Công ty thủy điện phải xây lại cầu, đền bù cho người dân
Tại phiên họp tháng 9/2018, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu công ty thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố làm lại cầu bị lũ cuốn trôi, hỗ trợ và đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau đợt lũ chồng lũ vừa qua.
Trong phiên họp trực tuyến với các địa phương của tỉnh Nghệ An về tình hình kinh tế xã hội quý III/2018, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, cơn bão số 3, số 4 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quá trình lập đoàn kiểm tra liên ngành xác định có việc một số nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại tại một số vùng ở các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn. Rõ nhất là nhiều vùng dân cư bị ngập nước, sạt lở đường giao thông, trôi cầu cống, sạt lở đất đá, trôi nhà dân…
T hủy điện Bản Vẽ xả lũ ngày 31/8.
Đơn cử, vào 9h30 ngày 31/8, lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, đạt đỉnh 4.200m3/s. Để bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy phải tăng lượng xả lên 4.200m3/s. Đây cũng là mức xả lớn nhất trong 8 năm kể từ khi nhà máy vận hành.
Việc xả này không làm tăng lũ tự nhiên, nhưng đã làm co hẹp dòng chảy và xả từ trên cao xuống thành lưu tốc lớn làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở cho vùng hạ du.
Theo đoàn kiểm tra, công tác dự báo lưu lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ vẫn sai số lớn; hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ; chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện;…
Cầu Bản Vẽ bị lũ cuốn trôi.
Video đang HOT
Riêng với thủy điện Khe Bố, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, ở hạ du so với thủy điện Bản Vẽ, việc dự báo và cung cấp thông tin, số liệu còn thiếu.
Do đó thủy điện Khe Bố xả không kịp, tạo độ dềnh lớn khu vực lòng hồ nên xảy ra ngập lụt nghiêm trọng ở lòng hồ. Với những bất cập đó, việc xả lũ đã ảnh hưởng một phần tới khu vực hạ du.
Mặt khác, việc triển khai các dự án thủy điện gây ra nhiều hệ lụy: Người dân di dời tái định cư có cuộc sống không ổn định; nhiều khu tái định cư xuống cấp, dang dở; một số dự án quy hoạch “treo” kéo dài… Vì vậy rất nhiều người đã phải trở về nơi ở cũ.
Lòng hồ tràn ngập rác, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An đã làm rõ các nguyên nhân tác động của thủy điện đến người dân, khẳng định khi các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nhiều khu vực ở vùng hạ du. Thiệt hại cho vùng hạ du là rất rõ ràng, các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù cho các hộ dân.
Cho đến thời điểm hiện nay, tại nhiều địa phương miền núi trong tỉnh, công tác khắc phục lũ quét vẫn chưa thể hoàn thành. Vì vậy, tỉnh Nghệ An đã đề nghị và yêu cầu các nhà máy thuỷ điện bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ việc vận hành xả lũ của các hồ thủy điện gây lũ lụt tại một số địa phương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ngay cả việc dọn rác, công ty CP thủy điện Bản Vẽ cũng chỉ mới thực hiện ở lòng hồ. Còn khối thực vật trôi nổi ở nơi khác không phải trách nhiệm của thủy điện. Bởi nguyên nhân gây rác là do thiên tai, nên thuộc trách nhiệm giải quyết là của… chính quyền địa phương.
Biên bản thiệt hại do ngập lụt của 1 trong số các hộ dân ở bản Khe Bố.
Còn lãnh đạo nhà máy thủy điện Khe Bố lại cho rằng, việc người dân bị ngập lụt, hư hỏng tài sản nguyên nhân không phải do nhà máy xả lũ. Khi người dân làm đơn kiện thì Nhà máy Thủy điện Khe Bố cho hay phải chờ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định rõ nguyên nhân có phải do xả lũ hay không rồi mới có cơ sở để giải quyết.
Theo báo cáo của sở Công Thương Nghệ An, tỉnh này có 32 dự án với tổng công suất 1.359,9MW đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư.
Theo nguoiduatin
Người dân các huyện miền núi Nghệ An trắng đêm chạy lũ
Do lượng nước đổ về tăng nhanh khiến nhiều gia đình buộc phải di dời đồ đạc trong đêm. Bộ đội biên phòng, công an, và cán bộ địa phương trắng đêm cùng dân chạy lũ.
Suốt đêm ngày 30 và sáng ngày 31-8, người dân địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông,... đã và đang tất tả chạy lũ.
Do nước từ thượng nguồn sông Nậm Nơn, Nậm Mộ đổ về lớn, cộng với việc thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê xả lũ nên đã gây ngập lụt ở nhiều nơi. Cụ thể, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, đến 16 giờ 45 phút ngày 30-8, thủy điện Bản Vẽ xả tổng lưu lượng 2.670 m3/giây, thủy điện Khe Bố xả 3.105 m3/giây, thủy điện Chi Khê xả 2.645 m3/giây.
Theo ghi nhận, sáng 31-8, các khu vực như: Thị trấn Hòa Bình, xã Tam Thái, Thạch Giám, Lượng Minh, Xá Lượng (huyện Tương Dương), xã Chi Khê, Bồng Khê, Lạng Khê (huyện Con Cuông), xã Mỹ Lý, Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn),... đã và đang bị ngập lụt nghiêm trọng, nhiều nơi đã bị cô lập hoàn toàn.
Ông Lô Văn Liễu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) cho biết, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đang huy động tối đa lực lượng tại chỗ để di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi địa bàn nguy hiểm do lũ đang lên rất nhanh.
Ông Liễu cũng cho biết thêm, chính quyền địa phương của nước bạn Lào mới thông báo, hiện bên nước bạn đang có mưa rất to nên lưu lượng nước đổ về sông Nậm Nơn sẽ còn tăng cao.
Hiện nay, quốc lộ 7 - tuyến đường chính nối các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đã bị chia cắt bởi nước sông Lam dâng lên cao gây ngập đường.
Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ,... giúp dân đưa người già, trẻ em và di chuyển đồ đạc,... đến nơi an toàn.
>> Một số hình ảnh được ghi lại tại Thị trấn Hòa Bình và xã Tam Thái (huyện Tương Dương):
DUY CƯỜNG
Theo sggp
6 người chết, hơn 2000 ngôi nhà bị ngập vì mưa lũ ở Nghệ An Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4 khiến các huyện miền núi Nghệ An thiệt hại nặng nề. Đến ngày 18/8, toàn tỉnh có 6 người chết, hơn 2000 ngôi nhà bị ngập. Theo báo cáo nhanh của 14/21 huyện, thị bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ...