Công ty Mỹ nghiên cứu kháng thể “vô hiệu hóa” SARS-CoV-2 trong 20 phút
Công ty Distributed Bio đang nghiên cứu để điều chế một loại kháng thể có khả năng “nhận diện” và giúp cơ thể “vô hiệu hóa SARS-CoV-2″ trong 20 phút.
Nhà đồng sáng lập và cũng là CEO của công ty công nghệ sinh học Distributed Bio – Tiến sĩ Jacob Glanville đã tiết lộ trong chương trình “The Story with Martha MacCallum” của Fox News ngày 19/3 rằng phòng thí nghiệm của công ty này sẽ điều chế được một loại kháng thể chống lại virus corona chủng mới trong 3 – 4 tuần nữa.
Công ty Distributed Bio đang nghiên cứu để điều chế một loại kháng thể có khả năng “nhận diện” và giúp cơ thể “vô hiệu hóa SARS-CoV-2″ trong 20 phút. Ảnh: Reuters
“Những nghiên cứu công ty tôi đang thực hiện là sử dụng các kháng thể để nhận diện cũng như vô hiệu hóa virus corona chủng mới. Đây sẽ giống như việc bỏ qua những giai đoạn của vaccine, tức là, thay vì dùng vaccine và chờ đợi nó tạo ra phản ứng miễn dịch, chúng ta chỉ cần sử dụng các loại kháng thể này. Sau đó, trong khoảng 20 phút, cơ thể bệnh nhân sẽ có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2″.
Ông Glanville cũng cho biết khi các đồng nghiệp của ông hoàn thành việc điều chế kháng thể này, họ sẽ gửi nó tới quân đội Mỹ trước khi tiến hành nghiên cứu trên người vào mùa hè năm nay.
“Loại thuốc sau khi được hoàn thành này sẽ được gửi tới Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Quân đội Mỹ (USAMRID). Khi đó quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm khả năng vô hiệu hóa chủng virus này của loại thuốc trên”.
“Cùng thời điểm, loại thuốc này cũng được gửi tới Phòng thí nghiệm Charles River để thử nghiệm về mức độ an toàn của thuốc. Cả 2 kết quả thử nghiệm này sẽ được kết hợp với nhau để chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt, trải qua một vài thủ tục giấy tờ và sau đó tiến hành những thử nghiệm đầu tiên trên người. Chúng tôi sẽ thực hiện đối với khoảng 200 – 600 người vào mùa hè này, có lẽ là trong tháng 7″, ông Glanville cho biết.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng ông tin “ giãn cách xã hội” đang cho thấy tính hiệu quả trong việc làm giảm sự lây lan của virus nhưng loại thuốc mà họ đang phát triển là cần thiết để ngăn chặn virus lây lan rộng hơn.
Video đang HOT
“Điều này (giãn cách xã hội) thực sự hữu ích. Chúng ta đã an toàn hơn ở thời điểm hiện tại so với cách đây 1 tuần. Các biện pháp giãn cách xã hội đang làm giảm sự gia tăng các ca nhiễm mới. Tuy nhiên, vấn đề là cuối cùng mọi người vẫn phải quay lại làm việc. Do đó, virus vẫn có khả năng lây nhiễm nên chúng tôi không nghĩ chúng ta thực sự có thể ngăn chặn dịch bệnh này chỉ qua giãn cách xã hội”, ông Glanville đánh giá.
“Chúng ta thực sự cần có một loại thuốc bởi nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm và trở thành một kiểu bệnh theo mùa thì cuối cùng mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh”.
Chuyên gia Glanville khẳng định thêm rằng Mỹ “đang đi theo một hướng khác Italy” – nơi mà số ca tử vong vì Covid-19 đã vượt Trung Quốc, đồng thời cảnh báo các bệnh viện sẽ bị quá tải vì số người nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta rất tốt. Nhưng số ca nhiễm vẫn đang tăng lên. Chúng ta sẽ thấy các bệnh viện và các đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) bị quá tải trên toàn quốc. Đó là một phần lý do vì sao Nhà Trắng đưa ra quyết định mạnh mẽ khi thực hiện các biện pháp cách ly như hiện nay”, ông Glanville cho hay./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Fox News
Bác sĩ chống Covid-19: Khó khăn nhất là nhìn bệnh nhân ra đi đơn độc
Bác sĩ làm việc nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Italy chia sẻ điều khó khăn nhất là nhìn bệnh nhân ra đi mà không có người thân bên cạnh.
Bác sĩ Romano Paolucci, người đã nghỉ hưu nhưng sau đó đã tới hỗ trợ một bệnh viện tại tâm dịch Covid-19 ở Italy cho biết, một trong những điều khó khăn nhất đối với ông không phải là chứng kiến nhiều người chết vì bệnh tật bởi đó là điều ông đã từng chứng kiến.
Với ông, điều khó khăn nhất là phải chứng chiến họ ra đi đơn độc, không có người thân ở bên và thường phải nói lời vĩnh biệt cuối cùng qua một cuộc điện thoại vội vã.
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại một đơn vị chăm sóc tích cực ở bệnh viện Oglio Po, nơi các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đang được điều trị tại Cremona, Italy ngày 19/3/2020. Ảnh: Reuters
Ông Paolucci là một trong 70 bác sĩ đã làm việc trong thời gian dài và đang dần kiệt sức tại bệnh viện nhỏ Oglio Po, nơi mà cách đây chỉ 1 tháng vẫn là một cơ sở y tế cấp tỉnh bình thường, điều trị đủ mọi loại bệnh từ viêm amidan tới u bướu.
Giờ đây, bệnh viện này đã hoàn toàn chuyển thành cơ sở điều trị bệnh Covid-19 khi tỉnh Cremona trở thành tỉnh chịu tác động nặng nề thứ 4 của Italy vì dịch bệnh này.
"Tôi muốn nói rằng chúng tôi đều đã gần kiệt sức. Đây là một bệnh viện nhỏ và chúng tôi đang điều trị cho rất nhiều người. Mọi chỗ trống đều đã bị lấp đầy", ông Paolucci chia sẻ trong một hành lang giữa những âm thanh của tiếng máy trợ thở, các thiết bị y tế kêu liên hồi và những người đồng nghiệp đang tất bật.
"Chúng tôi không có đủ nguồn lực, đặc biệt là các nhân viên bởi nhiều nhân viên ở đây đã bắt đầu bị ốm", vị bác sĩ này cho biết.
Trong khi các nhân viên y tế đang làm việc kiệt sức suốt 12 tiếng hoặc hơn để cứu sống các bệnh nhân thì họ còn phải đối mặt với những khoảnh khắc đau lòng khi nhiều bệnh nhân ra đi mà không có bất kỳ người thân nào bên cạnh bởi đây là một biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.
"Chúng tôi đã nghĩ ra một phương án, đó là liên lạc với người thân của họ qua điện thoại và giải thích về những điều đang diễn ra. Ít nhất thì đây là sự liên lạc tối thiểu có thể thực hiện".
Bác sĩ Paolucci cũng chia sẻ: "Các bệnh nhân có thể tự gọi điện bằng cách sử dụng điện thoại của họ nhưng những bệnh nhân cao tuổi không thể làm điều đó bởi họ không quen sử dụng chúng. Vì thế, chúng tôi cố gắng giúp đỡ và giữ liên lạc với gia đình họ".
Bác sĩ Daniela Ferrari cho biết gần như từng không gian trong bệnh viện đều trở thành nơi điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 khẩn cấp. Hiện đã không còn khoa nhi và khoa tim mạch nữa và chỉ có 3 giường được để riêng phục vụ cho những cuộc phẫu thuật khẩn cấp.
6 trong số 9 bác sĩ phẫu thuật đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải về nhà cách ly, bà Ferrari chia sẻ, đồng thời cho biết tại bệnh viện mà bà đang làm việc, khoảng 20% nhân viên y tế đã nhiễm bệnh.
Daniela Confalonieri - một y tá tại bệnh viện San Raffaele tại thủ phủ Lombardy của Milan cũng bày tỏ lo ngại về các nhân viên y tế nhiễm bệnh.
"Chúng tôi đang làm việc quá nhiều trong một tình hình vô cùng khẩn cấp. Vấn đề là có quá nhiều nhân viên của chúng tôi phải ở nhà bởi họ đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Vì thế, một vài người còn lại như chúng tôi phải làm mọi thứ".
"Những căng thẳng tâm lý đã lên đến đỉnh điểm. Thật không may khi chúng tôi không thể ngăn chặn tình hình ở Lombardy, tỷ lệ nhiễm bệnh quá cao và chúng tôi thậm chí đã không còn đếm số người chết nữa", nữ y tá này cho hay.
Tỷ lệ tử vong ở Lombardy - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 ngày 19/3 đã tăng lên 2.168 trường hợp, trong khi con số này trên toàn Italy là 3.405 - vượt cả số người tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc.
Trở lại bệnh viện ở Cremona, y tá Luca Dall' Asta cho biết nhiều nhân viên y tế vẫn đang nỗ lực ở những tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
"Chúng tôi luôn giữ một tinh thần là dù cho chúng tôi có mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc và tiến về phía trước"./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Reuters
Báo Romania đăng bài tiếng Việt giúp lao động Việt phòng tránh dịch Bài báo đề cập tình trạng lây lan dịch tại Romania trong thời gian qua, cách thức phòng tránh dịch như rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, dung dịch rửa tay có chứa cồn 70%... Ảnh minh họa. (Nguồn: business-review.eu) Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, trong khi có hàng nghìn lao động Việt Nam đang...