COVID-19 có thể khiến nửa tỷ người trên toàn thế giới rơi vào nghèo đói
Tổ chức từ thiện Oxfam cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến nửa tỷ người trên toàn thế giới rơi vào cảnh nghèo đói.
Tổ chức từ thiện Oxfam hôm 9/4 cho biết, dịch COVID-19 có thể đẩy khoảng nửa tỷ người vào tình trạng nghèo đói. Đến nay dịch bệnh này đã khiến hơn 83.000 người thiệt mạng và tàn phá các nền kinh tế trên thế giới.
“Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay diễn ra nhanh chóng, sâu hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các ước tính cho thấy, bất kể kịch bản nào xảy ra, nghèo đói toàn cầu có thể gia tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990″, Oxfam cho biết, đồng thời nhấn mạnh điều này có thể khiến một số quốc gia trở lại mức nghèo khổ cách đây ba thập kỷ.
Người vô gia cư sống trong lều tạm ở Los Angeles.
Dự báo được tổ chức từ thiện Oxfam công bố trước cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)/Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra vào tuần tới, trong đó tính toán tác động của cuộc khủng hoảng từ đại dịch đối với nghèo đói toàn cầu do thu nhập hoặc tiêu dùng gia đình bị thu hẹp.
Oxfam dự báo về một số tình huống, có tính đến các mức nghèo khác nhau được xác định bởi Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, diện nghèo đói cùng cực – được định nghĩa là sống với mức sống 1,90 USD/ngày hoặc ít hơn, và diện nghèo khổ cao hơn với mức chi tiêu dưới 5,50 USD/ngày.
Trong kịch bản xấu nhất – thu nhập giảm 20% – số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ sẽ tăng thêm 434 triệu người lên 922 triệu người trên toàn thế giới. Kịch bản tương tự sẽ chứng kiến số người sống dưới ngưỡng 5,50 USD/ngày tăng thêm 548 triệu người lên gần 4 tỷ.
“ Những người nghèo nhất không thể nghỉ làm, họ không có các khoản dự trữ“, Oxfam cảnh báo, cho biết hơn 2 tỷ lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới không có điều kiện, đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc y tế khi ốm đau.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết số người nghèo đói ở Đông Á, khu vực Thái Bình Dương có thể tăng thêm 11 triệu nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Để giúp giảm thiểu tác động từ dịch COVID-19, Oxfam đề xuất kế hoạch hành động 6 điểm nhằm cung cấp các khoản trợ cấp bằng tiền mặt và cứu trợ cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu.
Bên cạnh đó, kế hoạch này của Oxfam cũng kêu gọi các nước giàu xóa nợ, IMF hỗ trợ nhiều hơn và tăng viện trợ. Đánh thuế mạnh vào những lĩnh vực kinh daonh siêu lợi nhuận và các sản phẩm đầu cơ tài chính nhằm giúp gây quỹ cần thiết.
Video: Việt Nam có đỉnh dịch và khi nào đạt đỉnh?
Trong những tuần gầy đây, nhiều lời kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã khiến các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đối mặt với nhiều khó khăn.
Tổng cộng, chính phủ các nước trên thế giới sẽ cần huy động ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển vượt qua khó khăn từ đại dịch.
“Các nước giàu đã chỉ ra rằng tại thời điểm khủng hoảng này, họ có thể huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế của chính họ. Tuy nhiên, nếu các nước đang phát triển không thể đối phó với các ảnh hưởng về sức khỏe và kinh tế do dịch COVID-19 gây ra thì cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục và nó sẽ gây ra tác hại lớn hơn cho tất cả các nước, giàu và nghèo”, Oxfam cho hay.
KÔNG ANH
Cách ly thời COVID, người vô gia cư Mỹ nằm trên nền đất bãi đỗ xe
Dư luận tại Las Vegas (Mỹ) đã lên tiếng chỉ trích tình trạng nhiều người vô gia cư tại thành phố này phải nằm trên nền đất một bãi đỗ xe ở thời điểm dịch COVID-19 lây lan.
Người vô gia cư ngủ trên nền đất bãi đỗ xe ở Las Vegas. Ảnh: Reuters
Tờ Guadian (Anh) ngày 31/3 cho biết chính quyền Las Vegas đã buộc phải tìm kiếm địa điểm bổ sung làm nơi tá túc cho lượng người vô gia cư khá lớn của thành phố này sau khi một nhà tạm trú 500 giường đã phải đóng cửa do nhân viên dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19.
Do vậy, lực lượng chức năng đã chuyển bãi đỗ xe tại sân bóng chày Cashman làm nơi tạm trú cho người vô gia cư. Bãi đỗ xe được kẻ thành các ô có khoảng cách 2 mét đảm bảo quy tắc giãn cách xã hội và trên nền đất là những chiếc thảm màu xanh.
Nhưng trên mạng xã hội lại xuất hiện hình ảnh người vô gia cư nằm trên nền đất gần sát nhau, điều này đã gây tranh cãi.
Những thảm màu xanh được trải trên nền đất bãi đỗ xe. Ảnh: Getty Images
Người phát ngôn của Las Vegas cho biết thành phố đang triển khai mở địa điểm khác thay thế sau khi một nhà tạm trú có nhân viên nhiễm COVID-19 và nhà tạm trú còn lại không còn chỗ trống. Trong khi đó, sân bóng chày Cashman lại được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến khi các bệnh viện quá tải. Do vậy, các quan chức đã lựa chọn bãi đỗ xe tại đây dành cho người vô gia cư.
Tình trạng vô gia cư vẫn là vấn đề nan giải tại bang Nevada nơi vẫn còn 6.500 người sống trên đường phố.
Tính đến 31/3, tại Mỹ ghi nhận 164.655 ca nhiễm và 3.177 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Hà Linh
Bệnh viện Mỹ lựa chọn chữa trị bệnh nhân Covid-19 theo thứ tự ưu tiên nào? Một y tá bị hen, một ông cụ bị ung thư, một nam giới vô gia cư đều nhiễm Covid-19... tất cả đều cần máy thở để duy trì sự sống. Nhưng ai sẽ được ưu tiên dùng máy trong tình trạng thiếu hụt như hiện nay? Theo AP, các nhân viên y tế Mỹ hãi hùng nghĩ tới viễn cảnh tàn khốc...