Covid-19 đẩy nhiều bộ lạc thổ dân Amazon vào nguy cơ tuyệt chủng?
Không còn nơi nào trên thế giới có thể giúp chúng ta trốn tránh khỏi virus SARS-CoV-2, kể cả đó là những khu vực hoang dã, hẻo lánh nhất thế giới nằm sâu trong rừng Amazon.
Và thật không may, dịch Covid-19 cũng đang tàn phá các cộng đồng thổ dân thưa thớt sống trong khu vực rừng Amazon, đẩy toàn bộ nền văn hóa và dân số của các nhóm thổ dân này đến bờ vực nguy hiểm.
Tổ chức Y tế Pan American (PAHO) ước tính rằng có ít nhất 20.000 trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện tại lưu vực sông Amazon, lưu vực sông lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng thổ dân, bao gồm các bộ lạc sống biệt lập và chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Tuần trước, PAHO từng cảnh báo rằng những thổ dân “dù sinh sống ở các bản làng biệt lập, thiếu thốn các thiết bị y tế, hay tại các thành phố đông dân, sẽ phải chịu một tác động không cân xứng” nếu các bước giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh không được tiến hành nhanh chóng.
Một trong những khu vực được PAHO xem là đặc biệt khó khăn là bang Amazonas của Colombia, nằm sát biên giới với Brazil, hiện đang là nước có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ 2 thế giới. Julio López, chủ tịch của Tổ chức Người bản địa khu vực Amazon [OPIAC], cho biết các bộ lạc bản địa trong khu vực có nguy cơ tuyệt chủng nếu cuộc khủng hoảng y tế tại nước này còn tiếp diễn.
Các bộ lạc bản địa vùng Amazon đang đối diện với nguy cơ tuyệt diệt vì Covid-19 (Ảnh: Daily Beast)
“Chúng tôi có thể phải đối mặt với sự biến mất của toàn bộ nền văn hóa của mình. Những người lớn tuổi đang chết dần, và lối sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm,” ông Lopéz cho biết với Daily Beast, “Do bị phong tỏa, các thửa ruộng không được ai chăm sóc và chúng tôi cũng không thể canh tác trên chúng. Vậy chúng tôi sẽ lấy gì để ăn khi mùa mưa đến?”
Trụ sở chính của OPIAC nằm ở thủ phủ Leticia của bang Amazonas, một thành phố khoảng 50.000 dân nằm trên ngã ba sông Tres Fronteras và là giao điểm của biên giới 3 nước Colombia, Brazil và Peru. Do các bộ lạc thổ dân đã sống ở đây từ rất lâu trước khi biên giới các quốc gia được hình thành, họ thường ít chú ý đến sự phân chia nhân tạo như vậy trong vùng đất tổ tiên của họ. Nhiều gia đình thổ dân thường sống ở nước này nhưng lại canh tác nông nghiệp ở nước khác. Điều này đã góp phần không nhỏ vào những hạn chế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Leticia nói riêng, cũng như của bang Amazonas nói chung.
“Bảo vật quốc gia”
Cho đến nay, số dân bản địa sống tại các đô thị ở Amazonas vẫn phải phụ thuộc vào các lô hàng gạo, ngũ cốc và các nhu yếu phẩm khác từ các khu vực ở sâu trong Brazil. Sự hình thành các tuyến giao thông xuyên biên giới như vậy đồng nghĩa với việc Amazonas đang có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người thuộc dạng tồi tệ nhất ở Colombia.
“Tình hình ở Amazonas rất đáng lo ngại, do sự tập trung của số ca nhiễm và nguồn lực y tế khá hạn chế”, bác sĩ Alfonso Rodríguez-Morales, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm của Colombia, cho biết, “Tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người tại đây đang cao gấp 22 lần so với tại Thủ đô Bogota.”
Việc thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị y tế ở Amazonas đồng nghĩa với việc tỷ lệ lây nhiễm thực sự ở đây có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu từ chính phủ. Các nhân viên y tế tại Leitica tiết lộ có tới hàng chục trường hợp tử vong chưa qua điều trị có khả năng liên quan đến dịch Covid-19. Thành phố này chỉ có một bệnh viện nhỏ và thậm chí không có đơn vị chăm sóc chuyên sâu, với một máy thở duy nhất nhưng giờ đã bị hư hỏng.
Các bộ lạc thổ dân, vốn được xem như “bảo vật quốc gia” của Colombia, đang lâm vào tình thế nguy hiểm(Ảnh: Getty)
Video đang HOT
Số bệnh nhân ngày càng tăng trong thành phố và các khu vực xa xôi khác tại bang Amazonas thuộc nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau, như Huitoto, Moru, Ocaina và Bora.
“Tôi đã nhiều lần thỉnh cầu chính phủ Bogota cho máy bay đến di tản người dân của chúng tôi đến các thành phố khác, với các cơ sở y tế tốt hơn và nhiều máy thở hơn,” ông Lopez nói, “Tuy nhiên, họ đã không có bất kỳ động thái giúp đỡ nào.”
Cách Leticia chỉ vài tiếng lái xe, phòng khám tại làng Puerto Nario mới xác nhận thêm 46 trường hợp nhiễm Covid-19. Do phòng khám chỉ có một giường bệnh duy nhất, nên những bệnh nhân ốm yếu nhất được gửi đến thủ phủ bang Amazonas thông qua một chiếc thuyền cứu thương có thể chở hai người một lúc.
“Nơi đây vốn là một thiên đường du lịch, địa điểm ưa thích của những vị khách nước ngoài” bác sĩ Diane Rodriguez, một nhân y tế tại Puerto Nario, cho biết. “Tuy nhiên, bất chấp doanh thu từ các chuyến du thuyền trên sông, thám hiểm rừng rậm hay tham quan các ngôi làng thổ dân trong nhiều thập kỷ qua, ngân sách của bang vẫn hoàn toàn trống rỗng, các nguồn lực quan trọng đang trở nên khan hiếm và hệ thống y tế thì xập xệ.
Vì thế, những thổ dân, vốn được coi như ‘bảo vật quốc gia’ tại Colombia, hiện đang lâm vào tình thế nguy hiểm.”
Những điều kiện cơ bản
Nhiều thổ dân Amazon rất ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế hiện đại (Ảnh: TIME)
Thật không may, sự thờ ơ của giới chức tại Colombia là điều không có gì mới. Những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khiến các nhóm thổ dân đặc biệt dễ bị nhiễm Covid-19 là hậu quả của nhiều năm bị chính phủ bỏ rơi.
Theo giáo sư nhân chủng học Bret Gustafson tại Đại học Washington, những thổ dân tại Nam Mỹ ít được tiếp cận với các hệ thống chăm sóc sức khỏe, và phải chịu các chứng bệnh dài hạn, mãn tính với các triệu chứng đi kèm.
“Họ thiếu khả năng tiếp cận với việc điều trị khi bị tác động bởi Covid-19, và thiếu phương tiện để tự cách ly hoặc cách ly một cách hiệu quả khi bị nhiễm bệnh,” ông Gust Gustafson nói, “Tất cả những điều này đã gia tăng những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới các bộ lạc thổ dân .”
Khi không thể tiếp cận các phương pháp điều trị, cơ sở y tế hiện đại, việc thổ dân chuyển sang các phương pháp chữa bệnh truyền thống là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nhiều bộ lạc thổ dân Amazon phải dùng các phương pháp truyền thống để chữa trị Covid-19 (Ảnh: Mecro Press)
“Những thổ dân lớn tuổi thường lưu truyền các phương pháp chữa ho và cảm lạnh bằng rễ gừng và các loại thảo dược khác, họ coi chúng như những cách tốt nhất có thể chữa Covid-19,” chủ tịch của OPIAC Julio López cho hay.
Một vấn đề khác là tình trạng khan hiếm lương thực. Do chính phủ Colombia vốn đang áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kể từ tháng 3 cho đến nay, nhưng không có những biện pháp cứu trợ để đi kèm, điều này đã buộc nhiều thổ dân, vốn phụ thuộc phần lớn vào nghề làm ruộng, phải lựa chọn giữa việc bị bỏ đói hoặc liều mạng để có thức ăn.
“Chúng tôi khó có thể ra ngoài cày cấy các thửa ruộng của mình mà không bị xử phạt,” Lilia Tapayuri, một thành viên hội đồng thổ dân ở Puerto Nario, cho biết, “Rồi đây, những cơn mưa sẽ đổ xuống và làm ngập các cánh đồng, và chúng tôi sẽ chẳng thể thu hoạch bất cứ thứ gì để nuôi sống bản thân.”
Di sản từ người già
Tất cả những yếu tố trên đang gây thiệt hại lớn không chỉ đối với số dân bản địa tại Colombia, mà còn đặt cả các giá trị văn hóa truyền thống và ngôn ngữ của họ vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Sự sống còn của một số phương ngữ cổ xưa, vốn chỉ giới hạn trong các cộng đồng thổ dân nhỏ lẻ, đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
“Toàn bộ nền văn hóa bản địa có nguy cơ tuyệt chủng,” ông Lopéz cho hay, “Các bài hát và câu chuyện truyền miệng, cùng các nghi lễ và ngôn ngữ độc đáo, có thể sẽ biến mất vĩnh viễn.”
Người dân thuộc bộ tộc Kokama tại tang lễ tộc trưởng Messias, 53 tuổi, người mới qua đời do nhiễm Covid-19 (Ảnh: Reuters)
Nhà nhân chủng học Gustafson cũng có những nỗi lo tương tự:
“Ở mức độ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người cao tuổi, dịch Covid-19 đang làm chết dần chết mòn những con người có khả năng bảo tồn ngôn ngữ và kiến thức truyền thống của bộ lạc mình.”
Đối với những câu chuyện lịch sử chỉ được biết qua các thành ngữ và phần lớn không được ghi chép lại, những mất mát như vậy không khác gì tận thế.
“Kiến thức của những cao tuổi là tất cả mọi thứ đối với chúng tôi,” ông López cho hay. “Đánh mất họ là chúng tôi đang tự đánh mất chính mình.”
Dịch COVID-19 lan tới Amazon, đã có thổ dân đầu tiên mắc bệnh
Nổi tiếng với cuộc sống biệt lập giữa Amazon xa xôi, bộ tộc Yanomami cũng không thể 'trốn' khỏi virus SARS-CoV-2 khi vừa ghi nhận ca dương tính đầu tiên.
Thổ dân Yanomami trong rừng Amazon - Ảnh: BRITANNICA
Theo The Guardian, bệnh nhân là thiếu niên 15 tuổi, bắt đầu có biểu hiện khó thở, tức ngực và đau họng từ ngày 3-4. Đến ngày 7-4, xét nghiệm chính thức cho kết quả dương tính.
Theo chính quyền bang Roraima (Brazil), từ khi trường học tạm đóng cửa vì dịch COVID-19, cậu thiếu niên đã trở về khu vực dành riêng cho người Yanomami trong rừng Amazon.
Hiện tại cậu đang được điều trị tại bệnh viện ở Boa Vista, thủ phủ bang Roraima. Tiểu bang này cũng là một trong những địa phương thổ dân Yanomami tập trung sinh sống đông nhất.
Ca dương tính mới đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận trong cộng đồng Yanomami. Ở 3 bang cùng sở hữu rừng Amazon là Para, Amazonas và Roraima, tổng cộng 7 bệnh nhân đang điều trị COVID-19.
Người Yanomami rất dễ bị ảnh hưởng bởi các dịch bệnh từ bên ngoài - Ảnh: AFP
Các chuyên gia y tế cộng đồng từng cảnh báo khu vực sinh sống của các bộ tộc vùng Amazon ở Brazil, Peru và Venezuela là nơi dễ bị tổn thương nhất nếu virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Dù sống gần như biệt lập nhưng những căn bệnh truyền nhiễm từ bên ngoài đưa vào làng như sởi, đậu mùa, cúm đã gây thiệt hại to lớn cho cộng đồng thiểu số này. "Virus khi đến được các bản làng, con số tử vong sẽ rất lớn", bác sĩ Sofia Mendona (Brazil) cho biết.
Trong khi đó, ông Luiz Henrique Mandetta - bộ trưởng Bộ Y tế Brazil - thông tin, phòng nguy cơ vỡ trận tại các khu vực dân tộc thiểu số, ngành y tế sẽ tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh mạnh tay hơn gấp 3 lần tại vùng Amazon.
Từ những năm 1980, chính quyền Brazil dành riêng một khu vực trong rừng Amazon rộng gần 85.000km2 - tương đương diện tích đảo Ireland - cho người Yanomami sinh sống.
Nhiều năm qua, khu vực này thường bị những tay đào vàng trái phép xâm phạm, ước tính số lượng hơn 22.000 tên, phá hủy cây cối và để lại nhiều rác thải nguy hại.
Những nhóm đào vàng trộm tác động tiêu cực đến môi trường sống của thổ dân vùng Amazon - Ảnh: REUTERS
Trên trang tin Amazônia Real (Brazil), các già làng Yanomami cho rằng chính những con mèo hoang của phường đào vàng trộm là tác nhân truyền virus SARS-CoV-2 đến cộng đồng của họ, khoảng 26.000 người.
Brazil hiện là nhà của hơn 800.000 cư dân thuộc 300 dân tộc thiểu số. Tuần rồi, nước này chính thức ghi nhận ca dương tính với thổ dân đầu tiên, là bệnh nhân 20 tuổi người Kokama.
Tính đến sáng 9-4, Brazil là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch COVID-19 ở Mỹ Latin với 16.188 ca mắc và 820 trường hợp tử vong.
HOÀNG THI
Số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt, Brazil đối mặt tuần đen tối Brazil đang bước vào tuần lễ khó khăn khi các ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến, với hàng chục nghìn người nhiễm bệnh mỗi ngày. Hôm 25/5, Bộ Y tế Brazil ghi nhận 15.813 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số ca mắc nCoV ở nước này lên hơn 363.000. Số người thiệt mạng do virus ở Brazil hiện...