Công trình tiền tỷ mới sử dụng vài lần, nay “phơi nắng, phơi sương”!
Đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng một công trình khang trang, cho người dân tránh bão, nhưng khi hoàn thành đã không phát huy hết công năng, chỉ sử dụng được vài lần rồi bỏ hoang, gây lãng phí…
Đây là thực trạng đáng buồn của công trình tránh bão phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Công trình này hoàn thành vào tháng 10/2011, với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Công trình trên xây dựng nhằm phục vụ việc tránh trú bão cho khoảng 100 hộ dân ở các thôn Đại Áng, Trung Chỉ (phường Đông Lương). Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay chỉ sử dụng được vài lần rồi bỏ hoang?
Được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng công trình tránh bão không phát huy được tối đa công năng
Không thể phủ nhận rằng, nhà tránh bão hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của người dân địa phương. Đặc biệt, đối với một số vùng thấp trũng như ở tỉnh Quảng Trị, việc đầu tư công trình như trên là cần thiết. Song, xây dựng nhưng không kết hợp mục đích sử dụng nên công trình chỉ sử dụng một vài lần rồi bỏ hoang.
Đối với tỉnh nghèo như Quảng Trị, trong khi rất nhiều học sinh vùng núi, rẻo cao phải học tập trong những ngôi trường tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng, về mùa mưa cũng phải học tập trong điều kiện dột nát, ẩm thấp thì việc đầu tư theo kiểu thiếu tính toán như trên đã gây ra sự lãng phí lớn.
Video đang HOT
Công trình chỉ sử dụng được một vài lần rồi bỏ hoang
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau mùa mưa năm 2013, công trình này không mấy khi được sử dụng. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, xã hội cũng được tổ chức nơi khác nên công trình được giao cho trưởng khu phố và địa phương quản lý. Từ đó đến nay, công trình nằm “ phơi nắng, phơi sương”, phía dưới tầng một được người dân tận dụng để củi, phơi quần áo, tầng 2 thì bỏ không, cửa khóa kín.
Bên trong được người dân tận dụng để củi và rơm rạ
Nhiều người dân đi qua đây đều cảm thấy tiếc nuối vì công trình được đầu tư khang trang nhưng không không phát huy hết tác dụng. Ông Nam (người dân làng Đại Áng) cho biết: “Từ khi nhà này hoàn thành đến nay, Quảng Trị không có bão lớn và lụt to như những năm 2009 nên cũng chẳng mấy khi dân phải sơ tán tránh bão. Chỉ mùa mưa năm 2013, do ảnh hưởng của bão nên chính quyền vận động người dân vào đó tránh trú. Sau lần đó thì bỏ hoang như vậy, không sử dụng đến nữa” .
Đối với tỉnh nghèo như Quảng Trị, việc đầu tư thiếu tính kết hợp như trên gây nên sự lãng phí rất lớn
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Lương cũng thừa nhận công trình này chưa phát huy được tối đa công năng của nó. Nhưng, ông Đăng cho rằng tính năng chính của công trình trên là tránh bão, từ khi hoàn thành cũng đã mấy lần phục vụ người dân trong việc tránh trú bão.
“Mục đích ban đầu khi xây dựng công trình này nhằm phục vụ tránh bão cho người dân và tổ chức các hoạt động văn hóa. Nhưng địa phương hiện nay đã được xây dựng đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học…nên không phải sử dụng đến nhà tránh bão. Chính vì vậy, công trình được giao cho trưởng khu phố quản lý, điều hành. Trước đó, địa phương dự kiến sử dụng để mở nhóm lớp dạy trẻ, nhưng do không đủ số lượng nên đã đưa về trung tâm. Ngoài tính năng sử dụng để tránh bão, nếu cần thiết thì khuyến khích các tổ chức, hội đoàn thể sử dụng khi cần” – ông Đăng nói.
Đăng Đức
Theo Dantri
Đà Nẵng chi tiền tỷ mua vật mẫu về giám định ma túy
"Ba hay bốn tỷ đồng cũng phải mua để xử lý nhanh những vụ án ma túy", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói trước việc mỗi lần giám định hàm lượng ma túy công an lại phải đưa ra Hà Nội.
Chiều 5/11, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với các ngành liên quan để thống nhất việc triển khai quy chế mà thành phố mới ban hành, nhằm sớm đưa người nghiện đi cai tập trung. Đây là quy chế mà Đà Nẵng "sáng tạo" từ luật Xử lý vi phạm hành chính với hành vi sử sụng trái phép chất ma túy sau khi những bất cập của luật này khiến người nghiện không đi cai tập trung, từ đầu năm đến hết tháng 9.
Đại diện Công an Phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) cho biết, những ngày đầu luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (1/1), việc lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn do thiếu quá nhiều giấy tờ. Mỗi khi bắt giữ người nghiện lại phải lên mạng lục tìm biểu mẫu vừa ban hành để in ra và làm theo. Nhiều trường hợp người test cho kết quả dương tính với ma túy nhưng hết thời gian quy định nên công an đành thả về. Đến khi công an xuống tận nhà người nghiện mời lên làm việc thì họ tìm cớ chối quanh, thậm chí trèo lên mái nhà để trốn thoát.
Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó chánh án TAND TP Đà Nẵng cho hay tòa đang vừa chịu áp lực từ TAND Tối cao vừa từ phía Đà Nẵng, khi thực hiện quy chế. Nhiều trường hợp trong khi chờ tòa phán quyết thì người nghiện rút hồ sơ, hay người nghiện trốn khi chưa đọc và ký vào hồ sơ thì tòa cũng không xét xử được.
"Cần thống nhất rằng, nếu thử dương tính với ma túy thì xét lập hồ sơ ngay và cho người nghiện đọc để sớm hợp thức hóa hồ sơ. Nếu họ vắng mặt thì tòa vẫn ra phán quyết được. Khi đó công an có trách nhiệm truy tìm người nghiện để yêu cầu họ chấp pháp", bà Hà nêu ý kiến.
Người nghiện được tư vấn về sức khỏe tại cơ sở xã hội của thành phố Đà Nẵng mới thành lập. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thượng tá Nguyễn Văn Hoa - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Đà Nẵng - thẳng thắn cho rằng, không gia đình nào muốn giữ con nghiện ma túy ở nhà để cai khi mà mọi tài sản đã bị người này đem bán. Do đó, những trường hợp gia đình muốn tự nguyện đưa con đi cai nghiện, thì ngay cả khi đang trong quá trình lập hồ sơ cũng cần đi ngay.
Ông Hoa đề xuất đưa ra định nghĩa cụ thể với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định để kiên quyết đưa vào cơ sở xã hội mà Đà Nẵng mới thành lập. "Người có nơi cư trú ở các quận, huyện thì phải thường xuyên ở nhà. Nếu công an xuống kiểm tra mà người đó bỏ đi nơi khác thì lập tức xác định là không có nơi cư trú để đưa vào cơ sở cai nghiện", vị Thượng tá nói và cho biết do quá nhiều ngành cùng làm nên từ khi áp dụng quy chế, Đà Nẵng mới lập 11 hồ sơ và đưa qua tòa xét duyệt 7 hồ sơ, trong đó có 3 người được đưa vào cai nghiện tập trung.
Vấn đề bất cập nhất, theo ông Hoa, là thành phố đang tồn đọng 45 vụ án về ma túy mà tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì theo quy định mới tang vật ma túy ngoài việc xét nghiệm định lượng và định tính còn phải giám định hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất để đủ cơ sở kết tội. Mỗi lần giám định phải đóng gói tang vật, cử cán bộ hộ tống ra Viện Khoa học hình sự Bộ Công an rất tốn kém. "Chưa kể có vụ do tang vật quá ít nên giám định xong thì hết luôn cả mẫu vật, không còn cơ sở xử lý", Thượng tá Hoa nói.
Trước việc Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho hay Đà Nẵng có 4 giám định viên và đầy đủ máy móc nhưng mẫu chuẩn chỉ duy nhất Viện Khoa học hình sự có (vì họ mua của Liên Hợp Quốc), ông Huỳnh Đức Thơ lập tức yêu cầu công an thành phố làm công văn trình Chính phủ, Bộ Công an và các ban ngành Trung ương để mua được mẫu chuẩn này về cho Đà Nẵng tự giám định. "Dù phải tốn ba hay bốn tỷ thì Đà Nẵng cũng sẵn sàng mua", Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định.
Theo ông Thơ, vật mẫu chuẩn mà Liêp Hiệp Quốc bán cho Viện Khoa học hình sự thì cũng có thể bán cho nhiều viện khác ở Việt Nam và Đà Nẵng cũng phải được mua. Hiện, mỗi lần xét nghiệm tốn gần 5 triệu đồng tiền máy bay và các chi phí khác, nhiều khi công an nản quá rồi cũng bỏ. Việc có mẫu chuẩn, không chỉ giúp Đà Nẵng tự giám định để xử lý nhanh những vụ án ma túy mà còn để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực xử lý tội phạm ma túy. Đà Nẵng cũng sẽ đứng ra giám định mẫu miễn phí cho các tỉnh ở miền Trung.
"Nếu không làm triệt để giữa các địa phương, ma túy lại tràn về Đà Nẵng", ông Thơ nói. Phó Chủ tịch thành phố cũng khẳng định sẵn sàng cấp thêm đất cho Trung tâm cai nghiện 05-06 (huyện Hòa Vang) nếu số người vào đây tăng cao, nhằm tạo điều kiện cho họ sửa sai, làm lại cuộc đời. Ông cũng chỉ đạo ngành y tế thành phố đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực hiện cai nghiện bằng phương pháp đông y, bởi "nếu làm được sẽ có ý nghĩa to lớn".
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tiền tỷ chôn theo hầm bộ hành Hà Nội hiện có hơn 20 hầm đi bộ với 14 hầm đã đưa vào sử dụng. Tuy vậy, kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, hầu hết các hầm đều không phát huy tác dụng, gây lãng phí và búc xúc trong nhân dân. Hầm đường bộ tiền tỷ thành cống thoát nước Thống kê của Thanh tra Bộ GTVT...