Cover ca khúc cũ khiến nhạc Việt đi lùi?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Smelod và Trịnh Thăng Bình đều cho rằng các ca khúc remake/ cover đều có sức sống cũng như giá trị riêng.
Thị trường âm nhạc đang bị đánh giá là thiếu vắng các ca khúc mới chất lượng. Trong lúc này, nhiều sản phẩm remake hoặc cover lại chiếm ưu thế trên thị trường. Cả người làm nhạc lẫn người nghe nhạc đều đang thong thả hoài niệm với những bài hát đình đám một thời.
Xu hướng cover/remake ở thị trường nhạc Việt
Vài tháng trở lại đây, các ca khúc cũ được phát hành có xu hướng tăng mạnh, áp đảo về mặt số lượng trên các nền tảng âm nhạc. Các bài hát được làm mới khá đa dạng, từ những bài nhạc ngoại đặt lời đến các ca khúc thuần Việt. Từ những bài ra mắt cách đây vài năm, cho đến những bài có tuổi đời tính bằng thập kỷ.
Các hình thức làm mới cũng phong phú. Có khi là những bản cover, như Nếu lúc trước em đừng tới (Khải Đăng), Những lời dối gian (Vicky Nhung), Khoảnh khắc (Dương Edward), Ngày chưa giông bão (Tùng Dương), Khi giấc mơ về (Uyên Linh)… Hoặc có những series remake cũng được đầu tư như Reply 1990 (Trịnh Thăng Bình), Quang Vinh Retreat…
Tùng Dương gây chú ý với bản cover ca khúc Ngày chưa giông bão. Ảnh: Tùng Dương.
Những hình thức làm lại các bài hát cũ, thường được gọi chung trong hai khái niệm: Remake hoặc cover.
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa giải thích: “Cover thường được dùng để chỉ một phiên bản mới của bài hát và được thể hiện lại bởi một người khác, mang màu sắc khác so với bản gốc. Thường phiên bản cover sẽ đơn giản hơn bản gốc, như chúng ta thấy ở các bản cover acoustic. Còn nếu ca sĩ chính hát lại bài của mình sau nhiều năm thì gọi là remake. Hoặc cũng có thể là những phiên bản làm mới lại đầy mạnh mẽ, khác biệt bài hát lâu năm, có độ phổ biến cao. Đôi khi có thể coi một bản remake là cover, nhưng không có trường hợp ngược lại”.
Cũng dễ hiểu khi phần lớn các ca khúc được phát hành thời gian gần đây đều là “bổn cũ soạn lại”. Không phải lúc nào dòng chảy âm nhạc cũng thuận lợi cho các sáng tác mới, nhất là trong những ngày tháng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đình trệ như hiện nay.
Lúc này, nhạc remake/cover chiếm lợi điểm bởi chi phí thấp, điều kiện thực hiện dễ dàng. Nhiều ca sĩ lựa chọn phát hành sản phẩm dạng trên để hâm nóng hoặc giữ nhiệt tên tuổi. Hiện tại, hai hình thức được lựa chọn nhiều nhất là acoutis cover và lofi cover.
Bảo Anh trở lại âm nhạc với Moodshow, một performance video thể hiện các ca khúc nhạc ngoại lời Việt theo phong cách khác lạ.
Cover/remake là lười biếng?
Nhạc sĩ, producer Smelod, người thực hiện nhiều dự án cover và remake cho các ca sĩ, nói: “Cảm xúc của nghệ sĩ không phải lúc nào cũng đủ mới mẻ, dồi dào để làm được những sản phẩm mới. Chưa kể, họ cũng có những bài hát yêu thích riêng và muốn thể hiện khi có thời gian. Do đó, nhiều bài cover chỉ để thỏa mãn sở thích, không hẳn là chiến lược gì to lớn gì”.
Tiêu chí để lựa chọn những ca khúc cũ làm mới lại thường phải là bài từng được yêu thích rộng rãi, đã có chỗ đứng trong lòng công chúng. Việc này sẽ giúp phiên bản mới dễ thu hút nhóm người hâm mộ cũ của tác phẩm, tạo hiệu ứng số đông.
Thường khi biên tập, ca sĩ sẽ lựa trong số những bài hát nổi tiếng, ca khúc nào mà bản thân họ yêu thích, hoặc có ý tưởng mới trong việc làm lại. Ngoài ra, đó nên là những ca khúc chưa được cover nhiều, vậy sẽ tránh được nhàm chán và trùng lặp.
Từng có ý kiến cho rằng nếu sa đà vào việc làm lại các bài hát cũ sẽ khiến âm nhạc bị tẻ nhạt, nhàm chán. Thậm chí một vài nhận định gay gắt nói đó là bước lùi của âm nhạc.
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cho biết đôi khi các bản remake được xem là cover, nhưng không có trường hợp ngược lại.
Nhưng nhiều người trong nghề lại có quan điểm rằng bất cứ một sáng tạo mới nào cũng là bước tiến, dù sáng tạo đó dựa trên những tài nguyên sẵn có. Các bản cover nếu mang lại sức sống mới, cảm giác mới cho người nghe, vẫn có giá trị về mặt âm nhạc.
Nhạc sĩ Smelod chia sẻ thêm: “Các ca khúc cover thường là bài rất hay của các bậc tiền bối. Đó đều là bài hát có thẩm mỹ âm nhạc cao. Khi làm lại những bài này, thị trường sẽ có thêm sản phẩm âm nhạc đẹp và văn minh để người nghe được tiếp xúc. Còn hơn những bài hát mới nhưng không chất lượng, không có giá trị nghệ thuật”.
“Để một bản cover hiệu quả, phải tạo được sự cuốn hút cả về giọng hát lẫn bản phối và cả cách dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Phiên bản cover vẫn là một sản phẩm yêu cầu người ca sĩ và nhà sản xuất đầu tư chất xám, không phải là phần việc làm hời hợt cho qua là được”, Smelod nói thêm.
Nói về vấn đề thị trường âm nhạc sẽ đi lùi nếu ca sĩ “nghiện” cover, nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Thăng Bình nêu quan điểm: “Nếu mình chỉ cover vì mình thích, để mọi người nghe cho vui thì không ảnh hưởng gì, không có gì phải lên án. Còn nếu chúng ta cover với tư tưởng rằng đây là sản phẩm chính thống để mang tên tuổi của mình đến với khán giả, như một ca khúc của cá nhân, thì không nên. Tôi tin các đồng nghiệp xung quanh mình không ai xem việc cover là mục tiêu sự nghiệp, nên mọi người cũng đừng quá lo”.
Thực tế âm nhạc là cảm xúc. Vậy nên ca khúc cũ hay mới không quan trọng bằng việc ca khúc đó tạo ra cảm xúc như thế nào cho người nghe. Khi những bản cover/remake mang lại được sự hoài niệm, thích thú, hay gây ngạc nhiên cho khán giả, thì bản cover/remake ấy đã đủ giá trị để tồn tại.
Trịnh Thăng Bình khẳng định không nghệ sĩ, ca sĩ nào chọn cover/remake làm hướng đi chính trong sự nghiệp.
'Em hát ai nghe' - Có đáng nghe?
Em hát ai nghe của Orange vừa "trải qua" 1 tuần khá đặc biệt với kết quả hoàn toàn trái ngược trên 2 bảng xếp hạng âm nhạc đình đám của nhạc đại chúng tuần 38 (từ 20 đến 26/9/2021) là nhac.vn và #zingchart.
Theo đó, ca khúc này bị rớt khỏi top 10 BXH #zingchart trong khi lại đứng ở vị trí quán quân BXH nhac.vn.
Ngóng
Mới đây, tình cờ được nghe một ca sĩ trẻ ở Hà Nội cover Em hát ai nghe trong một chương trình ca nhạc ghi hình, thấy lạ và muốn tìm nghe bản gốc nên tôi đã tìm đến kênh YouTube cá nhân của nghệ sĩ mang tên Orange Singer Official. Sở hữu lượng subscribers là 185k, không quá nhiều so với những gương mặt đình đám khác, nhưng cho tới thời điểm này, sau hơn 1 tháng phát hành, Em hát ai nghe đạt được số lượt xem lên tới trên 7 triệu - một con số đáng kể. Đáng chú ý, ca khúc từng đứng vị trí top 1 thịnh hành trên YouTube khi đạt được khoảng 3,7 triệu lượt xem sau 1 tuần ra mắt và thu hút.
Orange và Khương Lê trong "Em hát ai nghe"
Trong khi đó, Em hát ai nghe cũng đã xuất hiện ở vị trí thứ 7 trong Top 10 BXH #zingchart tuần thứ 33 (từ 16 đến 22/8) và phải 1 tuần sau đó mới xuất hiện trong Top 10 nhưng lại ở vị trí rất cao (thứ 2) BXH nhac.vn. Ca khúc này liên tục giữ vị trí cao trên BXH nhac.vn như vị trí quán quân các tuần 35, 37 và 38. Trong khi ở #zingchart thì có nhiều biến động hơn, tuần 35 đứng ở vị trí thứ 7, tuần 37 đứng thứ 10, thậm chí tuần 36 đã bị rớt Top 10 và tuần 38 này lại tiếp tục rớt Top 10.
Tất nhiên, cách nghe nhạc trên không gian mạng và trong các BXH cũng chỉ phản ánh phần nào mức độ hấp dẫn của ca khúc. Tuy nhiên, rõ ràng sự đón nhận của người nghe trên các nền tảng khác nhau, các phân khúc khác nhau cũng có những sự chênh lệch nhất định. Cho nên, việc ca khúc hấp dẫn hay không, đáng nghe hay không có lẽ phần nhiều vẫn phụ thuộc vào cảm nhận từ chính mỗi khán giả.
Ngắm
Người viết khá chú ý đến phần bình luận của khán giả bên dưới ca khúc trên kênh YouTube cá nhân của Orange. Trong đó, có những bình luận dài tới hơn 300 chữ để nói về căn bệnh giả tưởng được gọi tên là hanahaki - đại loại là yêu đơn phương nhưng theo cách rất riêng, và kết luận "căn bệnh giả tưởng này chỉ xuất hiện trong các tác phẩm văn học và âm nhạc" nhưng "cảm giác đau đớn, dằn vặt, khó thở là có thật". Và nó "không hề lạ lẫm với những ai từng trong hoàn cảnh như vậy" (tài khoản Ngọc Trịnh bình luận).
Orange trong MV "Em hát ai nghe"
Tò mò tìm hiểu thêm chút thì được biết, hanahaki là gọi theo cách của người Nhật. Đây đúng là căn một bệnh giả tưởng, tức là không có thật. Nó thường xuất hiện trong các sáng tác truyện tranh, thơ ca và âm nhạc của người Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng phổ biến nhất là ở Nhật Bản. Căn bệnh này bắt nguồn từ mối tình đơn phương. Người mắc bệnh phải lòng một ai đó nhưng không dám bày tỏ, chỉ chịu đựng một mình. Nhiều khi chính đối tượng mà người mắc bệnh thích cũng không hề hay biết.
Nói một cách nôm na dễ hiểu, căn bệnh này ở Việt Nam cũng có từ xa xưa, các cụ ta thì gọi theo cách rất đáng yêu đó là tương tư hoặc ốm tương tư. Nhà thơ Nguyễn Bính từng khẳng định "Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" trong bài thơ lấy đúng tên Tương tư . Bài thơ này đã gieo vào lòng những trái tim yêu những câu thơ không thể nào quên: "Tương tư thức mấy đêm rồi/ Biết cho ai hỏi ai người biết cho" hay "Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau". Rồi cũng tự mình ướm gần, ướm xa: "Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng" và tự mình thắc mắc: "Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?".
Và dựa trên nguồn cảm hứng từ căn bệnh ốm tương tư này, ê-kíp sản xuất đã xây dựng nội dung hình ảnh trong Em hát ai nghe. Đó là một câu chuyện tình buồn giữa một cô gái (Orange) với một chàng trai (diễn viên Khương Lê vào vai). Cái hay là cách xử lý hình ảnh cho nội dung câu chuyện tạm gọi theo lối "cổ tích hóa". Trong MV, cô gái đi xuyên không gian lạc vào cánh rừng của thế giới cổ tích bằng một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, cô gái đi qua thời gian với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông để mải miết đi tìm bóng hình chàng trai mà mình đang yêu đơn phương.
Có thể nói MV sử dụng màu sắc gợi cho người xem đậm chất cổ tích, huyền thoại. Phần ánh sáng được xử lý đẹp mắt. Phần hình ảnh của các nhân vật xuất hiện trong MV cũng được xử lý một cách kỹ lưỡng, tạo nên hiệu quả đẹp mắt, đáng xem, dễ chiếm được cảm tình của khán giả, nhất là giới trẻ.
MV "Em hát ai nghe":
Nghe
Để xây dựng được mạch nội dung cho câu chuyện bằng hình ảnh của MV, ca khúc có phần lời khá ổn. Không rơi vào sự gò bó trong vốn từ vựng khi viết ca từ, câu chuyện được kể khá "trơn". Bắt đầu bằng sự ví von đầy hình tượng để nói đến tâm trạng buồn bơ vơ của người con gái yêu đơn phương: "Cỏ cây héo trong mơ màng/ Cũng như em mà/ Giây phút em ngỡ ngàng/ Hóa ra người chẳng từng thương lấy em".
Câu chuyện buồn được tiếp tục kể trên nền nét giai điệu đã kể từ trước đó, như khắc họa rõ nét hơn tâm trạng của cô gái: "Phải thêm biết bao thất vọng/ Để thôi hy vọng/ Trái tim người sẽ rung động/ Lệ đắng, duyên tình đắng". Nỗi buồn chưa hết, mà vẫn còn tiếp diễn với nét giai điệu đã có thêm bước phát triển tiếp theo: "Trời mang khúc ca đau buồn/ Trút ngàn sầu muộn/ Lâu rất lâu chưa tạnh/ Hoa chưa tàn nhưng gió nỡ nào cuốn đi". Và tiếp nữa: "Đơn côi cô quạnh mình em với em/ Bầu trời trót kéo mây đen/ Đứng trên niềm riêng em rối bời/ Chỉ thể cất lời xót thương".
Đoạn điệp khúc là sự phát triển của chất liệu âm nhạc của đoạn đầu tiên, gắn với lời ca vẫn tiếp tục mạch chuyện tình đơn phương buồn của cô gái. Mở đầu đoạn điệp khúc có giai điệu bắt tai: "Lời em hát anh nghe liệu thấu chăng trong lòng những/ Những nhớ thương em dành hết/ Sao người chẳng thấy, chẳng tin...".
Có thể nói, Em hát ai nghe là một bản ballad dễ nghe. Ca khúc mang màu sắc giọng thứ, đậm chất trữ tình. Ngay mở đầu ca khúc là những giai điệu mang tính tự sự và nét nhạc không quá lạ. Thậm chí có thể bắt gặp ở đâu đó trong toàn bộ ca khúc những giai điệu phảng phất nét quen đã từng có trước đó trong nhạc Việt đại chúng.
Về giọng hát, Orange sở hữu chất giọng không quá xuất sắc nhưng có nét riêng trong cách xử lý. Ở bản thu âm Em hát ai nghe thấy rõ sự can thiệp có chủ ý của âm thanh để tạo hiệu quả theo mong muốn của ê-kíp sản xuất. Và cái nét riêng này đã định hình cho Orange trong lòng công chúng, giúp cô xây dựng được một cộng đồng khán giả cho riêng mình.
Ngẫm
Rõ ràng Em hát ai nghe là một câu chuyện tình buồn, thậm chí rất buồn. Nỗi buồn của sự thất tình chiếm trọn vẹn không gian âm nhạc của ca khúc, nhưng lại không gây cảm giác quá bi quan hay cùng đường; cũng không có cảm giác sến xẩm, buồn thảm, thê lương.
Em hát ai nghe như là một nỗi buồn mang tính tự sự được cất lên từ trong tâm hồn. Có được hiệu ứng cảm xúc đó là nhờ phong cách âm nhạc đã được lựa chọn ngay từ trong quá trình sản xuất, nhờ cách thể hiện bài hát mang tinh thần của người trẻ, nhờ cách xử lý, can thiệp kỹ xảo âm thanh vào giọng hát...
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết
Bên cạnh âm nhạc, phần hình ảnh cũng góp phần tạo nên hiệu ứng cho khán giả. MV Em hát ai nghe thể hiện tư duy hiện đại, từ câu chuyện, bố cục hình ảnh, cảnh sắc, diễn xuất, đến xử lý màu sắc. Cách đặt tên ca khúc cũng khơi gợi sự tò mò cho người nghe.
Những ca khúc mang màu sắc trữ tình, đượm buồn là một phần không thể thiếu trong âm nhạc từ xưa đến nay. Hát về tình yêu đơn phương, về nỗi buồn thất tình nhưng không dẫn dụ tâm hồn người nghe vào sự bế tắc là điều rất đáng để tâm đối với các nhạc sĩ. Bên cạnh đó, một bản nhạc tình buồn nhưng không sa đà vào lối cũ mà vẫn thể hiện được tinh thần âm nhạc mang dấu ấn của thế hệ đương đại là điều đáng ghi nhận. Nó góp phần cho bức tranh âm nhạc đại chúng của chúng ta thêm phong phú màu sắc.
Và vì thế, Em hát ai nghe là một ca khúc đáng dành thời gian để nghe.
Điểm 7,2/10
Ê-kíp "Em hát ai nghe"
- Sáng tác: Trungg I.U
- Thể hiện: Orange
- Thu âm: SoundG Studio
- Hòa âm phối khí: Phi Woài
- Mixing & mastering: Duy Ngọc (The Wings)
- Hát bè: Anh quản lý & Duy Ngọc (The Wings)
Có ai mà ngờ Tùng Dương quyết định 'đi qua thung lũng' lại là vì... Sơn Tùng? Chia sẻ mới đây của Tùng Dương về lý do cover ca khúc Ngày chưa giông bão của Phan Mạnh Quỳnh khiến khán giả vô cùng bất ngờ. Những ngày gần đây, nếu lướt mạng xã hội những ngày qua, dễ dàng nhận thấy cụm từ đi qua thung lũng đã trở thành trend mới. Thực chất đây là một phần lời bài...