Công trình vừa làm xong đã hỏng: Do nghiệm thu bằng… tiền?!
Tại dự án giao thông vừa làm xong đã hỏng, các chủ đầu tư khăng khăng tất cả đều đúng quy trình, nguyên nhân là do xe quá tải và thời tiết. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định công trình hỏng là do lỗi con người.
Cuộc họp được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng triệu tập gấp vào hôm 3/6, đề cập đến nhiều vấn đề nóng trong hoạt động quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông. Thậm chí, vị Bộ trưởng này còn quyết “ngay tại trận” việc đuổi vĩnh viễn đơn vị tư vấn giám sát, không cho tham gia các dự án giao thông, dọa chuyển việc người đứng đầu các đơn vị có liên quan…
“Đường không phải để chạy trong nhà”
Tại cuộc họp, chủ đầu tư các dự án, điển hình là Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long và Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Vinh- Hà Tĩnh và tuyến tránh Vinh, đều một mực khẳng định đã làm đúng quy trình, quy chuẩn và được giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Vậy nhưng đường vừa làm xong đã… lún, hằn vệt bánh xe.
Nguyên nhân bước đầu được các chủ đầu tư cho là do xe quá tải, tiêu chuẩn nhựa theo tiêu chuẩn Việt Nam đã lỗi thời và thời tiết, việc xác định nguyên nhân cụ thể phải chờ kết quả kiểm định. Tuy nhiên, các cố vấn và chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đã bác bỏ và khẳng định nguyên nhân chắc chắn là do yếu tố con người.
Theo TS.Trịnh Xuân Cường – cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: “Đường phải chịu được thời tiết, chứ không phải là đường để chạy trong nhà. Một số chỗ hỏng khi khoan ra thí nghiệm, kiểm định cho thấy là do chất lượng không đảm bảo chứ không phải do nhựa, do quy trình như các anh nói. Nếu do nhựa thì phải cả vệt chứ không phải một vài chỗ được. Nguyên nhân là do con người”.
Quốc lộ 1A mở rộng, đoạn Vinh – Hà Tĩnh bị lún và hằn vệt bánh xe
Đồng quan điểm với ông Cường, PGS.TS Trần Đắc Sử – Hiệu trưởng trường Đại học GTVT – cũng khẳng định công trình kém chất lượng thì vấn đề mấu chốt là yếu tố con người. “Phải xem xét lại kết cấu, nhựa bề mặt đường. Nhưng yếu tố con người, nếu không tăng cường giám sát, quản lý thì không thể đảm bảo chất lượng” – ông Sử nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, các nguyên nhân đưa ra đều đúng nhưng đều do yếu tố con người. Việc khoan kiểm tra đều thấy chất lượng không đảm bảo, nhưng nếu hỏng do tiêu chuẩn thì trong điều kiện nhựa, thời tiết, chất lượng như nhau thì phải hỏng hết, tạo vệt bánh xe trên toàn bộ tuyến đường chứ không phải một vài chỗ như hiện trạng. Trong khi đó, chỉ có thể kiểm soát được chỉ số thí nghiệm ban đầu của mẫu bê tông nhựa, còn khi thi công đại trà rất khó kiểm soát các khâu, chất lượng không còn như mẫu đưa đi thí nghiệm vì chưa kiểm soát được chất lượng trên hệ thống.
Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình vừa làm xong đã hỏng không phải là điều gì “bí hiểm”. Ở góc độ chuyên môn kỹ thuật, không khó để nhận ra là do kiểm soát chất lượng thi công hiện trường. Bằng chứng là tại Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long, cả 4/4 mẫu kiểm định đều cho kết quả là có vấn đề, có mẫu thậm chí không có thành phần bột đá. Ở đây, vấn đề là các đơn vị thực hiện dự án nhìn nhận như thế nào và chịu trách nhiệm ra sao.
Nghiệm thu bằng… tiền?!
Trong thi công công trình, Tư vấn giám sát (TVGS) đóng vai trò rất quan trọng, sự có mặt của TVGS nhằm kiểm soát chất lượng công trình và nghiệm thu các giai đoạn thi công đảm bảo chất lượng tốt. Tuy nhiên, có một thực tế là đội ngũ TVGS trong nước hiện nay lại đang cố tình tạo ra tiêu cực.
Video đang HOT
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tại các dự án nếu TVGS là của nước ngoài thì công việc rất nghiêm túc và chất lượng công trình rất cao, nhưng nếu là TVGS Việt Nam thì vấn đề tiêu cực lại là số 1. Thậm chí, tư vấn còn đòi tiền nhà thầu, nếu không có tiền thì không ký văn bản nghiệm thu, mà khi đã đưa và nhận tiền rồi thì đương nhiên công việc không cần phải làm tốt nữa.
Nhấn mạnh đến công tác quản lý dự án, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường thẳn thắn nói về chất lượng TVGS: “TVGS trong nước có nhiều bất cập, gần như là có thái độ theo chủ đầu tư và bị chủ đầu tư ràng buộc. Trong khi đó, TVGS nước ngoài không chịu áp lực gì nên họ làm rất nghiêm túc, họ giám sát thi công nghiêm ngặt và kiểm tra vật liệu rất kỹ càng, ở các công trình có TVGS nước ngoài thì đều có chất lượng rất tốt”.
“Công tác quản lý cần phải xem xét lại và tách bạch các vấn đề. Trong đó, quy trình nghiệm thu phải chặt chẽ. Thực tế cho thấy, đáng lẽ tất cả phải có hồ sơ nghiệm thu từ cấp thấp nhất đến cao nhất cùng ký thì mới được chuyển tiếp thi công, thế nhưng ở các dự án BOT thì bỏ hết cả quy trình, có thể hôm nay vừa làm subbase (cấp phối đá dăm) thì ngày mai đã thảm nhựa luôn mà không có nghiệm thu gì cả, như vậy thì làm gì có chất lượng.” – Thứ trưởng Trường cho hay.
Trước tình hình hư hỏng công trình như hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng nếu không xử lý được thì sau này thành thảm họa. Bởi nếu quốc lộ 1 mở rộng xong toàn tuyến mà bị hai vệt bánh xe như thế thì vô phương cứu chữa và rất nguy hiểm.
Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng, công trình có vấn đề là do con người. Và dù chưa có kết quả kiểm nghiệm chính thức về nguyên nhân khiến ở Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long bị hư hỏng, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “hạ chỉ” đuổi vĩnh viễn đơn vị TVGS, Bộ trưởng cấm đơn vị TVGS này không được tham gia bất kỳ dự án giao thông nào.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh quan điểm không đẩy nhanh tiến độ để làm hỏng chất lượng, không hi sinh chất lượng để lấy tiến độ. Bộ trưởng cũng khẳng định không thể chấp nhận TVGS đòi tiền của nhà thầu, đòi tiền mới nghiệm thu thì công trình không thể tốt được.
“Sai phạm xảy ra sẽ xử lý người đứng đầu, không làm được thì phải thay” – Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
"Dùng tiền của dân làm đường kém thế mà vẫn ăn ngon ngủ yên?"
"Ai nói cũng đúng, có mỗi con đường là sai. Dùng tiền của dân mà làm đường kém thế này thì không chấp nhận được... Không thể đường hỏng mà vẫn ăn ngon ngủ yên được" - Bộ trưởng GTVT chỉ trích gay gắt.
Công trình kiểu mẫu cũng... lún
Mở đầu cuộc họp về chất lượng công trình giao thông sáng nay (3/6), người đứng đầu ngành giao thông Vận tải (GTVT) - Bộ trưởng Đinh La Thăng đề cập trực tiếp đến 2 công trình vừa hoàn thành nhưng đã phát hiện hư hỏng là Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long và Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Vinh- Hà Tĩnh và tuyến tránh Vinh.
Yêu cầu không báo cáo dài dòng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị tất cả những Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thực hiện dự án nói trực tiếp vào vấn đề, trong đó chỉ ra nguyên nhân công trình kém chất lượng và nhấn mạnh đến giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Chất lượng công trình là uy tín, là hình ảnh của ngành GTVT"
Với Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Vinh- Hà Tĩnh và tuyến tránh Vinh doTổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) là chủ đầu tư theo hình thức BOT, được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu cả về tiến độ và chất lượng, nhưng trước tình hình nắng nóng và mật độ xe quá tải dày đặc, một vài điểm đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mặt đường bị hằn, lún.
Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng Giám đốc Cienco4 - cho biết: "Không có chuyện trà trộn nhựa, trạm trộn tốt, máy rải mới, công nghệ tốt, thi công dự án đúng quy trình, vật liệu đúng tiêu chuẩn, thí nghiệm kỹ càng, trực tiếp nhập nhựa bồn từ Singapore, bột khoáng, đá cũng được Tổng công ty kiểm soát, không phân xuống các đơn vị... Vậy nhưng lún vẫn xảy ra".
Nói về nguyên nhân, ông Hoa đề cập đến vấn đề thời tiết nắng nóng và cho biết công ty cũng đã thuê đơn vị kiểm định độc lập để làm rõ hơn nguyên nhân. Trước mắt, Cienco 4 đã triển khai giải pháp như tưới nước trong những ngày nắng to để giảm nhiệt cho mặt đường, phân luồng xe để giảm tải và tránh hiện tượng trùng phục.
Trong khi đó, Dự án mở rộng Quốc lộ 18 đoạn qua Uông Bí - Hạ Long được thông xe kỹ thuật hôm 18/5 nhưng đã phát hiện một số vị trí mặt đường bị hư hỏng cục bộ. Giải thích việc này, ông Lương Đức Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Đại Dương (chủ đầu tư dự án) khẳng định quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu cũng kiểm soát chặt chẽ quy trình, tiêu chuẩn, kiểm tra móng đường không có hiện tượng gì, nhưng một số đoạn mặt đường bị hằn lún.
"Tất cả đều đúng mà công trình lại kém chất lượng?"
"Mổ xẻ" tình hình đường vừa làm xong đã bị hư hỏng, đa phần các ý kiến nêu ra tại cuộc họp đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu do thời tiết. Một số ý kiến nêu lên những vấn đề liên quan trong kiểm soát vật liệu và quy chuẩn vật liệu, thiết bị công nghệ thi công, hệ thống kiểm soát chất lượng dự án và kinh nghiệm thi công.
Quốc lộ 1A đoạn Vinh- Hà Tĩnh phải tưới nước trong những ngày nắng nóng
Không đồng tình về những lý giải nói trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: Ai nói cũng đúng, có mỗi con đường là sai. Ở Trung Đông có nóng hơn ở Việt Nam không? Cùng nhập khẩu một loại vật liệu vậy sao Tây làm đường không lún mà Việt Nam lại bị lún? Trước câu hỏi của Bộ trưởng, ông Lê Ngọc Hoa trả lời rằng thi công công trình Việt Nam dùng nhựa tiêu chuẩn khác với các nước do điều kiện đặc thù và do chủ trương lớn.
"Tiêu chuẩn khác là tiêu chuẩn gì? Ai đưa ra chủ trương lớn đó? Chủ trương của tôi là chất lượng công trình, chủ trương của tôi là đường không được phép cao hơn nhà dân. Tại sao nước ngoài họ làm được mà ta không làm được? Làm đường xong khi trời nóng thì bảo dân không được đi vì sợ lún, nghe thế mà chấp nhận được à? Tưới nước và phân luồng xe cho khỏi lún vậy thì làm đường chỉ dành để đi khi trời mưa à? Sao vô lí vậy?".
Trong cuộc họp, rất nhiều ý kiến được đưa ra, ai nói cũng đúng, người phát biểu sau nhận xét người phát biểu trước đúng, như vậy thì chỉ có mỗi đường là sai, đường kém là tại thời tiết Việt Nam, do biến đổi khí hậu, vậy thế giới có biển đổi khí hậu không? Có nóng không? Có mưa không? Vậy sao đường của họ vẫn tốt?" - Bộ trưởng Thăng gay gắt.
Nói đến đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng một lần nữa nhấn mạnh với tất cả lãnh đạo chủ chốt của các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị thực hiện dự án ngay tại cuộc họp rằng tiền làm đường của nhà nước chính là tiền thuế của dân đóng góp, tiền huy động theo hình thức nào cũng là tiền của người dân đóng góp, vì thế phải nghĩ đến việc dùng tiền của dân thế nào cho hiệu quả.
"Chưa nói đến thất thoát, tiêu cực, mà ở đây phải dùng đến trí tuệ, khoa học công nghệ để làm sao dùng tiền cho hiệu quả. Dùng tiền của dân mà làm đường kém thế này thì không chấp nhận được, phải có lương tâm và trăn trở về điều đó chứ không thể đường hỏng mà vẫn ăn ngon ngủ yên được" - Bộ trưởng nói .
Sẽ xử lý "tội"... tốt
Từ năm 2011 đến nay đều lấy năm chất lượng công trình, tháng nào lãnh đạo Bộ GTVT cũng họp ít nhất là 1 lần, thường là 2-3 lần bàn về chất lượng công trình. Tại các cuộc họp đều đưa ra tất cả các giải pháp, từ quản lý con người, hoàn thiện thể chính sách, khoa học công nghệ... Nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận hiệu quả chưa cao, cụ thể là chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề, đòi hỏi phải chấn chỉnh, khắc phục ngay.
"Tất cả làm đúng mà đường vẫn kém chất lượng?"
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc nhở Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Trần Xuân Sanh: "Tôi đã trao quyền cho anh nên đề nghị anh Sanh phải mạnh tay hơn nữa chứ không thể ngại vì nghĩ cho đơn vị, nếu anh không mạnh tay thì cuối năm sẽ xử lý anh vì "tội" anh... tốt, chứ không phải vì anh kém. Cuối năm nay, nếu như chất lượng công trình không cải thiện thì tôi sẽ chuyển anh đi làm việc khác".
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Đông tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn và mục tiêu số 1 là đảm bảo chất lượng, không hi sinh chất lượng để đổi lấy tiến độ, tiến độ nhanh để ra 1 sản phẩm hỏng thì làm làm gì.
Lưu ý tới việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc công ty, xí nghiệp, Đội trưởng, Tổ trưởng, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định nếu sai phạm sẽ xử lý người đứng đầu, làm không được thì phải thay.
Bộ trưởng yêu cầu tất cả các nhà thầu chính không được thuê thầu phụ làm việc chính của gói thầu, vì làm như thế là bán thầu, đồng thời nâng cao hiệu lực và hiệu quả Thanh tra...
"Chất lượng công trình là uy tín, là hình ảnh của ngành GTVT. Khoe thành tích nhưng chất lượng công trình kém tức là cả ngành GTVT kém, mà trước hết là con người kém" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Chồng bám biển bảo vệ chủ quyền, vợ vượt cạn một mình Ngày chồng ra biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng là lúc chị Chung một mình "vượt cạn" sinh hạ một cậu con trai mẹ tròn con vuông. Nơi quê nhà, chị gửi trọn niềm tin yêu đến người chồng chắc tay súng nơi "đầu sóng, ngọn gió". Chị Đặng Thị Chung - vợ chiến sĩ...