Công trình trăm tỷ mới dùng đã xuống cấp
Đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng công trình Khu hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 126 tỷ đồng đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập. Thường trực Hội đồng nhân dân TP đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng làm rõ trách nhiệm của tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và vai trò giám sát của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng.
Công trình Khu hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng sử dụng không lâu đã bộc lộ nhiều tồn tại.
Công trình khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng gồm khối nhà 5 tầng, hành lang nối, hạ tầng kỹ thuật và khớp nối công trình, máy phát điện dự phòng, trang thiết bị y tế. Công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2016 sau gần 300 ngày triển khai. Tuy vậy, sau thời gian sử dụng không lâu, công trình đã bộc lộ nhiều tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện.
Trong báo cáo gửi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ngày 4-1-2017, bà Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng đã liệt kê hàng loạt tồn tại. Hệ thống thang máy của công trình hoạt động không ổn định, thường kẹt khi đang vận chuyển bệnh nhân, không tự động khởi động lại khi mất điện, chế độ dừng an toàn không hiệu lực. Hành lang nối thời gian thực hiện 70 ngày nhưng tiến độ chậm, ảnh hưởng lớn tới công tác vận chuyển bệnh nhân. Riêng nền epoxy phòng mổ, tình trạng bong tróc diễn ra ở 7/7 phòng nhưng mới khắc phục được 3/7 phòng.
Với gói thầu cung ứng, lắp đặt máy phát điện trị giá hơn 775 triệu đồng do Cty Vương Thịnh thực hiện, bà Yến cho biết đã ngưng hoạt động sau 4 tháng sử dụng. Về hệ thống phòng cháy chữa cháy, theo báo cáo của bà Yến, bơm chữa cháy không hoạt động, bơm chữa cháy dự phòng sử dụng diesel không có ống hút khói và nước làm mát, không đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn, hệ thống báo cháy tự động có hiện tượng báo giả, ảnh hưởng tâm lý người nhà và bệnh nhân, vòi chữa cháy tự động bị rò rỉ nước gây thấm tại các buồng bệnh.
Một trong những tồn tại lớn nhất của công trình cũng được bà Yến nêu rõ đó là tình trạng thấm dột gây ẩm mốc tại nhiều phòng bệnh, phòng họp, điều dưỡng… của khối nhà chính. Nhiều cửa tại các phòng gãy tay nắm, sà cửa, hỏng khóa. Hệ thống xử lý nước RO hoạt động không ổn định, không đảm bảo an toàn cho hệ thống bơm và đường ống. Theo Ban Đô thị – HĐND TP Đà Nẵng, qua kiểm tra thực tế cho thấy thiết kế tầng hầm của công trình có một số sai sót, như hệ thống máy bơm không có đường thoát khi xả và nước thừa; toàn bộ tầng ngầm chỉ bố trí 2 máy bơm và 2 hố ga sẽ không đảm bảo trong trường hợp nước mưa tràn vào. Trong khi đó, toàn bộ phần mái công trình có diện tích 1.200m2 nhưng chỉ bố trí 6 ống thoát đường kính D=90 nên không đảm bảo thu và thoát nước trong điều kiện mưa lớn, mưa kéo dài. Toàn bộ các phòng mổ được cải tạo, tuy nhiên không chú trọng công tác cải tạo bề mặt tường và nền, do đó việc thi công lớp epoxy không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
Video đang HOT
Ngày 20/1/2017, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo kiểm tra, khắc phục những bất cập về thiết kế, công tác quản lý, sử dụng đối với công trình này theo Báo cáo của Sở Y tế. Ngoài ra, Thường trực HĐND TP cũng đề nghị UBND TP rà soát, làm rõ trách nhiệm của tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và vai trò giám sát của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng. Ngày 14-2-2017, Sở Xây dựng và các bên liên quan đã họp để giải quyết những tồn tại của công trình này. Theo đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã có báo cáo 9/12 vấn đề tồn tại của công trình đã được khắc phục, 3 vấn đề còn lại đề nghị các đơn vị thi công khắc phục dứt điểm. Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã có báo cáo giải trình về những sai sót tồn tại của công trình và xác nhận sẽ tiếp tục khắc phục để đáp ứng nhu cầu sử dụng vì công trình vẫn còn trong thời hạn bảo hành.
Mới đây, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã có báo cáo giải trình về những tồn tại xung quanh công trình khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng. Theo đó, đơn vị này cho biết việc thi công hành lang nối chậm do mưa kéo dài, thang máy hoạt động trước đây chưa ổn định do lỗi phần mềm, nay đã khắc phục.
Về nền epoxy 7 phòng mổ bong tróc, BQL cho biết vì trong quá trình thi công sơn epoxy tầng 2, lớp phủ bề mặt chưa được đóng rắn thì tổ thi công phần cơ điện sơ ý chạy thử hệ thống điều hòa không khí và thông gió nên đã thổi cát bụi trong đường ống xuống bám dính bề mặt, làm giảm chất lượng thẩm mỹ bề mặt epoxy. Về việc thấm dột gây ẩm mốc tại các phòng của Khu điều trị cao cấp, BQL cho rằng khi mới đưa công trình vào sử dụng thời gian đầu, người nhà bệnh nhân đã sử dụng tầng áp mái và sơ ý vứt rác ra ngoài mái làm tắc nghẽn lỗ thu nước, khi mưa lớn nước không thoát kịp, tràn ngược vào trong sàn mái gây thấm dột, ẩm mốc sàn mái. Hiện toàn bộ những tồn tại được BQL cho biết đã khắc phục.
Về vai trò giám sát của mình, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết sẽ rút kinh nghiệm, cử kỹ sư quản lý dự án túc trực thường xuyên tại hiện trường để tổ chức bảo hành nhanh chóng ngay khi nhận được thông tin của đơn vị sử dụng.
(Theo Công an TP Đà Nẵng)
Cấp 358 tấn phân bón trị giá tiền tỷ để dân... ngắm
358 tấn phân bón có giá gần 1,2 tỷ đồng được cấp cho người dân huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) để cải tạo đất sản xuất hiện phải bỏ không vì diện tích đất được cấp thiếu nước canh tác.
Đầu năm 2015, ông Hồ Văn Thông (thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) được cấp 300 m2 đất trồng lúa để bù vào 1.300 m2 bị thu hồi thực hiện dự án hồ chứa nước Nước Trong. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay ông Thông cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Tây chưa canh tác được vụ lúa nào.
"Đất được cấp đầu nguồn mấy con suối nhỏ lắm nên không dẫn nước vào được. Đất cấp rồi đó nhưng không ai làm được hết vì không có nước" - ông Hồ Văn Thông lí giải.
Ông Hồ Văn Thông không biết làm gì với số phân bón được cấp.
Đất cấp cho người dân không thể canh tác, vậy mà vào tháng 9/2016, Ban quản lý dự án Hồ chứa Nước Trong lại hỗ trợ 358 tấn phân có giá gần 1,2 tỷ đồng cho 258 hộ dân các xã Trà Thọ, Trà Xinh và Trà Phong (huyện Tây Trà) để cải tạo đất đã được cấp. Vì đất không sản xuất được nên số phân bón người dân nhận được cũng đành để... ngắm.
Ông Thông cho biết thêm: "Họ cấp phân nhưng tôi cũng không đếm, đâu khoảng 100 bao. Nhận về để đó chứ biết dùng vào việc gì? Tiếc lắm mà cũng chịu thôi".
Phân bón chất đống ngoài trời suốt nhiều tháng qua
Cùng hoàn cảnh đó, anh Hồ Văn Vũ (thôn Trà Veo, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà) được nhận trên 1 tấn phân cũng đành phải chất đống để đó cho nắng mưa làm hư hỏng. Anh Vũ chua xót: "Nhận phân rồi mà đất canh tác không được phải để hư hỏng tiếc lắm. Biết là lãng phí nhưng giờ cũng chẳng thể dùng vào việc gì".
Người dân cho biết thêm, từ trước đến nay họ sản xuất theo tập quán cũ nên không dùng phân bón. Vì vậy nếu có đất sản xuất người dân cũng không biết phải bón phân như thế nào.
Không có đất trồng lúa, hàng trăm hộ dân ở các khu tái định cư của huyện Tây Trà đành phải mua gạo để ăn như người thành thị. Gia đình anh Hồ Văn Bảy (thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) có 9 miệng ăn. Vì đất không canh tác được nên hàng tháng gia đình anh phải mua gần 100 kg gạo. "Đất không trồng lúa được thì phải mua gạo để ăn thôi. Mỗi tháng mất cả triệu đồng tiền gạo. Không làm được lúa cũng không nuôi được con heo, con gà gì hết" - anh Hồ Văn Bảy cho biết.
Ông Tiêu Viết Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi xác nhận: "Khu vực đất được cấp cho bà con do BQL dự án xây dựng hồ chứa nước Nước Trong cùng huyện làm, xã chỉ được mời đến dự việc bàn giao cho bà con. Việc đất sản xuất phải bỏ hoang do thiếu nước chính quyền xã đã nắm được nhưng vượt quá khả năng giải quyết. Chính quyền xã đã có kiến nghị huyện phối hợp với đơn vị chủ đầu tư giải quyết tình trạng này. Riêng việc cấp phân để cải tạo đất là tốt nhưng đất không canh tác được vì vậy số phân bón đã nhận bà con đành để đó".
Ông Phương cho biết thêm: "Trước mắt, chính quyền xã vận động bà con nhân dân chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện thiếu nước trên diện tích đất được cấp. Một số diện tích bà con nhân dân các thôn đã bắt đầu trồng bắp và các loại đậu".
Trong khi đó, ông Hồ Văn Thông (thôn Tây, xã Trà Thọ) lại khẳng định: "Đất đầy sỏi đá lại thiếu nước như thế thì không trồng được cây gì cả. Toàn bộ người dân ở đây đều bỏ hoang đất được cấp thôi".
Đất canh tác được cấp không sản xuất được, phân bón đành để không gây lãng phí. Điều này ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân vùng hồ chứa Nước Trong suốt nửa năm qua. Như vậy, một lần nữa câu chuyện hỗ trợ hậu tái định cư cho người dân ở Quảng Ngãi lại được đặt dấu hỏi về tính hiệu quả.
Hà Xuyên
Theo Dantri
Dự án xơ sợi 7.000 tỷ đắp chiếu vẫn 'ngốn' hàng trăm tỷ mỗi năm Chỉ trong nửa năm 2016, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ (PVTex) dù ngừng hoạt động nhưng vẫn tiêu tốn mất gần 230 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Tập đoàn dầu khí Quốc gia (PVN) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Đáng chú ý, trong báo cáo của...