Công ty gây “lũ bùn đỏ” bị xử lý như thế nào?
Ngày 29/11, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã gửi kiến nghị UBND tỉnh xử phạt công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) vì đã để xảy ra vỡ hồ chứa thải titan, gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, với việc vỡ hồ chứa titan làm ảnh hưởng môi trường và người dân xung quanh, Sở kiến nghị tỉnh xử phạt với mức 200 triệu đồng; đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố và đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.
Trước đó, vào ngày 18/11, hồ nước có lẫn bùn thải titan ở Bình Thuận bị vỡ khiến cả vùng rộng lớn ngập trong bùn đỏ, một lượng lớn chảy ra biển.
Có 3 người phụ nữ đi ngang qua suýt chết vì bùn từ trong cổng công ty ào ào tuôn ra. Ba người chỉ kịp vứt xe, tháo chạy thoát thân. Hai chiếc xe máy của họ và 1 chiếc xe máy trong công ty bị cuốn phăng, trôi ra cửa biển.
Video đang HOT
Lũ bùn đỏ tại Bình Thuận vào tháng 11/2013.
Theo một chuyên gia ngành khoáng sản ở Bình Thuận, bể chứa chất bùn đỏ bị vỡ của công ty đang trong quá trình làm lắng, sau đó sẽ tiếp tục được xử lý để lấy titan. Trong bùn đỏ này nhiều khả năng có chất độc hại. Ngoài ra, khi kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện bên trong công ty một lượng lớn titan bị chôn vùi xuống đất.
Đồng quan điển đó, ông Nguyễn Hữu Quý – chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: việc bảo quản titan như vậy là lạ đời: “Titan sau khi được khai thác xong phải được tập kết vào chỗ để và phải phủ bạt lên. Nếu chôn titan ẩm ướt như vậy thì nó sẽ thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Những người làm titan chuyên nghiệp không ai làm như vậy”.
Được biết, trong thời gian từ tháng 5/2010 đến tháng 10/2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận đã bị kiểm tra 20 lần và bị đình chỉ 3 lần; tổng cộng công ty đã bị phạt 5 lần với tổng số tiền hơn 213 triệu đồng.
Xả nước thải chứa chất nguy hại ra môi trường sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, cá nhân vi phạm bị phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng, mức phạt này sẽ là 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đã gây ra.
Nghị định quy định rõ, với hững cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý sau: buộc di dời cơ sở đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường; cấm hoạt động. Cơ sở bị cấm hoạt động phải thực hiện các biện pháp di dời, bảo quản, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đối với các chất dễ cháy, dễ gây nổ… và giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh.
Với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường và đình chỉ hoạt động của cơ sở; cơ sở bị áp dụng hình thức buộc di dời và cấm hoạt động sẽ bị công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo Đất Việt