Công ty Trung Quốc phớt lờ lệnh trừng phạt Biển Đông của Mỹ
Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc nói việc Mỹ trừng phạt các công ty liên quan xây đảo ở Biển Đông không ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.
Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) hôm 30/8 ra thông cáo cho biết 5 công ty con chuyên về nạo vét của họ bị Mỹ đưa vào danh sách đen không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Mỹ và sẽ không chịu ảnh hưởng tài chính bởi các lệnh trừng phạt này.
“Theo báo cáo thường niên năm 2019, giá trị hợp đồng mới và doanh thu của mảng nạo vét chiếm khoảng 6% tổng giá trị hợp đồng mới và doanh thu của công ty. Công ty chủ yếu kinh doanh nạo vét đường thủy, cải tạo đất và nạo vét môi trường ở trong nước”, SCMP dẫn thông cáo cho biết. “Hoạt động kinh doanh nạo vét ở nước ngoài chiếm một phần tương đối nhỏ và không có hoạt động nạo vét nào của công ty được thực hiện ở Mỹ”.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 tuyên bố trừng phạt 24 công ty đóng vai trò “trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”, bao gồm công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc, các công ty viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc. Các công ty nằm trong danh sách đen sẽ không được tiếp cận công nghệ có xuất xứ từ Mỹ của các công ty Mỹ nếu không có giấy phép.
Đá Subi của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh: DigitalGlobe.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/8 cũng ra tuyên bố cho biết họ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa” với hành động nói trên ở Biển Đông và những người có liên quan đến việc Trung Quốc “sử dụng hành động cưỡng ép với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn để cản trở họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi”.
Video đang HOT
“Ngoài ra, thiết bị cốt lõi cho hoạt động nạo vét của công ty không sử dụng bất kỳ công nghệ nào do doanh nghiệp Mỹ cung cấp hay xuất khẩu”, thông cáo của CCCC nêu thêm, song tập đoàn cũng nhấn mạnh sẽ tiến hành đánh giá sâu hơn hoạt động kinh doanh để xác định những tác động chưa được tính đến.
Hình ảnh vệ tinh năm 2016 cho thấy công ty nạo vét thuộc CCCC điều sà lan khổng lồ đào cát từ đáy biển và chất lên các đảo san hô xa xôi ở Biển Đông, gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Dù tác động trực tiếp sẽ khó xảy ra, nhưng vẫn có những câu hỏi đặt ra về việc làm cách nào các công ty con của CCCC ở nước ngoài, gồm cả tập đoàn kỹ thuật hàng hải quy mô trung bình Friede & Goldman có trụ sở tại Texas, có thể giao dịch với công ty mẹ. CCCC hiện chưa bình luận về trường hợp của Friede & Goldman.
Trung Quốc đơn phương vạch ra “đường lưỡi bò”, yêu sách phi lý đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản đối quốc tế. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh.
Trung Quốc gần đây còn thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Mỹ hồi đầu tháng 7 công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Washington cáo buộc “Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’”.
Trung Quốc ngang nhiên khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa
Trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch virus corona, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều labo về sinh thái học, địa chất học và môi trường, theo Tân Hoa Xã.
Trong bản tin hôm 20/3, Tân Hoa Xã nói hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại "Nam Sa", cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People's Daily.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc được dẫn lời trong bản tin cho biết "cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu" nay đã được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông.
Với việc xây dựng các trạm nghiên cứu, CAS có kế hoạch "thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các nước ven biển Đông", theo Tân Hoa Xã.
Các cơ sở này cũng sẽ góp phần "cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới".
Collin Koh, một trong những chuyên gia về an ninh biển hàng đầu khu vực, nói việc Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng.
"Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này", ông Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói với báo Inquirer.
"Sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona".
"Sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến 'khoa học phục vụ dân sinh' để khẳng định yêu sách là cách họ thường làm và cũng là cách mà tất cả chúng ta thường không để ý", ông nói.
"Tuy nhiên cùng lúc, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó cũng quan trọng không kém".
Ông Koh tin rằng Trung Quốc sẽ duy trì sự nhất quán trong hoạt động của họ tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, hành động của họ có thể không được chú ý.
Iran xác nhận chuyến thăm của Tổng Giám đốc IAEA Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Iran và IAEA đang có những quan điểm "khác biệt" về việc cấp quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran. Đại diện của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA ngày 22/8 thông báo, Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi dự kiến sẽ có chuyến thăm đầu tiên...