Công trình thủy lợi tiền tỉ bỏ hoang
Công trình dẫn nước tưới được đầu tư gần 1,4 tỉ đồng, từ nguồn vốn chương trình 135, nhưng chỉ sử dụng được vài tháng rồi bỏ hoang.
Hệ thống đường ống dẫn nước bằng sắt trên cao bỏ hoang 7 năm nay – Ảnh: K.Hoan
Năm 2007, hệ thống kênh dẫn nước tưới ở xã Thanh Đức, H.Thanh Chương, Nghệ An được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 1,4 tỉ đồng từ chương trình 135 do UBND H.Thanh Chương làm chủ đầu tư. Công trình gồm 2 tổ máy bơm để bơm nước từ khe suối lên đổ vào hệ thống đường ống, được thiết kế bằng ống thép dài 596m, chạy vòng qua cánh đồng Cây Mãn… Theo thiết kế, hệ thống thủy lợi này sẽ tưới cho 50 ha đất nông nghiệp của xã và được ví như một “con rồng sắt” phun nước.
Tuy nhiên, công trình này chỉ vận hành chưa đầy 1 năm trong tình trạng lúc hoạt động, lúc không rồi nằm “đắp chiếu” từ đó đến nay. Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức cho biết, theo thiết kế, công trình này sẽ phục vụ nước tưới cho đất lúa và hoa màu của xã. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm công trình hoàn thành thì lúa và hoa màu năng suất kém, nên người dân chuyển sang trồng chè công nghiệp. Do hệ thống thủy lợi này không phù hợp với cánh đồng chè và thiếu nguồn nước nên phải ngưng hoạt động. “Lỗi này thuộc trách nhiệm của đơn vị thực hiện vì họ không khảo sát kỹ nhu cầu chuyển đổi cây trồng của người dân”, ông Vĩnh lý giải.
Theo người dân ở đây, nếu dân không chuyển sang trồng chè thì hệ thống thủy lợi này cũng không thể hoạt động được vì nguồn nước khe Trảy rất ít, thậm chí thường xuyên bị khô cạn, không thể đủ nước để bơm tưới. Ông Vĩnh cũng thừa nhận, thời điểm khảo sát, khe này khá nhiều nước, tuy nhiên, khi làm xong thì nước khe ngày càng cạn do người dân chặn dòng ở phía trên để lấy nước cho các trang trại gia đình. Năm 2013, công trình bỏ hoang lãng phí khiến dân kêu quá nhiều, Sở NN-PTNT Nghệ An đề nghị UBND H.Thanh Chương hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống thủy lợi này để tưới chè, tuy nhiên do nguồn nước không có nên trạm bơm không thể hoạt động.
Sau 7 năm bỏ hoang, trạm bơm đã hoen rỉ, hệ thống đường ống cũng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Ông Vĩnh cho hay, thấy “xót của”, xã đã nhiều lần đề nghị huyện có phương án xử lý hệ thống thủy lợi này, có thể di dời đường ống để lắp đặt cho địa phương khác đang có nhu cầu, vì để như vậy vừa lãng phí, vừa gây cản trở cho sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến nay, do chưa có nơi nào cần hệ thống “rồng sắt” này, nên nó vẫn bị bỏ không.
Video đang HOT
K.Hoan
Theo Thanhnien
Đồng bằng sông Cửu Long tìm cách sống chung với hạn, mặn
Bài 1: "Bờ xôi, ruộng mật" mất dần
Những ngày này đi qua các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre,... dễ dàng nhận ra những "bờ xôi, ruộng mật" trồng lúa, hoa màu và cây trái trù phú một thời đang bị nước mặn, khô hạn "nuốt trôi". Hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiếu nước sinh hoạt, đang đe dọa cuộc sống của người dân vốn chỉ quen "sống chung với lũ".
Nông dân điêu đứng
Chúng tôi qua sông Cái Bé và Cái Lớn đến vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), trước đây được gọi là bán đảo Cà Mau, cũng là vùng miệt thứ gồm bốn huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận. Những người nông dân mang nét mặt nặng trĩu u buồn, lo lắng. Vụ mùa và đông xuân năm nay, toàn vùng có hơn 34.000 ha lúa bị thiệt hại, nhiều cánh đồng lúa không thể thu hoạch.
Ông Ngô Chấn Hỷ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) huyện An Biên cho biết: Do thời tiết diễn biến thất thường cho nên vụ mùa (sạ trên nền đất nuôi tôm) năm nay, rất nhiều nông dân bỏ đồng không canh tác lại vụ lúa. Toàn huyện chỉ xuống giống 7.630 ha trong số 11.778 ha, chưa đến 65% kế hoạch, nhưng có đến gần 4.500 ha bị thiệt hại. Vụ đông xuân xuống giống khoảng 16.800 ha thì có đến 7.740 ha bị thiệt hại. Nặng nhất là huyện An Minh, toàn huyện đã có hơn 16.500 ha lúa bị thiệt hại, chiếm hơn 61% diện tích gieo trồng. Hiện, diện tích thiệt hại ở Kiên Giang vẫn tiếp tục tăng do nắng hạn và xâm nhập mặn đang gay gắt.
Ông Trần Văn Tôm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Yên A (huyện An Biên) - xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới, kéo chúng tôi ra cánh đồng phía sau UBND xã, nói: "Cánh đồng vừa thu hoạch xong, mỗi công chỉ được 12 đến 15 giạ lúa. Trong khi đó vụ này chi phí lớn, mỗi công phải đạt 30 giạ mới hòa vốn. Nhưng có lúa thu hoạch đã là may mắn, gần một phần ba số hộ trong xã bỏ ruộng không thu hoạch được. Hiện nước dưới các con kênh, mương, liếp nồng độ mặn lên đến 3%o, con tôm còn không sống nổi nói gì cây lúa".
Xã Nam Thái A (huyện An Biên), được quy hoạch sản xuất nuôi một vụ tôm, trồng một vụ lúa. Ở đây, gần một nửa diện tích lúa mùa bị ngâm trong mặn, thiệt hại từ 70 đến 100%. Ông Năm An ngụ ấp Sáu Biển nói: "Lúa phải gieo sạ mấy lần. Đến khi trổ, bông không ngậm gạo, phải bỏ lúa, bơm nước vào chuẩn bị vụ tôm. Người tiếc của, thu hoạch 1 ha chỉ vài chục giạ lúa, nhưng bán không ai mua. Rất nhiều gia đình ít đất, hoặc thuê đất, không có tiền trả nợ, không có gạo ăn, phải bỏ lên thành phố làm thuê kiếm sống".
Tại một trong những "thánh địa" của cây ăn trái miền Tây Nam Bộ là Bến Tre, có tới hơn 1.300 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Bến Tre cho rằng: Lúa ngập mặn thì có thể thấy ngay được thiệt hại nhãn tiền và có khi chỉ thiệt hại một vụ, vụ sau khắc phục được, nhưng cây ăn trái bị nhiễm mặn chết thì phải 5 đến 7 năm mới gây dựng lại được.
Bất cập trong quy hoạch
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đợt hạn mặn khốc liệt tại ĐBSCL, nhưng có thể nói những bất cập trong quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi tại khu vực này là nguyên nhân cơ bản nhất. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) phân tích: Phải cấp thiết đầu tư hệ thống thủy lợi khu vực ĐBSCL bởi đây là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, do yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp cho nên hệ thống thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xuống cấp, quá tải của nhiều công trình thủy lợi, nhất là các công trình đóng vai trò then chốt trong kiểm soát lũ sông Cửu Long cấp thiết được đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn.
ĐBSCL là phần cuối cùng của châu thổ sông Mê Công, gồm 13 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 79% diện tích toàn châu thổ và 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Trong đó, phần vùng thủy lợi chia thành năm vùng, 22 tiểu vùng và 120 khu vực thủy lợi. Các công trình phục vụ tưới tiêu có hơn 14 nghìn km kênh trục và kênh cấp một, 27 nghìn km kênh cấp hai và 954 cống lớn, 28 nghìn cống, bọng nhỏ và hơn 2,9 nghìn trạm bơm điện. Riêng đối với các công trình phục vụ kiểm soát lũ có khoảng 31,6 nghìn km bờ bao chống lũ, 523 km đê biển đã được đầu tư. Với hệ thống thủy lợi như trên, nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ đã gây áp lực lớn đối với nhiều công trình.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Công ty TNHH MTV chuyên khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho biết: Bến Tre là tỉnh cù lao bị chia cắt bởi bốn con sông lớn trong chín nhánh sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long và giáp Biển Đông. Bến Tre bốn bề sông nước là vậy, thuận lợi đường thủy và phát triển cây ăn trái, nhưng việc chống xâm nhập mặn là vô cùng khó khăn. Từ sau năm 1975, với chủ trương của Đảng và Nhà nước về thủy lợi, bên cạnh ngăn bớt sông rạch là đào kênh mới đúng quy hoạch dẫn nước ngọt vào đồng ruộng để sản xuất lúa và đắp đê ngăn mặn phát triển vùng cây ăn trái. Hiệu quả kinh tế rất cao, như lúa từ một vụ năng suất thấp, không đủ cho người ăn, tăng lên hai đến ba vụ năng suất cao, không chỉ bảo đảm lương thực cho người và phục vụ chăn nuôi, mà còn có dư để xuất khẩu; cây ăn trái đặc sản hình thành từng vùng rộng, với sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, với tác động ngày càng xấu hơn của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là tình trạng nước biển dâng ngày một cao hơn, đã làm cho hệ thống thủy lợi hiện có của tỉnh ngày càng bộc lộ yếu kém.
Đơn cử như dự án ngọt hóa bắc Bến Tre. Đã bắt đầu được thực hiện gần 20 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, cho nên dự án mang tiếng nước ngọt mà vẫn chưa "ngọt". Dự án bao gồm các hạn mục lớn như: Ngăn sông Ba Lai, xây dựng hệ thống đê và cống ven sông Tiền dài hơn 40 km, hai âu thuyền trên sông An Hóa và sông Bến Tre, nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai và hệ thống kênh nội đồng của các huyện nằm trong dự án, để tạo thành một hồ chứa nước ngọt phục vụ cả một vùng rộng lớn gồm bốn huyện: Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và TP Bến Tre. Nhưng cho đến nay mới thực hiện được hai hạng mục: Ngăn sông Ba Lai ở hạ nguồn và nạo vét ở thượng nguồn. Các hạng mục còn lại vẫn chưa triển khai do không có kinh phí. Tổng đầu tư dự án vào thời điểm thực hiện hạng mục đầu tiên là gần 900 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân chưa đến 200 tỷ đồng. Dự án này ban đầu thuộc Bộ NN và PTNT, sau đó ít năm được giao về tỉnh; mấy năm gần đây, do không đủ kinh phí nên tỉnh xin Bộ nhận lại...
Đi trên tỉnh lộ 883, từ thị trấn huyện Bình Đại đến ngã tư huyện Châu Thành, khi vượt qua lần lượt tám cây cầu, nhìn dòng nước mặn từ sông Tiền tự do đổ vào "túi nước ngọt", mặc cho đồng lúa phía trong đê đỏ hoe và cây ăn trái héo lá vì nước mặn, chúng tôi không khỏi xót xa cho một dự án "ngọt" đang bị "mặn hóa" trở lại...
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đi kèm quyết định là danh mục công trình thủy lợi cần đầu tư đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo là 171,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khả năng bố trí vốn của Chính phủ còn nhiều khó khăn cho nên những công trình theo danh mục được phê duyệt triển khai thi công chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Hàng loạt công trình khác cũng đang gồng mình chống chịu hạn, mặn, thiếu nước nhưng chưa được đầu tư như: Kênh Mây Phốp - Ngã Hậu thuộc hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thuộc vùng dự án Nam Mang Thít đã và đang rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô do dòng chảy yếu, chỉ bảo đảm khoảng 30% nhu cầu sử dụng.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Tâm Thời và Nhung Vũ Tiến Trị
Theo_Báo Nhân Dân
Lợn cho người nghèo chết hàng loạt, trại giống hỗ trợ 28 triệu Theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Hương Giang (Hà Tĩnh), hiện tại phía trại giống đã hỗ trợ 28 triệu đồng cho 61 hộ dân có lợn bị chết để hỗ trợ họ một phần để mua lợn mới". Đến cuối ngày 25.2, trên địa bàn xã Hương Giang, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ghi nhận đã có 61...