đồng về các quy tắc pháp luật và thể chế khác...
Covid-19 đang khoét sâu thêm những rạn nứt. Trung Âu lo ngại rằng họ sẽ mất tiền từ ngân sách EU cho các nước phía Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh.
Rạn nứt Bắc-Nam
Dịch Covid-19 cũng khoét sâu thêm những rạn nứt Bắc-Nam - vốn nổi lên trong cuộc khủng hoảng eurozone 10 năm trước. Đức, Hà Lan và các đồng minh phía Bắc khi đó miễn cưỡng trợ giúp các nước phía Nam gặp khó khăn.
Giờ đây, dịch Covid-19 tấn công EU một cách bất đối xứng. Các nước phía Nam, đặc biệt là Italy và Tây Ban Nha, hứng chịu thiệt hại về nhân mạng nặng nề hơn so với các nước khác, bắt đầu cuộc khủng hoảng hiện nay với mức nợ công cao hơn và phụ thuộc vào các ngành công nghiệp như du lịch vốn dĩ bị ảnh hưởng một cách thảm hại.
Họ muốn có sự đoàn kết từ phía Bắc với ý tưởng về "trái phiếu châu Âu" (eurobond): EU với tư cách là một tổng thế sẽ huy động tiền và sau đó chi tiền cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà lãnh đạo EU đông ý thiết lập một quỹ phục hồi để hỗ trợ khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng tiền nhiều khả năng sẽ được cung cấp theo hình thức khoản vay hơn là tài trợ, vì các nước phía Bắc vẫn phản đối việc tài trợ tiền quy mô lớn cho các nước phía Nam, dù các nước này đã vượt trần nợ công.
Tính "keo kiệt" này xuất phát từ sự phản đối của các cử tri phía Bắc đối với việc tài trợ. Nhưng nó lại là trở thành cái cớ cho các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy như Matteo Salvini, ở Italy. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy 49% người Italy muốn rời khỏi EU.
Không khu hướng nào trong số 6 xu hướng kể trên được hoan nghênh. Nếu châu Âu thúc đẩy sự độc lập quá xa, nó sẽ làm suy yếu các lợi ích mà thương mại đem lại cho toàn bộ lục địa. Đóng cửa các đường biên giới bên trong khu vực Schengen hay các đường biên giới của mình, một khi Covid-19 đã được kiểm soát, sẽ không đạt được nhiều điều. Và khi EU đang phải đối mặt với các thách thức xuyên quốc gia như sự suy thoái kinh tế, một đại dịch, biến đổi khí hậu, thì lại càng cần các thể chế trung tâm mạnh mẽ.
Các nhà lãnh đạo EU cũng không nên đi chậm lại các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu. Những bất đồng Đông-Tây đang báo động và không thể được giải quyết bằng cách chịu đựng sự bất tuân các quy tắc pháp luật. Đối với sự chia sẽ Bắc-Nam, ECB có thể đảm bảo Italy và các thành viên phía Nam khác ở trong eurozone. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị của một sự chia rẽ không được giải quyết có thể sẽ vô cùng khó chịu, làm gia tăng làn sóng bài EU trên khắp khối và thậm chí có thể khiến một nước nào đó rời EU hay tời eurozone.
Virus tấn công toàn bộ lãnh thổ 11 múi giờ của Nga Virus corona đã tấn công tất cả khu vực trên lãnh thổ rộng lớn kéo dài 11 múi giờ của nước Nga, trong đó Moscow là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 50% số ca nhiễm bệnh. Tuần qua, Nga liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus corona tăng kỷ lục, và hiện trở thành quốc gia có số...