Công ty đòi nợ vi phạm, chủ nợ có vô can?
Ngày 11-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo quy định hiện hành, chủ nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Nhưng trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đã bỏ quy định này với lý giải trên thực tế, một số chủ nợ có yêu cầu các công ty đòi nợ thực hiện các hành vi cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực gây mất an ninh, trật tự xã hội để buộc con nợ phải trả tiền. Do đó, dự thảo quy định trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình với quy định này.
Dịch vụ đòi nợ thuê nở rộ những năm gần đây (Ảnh chụp màn hình)
VCCI cho biết trong hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ, DN đòi nợ bằng nghiệp vụ sẽ đòi các khoản nợ cho khách hàng và được hưởng phí (từ 5%-45% trong tổng số tiền nợ tùy thỏa thuận) nhưng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động của mình. “Chủ nợ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ gì đối với cách thức thực hiện của DN đòi nợ” – đại diện VCCI cho hay.
Theo VCCI, trên thực tế, có thể xảy ra tình huống chủ nợ yêu cầu hoặc khuyến khích DN đòi nợ thực hiện các hành vi bất hợp pháp để đòi nợ. Tuy nhiên, nếu DN đòi nợ chân chính sẽ không được chấp nhận các yêu cầu này, bởi họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo đúng quy định pháp luật. Còn chủ nợ với tư cách là khách hàng, về mặt nguyên tắc, họ không thể kiểm soát hay can thiệp được các hoạt động của DN đòi nợ.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này là bất cập và khó thực thi. “Chủ nợ và công ty đòi nợ ký hợp đồng thỏa thuận quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Bên chủ nợ không thể giám sát, không thể điều khiển được hành vi của người đi thực hiện đòi nợ. Quy định này sẽ không thực hiện được ở thực tế” – luật sư Tuấn Anh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, phía VCCI cho rằng chủ nợ có thể yêu cầu hoặc khuyến nghị cách thức thực hiện đòi nợ nhưng việc có chấp nhận hay không là trách nhiệm của DN. Do đó, trường hợp DN đòi nợ thực hiện việc đòi nợ theo cách thức pháp luật cấm thì DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc này, không quan trọng là hành vi này xuất phát từ gợi ý hay yêu cầu của ai.
Luật sư Trần Tuấn Anh lo ngại nếu gắn trách nhiệm của chủ nợ với công ty đòi nợ sẽ không có khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ này nữa, vì nhiều trường hợp họ phải chịu thiệt hại vì những hoạt động của bên đòi nợ.
Video đang HOT
Minh Chiến
Theo nld.com.vn
Dịch vụ đòi nợ thuê: Cảnh báo sự biến tướng
Những gì đã và đang diễn ra ở dịch vụ đòi nợ cho thấy 1 mối nguy khác liên quan tới trật tự xã hội.
Một "con nợ" bị nhóm đòi nợ xịt sơn lên nhà. Ảnh: PV
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%. Trong khi đó, nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả chỉ khoảng 50%. Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra ở dịch vụ này cho thấy 1 mối nguy khác liên quan tới trật tự xã hội.
Đòi nợ kiểu "giang hồ"
Tại phía Nam, đặc biệt, các tỉnh, thành có kinh tế phát triển như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, BRVT, Cần Thơ... dịch vụ thu hồi nợ tràn ngập với mức tiền công dịch vụ thu hộ nợ từ 20% (đối với số nợ từ 3-5 tỉ đồng) đến 45% (với số nợ dưới 50 triệu đồng).
Nhà nước đã có nhiều quy định liên quan đến dịch vụ đòi nợ. Trong đó, hành vi bị nghiêm cấm là hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Tuy nhiên, hành vi bị cấm này lại là giải pháp đòi nợ... hữu hiệu và không ít cá nhân áp dụng. Điển hình, theo công an TPHCM, là vụ anh P.X.Đ (ngụ quận 7) vay 900 triệu đồng để kinh doanh nhưng khó khăn nên chưa trả được lãi và gốc. Chủ nợ đã thuê 1 nhóm chuyên đòi nợ thuê kiêm hoạt động "tín dụng đen" đi thu hồi, do Ngô Văn Phúc cầm đầu.
Tháng 5.2018, Phúc cùng đàn em đã bắt anh Đ đánh đập rồi bắt nạn nhân lên xe, yêu cầu viết giấy nhận nợ gần tỉ đồng. Chưa hết, chúng còn ra lệnh, trong 3 ngày phải trả đủ, nếu không sẽ lấy mạng khiến gia đình nạn nhân khiếp vía (hiện cơ quan công an đã bắt được Phúc).
Không chỉ TPHCM, tại Đồng Nai cũng có vụ đòi nợ bằng "luật rừng" gây xôn xao dư luận. Cụ thể, tháng 6.2018, ông T.V.D. (ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) bị 1 nhóm 4 thanh niên "bắt cóc" lên xe ôtô chở đi để ép người nhà phải trả số nợ 300 triệu đồng. Tại TP.Biên Hòa, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng thống kê được có khoảng 7 vụ đòi nợ thuê kiểu "khủng bố" không chỉ tinh thần mà thân thể con nợ.
Còn tại Bình Dương, cuối tháng 7.2018, công an thị xã Dĩ An đã bắt 3 đối tượng để điều tra về hành vi "bắt giữ người trái pháp luật" và "cưỡng đoạt tài sản". Bởi nhóm này sau khi không đòi được nợ, không được trả công đã quay lại bắt cóc tống tiền chính chủ nợ.
Tại Đồng Nai, 1 nhóm đòi nợ thuê đã "khủng bố" con nợ bằng tờ rơi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ảnh: PV
Biến tướng ở các công ty thu hồi nợ
Không chỉ cá nhân, ngay cả ngân hàng cũng thuê Cty có dịch vụ đòi nợ mà không lường được những hậu quả khác do "biến tướng" dịch vụ này. Điển hình, tại Đồng Nai, chi nhánh ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ủy quyền cho Cty TNHH dịch vụ thu hồi nợ Thiên Hà (Cty Thiên Hà, trụ sở tại TPHCM) thay mặt thu hồi số tiền hơn 54 triệu đồng do ông N.T.Tỉnh (TP.Biên Hòa - Đồng Nai) nợ quá hạn.
Tháng 6.2018, đối tượng đến đòi nợ không phải là Cty Thiên Hà mà là 1 nhóm người xưng "Đòi nợ Thiên Long" đã rải và dán hàng chục tờ rơi có in hình ông Tỉnh cùng ngày tháng, năm sinh, CMND, tên tuổi người thân... rải bêu riếu khắp khu phố họ sinh sống; xịt sơn xanh đỏ trước cửa nhà kèm những lời lẽ đe dọa tính mạng sức khỏe con nợ.
Pháp luật nghiêm minh cần hơn trang phục
Trước những phức tạp của dịch vụ thu nợ thuê, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất, người đi đòi nợ thuê phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan....
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, trang phục như trên vẫn không vào đúng bản chất vấn đề.
Minh chứng, trên web các Cty đòi nợ thì các dịch vụ thu nợ "có vẻ" tuân thủ quy định, tổ chức bài bản, đồng phục đàng hoàng. Nhiều Cty còn quảng bá có đội đi thu nợ học cả trường luật, thậm chí là luật sư, luật gia...
Thực tế thì khác. Điển hình, cuối năm 2017, cơ quan chức năng Cần Thơ đã xử phạt hành chính 1 Cty dịch vụ đòi nợ thuê A.K ở TPHCM. Nguyên nhân, nhân viên của Cty này xuống Cần Thơ đòi số tiền trên 5,5 tỉ đồng cho 1 DN khác, nhưng lại có hành vi không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Còn trang phục? Nhóm này khi đi đến cơ quan công an thì mặc đồng phục lịch sự, nhưng khi đi đòi nợ, cởi áo thì xăm trổ chằng chịt làm con nợ "khiếp đảm"...
Nên dùng loại hình thừa phát lại
Nhiều năm nghiên cứu dịch vụ thu hồi nợ, luật gia Ngô Minh Trực (Giám đốc Cty luật hợp danh Anh Luật-TPHCM) nhận định, có không ít Cty chỉ là hình thức, khi đi đòi nợ lại sử dụng các đối tượng "xã hội đen" hay thành phần có tiền án, tiền sự. Trong khi đó, quản lý nhà nước với ngành nghề cực kỳ nhạy cảm này còn lỏng lẻo. Từ đó, luật gia Ngô Minh Trực cho rằng, không cần thiết phải phát triển loại hình này mà thay thế nó bằng loại hình thừa phát lại.
Xử lý dịch vụ thu hồi nợ kiểu "khủng bố" rất khó
Theo Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Trưởng văn phòng luật sư Hoa Sen TPHCM): Khởi kiện và nhờ cậy cơ quan thi hành án để thu nợ là biện pháp được khuyên dùng. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ gây tốn kém về thời gian và chi phí cho chủ nợ khi phải bỏ ra 1 khoản chi phí để nộp tạm ứng án phí và thuê người đại điện hoặc mất công ăn việc làm khi đi kiện
Thế nên, dịch vụ thu hồi nợ cũng rất cần. Nhìn ở mặt tích cực, dịch vụ thu hồi nợ giúp cho người chủ nợ tìm ra, phát hiện tài sản của người nợ. Ngoài ra, đó còn làm đơn vị trung gian để trao đổi thông tin, thương lượng về việc trả nợ và số tiền phải trả. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là đơn vị đòi nợ chủ yếu sử dụng biện pháp khống chế tinh thần người nợ, làm phát sinh nhiều hệ luỵ, tiêu cực. Pháp luật hiện chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu vì các dấu hiệu vi phạm nó không được thể hiện ra bên ngoài bằng những dạng thức vật chất.
NGÔ NGUYÊN
Theo LĐO
Nhân viên đòi nợ thuê sẽ có đồng phục để không nhầm với xã hội đen? Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua. Nhân viên đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục là một trong những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị...