Công ty thủy sản TQ xả thải thối nồng nặc, trách dân gây khó dễ
Công ty thủy sản có vốn Trung Quốc gây hôi thối, người dân tập trung phản đối nhưng lãnh đạo doanh nghiệp thờ ơ và cho rằng, người dân đang gây khó dễ cho công ty.
Sáng 1.10, nhiều người dân tại hai thôn Phú Hội và Hà Tây (xã Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị) tiếp tục dùng hàng rào thép B40 chắn ngang đường vào Công ty TNHH Thủy sản liên hiệp quốc tế Elites Việt Trung ( Công ty Việt Trung – trụ sở đóng tại thôn Phú Hội) vì công ty này lại gây hôi thối.
Người dân chỉ ống nhựa nối bể chứa nước thải Công ty Việt Trung dẫn thẳng ra sông Thạch Hãn. Ảnh: Ngọc Vũ
Người dân cho biết, khoảng 4h sáng cùng ngày, Công ty Việt Trung gây hôi thối nồng nặc khiến họ bức xúc và buộc phải sử dụng biện pháp nêu trên.
Tại hiện trường, PV Dân Việt ghi nhận lối vào Công ty Việt Trung đã bị người dân dùng hàng rào thép B40 chắn ngang.
Nhiều người dân tập trung bày tỏ sự bức xúc về mùi hôi thối do Công ty Việt Trung gây ra với phóng viên, nhà báo.
Người dân dùng hàng rào thép B40 rào đường vào Công ty Việt Trung. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Hà Tây), cách đây khoảng 1 tháng, 55 con vịt của gia đình kiếm ăn gần khu vực Công ty Việt Trung xả thải ra sông thì bất ngờ ngã vật ra chết.
Video đang HOT
“Tôi nuôi vịt để bước vào năm học mới sẽ có tiền mua sách vở cho con. Ai ngờ nuôi được 3 tháng, sắp bán thì vịt lăn đùng ra chết” – chị Hoa nghẹn giọng.
Chị Trần Thị Bé (25 tuổi, trú thôn Hà Tây) cho hay, gia đình sống bằng nghề đánh bắt thủy sản dọc sông Thạch Hãn. Nhiều lần khi thủy triều xuống, chị Bé tận mắt thấy ống xả thải của Công ty Việt Trung xả nước thải ra sông, cuộn trào màu vàng đục, bốc mùi hôi.
“Dân chúng tôi đánh bắt thủy sản trên sông, ví dụ trước đây được 10 phần thì nay chỉ còn 3 phần thôi” – chị Bé nói.
Người dân tập trung gần bể chứa nước thải gây hôi thối của Công ty Việt Trung để phản đối. Ảnh: Ngọc Vũ
Sáng 1.10, trả lời PV Dân Việt qua điện thoại, ông Lê Minh Hòa – Giám đốc Công ty Việt Trung cho rằng: “Người dân gây khó dễ. Buổi sáng công nhân sục bể để cấy men vi sinh, xử lý một tiếng, hai tiếng chứ có gì đâu mà rào đường, có mùi gì lắm đâu”.
Ông Lê Minh Hòa – Giám đốc Công ty Việt Trung nói mùi hôi ít, chỉ một lúc thôi, dân gây khó dễ. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Hòa phân bua rằng, cứ một đến hai tuần công ty phải sục bể một lần để cấy men vi sinh, xử lý nước thải nên có mùi hôi thối.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 13.9 có 30 người dân đại diện cho 105 hộ dân hai thôn Phú Hội và Hà Tây đã tập trung trước cổng Công ty Việt Trung phản đối kịch liệt.
Chiều 14.9, đích thân ông Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở TNMT Quảng Trị cùng các ban ngành liên quan như đại diện Ban quản lý khu kinh tế, Công an tỉnh, UBND huyện Triệu Phong, Đồn biên phòng Cửa Việt đã kiểm tra Công ty Việt Trung và thống nhất tạm dừng hoạt động của công ty, buộc doanh nghiệp (DN) này phải xử lý mùi hôi. Theo đó, DN phải hoàn thành hệ thống xử lý môi trường và có báo cáo quá trình chạy thử cho cơ quan chức năng. Trong quá trình chạy thử, DN không được xả nước thải ra môi trường.
Mặc dù vậy, 4 ngày sau (18.9), công ty này đã gửi thông báo kế hoạch chạy thử hệ thống xử lý nước thải. Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 19.9 đến 19.11 và công ty sẽ đảm bảo môi trường trong thời gian chạy thử. Nhưng, đến ngày 1.10, công ty này tiếp tục bị người dân phản đối.
Được biết, Công ty Việt Trung có công suất sơ chế 15 tấn tôm/ngày. Hệ thống xử lý chất thải của công ty được lắp đặt và vận hành thử hồi tháng 6 với công suất xử lý 100-120m3 nước thải/ngày và đã được Sở TNMT Quảng Trị kiểm định mẫu thử lần 1 đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.
Theo Danviet
Công bố hiện trạng môi trường: Bộ TNMT "né" vụ nhiệt điện Vĩnh Tân
Chiều nay 20.7, Bộ TNMT tiến hành họp báo công bố hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2016 chuyên đề: "Môi trường đô thị". Báo cáo gồm 8 chương và 1 phụ chương tổng hợp hàng loạt các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường, những bài học và giải pháp ứng phó sự cố môi trường...
Phát biểu mở đầu họp báo, TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường bày tỏ, lễ công bố hiện trạng môi trường Quốc gia 2016, chuyên đề "Môi trường đô thị" có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải cac-bon thấp, xanh và bền vững. Song vẫn còn nổi lên nhiều vấn đề môi trường bức xúc, xảy ra một số sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, xã hội quan tâm, lo ngại.
TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc.
"Từ thập niên 90 đến nay, số lượng đô thị nước ta tăng nhanh chóng và mở rộng cả về quy mô, diện tích. Mạng lưới đô thị cả nước phát triển không đồng đều. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhiều vấn đề môi trường bức xúc mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ hóa. Để phát triển đô thị bền vững cần xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng bảo vệ môi trường phải đi trước một bước" - TS.Nguyễn Văn Tài nói.
Điển hình về các vấn đề ô nhiễm nổi cộm tại các đô thị, TS. Nguyễn Văn Tài chỉ rõ: "Tại Hà Nội và TP.HCM và các đô thị khác sức ép từ các nguồn nước thải cũng đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý còn thấp mới chỉ đạt 11, chỉ có 42 đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận".
Buổi lễ có sự tham dự của các cơ quan quản lý về môi trường, các chuyên gia và nhiều cơ quan báo chí.
"Một số vấn đề khác như ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ; kênh rạch nội thành, nội thị diễn biến phức tạp. Vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước dưới đất tại các khu đô thị, đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở lên phổ biến...".
Bên cạnh đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu rõ những vấn đề nổi cộm về những hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của các chủ doanh nghiệp gây thiệt hại kinh tế, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư các khu vực lân cận, gây tâm lý bất ổn cho người dân nói chung.
Ảnh báo cáo môi trường.
Theo đó, nội dung "Báo cáo công bố hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2016 chuyên đề: "Môi trường đô thị" gồm 8 chương và 1 phụ chương. Cụ thể: Chương 1 khái quát tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; Chương 2 thể hiện sự ô nhiễm môi trường không khí; Chương 3 đề cập về ô nhiễm môi trường nước; Chương 4 về ô nhiễm môi trường đất; Chương 5 phân tích hoạt động phát sinh và xử lý chất thải rắn; Chương 6 đánh giá tác động môi trường đô thị; Chương 7 về hoạt động quản môi trường đô thị; Chương 8 phân tích những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp xử lý;
Về phần phụ chương nội dung này đề cập đến những sự cố môi trường nổi cộm năm 2016. Qua hàng loạt sự cố môi trường đã xảy ra trong thời gian qua, Bộ TNMT nghiêm túc đúc kết bài học về kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Đặc biệt là công tác giám sát, đánh giá đúng tác động tới môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt, đặc biệt các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường...
Sau phần công bố, Bộ TNMT chỉ dành 10 phút để thảo luận về các vấn đề của môi trường và từ chối một số câu hỏi về vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống môi trường thuộc dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận.
Theo Danviet
Tốn hơn 1.000 tỷ đồng, làm gần 10 năm mà kênh Ba Bò vẫn hôi thối Dự án cải tạo kênh Ba Bò (kéo dài từ tỉnh Bình Dương sang địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM) được đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, khởi công hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm, hôi thối. Tốn hơn 1.000 tỷ đồng, làm gần 10 năm mà kênh Ba Bò vẫn hôi thối...