Covid-19 để lại vết sẹo hằn sâu, con đường nào cho phát triển bền vững?
Sự tăng trưởng sẽ khó có thể quay trở lại trạng thái mạnh mẽ như trước đây và dịch Covid-19 có thể để lại “những vết sẹo lâu dài” cho nền kinh tế.
Khi đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, việc phong toả và thực hiện cách ly xã hội có thể được nới lỏng ở một vài nơi, nhưng phải nhìn nhận một thực tế đó là không dễ để giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Những nét phác họa về một tương lai khi Covid-19 không còn chi phối nhiều đời sống của chúng ta ngày càng rõ rệt, đặc biệt là tại châu Á.
Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế
Sự tăng trưởng sẽ khó có thể quay trở lại trạng thái mạnh mẽ như trước đây và dịch bệnh có thể để lại “những vết sẹo lâu dài” cho nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng cũng sẽ dịch chuyển. Thương mại sẽ bị cản trở bởi mong muốn của cả các chính trị gia và các nhà quản lý nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng.
Đưa việc sản xuất các bộ phận, chi tiết quan trọng về “gần nhà hơn” có vẻ như là một cách làm tốt để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các trung tâm sản xuất khác ở châu Á, để tránh trường hợp rơi vào tình huống bị gián đoạn không thể lường trước. Ngay cả khi virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì các nước đều có “bản năng” đảm bảo nguồn cung an toàn bằng việc thúc đẩy sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm có thể phải đối mặt với lực cản mạnh hơn trong những tháng tới và thậm chí có thể là những năm tới. Việc làm bị mất đi do dịch bệnh không thể nhanh chóng phục hồi: phải mất nhiều năm để mở rộng việc làm nhưng chỉ vài tuần hoặc vài tháng để đánh mất tất cả nỗ lực.
Chẳng hạn như ở Mỹ, con số việc làm bị mất đi kể từ giữa tháng 3 năm nay thậm chí còn lớn hơn số việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm vào tháng 5 vừa qua thì nó vẫn ở rất gần mức cao kỷ lục.
Ở châu Á, tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động cũng rất nghiêm trọng: 60% người lao động ở Ấn Độ làm việc trong khu vực phi chính thức, ít được bảo vệ và khi xảy ra biến cố họ cũng chẳng thể chờ mong nhiều vào trợ cấp tiền lương. Một trong những quy luật không thay đổi trong kinh tế đó là việc làm mất đi không thể phục hồi với tốc độ tương đương.
Điều này đồng nghĩa với việc sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm sút trong một thời gian dài. Và câu chuyện còn đi xa hơn thế. Việc tích lũy nợ tiêu dùng trong những năm gần đây đã khiến nhiều người mua bị cạn kiệt về tài chính.
Video đang HOT
Ngay cả ở Trung Quốc – một trong những quốc gia tiết kiệm nhất, số nợ ở hộ gia đình đã tăng mạnh và năm ngoái đã vượt qua Đức. Nhưng ngay cả với những người tránh được nợ nần, họ có thể còn hạn chế chi tiêu hơn. Sau tất cả, cuộc khủng hoảng đã chỉ ra một thực tế, đó là việc việc làm có thể nhanh chóng mất đi như thế nào và chi phi chăm sóc sức khỏe có thể tăng nhanh ra sao. Chính vì thế, việc người dân tiết kiệm hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Các gia đình sẽ tính toán kỹ hơn cho những thứ được coi là không thiết yếu, từ việc ăn nhà hàng cho đến các chuyến du lịch…
Động lực tăng trưởng
Với sự suy yếu trong hoạt động thương mại và việc người tiêu dùng rút ít chi tiêu hơn, vậy những gì sẽ còn lại để thúc đẩy tăng trưởng?
Đầu tư, cả công và tư. Chính sách có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư công và chúng ta nên nắm bắt cơ hội. Đầu tư công trong nhiều năm đã không đạt được những gì cần thiết để duy trì sự tăng trưởng và thịnh vượng. Ngay cả với Trung Quốc, trong thời gian dài nước này tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng hơn là các lĩnh vực khác và gần như không theo kịp với nhu cầu tăng nhanh.
Phần rõ ràng nhất là cơ sở hạ tầng “mềm” như chăm sóc sức khỏe. Đầu tư cho các bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão là rất cần thiết. Đặc biệt, khi dân số già đi nhanh chóng thì nhu cầu chăm sóc y tế sẽ ngày càng tăng.
Giáo dục cũng trở nên quan trọng hơn. Nếu loài người muốn duy trì những tiến bộ của các thế kỷ gần đây, hoặc đơn giản là bảo đảm tăng trưởng năng suất thì mức độ giáo dục ngày càng cao hơn là yêu cầu cần thiết cho tất cả mọi người.
Xã hội không thể để tài nguyên nhàn rỗi. Các khoản đầu tư lớn là cần thiết để cho phép các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phát huy được tài năng của họ.
Có thể thấy, tiến bộ kinh tế trong những năm gần đây ở hầu hết các quốc gia, đã vượt qua sự mở rộng của cơ sở vật chất hạ tầng vật lý như đường sá, cầu cống, công trình xử lý nước, tàu điện ngầm… nhưng hiện tại là cơ hội để chúng ta hướng đến con đường phát triển bền vững hơn.
Để hướng tới điều này, phải đặt vấn đề đảm bảo môi trường bền vững lên trước tiên. Biến đổi khí hậu trong một vài năm có thể gây ra nhiều thương vong hơn đại dịch Covid-19. Sự khan hiếm nước sạch, chất lượng không khí kém và cạn kiện tài nguyên đã và đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với việc duy trì sự thịnh vượng và hạnh phúc.
Với những vấn đề nêu trên, những người hoài nghi sẽ có phản bác khi cho rằng việc tăng chi tiêu công không thể đáp ứng nổi. Nhưng chúng ta không thể không hành động bởi nếu không đầu tư thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ thu được lợi nhuận./.
Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra tình hình khó khăn của nông dân do dịch covid-19
Ngày 4/6, Đoàn kiểm tra giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 T.Ư do ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hưng Yên.
Hỗ trợ kịp thời, dân phấn khởi
Địa điểm đầu tiên Đoàn công tác đến khảo sát là hộ ông Hoàng Xuân Thụ - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Trong đợt dịch vừa qua, ông Thụ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/3 tháng cùng nhiều gạo, nhu yếu phẩm... "Là đại dịch lớn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhưng chúng tôi được hỗ trợ rất kịp thời nên bà con rất phấn khởi"- ông Thụ chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN trao quà cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Trần Quang
Cùng được nhận hỗ trợ trong đợt dịch vừa qua, hộ gia đình ông Vũ Huy Hồng, bà Vũ Thị Trường (ở thôn 1, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu) thuộc diện hộ nghèo nên được hỗ trợ gần 4 triệu đồng cùng nhiều gạo, nhu yếu phẩm.
Khi đến thăm, nghe chủ hộ kể về hoàn cảnh của gia đình, các thành viên trong đoàn công tác rất xúc động. Hộ ông Hồng có 4 khẩu, vợ chồng ông cũng thường xuyên đau ốm, bệnh tật, mọi nguồn thu của gia đình chỉ có gần 3 sào ruộng trũng cấy lúa, vụ được mùa, vụ mất trắng. Nắm bắt được hoàn cảnh hộ ông Hồng và các gia đình khó khăn khác ở địa phương, xã Ông Đình đã khẩn trương trích ngân sách xã để hỗ trợ ngay cho bà con, gồm cả tiền mặt và nhu yếu phẩm từ nguồn xã hội hóa.
Bà Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ông Đình cho biết, tính đến nay, xã đã rà soát và chi hỗ trợ cho 511 đối tượng với số tiền 598 triệu đồng. Trong số này, đối tượng người có công là 90; người hưởng trợ cấp là 197; người nghèo là 97; hộ cận nghèo là 97... "Trong quá trình hỗ trợ, địa phương cũng cử các đoàn giám sát chặt chẽ, minh bạch để tránh tình trạng hỗ trợ trùng lặp, tiêu cực, trục lợi chính sách. Nhờ cách làm bài bản, khoa học nên đến nay các công việc đều diễn ra thuận lợi..."- bà Yến khẳng định.
Cần bổ sung đối tượng được hỗ trợ
Góp ý thêm với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hoành - Bí thư Đảng ủy xã Ông Đình đề nghị, đoàn công tác nên đề nghị bổ sung thêm đối tượng chi hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ, lẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Trong thời điểm dịch, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của bà con rất khó khăn và gần như không bán được nông sản nên thu nhập bị "cắt đứt" ngay. Chính vì thế, đối tượng này đang rất mong nhận được hỗ trợ để hồi phục sản xuất"- ông Hoành kiến nghị.
Tiếp thu các phản hồi của người dân, các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên, các thành viên của đoàn công tác hứa sẽ tiếp thu và bổ sung các góp ý, kiến nghị của bà con, cán bộ xã, huyện, tỉnh Hưng Yên vào báo cáo trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời hỗ trợ địa phương.
Ông Nguyễn Duy Hưng -Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, là địa phương bị ảnh hưởng kép vừa chống dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19, trong khi nguồn kinh phí dự phòng của các xã, huyện của tỉnh chỉ có 200 tỷ đồng nên Hưng Yên rất khó khăn trong bố trí kinh phí.
Theo ông Hưng, để giải quyết tạm thời, Hưng Yên đã phải trích tiền từ quỹ tiền lương để chi trả cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
"Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư có hỗ trợ kinh phí và đưa ra các văn bản hướng dẫn để địa phương trong việc rà soát, hỗ trợ các đối tượng còn lại để sớm chi trả hỗ trợ cho bà con"- ông Hưng đề nghị.
Trong đợt trao tiền từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã có gần 111.000 người thuộc 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền trên 131,5 tỷ đồng; trong đó có trên 20.000 người có công với cách mạng; trên 42.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và gần 46.000 đối tượng bảo trợ xã hội.
Qua kiểm tra, giảm sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở các đại phương ở Hưng Yên, các thành viên của đoàn công tác đánh giá rất cao các kết quả mà tỉnh này trong việc phòng, chống đại dịch cũng như việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Nguyễn Xuân Định nhận định: Dù gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống đại dịch cũng như việc rà soát hỗ trợ bà con nhưng đến nay Hưng Yên đã và đang làm rất tốt mọi việc, nhất là công tác hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Biểu dương cách làm của Hưng Yên, trưởng đoàn công tác cho rằng: Dù là địa phương bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch nhưng tỉnh vẫn duy trì và đạt tăng trưởng tốt về kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong công tác chi trả hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các xã, huyện của tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cách làm hay, độc đáo cần được nhân rộng như công tác tuyên truyền, minh bạch số hộ nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, Hưng Yên đã chủ động ứng ngân sách chi trả trước cho các hộ rất kịp thời hiệu quả.
"Đặc biệt, Hưng Yên cũng chủ động kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân rất tốt. Hơn nữa, tỉnh đã đặt mua gạo của nông dân để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đây là cách làm rất hay, vì vừa tiêu thụ được sản phẩm cho người sản xuất, vừa có gạo ngon hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn" - ông Định khẳng định.
Đẩy mạnh kết nối giao thương 3 tỉnh Lâm Đồng Bình Thuận Ninh Thuận Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận năm 2019 và ký kết thỏa thuận hợp tác năm 2020. Theo đó, Hội nghị sẽ diễn ra vào chiều ngày 19/6/2020, tại TP. Đà Lạt. Tham...