Công ty kinh doanh bết bát nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng hàng chục lần
Dòng tiền đầu cơ đang giúp nhiều nhóm cổ phiếu tăng bất ngờ đến hàng chục lần, thậm chí doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn tăng nóng khi VN-Index liên tục lập các đỉnh mới. Tuy nhiên sự phân hóa là khá rõ ràng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch ảm đạm và chưa có nhiều bứt phá.
Trong khi đó, động lực tăng điểm của thị trường chủ yếu đến từ sự hưng phấn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đặc biệt, dòng tiền lớn lại tìm đến cổ phiếu dạng penny. Làn sóng đầu cơ giúp hàng loạt mã chứng khoán tăng đột biến thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của VNDirect, dòng tiền có dấu hiệu rút nhẹ ở nhóm vốn hóa lớn khi thanh khoản bình quân trong tháng 10 giảm nhẹ. Ngược lại giá trị giao dịch bình quân của chỉ số VNSML-Index (đại diện cho các mã vốn hóa nhỏ) trong tháng vừa qua tiếp tục tăng 4,7%.
Cổ phiếu nhỏ mang tính đầu cơ tăng vượt trội so với thị trường chung. Đồ thị: TradingView.
Cổ phiếu “họ” Sông Đà lại tăng sốc
Gây ấn tượng nhất gần đây là cổ phiếu SDA của Công ty Cổ phần Simco Sông Đà khi tăng một mạch từ khoảng 4.500 đồng (đầu tháng 9) lên hơn 68.200 đồng như hiện nay, tương đương với mức tăng giá hơn 15 lần.
Trong số 61 phiên giao dịch gần nhất, mã này đã có đến 23 phiên tăng hết biên độ với sắc tím. Đi cùng với đó là thanh khoản được cải thiện nhanh chóng do dòng tiền đầu cơ nhập cuộc, giá trị giao dịch bình quân gần đây đạt hơn 300.000 cổ phiếu, gấp 5 lần một năm trước đó.
Đà tăng này là khá bất ngờ khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khá nghèo nàn. Simco Sông Đà liên tục thua lỗ trong giai đoạn 2016-2019 do sai lầm đầu tư, thay vì tập trung mảng chủ lực xuất khẩu lao động thì công ty lại rót tiền vào dự án khai thác đá tại Myanmar thiếu hiệu quả.
Năm 2020 tình hình có khởi sắc hơn khi công ty báo lãi 4,6 tỷ đồng, tuy nhiên phần lớn đến từ việc bán các khoản đầu tư. Kết quả 9 tháng đầu năm nay cũng không có nhiều đột biến, khi doanh thu tăng nhẹ và lãi đi ngang hơn 6 tỷ đồng.
Thông tin hỗ trợ gần đây là việc Simco Sông Đà ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam với vai trò là đối tác phân phối các sản phẩm công nghệ cao ra thị trường. Công ty cũng đang triển khai họp bất thường và bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Cổ phiếu họ Sông Đà lại tạo sóng lớn sau giai đoạn năm 2007. Đồ thị: TradingView.
Tổng công ty Sông Đà (Mã: SJG) – ông lớn ngành xây dựng – cũng chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu SJG. Mã chứng khoán tăng tốc từ khoảng 6.000 đồng (cuối tháng 3) lên 22.700 đồng như hiện tại, tương ứng mức tăng gần 280%.
Video đang HOT
Thanh khoản cũng tạo điểm nhấn khi từ thời điểm đầu năm nay hầu như không có giao dịch nhưng hiện nay đã có giá trị thanh khoản hàng tỷ đồng mỗi phiên khớp lệnh.
Đây là 2 mã dẫn đầu cho xu hướng tăng nóng bỏng tay của cổ phiếu “họ” Sông Đà. Hàng loạt mã chứng khoán khác cũng ghi nhận sự đột biến với mức tăng giá vài lần trong một vài tháng gần đây. Chẳng hạn nhóm 9 mã chứng khoán của Công ty Sông Đà 1 đến Công ty Sông Đà 9 (SD1-SD9) hay một số mã có yếu tố liên quan như ASD, SCL, MEC, S12, S27, S55, S96…
Đà tăng gần đây của nhóm này lại gợi nhắc về “con sóng thần” cũng từng diễn ra vào giai đoạn thị trường chứng khoán tăng mạnh năm 2007. Khi đó, nhiều mã họ sông Đà đồng loạt tăng giá vài lần bất chấp quy mô và bức tranh tài chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên cú lao dốc của thị trường năm 2008 cũng khiến cổ phiếu nhóm Sông Đà tụt dốc không phanh. Đơn cử như SDA từng có giá 3 con số lao dốc thẳng đứng xuống dưới mệnh giá, sau đó phục hồi nhẹ và tiếp tục rơi về vùng đáy chỉ còn 2.400 đồng/cổ phiếu, gần như mất hết giá trị.
Dòng tiền đầu cơ đẩy giá cổ phiếu
Không chỉ có cổ phiếu nhóm Sông Đà, dòng tiền đầu cơ xuất hiện trên khắp thị trường chứng khoán khiến nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng bứt phá không kém cạnh và tạo nên sự sôi động chung.
Cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi dẫn đầu cho xu hướng tăng giá của nhóm này khi có chuỗi tăng trần ấn tượng lên 37.900 đồng, tương ứng gấp gần 7 lần so với thời điểm đầu năm. Từ việc mất thanh khoản, mã này hiện cũng được khớp lệnh hàng trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Các doanh nghiệp có tiền tố Licogi khác cũng có mức tăng ấn tượng không kém. Như Licogi 14 (L14) tăng hơn 5 lần so với đầu năm lên mức 280.000 đồng để trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Tương tự là mức tăng bằng lần của Licogi 12, Licogi 13, Licog 16, Licogi 18…
Hoạt động kinh doanh của nhóm Licogi cũng không quá đột biến và quy mô doanh nghiệp tương đối nhỏ. Thậm chí Chứng khoán An Bình (ABS) từng có báo cáo kém khả quan với Licogi 14, bao gồm rủi ro năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn đến hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các dự án lớn.
Dòng tiền đầu cơ đang đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng bất ngờ. Ảnh: Nam Khánh.
Một số cổ phiếu riêng lẻ cũng tăng nóng khá khó hiểu như mã CEO của Tập đoàn CEO. Công ty bất động sản này tiếp tục lỗ sau thuế đến 224 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và khiến dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên trái ngược với sự khó khăn nội tại, cổ phiếu CEO lại giúp cổ đông nhận niềm vui lớn khi tiếp tục tăng trần phiên thứ 7 liên tiếp lên 23.900 đồng/đơn vị. Giá trị vốn hóa theo đó đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 91% so với đầu năm.
Hay như KHB của Khoáng sản Hòa Bình cũng tăng tốc lên khoảng 7.800 đồng/cổ phiếu, gấp 8,7 lần so với đầu năm. Cổ phiếu tăng mạnh nhưng hoạt động kinh doanh vẫn khá nghèo nàn, công ty hầu như không có doanh thu và tiếp tục lỗ hơn 155 triệu đồng kể từ đầu năm.
Cũng thường xuyên trong tình trạng không có doanh thu các năm gần đây nhưng cổ phiếu KSQ của Công ty CNC Capital Việt Nam lại gây sốc với mức tăng giá hơn 5 lần về mệnh giá, mức cao nhất từ 2014 đến nay.
Thậm chí một doanh nghiệp bị buộc phải hủy niêm yết do chưa thể công bố báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp (2018-2020) như DPS của Đầu tư Phát triển Sóc Sơn cũng được đẩy giá mạnh. Thị giá DPS đã gấp 5 lần kể từ khi giao dịch trên UPCoM.
Thực tế dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu cơ là dễ hiểu khi thị trường chứng khoán bùng nổ dẫn đến sự quan tâm và niềm tin của người dân cao hơn. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ đầu năm nay vào khoảng 1,1 triệu đơn vị, lớn hơn 4 năm trước đó cộng lại.
Theo số liệu từ HoSE, thanh khoản bình quân trong 10 tháng đầu năm vào khoảng 19.600 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 3 lần so với năm ngoái. Thậm chí một số phiên đầu tháng 11 càng giao dịch tích cực hơn khi giá trị giao dịch toàn thị trường vượt hơn 2 tỷ USD.
Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia đã đẩy giá các chứng khoán lên cao. Việc không có nhiều thời gian và kinh nghiệm khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các cổ phiếu lạ, có câu chuyện riêng hay đơn thuần là cả những tin đồn…
Một môi giới chứng khoán hơn 10 năm kinh nghiệm ở TP.HCM chia sẻ rằng hiện nhu cầu đầu tư chứng khoán rất lớn. Khách hàng chỉ quan tâm làm sao mua bán được cổ phiếu, hôm nay mua được mã chứng khoán nào và mua bao nhiêu, đôi khi không quan tâm đó là doanh nghiệp như thế nào.
Cổ phiếu bất động sản 'nổi sóng' hậu giãn cách xã hội
Thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối cùng của tháng 10/2021 khá ấn tượng khi chỉ số VN-Index đạt 1.444,27 điểm, xác lập mức kỷ lục mới sau hơn 21 năm thành lập.
Đáng chú ý, cùng với sự bùng nổ của thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ trở thành trụ cột thị trường, thay vì nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng như trước đó.
Cổ phiếu đồng loạt dậy sóng
Chỉ trong vòng một tuần qua, nhiều cổ phiếu bất động sản có sự bứt tốc mạnh mẽ cả về thị giá lẫn thanh khoản. Ở nhóm bluechip, cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes là cái tên sáng giá nhất khi có phiên thứ 6 tăng giá liên tiếp sau một thời gian "im ắng". Thị giá của VHM đã tăng 9,6% chỉ trong vòng một tuần qua, đây được xem là mức tăng lớn ở nhóm bluechip.
Đà tăng mạnh nhất của VHM diễn ra ở phiên ngày 29/10, tăng 5,56% lên 85.500 đồng/cổ phiếu khi Vinhomes công bố báo cáo tài chính quý 3 với con số lãi ròng đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ. Khối lượng giao dịch trong phiên tăng mạnh mẽ, đạt gần 16 triệu đơn vị, tăng gấp 3 lần so với phiên trước đó. Khối ngoại cũng trở lại mua ròng VHM trong 5 phiên giao dịch liên tiếp gần đây.
Diễn biến tương tự, cổ phiếu VIC - Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup cũng duy trì đà tăng trong 6 phiên gần đây và có tác động tích cực lên VN-Index. Chốt phiên cuối của tuần qua, VIC tăng 4,36% so với tuần trước đó, đóng cửa ở mức 95.800 đồng/cổ phiếu.
Với diễn biến giá cổ phiếu tích cực trong thời gian gần đây, VHM và VIC hiện là 2 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất trên sàn HOSE, với tỷ trọng lần lượt là 6,77% và 6,63%.
Ngoài 2 mã "họ Vin", diễn biến tích cực của các cổ phiếu bất động sản khác trong nhóm VN30 như NVL, KDH, PDR cũng góp phần giúp VN-Index chinh phục mốc điểm lịch sử mới trong lần này.
Đáng chú ý, cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đã liên tiếp ghi nhận các phiên đạt đỉnh lịch sử, chốt tuần ở mức 51.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 12% chỉ trong một tuần.
Cổ phiếu NVL - Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va cũng ghi nhận tăng gần 6% trong tuần qua, đưa NVL lọt top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên HOSE, hiện chiếm 2,93% tổng giá trị vốn hóa của HOSE.
Ở nhóm midcap, DIG, HDC, NLG, CII, NTL... đang là những cái tên sáng giá, hút dòng tiền mạnh mẽ trên sàn HOSE. Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận mức thị giá cao nhất kể từ trước đến nay.
Trong đó, phải kể đến DIG - cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng đã tăng 19% sau một tuần, tăng tới trên 64% chỉ trong tháng 10/2021 và lọt top trending trên thị trường. Mức giá đóng cửa 50.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/10 là mức giá đỉnh lịch sử của DIG ghi nhận được sau 12 năm niêm yết.
HDC - Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang duy trì đà tăng tích cực. Cổ phiếu này đã tăng hơn 12% trong tuần qua, và tăng gần 45% qua một tháng. Mức giá đóng cửa vào ngày 29/10 đạt 106.600 đồng/cổ phiếu cũng là mức giá đỉnh lịch sử của cổ phiếu này.
Không riêng bluechip và midcap, nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa nhỏ hay cổ phiếu bất động sản giao dịch trên sàn HNX, Upcom cũng có diễn biến rất tích cực, thậm chí nhiều cổ phiếu ghi nhận tăng trần trong những phiên gần đây. Ngay cả một số cổ phiếu bất động sản giao dịch dưới mệnh giá cũng đang có sự bứt tốc mạnh mẽ trong vài phiên gần đây như LDG, HQC....
Trong đợt này, ngoài cổ phiếu bất động sản thương mại, xây dựng, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng hút dòng tiền khá mạnh mẽ. Trong nhóm này có thể kể đến một số đại diện nổi bật như KBC, SZC, VGC, LHG.
Không chỉ diễn biến tích cực trong một tuần gần đây, mà nhóm cổ phiếu bất động sản có xu hướng hút dòng tiền kể từ đầu tháng 10/2021, khi Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành chính thức mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian áp dụng giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch. Thống kê cho thấy, chỉ số VNREAL - đại diện cho ngành bất động sản đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 10 khi tăng gần 13%, trong khi tháng trước đó lại giảm gần 3%.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản có tổng vốn hóa lớn thứ 2, chỉ sau nhóm cổ phiếu ngân hàng. Do vậy, việc nhóm cổ phiếu này tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây đã giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm và hướng tới mốc 1.450 điểm một cách thuyết phục.
Hưởng lợi từ cú hích đầu tư công
Tại một tọa đàm trực tuyến về bất động sản mới đây do Báo Người Lao động tổ chức, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong đợt dịch vừa qua, chỉ có 30% sàn giao dịch bất động sản hoạt động với công suất khoảng 50%. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và doanh nghiệp sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động bán hàng.
Nhiều khách hàng có xu hướng đầu tư trở lại và đã có nhiều giao dịch thành công trong tháng 10. Trong khi đó, một số chủ đầu tư lớn, có uy tín đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí đưa ra chính sách nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán. Bức tranh này đem lại kỳ vọng tín hiệu lạc quan cho thị trường từ nay đến cuối năm 2021.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch COVID-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt. Trước đây, khi gặp khó khăn, nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Thế nhưng ở đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, song cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở... vẫn phát triển tốt.
Bên cạnh đó, giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua. Một yếu tố thuận lợi đáng chú ý nữa là Chính phủ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới. Thị trường bất động sản qua đó cũng sẽ được hưởng lợi từ cú hích này.
Trong các báo cáo cập nhật ngành gần đây, các chuyên gia và công ty chứng khoán cũng nhận định, bất động sản là một trong những ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng nhất trong giai đoạn cuối năm. Bởi lẽ, quý 4 thường là mùa hạch toán ghi nhận doanh thu các dự án bất động sản. Cộng thêm điều kiện vĩ mô thuận lợi khi đầu tư cơ sở hạ tầng là vấn đề được Chính phủ đặt trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn tới năm 2030.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), đầu tư công là phương án khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm khi các "đầu kéo" khác là tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh, tình trạng nhập siêu tiếp tục diễn ra các tháng gần đây. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đều đã ra chỉ thị đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án với mục tiêu hoàn thành tối thiểu đạt 90-95% kế hoạch cho tới cuối năm.
"Chúng tôi đánh giá đây là yếu tố tác động mạnh tới thị trường bất động sản khi thông tin về quy hoạch vùng hoặc kế hoạch triển khai một dự án hạ tầng giao thông có thể làm gia tăng nhu cầu mua nhà đất tại các khu vực hưởng lợi lân cận, thị trường ngày càng có xu hướng li tâm khỏi lõi trung tâm ra các vùng ven", báo cáo của Agriseco nhận định.
Các chuyên gia đánh giá triển vọng chung của ngành bất động sản sẽ được duy trì tích cực trong trung và dài hạn. Tuy vậy, cơ hội của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản sẽ có sự phân hóa trong thời gian tới khi nhiều cổ phiếu đã tăng giá đáng kể trong thời gian qua. Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng về quỹ đất và pháp lý dự án tốt, có bảng cân đối kế toán tài chính lành mạnh, ít gánh nặng nợ vay, sở hữu các dự án được hưởng lợi trực tiếp từ các tuyến hạ tầng trọng điểm...
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 22/10 - Đúng cổ đúng thời điểm VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/10 giảm 9,03 điểm (-0,65%) xuống 1.384,77 điểm. HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,04%) lên 388,45 điểm. UPCOM-Index tăng 0,09 điểm (0,09%) lên 99,77 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE lại có phần sụt giảm khi chỉ đạt 681 triệu đơn vị (giảm 15,6% so với phiên trước) và giá trị giao dịch giảm 10%...