Covid-19 có thể gây tử vong gấp 10 lần cúm mùa
Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cảnh báo Covid-19 có thể gây tử vong cao gấp 10 lần cúm mùa.
“Sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh và mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn so với hiện tại”, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia nói tại Ủy ban Cải cách và Giám sát Hạ viện Mỹ, ngày 11/3.
Ông cảnh báo tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao ít nhất gấp 10 lần so với cúm theo mùa, ngay cả khi tỷ lệ tử vong giảm dưới mức ước tính hiện tại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 3,4%. Fauci phân tích, tỷ lệ tử vong do cúm mùa là 0,1%. Ước tính ban đầu của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 2%. Nếu tính trên tổng số người có thể nhiễm bệnh nhưng chưa được chẩn đoán, tỷ lệ này còn 1%, vẫn cao gấp 10 lần so với cúm mùa.
Các nhân viên chuẩn bị khử trùng tại Viện dưỡng lão Life Care Center ở Seattle, Washington ngày 11/3. Ảnh: AP
Theo Fauci, sự bùng phát Covid-19 tại Mỹ tồi tệ đến mức nào tùy thuộc vào hai điều: dòng người nhiễm bệnh đến từ các quốc gia khác và khả năng khống chế dịch bệnh trong nước. Vaccine ngừa dịch Covid-19 phải gần một năm nữa mới có thể đưa vào sử dụng. Do đó, không thể đưa ra dự đoán về việc bao nhiêu người Mỹ có thể nhiễm nCoV. Con số này hoàn toàn phụ thuộc vào cách Mỹ đối phó với dịch bệnh như thế nào.
Video đang HOT
“Mỹ nên hạn chế sự lây lan Covid-19 từ nước ngoài và có các biện pháp ngăn chặn trong nước, bao gồm hạn chế các sự kiện tụ tập đông người. Nếu chủ quan và không kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, số người nhiễm bệnh có thể tăng lên đến hàng triệu”, tiến sĩ Fauci nhấn mạnh.
Tính đến ngày 12/3, Covid-19 xuất hiện ở hơn 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 126.000 ca bệnh, hơn 4.600 ca tử vong. Nếu các ca nhiễm mới nCoV hàng ngày đang giảm mạnh ở Trung Quốc thì lại bùng phát nhanh chóng tại các khu vực khác trên thế giới.
Italy hiện ghi nhận hơn 12.000 bệnh nhân, 827 người tử vong. Tại Iran, nCoV lây nhiễm hơn 9.000 người, làm 354 người tử vong. Mỹ ghi nhận hơn 1.200 ca, thủ đô Washington D.C và 23 bang đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tổ chức Y Tế Thế giới công bố “Covid-19 là đại dịch” và kêu gọi các nước quyết liệt đối phó.
Lê Cầm (Bloomberg, CNBC/vnexpress.net)
Các chuyên gia: Thời tiết ấm hơn có làm dịch Covid-19 dừng lại?
Một số chuyên gia cảnh báo, vẫn phải cảnh giác với dịch Covid-19 dù cho thời tiết ấm hơn. SARS-CoV-2 có nhiều đặc điểm khác cúm mùa.
Trong bối cảnh số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang không ngừng tăng lên trên toàn thế giới, một số nghiên cứu cho rằng thời tiết mùa xuân ấm áp hơn hay mùa hè ở Bắc bán cầu có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.
Kiểm tra thân nhiệt một nam giới ở Peru. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng nhấn mạnh "sức nóng, nói chung, sẽ tiêu diệt loại virus này". Tuy nhiên nhiều nhà khoa học cảnh báo không nên có hi vọng quá sai lầm rằng cúm này sẽ hoạt động giống như cúm mùa và dừng lại khi nhiệt độ tăng lên.
Trên tờ South China Morning Post, các nhà khoa học ở Trung Quốc sau một loạt các thí nghiệm phát hiện ra rằng, tốc độ lan truyền của SARS-CoV-2 phụ thuộc vào mùa và nhiệt độ. Tổng hợp các báo cáo thời tiết trong tháng 1 ở Trung Quốc và một số quốc gia khác cho thấy đỉnh điểm của đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 xảy ra vào những ngày mà nhiệt độ trung bình là 8,72 độ C. Nhiệt độ tăng ít nhất vài độ sẽ dẫn đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Nghiên cứu cũng chỉ ra nhiệt độ có thể tác động đến con người, môi trường sống và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng về mặt lây lan và kiểm soát dịch bệnh. Khí hậu cũng có thể là một trong những lý do tại sao virus bùng phát mạnh ở Vũ Hán của Trung Quốc. Chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Beirut, Lebanon Hassan Zaraket cũng nhận định, có thể thời tiết ấm hơn, ẩm hơn sẽ khiến virus Corona kém ổn định hơn. Do đó ít lây truyền hơn giống như trường hợp với các mầm bệnh virus khác.
Mặc dù vậy nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng những giả định này phần lớn xuất phát từ việc so sánh Covid-19 với bệnh cúm thông thường. Trong khi đó khả năng lây lan và mức độ nghiêm trọng của Covid-19 lớn hơn nhiều.
Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế thế giới Michael Ryan cũng nhận định không nên có hi vọng sai lầm về virus sẽ biến mất vào mùa hè: "Chúng tôi phải thừa nhận rằng virus sẽ tiếp tục lan rộng và sai lầm khi hi vọng nó sẽ biến mất vào thời điểm mùa hè giống như cúm mùa. Chúng ta hi vọng điều đó xảy ra nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra. Chúng ta phải chống lại virus ngay bây giờ chứ đừng sống với hi vọng virus có thể tự biến mất".
Nghiên cứu của một nhóm tác giả trường Đại học Havard gần đây cũng cho thấy, virus có thể sống trong các điều kiện nhiệt độ và độ ẩm đa dạng - từ các tỉnh lạnh và khô ở Trung Quốc, đến các địa điểm nhiệt đới, như khu tự trị Choang Quảng Tây ở phía nam xa xôi của Trung Quốc hay Singapore. Do đó, chỉ dựa vào thời tiết, như sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm của các tháng mùa xuân hay hè ở Bắc Bán cầu sẽ không giúp giảm các trường hợp lây nhiễm nếu không không thực hiện các can thiệp y tế cộng đồng rộng rãi.
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, nhiều nước châu Á tăng cường biện pháp ngặn chặn dịch lây lan.
Tại Indonesia, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết chính quyền thành phố đã chuẩn bị kịch bản "tồi tệ nhất" với 6.000 trường hợp nhiễm Covid-19 tại thủ đô. Indonesia sẽ áp dụng mô hình phòng chống dịch bệnh lây lan được các nước như Singapore, Việt Nam, và New Zealand triển khai, theo đó triển khai biện pháp phòng ngừa, cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 ngay từ đầu để có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch. Chính phủ Lào cũng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và lưu ý giữ khoảng cách với những người bị ho.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này đã kêu gọi hoãn mọi sự kiện tập trung đông người sau khi ghi nhận ít nhất 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến một sự kiện tôn giáo tại thủ đô Kuala Lumpur với sự tham gia của khoảng 10.000 người, trong đó có nhiều người nước ngoài. Nước láng giềng Singapore hiện cũng đang điều tra và xác định các công dân có tham gia sự kiện này./.
Theo VOV
Nguy cơ trở thành đại dịch Hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Tính đến tối qua, đã có 116.160 ca nhiễm và 4.088 trường hợp tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu. Cảnh sát canh gác ở Rome, Ý ngày 10.3 - Reuters AFP dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom...