Công ty Nhật Bản dùng giun tròn để phát hiện sớm ung thư
Một công ty Nhật Bản đã phát triển phương pháp xét nghiệm mới trong đó sử dụng giun tròn để nhận diện dấu hiệu sớm của ung thư tụy từ nước tiểu con người.
Loài giun tròn “C. elegans” có phản ứng rất chính xác với mùi. Ảnh: AFP
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin các nhà khoa học từ lâu đã nắm được rằng dịch trong cơ thể bệnh nhân ung thư thường có mùi khác biệt với người khỏe mạnh. Do vậy, đã có nhiều nơi huấn luyện chó để phát hiện bệnh trong các mẫu hơi thở hoặc nước tiểu của người.
Nhưng công ty Nhật Bản Hirotsu Bio Science đã chỉnh sửa gien của một loại giun tròn có tên “C. elegans” thường chỉ có kích cỡ 1 millimet. Loại giun tròn này có phản ứng về mùi rất chính xác. Do vậy có thể sử dụng “C. elegans” để phát hiện ung thư tụy ở người, vốn là loại ung thư khó xác định sớm.
CEO của Hirotsu Bio Science-ông Takaaki Hirotsu ngày 16/11 nói: “Đây là tiến bộ công nghệ chính”.
Thử nghiệm với giun tròn “C. elegans” không đồng nghĩa với chẩn đoán ung thư tụy nhưng có thể đẩy mạnh tầm soát thường xuyên bởi mẫu nước tiểu thường dễ thu thập được tại nhà thay vì phải đến bệnh viện.
Dịch COVID-19 khiến nhiều người không muốn đến các cơ sở y tế. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, các bệnh nhân Nhật Bản cũng ít tầm soát ung thư hơn người dân ở các nước phát triển khác.
Người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của Hirotsu Bio Science, ông Eric di Luccio nói: “Đây là sự đột phá… Mọi người cần thay đổi cách họ suy nghĩ về tầm soát ung thư”.
Hirotsu Bio Science cùng Đại học Osaka đã nêu chi tiết về việc phát hiện sớm ung thư tụy nhờ giun tròn “C. elegans” qua một bài đăng trên tạp chí Oncotarget trong năm nay.
Giảng viên Tim Edwards tại Đại học Waikato (New Zealand) từng nghiên cứu về khả năng phát hiện ung thư phổi của loài chó, nhận định việc tận dụng giun tròn để phát hiện ung thư là “có tiềm năng”.
Ông Edwards nhấn mạnh rằng không giống loài chó, giun không cần phải đào tạo để có thể ngửi được mầm mống của ung thư ở bệnh nhân.
Cắt polyp giúp giảm 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng
Hội nội soi Nhật Bản khuyến cáo, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc loại ung thư này.
TS.BS Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K cho biết, ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng đang có xu hướng tăng lên.
Ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới với số ca mắc mới là 14.733 và 7.856 trường hợp tử vong. Cũng theo thống kê của WHO, với nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh giai đoạn sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%, bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.
Theo ghi nhận tại bệnh viện K, hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn với các nhu cầu điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu. Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều.
Trong đó, việc không thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng, nội soi đại trực tràng khi qua tuổi 40 - 50 là phổ biến.
Theo khuyến cáo của hiệp hội nội soi Nhật Bản, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
Theo các chuyên gia, polyp đại trực tràng bệnh lý tương đối phổ biến. Điều đáng mừng là phần lớn chúng thường không gây hại. Tuy nhiên, có một số loại polyp có khả năng phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện kịp thời.
Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới lớp niêm mạc tăng sinh tạo thành.
Vì thế, khi nội soi phát hiện polyp đại trực tràng bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ polyp để loại trừ nguy cơ polyp rơi vào nhóm có thể tiến triển thành ung thư.
Tuy nhiên, khả năng polyp tiếp tục mọc lại kể từ lần cắt đầu tiên là 30%. Do đó, người bệnh cần lưu ý tái khám theo định kỳ. Đặc biệt, việc tái khám định kỳ bằng nội soi cũng là phương pháp quan trọng để phát hiện nguy cơ tiến triển ung thư.
Hầu hết các ca mắc ung thư đại trực tràng thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên những trường hợp sau có nguy cơ cao hơn ở những đối tượng sau: Ngoài 50 tuổi; Gia đình có tiền sử bị bệnh này; Có tiền sử polyp đại tràng; Đã từng mắc chứng viêm ruột; Có lối sống không lành mạnh.
Do đó, với những người có nguy cơ cao này, việc tái khám, nội soi đại trực tràng theo chỉ định của bác sĩ rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ ung thư, can thiệp kịp thời.
Cách tự kiểm tra, phát hiện sớm ung thư tại nhà Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, yếu tố sống còn của bệnh nhân ung thư là phát hiện và điều trị sớm. Ung thư vẫn là mối lo của nhiều người, nhiều quốc gia. Tuy nhiên, người mắc ung thư không phải nhận án tử. Đa phần bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm....