COVID-19: Bác sĩ Việt từ Nhật trở về xin tự nguyện cách ly dù… vẫn khoẻ
Một bác sĩ trẻ đang học tập ở Nhật Bản đã tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về việc cách ly bắt buộc khi trở về Việt Nam và quyết định sẽ xin tự nguyện cách ly ngay khi nhập cảnh dù sức khỏe hiện vẫn tốt.
Theo chia sẻ trên trang facebook cá nhân, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết ông nhận được tin nhắn từ một bác sĩ trẻ đang dự khóa học nâng cao trình độ ở Nhật Bản, hỏi về việc “những người Việt Nam từ Nhật Bản trở về có bị cách ly bắt buộc không”.
“Tôi bảo cách ly bắt buộc mới chỉ áp dụng cho người Việt từ Hàn Quốc trở về. Nhưng nếu dịch COVID-19 tiến triển theo chiều hướng xấu hơn tại Nhật thì rất có thể quy định này sẽ được áp dụng cả với những người đến từ Nhật Bản”, ông Vũ Mạnh Cường thông tin.
Vị bác sĩ trẻ cho biết đã sang Nhật được gần 3 tuần, ngày nào cũng được đo thân nhiệt, được chụp X-quang ngực thẳng. Hiện tại không ai trong các học viên có dấu hiệu bị bệnh. Và anh sẽ trở lại Việt Nam sau một tuần nữa.
Theo tình hình hiện nay vị bác sĩ này chưa phải đối tượng cần cách ly bắt buộc, tuy nhiên anh vẫn muốn chủ động cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh. Anh muốn tìm hiểu trong trường hợp của anh thì nên cách ly theo hình thức nào là tốt nhất, “tham gia cách ly luôn sau khi nhập cảnh vào Nội Bài hay trở về tỉnh nhà để tự cách ly?”
Trước băn khoăn của vị bác sĩ trẻ, ông Vũ Mạnh Cường đã đưa ra lời khuyên: “nếu cậu muốn thì nên đề nghị được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh ở Nội Bài. Hà cớ gì đi xe về tỉnh để phải băn khoăn về những người đi cùng xe. Sau khi nhập cảnh, những người thuộc diện cách ly sẽ được Kiểm dịch Quốc tế sân bay Nội Bài và y tế Hà Nội hướng dẫn. Hà Nội đang có 2 địa chỉ cách ly tập trung là Bệnh viện Công an và Trường Quân sự ở Sơn Tây”.
Cuối cùng vị bác sĩ trẻ quyết định khi anh từ Nhật Bản về vào đầu tháng tới, sẽ chủ động tham gia cách ly luôn.
Video đang HOT
Có thể nói quyết định của vị bác sĩ là một hành xử rất văn minh, hiểu rõ vấn đề, nguy cơ và có trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Với tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID – 19) gây ra với tốc độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, việc cách ly nhằm ngăn ngừa phơi nhiễm hoặc nghi ngờ mắc bệnh là việc làm vô cùng cấp thiết.
Hiện tại những người nhập cảnh từ Hàn Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ công bố có dịch, sẽ được áp dụng biện pháp như với Trung Quốc, hạn chế và khuyến cáo không vào Việt Nam; thực hiện khai báo y tế khi vào Việt Nam, và thực hiện cách ly tập trung theo qui định. Đồng thời, cũng khuyến cáo công dân Việt Nam không đến vùng có dịch và nếu vì lý do nhất thiết phải đi thì khi trở về, nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 27/2, ngoài 119 người cách ly tập trung ở Bệnh viện Công an TP tại Hà Đông (29 người đã kết thúc cách ly, hiện còn 90 người đang thực hiện cách ly tập trung tại đây) thì có 429 người cũng được cách ly tập trung tại trường quân sự Sơn Tây. Như vậy, hiện nay Hà Nội đang cách ly 519 người.
An Lê
Theo Kiến thức
Bác sĩ Trung Quốc bị kết tội vì lên tiếng đầu tiên cảnh báo sự nguy hiểm của virus Corona
Người trong hình là một bác sĩ bình thường ở Vũ Hán, tên ông là Li Wenliang. Giờ ông được cả thế giới biết đến, vì là người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Vũ Hán, bị chính quyền thành phố này vùi dập và nay được Tòa án Tối cao Trung Quốc trả lại thanh danh.
Vào một ngày cuối tháng 12/2019, bác sĩ này phát hiện căn bệnh lạ đã lây tới 7 bệnh nhân trong viện, và cảnh báo cho các những người cùng trường y. "(Họ) bị cách ly trong phòng cấp cứu rồi", bác sĩ Li Wenliang, gửi một nhóm chat vào ngày 30/12.
"Sợ quá", một người trả lời. "Dịch SARS quay trở lại à?" - ý nói tới đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc năm 2002 đã làm tử vong tổng cộng 800 người. Ngay trong đêm, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán gọi bác sĩ Li tới, hỏi vì sao ông đã chia sẻ thông tin đó. Ba ngày sau, ông Li buộc phải ký giấy thừa nhận đó là hành vi phạm pháp. Cảnh sát tuyên bố điều tra 8 người vì phát tán tin đồn về đợt bùng phát.
Nhưng tin của bác sĩ Li đã bị đồn ra ngoài. Kế đó 27 bệnh nhân nhiễm bệnh. Bác sĩ Li, vốn là bác sĩ nhãn khoa, quay lại làm việc sau khi bị phê bình. Ngày 10/1, ông điều trị một bệnh nhân tới khám bệnh tăng nhãn áp. Ông không biết bệnh nhân này đã nhiễm virus corona, khả năng là từ con gái. Cả hai mẹ con sau đó đổ bệnh. Rồi đến bác sĩ Li. Và có cả những người từ chợ Hải sản Vũ Hán.
Bác sĩ Li 34 tuổi và có một con. Ông và vợ sắp có con thứ hai mùa hè này, và ông đang hồi phục trong bệnh viện. Trả lời phỏng vấn New York Times qua tin nhắn, ông cho biết cảm thấy giận dữ vì các hành động của cảnh sát. "Nếu các quan chức đã công khai thông tin về dịch bệnh sớm hơn. Tôi nghĩ đã có thể tốt hơn rất nhiều. Lẽ ra phải mở hơn và minh bạch hơn", ông viết.
Bác sĩ Li đang điều trị vì nhiễm Corona
Không chỉ mình bác sĩ Li, khi đó các nhà khoa học ở Viện Virus học Vũ Hán, bao gồm Zheng-Li Shi, từng tham gia chống dịch SARS, đang nghiên cứu mẫu bệnh từ các bệnh nhân đầu tiên. Trong khi người dân chưa biết về virus, bà và các cộng sự nhanh chóng chắp nối thông tin, phát hiện ra virus này liên quan tới SARS. Cấu trúc gene của chủng virus corona mới cho thấy nó có thể cùng vật chủ là dơi. Có khả năng chủng virus corona mới đây đã đi theo con đường tương tự, có thể đã đi qua chợ hải sản Hoa Nam hoặc một chợ khác.
Cùng thời điểm đó, bác sĩ Li và các chuyên gia khác ở Vũ Hán bắt đầu cảnh báo các đồng nghiệp. Lu Xiaohong, Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện thành phố số 5, nói với tờ China Youth Daily cách đây vài ngày rằng từ ngày 25/12, bà đã nghe thông tin căn bệnh lạ đã lây giữa các nhân viên y tế, tận ba tuần trước khi giới chức thừa nhận điều đó. Lúc đó, bà không công khai điều mình biết, nhưng đã cố cảnh báo riêng một ngôi trường nằm gần khu chợ khác.
Tuần đầu tháng 1, khoa cấp cứu bệnh viện số 5 bắt đầu đông bệnh nhân, bao gồm các ca lây giữa thành viên trong gia đình, rõ ràng cho thấy virus corona có thể lây được từ qua tiếp xúc giữa người với người. Vẫn ít ai biết chủng virus mới này nghiêm trọng đến thế nào, cho tới khi đã quá muộn, theo bà Lu Xiaohong.
Cũng trong tuần đầu tháng 1, ở Viện Virus học Vũ Hán, bác sĩ Shi, người từng tham gia chống dịch SARS, đã tách được đoạn gene di truyền, đặt cho nó cái tên viết tắt 2019-nCoV, rồi công bố phát hiện của mình trên cơ sở dữ liệu công khai để giới khoa học mọi nơi có thể nghiên cứu. Phát hiện này cho phép giới khoa học khắp thế giới nhanh chóng vào cuộc để nghiên cứu công cụ xét nghiệm virus.
Nhưng giới chức Vũ Hán và Hồ Bắc đã không lắng nghe tiếng nói của sự thật và khoa học. Họ bưng bít, coi thường, cho đây là một căn bệnh bình thường. Thêm vào là ý kiến sai lầm của các chuyên gia y tế tới từ Bắc Kinh cho rằng dịch không lây từ người qua người.
Cho tới ngày 18/1, sau khi dịch càng ngày càng gia tăng thì chuyên gia số 1 về truyền nhiễm của Trung Quốc, anh hùng chống dịch Sars của xứ này là bác sĩ Chung Nam Sơn mới được cử đi Vũ Hán. Ông tới vào ngày 18/1, và giọng điệu trong các tuyên bố của lãnh đạo Vũ Hán nhanh chóng thay đổi. Một buổi họp của tỉnh Hồ Bắc kêu gọi các nhân viên y tế ưu tiên căn bệnh lạ này. Tài liệu nội bộ của Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán cảnh báo nhân viên rằng virus corona có thể lây qua nước bọt.
Hai ngày sau, 20/1, hơn một tháng kể những ca đầu tiên, những lo ngại âm ỉ cuối cùng đã bùng lên trong mắt công chúng, Tiến sĩ Chung Nam Sơn tuyên bố trên truyền hình quốc gia là chắc chắn virus corona lây từ người sang người. Tệ hơn nữa, một bệnh nhân đã lây bệnh cho 14 nhân viên y tế. Lãnh đạo Trung Quốc khi đó mới lên tiếng về dịch bệnh, yêu cầu các quan chức ưu tiên bảo vệ người dân, và nhấn mạnh sự minh bạch về số ca bệnh.
Sau sự kiện này, giới chức Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán và Hồ Bắc mới bắt đầu hành động. Khi ấy, mới có ba ca tử vong. Gần hai tuần sau, số ca tử vong đã tăng lên 361 ca và tiếp tục tăng phi mã. Mọi hành động chống dịch chạy đua với tử thần chưa từng có đang diễn ra tại xứ này. Và giờ mọi thông tin đều phải công khai.
3 tuần đã trôi qua trong phí hoài, trong giấu diếm, để khi công khai thì dịch đã bung bét ra rồi. Không chỉ còn là khủng hoảng của 1 thành phố Vũ Hán hay một tỉnh như Hồ Bắc, mà là thảm họa toàn cầu. Thảm họa khiến thế giới có thể lao đao và Trung Quốc đang tan hoang vì đình trệ cuộc sống và nền kinh tế khi chống dịch.
Nguyễn Thị Bích Hậu
Theo canhco.net
Bác sĩ TQ đầu tiên cảnh báo về virus Corona đã nhiễm bệnh Bác sĩ Li Wenliang từng bị cảnh sát Vũ Hán bắt giữ vì là người đầu tiên đưa ra cảnh báo virus Corona và giờ đây bác sĩ này cũng đã nhiễm virus. Bác sĩ Li đã có những cảnh báo về virus từ ngày 30.12.2019. Theo Daily Star, bác sĩ Li cảnh báo "về tình trạng cách ly do virus" và gửi...