Công trình “khủng” trong di sản Tràng An: Con… khủng long chui lọt lỗ kim!
Trước thảm cảnh di sản thế giới Tràng An bị xâm phạm, hủy hoại nghiêm trọng, bạn đọc Dân trí khắp cả nước bày tỏ sự bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật của doanh nghiệp, sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình. Phần lớn dư luận đều cho rằng chuyện “ con voi chui lọt lỗ kim” này là… không thể tin nổi!
Thật không thể tin nổi…
Sau khi báo Dân trí đăng loạt bài phản ánh về công trình “khủng” xây dựng không phép trong vùng lõi của Quần thế danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, bạn đọc báo Dân trí và người dân khắp cả nước đa số đều bày tỏ sự bức xúc: Thật không thể tin nổi! Một dự án “siêu khủng” ngang nhiên xây dựng tồn tại giữa vùng lõi di sản nhân loại nhưng không ai biết, khi báo lên tiếng thì mọi chuyện mới… vỡ lẽ.
Bạn đọc Do Tinh bày tỏ: Đây không phải con voi chui qua lỗ kim mà là con khủng long chui qua lỗ kim. Thật sự không biết bình như thế nào nữa.
Công trình “khủng” do Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng không phép trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An.
Một di sản thế giới đã bị thương mại hóa, không tuân thủ văn bản của Chính phủ về bảo vệ di sản và pháp luật Việt Nam. Không biết các ngành chức năng đang làm gì trong khi để công ty đó xây dựng rầm rộ như thế? – bạn Chi Kim đặt câu hỏi.
Nhiều bạn đọc khác bình luận: Tại vì Công ty CP Du lịch Tràng An nghĩ nơi đây là “của nhà mình” cho nên thích làm là làm thôi hay sao? Công trình không phép siêu “khủng” nhưng các cán bộ cơ quan chức năng địa phương không biết và không thấy từ những viên gạch xây đầu tiên hay sao? Có lẽ do lực lượng mỏng và còn… bận họp???
Đây là sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết về văn hoá, cố tình triệt phá thiên nhiên, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam và điều ước di sản thiên nhiên nhân loại đã được quốc tế công nhận. Tội này mà xử thì rất nặng và liên quan đến nhiều người có trách nhiệm của tỉnh Ninh Bình!!! – một độc giả bức xúc bình luận.
Một bạn đọc khác thấy “nực cười” cho cái sự “không biết” của cơ quan chức năng: Quần thể danh thắng Tràng An là của thế giới rồi chứ không phải chỉ của Việt Nam hay riêng Ninh Bình, thế mà tỉnh này để xâm hại nghiêm trọng thế thì tệ hại quá; Cai công trinh nay co nhăm măt vân biêt đang xây dưng, thi đây: bui, tiêng ôn phat ra tư công trinh đang thi công, tư miêng cua nhưng ngươi ung hô co, không ung hô cung co… ây thê ma chinh quyên đia phương lai cha nghe, cha biêt, cha thây… hay đôi ngu can bô, quan ly ơ đây bân viêc quá?.
Cả một vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới bị xâm hại, phá vỡ nghiêm trọng vì lợi ích nhỏ của doanh nghiệp.
Bạn Nguyễn Hoàng Quân nghi ngờ: Tháng 8/2017 phát hiện vụ việc, xử lý các kiểu… tháng 3/2018 báo chí đưa tin Sở hứa hẹn tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Vấn đề là các quan chức quản lý khu vực này sao lại không thấy, không nghe nói? Làm được như này thì đâu phải một hai ngày, một vài tháng. Bây giờ mới xử lý thì… xử lý kiểu gì nữa đây? Bắt phải phá đi ư?
Một bạn đọc khác bày tỏ: Công ty CP Du lịch Tràng An có phải xây dựng đồ hàng mã đâu mà không ai biết, để đến bây giờ lại lên tiếng là không phép. Các cán bộ tỉnh này nghĩ gì và trách nhiệm đến đâu, cần xem xét, xử lý nghiêm.
Tan hoang cả một vùng di sản của nhân loại.
Video đang HOT
Buông lỏng quản lý, “chống lưng” và… lợi ích nhóm?
Bạn đọc Dân trí khắp cả nước bày tỏ sự xót xa khi di sản cả nhân loại phải cùng nhau gìn giữ nhưng chỉ vì lợi ích nhỏ nhoi mà một doanh nghiệp ở Ninh Bình đã phá hủy không thương tiếc, trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.
Bạn Hoang Van Minh nêu: Chẳng lẽ thời buổi văn minh, toàn dân sống và làm việc theo pháp luật, vậy mà các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh Ninh Bình đành thua một doanh nghiệp (Công ty CP Du lịch Tràng An) vi phạm vậy sao? Không thể như vậy được…
Một bạn đọc khác bức xúc kết luận: Mặc cho đấy có là di sản UNESCO đi chăng nữa thì vẫn có những kẻ cứ làm tới, bởi một nhẽ… sức mạnh đồng tiền…???
Hệ thống cầu thang, lan can, đường lên xuống, nhà vệ sinh… những khối bê tông vô tri vô rác làm nhếch nhác hết di sản thế giới.
Bạn Lê Tiến và Hoàng Trọng Ánh cùng cho rằng trong việc này chắc chắc có vấn đề lợi ích nhóm, có sự chống lưng, dung túng cho doanh nghiệp làm sai.
Ông Son quá giỏi “tàng hình” mới làm được một công trình đồ sộ như thế trước mắt các cơ quan quản lý “tinh tường” của Ninh Bình. Phía sau ông Son là ai? Một mình ông ta dù có tiền cũng đâu dám làm, tại sao đến cấp tỉnh cũng chỉ dám xử lý hời hợt, của anh… hay của em?
Nói thực sự đây là hậu quả của sự làm ngơ của các cơ quan chức năng từ trên xuống dưới. Vì một cái gì đó tác động đã khiến cho các cơ quan này ngoảnh mặt làm ngơ. Chặt phá vài cây gỗ trong vùng bảo tồn đã đủ truy tố, tự ý triển khai mở cả một tuyến du lịch với nhiều công trình bê tông lớn phá vỡ cảnh quan vùng bảo tồn nghiêm ngặt có đáng truy tố không? Ông Nguyễn văn Son là ai mà to gan lớn mật thế? – Bạn đọc đặt câu hỏi về ông Nguyễn Văn Son – Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An.
Bạn đọc Dân trí và người dân khắp cả nước khi biết thông tin về công trình “khủng” trái phép trong di sản Tràng An đã vô cùng bức xúc trước cách làm coi thường luật pháp của doanh nghiệp; sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình.
Dư luận đồng tình cho rằng, cả một hệ thống cơ quan quản lý mà để vi phạm nghiệm trọng đến di tích mang tính quốc tế như thế lại nói “không biết”, không phát hiện và xử lý kịp thời. Trách nhiệm của ai, đến đâu, phải xử lý ở mức độ nào, dư luận đang rất trông chờ vào câu trả lời của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Bá
Theo Dantri
Cận cảnh công trình "khủng" trái phép trong di sản thế giới Tràng An
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng hàng trăm tấn bê tông cốt thép vẫn dễ dàng được vận chuyển vào vùng lõi để xây dựng công trình "khủng". Cả một di sản bị phá vỡ, xâm hại nghiêm trọng khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Khu du lịch Tràng An cổ nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), đây là điểm du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhiều hạng mục. Điểm du lịch do Công ty CP Du lịch Tràng An tự quản lý khai thác. Nằm trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng cấm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Son - chủ doanh nghiệp (người địa phương) đã tự ý xây dựng và cho hoạt động công trình này.
Mới đây, công trình "khủng" đường lên đỉnh núi Cái Hạ (doanh nghiệp gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh đặt đàn Kính Thiên) do ông Son tự ý xây dựng bị phát hiện không phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế về di sản nhân loại. Dù chưa xây dựng xong nhưng từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, điểm du lịch này đã đón nhiều du khách.
Công trình "khủng" được xây dựng với hệ thống bậc thang lên xuống đỉnh núi, tổng quãng đường dài hơn 1km với trên 2.000 bậc thang. Để làm dự án này, ông Son đã thuê thợ đến khoan núi rồi cắm thép vào, sau đó đổ cột bê tông, vận chuyển bậc thang và lan can cốt thép lên gắn vào, tạo thành hệ thống cầu thang núi với sự đồ sộ về quy mô.
Dự án "khủng" không phép trong vùng lõi di sản Tràng An được Công ty CP Du lịch Tràng An thi công trong vòng 6 tháng (từ tháng 8/2017). Trong thời gian này nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình đã đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu sao, sau đó công trình vẫn được thi công tiếp và đi vào hoạt động.
Nhiều người đã không khỏi xót xa khi nhìn thấy cả một vùng di sản bị xâm phạm, phá vỡ nghiêm trọng.
Hệ thống bậc thang được xây dựng trên hệ thống núi đá vôi được kiến tạo hàng nghìn năm, nơi đây cũng là vùng núi non hiểm trở từng gắn với "kinh đô đá Hoa Lư" trên 1.000 năm lịch sử. Quần thể Tràng An với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên đã được công nhận là di sản thế giới nhưng đã bị xâm hại không thương tiếc.
Leo hết hơn 2.000 bậc thang, lên đến đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn một vùng rộng lớn. Điều đau lòng là để thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch, cả một vùng di sản quý giá đã bị phá vỡ nghiêm trọng.
Những khối bê tông lớn nằm xen kẽ với hệ thống núi đá vôi triệu năm đã được công nhận là di sản của nhân loại. Khi Công ty CP Du lịch Tràng An tiến hành xây dựng công trình, Sở Du lịch Ninh Bình phát hiện, sau đó nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Hoa Lư vào cuộc xử lý, dẹp bỏ công trình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không mạnh tay, thờ ơ trong cách xử lý vụ việc dẫn đến công trình trái phép vẫn ngang nhiên được xây dựng và tồn tại đến ngày hôm nay.
Không chỉ những bậc, lan can cầu thang, doanh nghiệp còn làm một chiếc cầu kiên cố bắc từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác để làm đường đi cho khách. Bước đầu đưa vào khai thác, Công ty CP Du lịch Tràng An vẫn chưa thu vé nên lượng người đổ về đây như trảy hội, có ngày lượng khách lên đến gần 20.000 người. Người dân chen chúc nhau trên đường lên núi, ai dám chắc tai nạn không xảy ra? Khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Đỉnh núi Cái Hạ, ông Nguyễn Văn Son gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh lên ngôi hoàng đế, lập đàn Kính Thiên. Đỉnh núi này, mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên đây, cùng nhau chụp ảnh, đứng trên các tảng đá bất chấp sự nguy hiểm rình rập.
Ngay trên đỉnh núi, một khối bê tông cốt thép đồ sộ, thô kệch xấu xí cũng án ngữ. Di sản thế giới trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu và vô hồn.
Nhà vệ sinh cũng được xây dựng trên lưng chừng núi rất phản cảm, nhếch nhác.
Từng phiến đá lớn bị khoan thủng, đập vỡ để tạo lối đi, thay vào đó là những khối bê tông cốt thép. Dấu vết của sự xâm phạm di sản đang còn in rõ trên từng phiến đá, nơi xây dựng công trình "khủng".
Người dân cùng du khách kéo đến chiêm ngắm, tham quan đường lên đỉnh núi Huyền Vũ. Ít người nhận ra được, công trình "khủng" này xây dựng không phép, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đang phá nát di sản thiên nhiên ban tặng.
Các bạn trẻ thích thú chụp ảnh trên chiếc cầu "khổng lồ", điểm bắc qua hai đỉnh núi tại vùng lõi di sản Tràng An.
Nhiều lối đi bậc thang rất dốc và nguy hiểm, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn cho con nhỏ đi lên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Bá
Theo Dantri
Dịch vụ đổi tiền lẻ "dàn trận" khắp chợ Viềng Từ ngoài đường vào bên trong cổng các phủ và đền ở chợ Viềng, đâu đâu cũng thấy dịch vụ đổi tiền lẻ. Những người làm nghề siêu lợi nhuận này "bày binh bố trận" khắp nơi để "hốt bạc" tại phiên chợ có "1 - 0 - 2" ở Nam Định. Đến hẹn lại lên, đêm mùng 7 tháng Giêng, phiên chợ...