Cộp dấu “mật” vào báo cáo là hạn chế quyền của dân
“Hoạt động truy tố, xét xử tội phạm thực hiện công khai, sao báo cáo về việc này lại đóng dấu mật? Việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân để có thể đánh giá tiền nhà nước đầu tư cho hoạt động tư pháp có xứng đáng” – Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo có 10 nội dung, 9 nội dung không “mật”, chỉ vì 1 nội dung chưa thể công khai mà công khai cộp dấu mật toàn bộ báo cáo là không hợp lý.
Sáng 21/9, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, nghe báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và vi phạm pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng xong, trước khi trực tiếp trình bày báo cáo thẩm tra của mình, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dành thời gian nói về việc các báo cáo này, theo thông lệ, vẫn được cộp… dấu mật.
Trừ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, theo người chủ trì thẩm tra, vì các báo cáo trình được dán nhãn “mật” nên các báo cáo thẩm tra cũng không thể không đóng dấu mật.
Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, đã nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu có ý kiến và cử tri chất vấn tại sao truy tố, xét xử thi hành án… diễn ra công khai nhưng các báo cáo tổng kết về hoạt động công khai này lại đóng dấu mật?
“Việc đóng dấu mật là hạn chế quyền tiếp cận của người dân về hoạt động này, một hoạt động liên quan rất nhiều đến quyền công dân và đỉnh cao là quyền sống của con người, từ đó, người dân rất khó đánh giá tiền nhà nước đầu tư cho hoạt động tư pháp có xứng đáng không” – bà Nga góp ý.
Trước UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp chính thức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp tách các nội dung, số liệu chưa thể thông tin ra khỏi báo cáo chung lĩnh vực công tác, để “giải mật cho những nội dung không cần thiết phải… cộp dấu mật”.
“Không thể để trong 10 nội dung, có 9 nội dung không mật mà nhiều năm liền cứ công khai đóng dấu mật cả báo cáo” – bà Nga nhấn mạnh.
Video đang HOT
Trước đó, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và vi phạm pháp luật do đại diện Bộ Công an trình bày khái quát, hầu hết các loại tội phạm đều giảm trong năm qua. Trong đó tội phạm xã hội giảm trên 3%, tội phạm kinh tế và tham nhũng giảm tới gần 20%, tội phạm môi trường cũng giảm cả về số vụ và số đối tượng.
Dù vậy, trong mỗi lĩnh vực đều ghi nhận hiện tượng diễn biến phức tạp. Tội phạm có tổ chức, hoạt động xã hội đen, đâm thuê chém mướn có dấu hiệu phức tạp trở lại, nhiều vụ án vị thành niên, thanh niên giết người chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. An toàn, an ninh mạng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Tội phạm môi trường thì chỉ một vụ việc xả thải không qua xử lý cũng gây sóng gió, ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Báo cáo nhắc lại sự cố ô nhiễm biển miền Trung do do Cty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra…
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng không dám hứa giải quyết hết việc bồi thường người oan sai
Dẫn lại một loạt những vụ án oan "dậy sóng" dư luận thời gian qua như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Ngọc Thêm... Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bức xúc: "Người dân bị tù mấy chục năm, làm sao chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường!"...
Sáng 20/9, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga điểm lại quá trình phát triển luật này, kể từ khi có Nghị định 47 đến Nghị quyết 388 rồi đến luật trách nhiệm Bồi thường nhà nước, mở rộng dần từng bước việc bồi thường những trường hợp người dân bị làm oan sai do quyết định của các cơ quan nhà nước.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, việc xin lỗi, bồi thường người bị oan sai vẫn làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ.
Luật cần phải tính toàn để cân đối giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động bởi hoạt động tố tụng của nhà nước cũng như không để làm chùn tay các cơ quan tố tụng. Bà Nga xác nhận, nếu quy định quá rộng và quá khắt khe về trường hợp bồi thường, như tổng kết từ khoá X tới nay, đã có đánh giá về hiện tượng một số cơ quan bảo vệ pháp luật chùn tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm.
Để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện tại, bà Nga đặt câu hỏi, dự thảo luật lần này có gì mới đột phá giúp giải quyết những trường hợp bức xúc dư luận đang rất quan tâm.
Chủ nhiệm UB Tư pháp điểm qua một loạt vụ án của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Trần Ngọc Thêm (Bắc Ninh)... với nhận định, người dân vẫn cho rằng, phạm vi các trường hợp được bồi thường như vậy vẫn chưa phù hợp nên có một số người đáng ra được bồi thường lại không được, như trường hợp án hết hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành vi tội phạm, hoặc sau điều tra kết luận là hành vi không cấu thành tội phạm...
Về mô hình tổ chức cơ quan bồi thường nhà nước, Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nhận định là chưa hợp lý, có xung đột về lợi ích dẫn đến việc chậm chễ xin lỗi, bồi thường người dân. Vậy nên người bị làm oan suốt thời gian dài, gây hệ quả lớn nhưng khi tiến hành xin lỗi công khai, cơ quan phải xin lỗi chỉ làm nhanh gọn trong vài phút.
"Vừa là người làm oan lại là người đứng ra xin lỗi nên cảm giác hình thức, có đứng ra xin lỗi, nhận trách nhiệm cũng là chiếu lệ" - bà Nga nói.
Về điều kiện, thủ tục yêu cầu bồi thường, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhận xét là quá chặt chẽ. Ví dụ, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, UB Tư pháp đều phải hoặc là có công văn hoặc phải trao đổi trực tiếp với cơ quan tư pháp TƯ để có chỉ đạo mạnh hơn mới không bị áp dụng quá cứng nhắc.
"Người dân bị bắt đi tù mấy chục năm, chứng từ để chứng minh về bao nhiêu lần thăm nuôi lấy đâu ra trong thời gian suốt 1/3-1/2 đời đời, trong bối cảnh gia đình khốn đốn. Luật có giải quyết thực tế đó không?" - bà Nga đặt câu hỏi.
Một vấn đề quan trọng khác, là người dân bức xúc vì số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường là quá lớn, vậy trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai thế nào?
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: Không dám hứa luật sửa xong có giải quyết hết những bất cập trong việc giải quyết bồi thường oan sai cho người dân.
Giải đáp những băn khoăn của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn thừa nhận: "Về câu hỏi Luật có giải quyết tất cả vấn đề chị Nga nêu hay không thì Bộ trưởng không dám hứa. Vì khi làm luật và đưa luật vào thực tế đều xảy ra trường hợp tổ chức thi hành luật chưa tốt nên có khoảng cách giữa nội dung và thực tế".
Về cách tính toán thiệt hại để bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp cho rằng, với những thiệt hại về vật chất tính dễ hơn, nhưng về tinh thần cũng có cách tính toán, và ban soạn thảo cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần để đền bù.
Về việc bồi hoàn, theo nguyên tắc, tất cả các công chức gây ra thiệt hại đều phải bồi hoàn. "Luật sẽ thiết kế hợp lý để người ta ý thức việc bỏ tiền bồi thường thiệt hại do mình gây ra, nhưng cũng không đến mức quá kinh khủng để cán bộ không dám làm gì nữa" - Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.
Giải trình thêm, Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào nhấn mạnh, những trường hợp cụ thể về bồi thường oan sai giải quyết chậm và có vướng mắc không phải do quy trình và quy định về pháp luật bồi thường có vướng mắc, mà là do vướng trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Bên cạnh đó, việc khó nhất là khi người bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng nhận định, quá trình giải quyết bồi thường, các cơ quan tố tụng không thấy có khó khăn, chỉ thấy quy định chưa rõ nội dung bồi thường nên tạo ra sự bất nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường, cách thức, thủ tục, mức tính không thống nhất.
"Nói ra thì xấu hổ, bảo "cò kè bớt một thêm hai", nhưng chúng ta cần có quy định rất chuẩn để cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó như một ba-rem để tính toán mức bồi thường" - ông Thể nói.
P.Thảo
Theo Danviet
Tại sao cuối nhiệm kỳ một số Bộ, ngành lại bổ nhiệm cán bộ ồ ạt? Ngày 11/7, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã yêu cầu làm rõ việc tại sao đến cuối nhiệm kỳ dư luận lại phản ánh một số Bộ, ngành bổ nhiệm cán bộ ào ạt. Như Infonet đã đưa tin, sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho...