Công trình 14 tỷ đồng dở dang, hàng nghìn người thiếu nước sinh hoạt
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng ở xã Kim Hải (Kim Sơn, Ninh Bình) sau 6 năm mới hoàn thành được 80%, trong khi hàng trăm hộ dân trong xã và vùng phụ cận thiếu nước sử dụng hàng ngày.
Do giáp biển nên nguồn nước của phần lớn hộ dân xã Kim Hải bị nhiễm mặn thường xuyên. Để có nước ngọt sử dụng, nhiều gia đình làm bể hứng nước mưa hoặc khoan giếng ở độ sâu 70-80 m.
Từ khi công trình ngừng thi công cách đây 4 năm, tháp nước cao hàng chục mét phơi mưa nắng, giàn giáo mục. Ảnh: Phương Vy.
Chị Vui (40 tuổi, xóm 2 xã Kim Hải) cho hay, cảnh thiếu nước ngọt của các hộ dân trong xã diễn ra nhiều năm nay. “Mùa mưa thì bà con hứng nước mưa dùng tạm nhưng khi trời không mưa, giếng khoan không có nên phải đi xin nước từ nơi khác về sinh hoạt”, chị Vui nói và cho hay, trước kia giếng khoan chỉ sâu 20 m là có nước ngọt nhưng giờ khoan 70-80 m vẫn không đủ dùng.
Để khắc phục tình trạng trên, nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại xã Kim Hải. Theo báo cáo của chủ đầu tư là Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình), dự án được khởi công năm 2010 với tổng vốn 14 tỷ đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ hơn 12,5 tỷ. Vốn đối ứng của cư dân địa phương gần 1,4 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013 công trình hoàn thành, cung cấp nước sạch cho gần 3.000 nhân khẩu ở xã Kim Hải và các xã, trị trấn lân cận.
Tuy nhiên, sau vài năm thi công nhà thầu xây dựng được khoảng 80% khối lượng công trình thì dừng hẳn. Theo chủ đầu tư, tổng số vốn đã giải ngân là 10,78 tỷ, hiện nay còn thiếu phần thiết bị với giá trị khoảng 3 tỷ. Trong đó có phần đóng góp của nhân dân xã Kim Hải 1,39 tỷ đồng. Thực tế phần vốn nhà nước đối với công trình này chỉ còn thiếu khoảng 1,6 tỷ.
Nhiều khối bê tông bong tróc, vỡ vụn trong khuôn viên nhà máy nước Kim Hải. Ảnh: Phương Vy.
Video đang HOT
Hiện các hạng mục như cổng, tường rào, san nền, nhà quản lý vận hành, nhà chứa hoá chất, cụm lắng lọc, bể chứa nước sạch, đài nước, bể thu bùn, trạm bơm, hệ thống điện… đều chưa hoàn thiện nhưng bắt đầu hư hỏng.
Do thời gian ngừng thi công khá dài nên cỏ dại mọc um tùm trong công trình. Hệ thống dẫn nước cũng hoen rỉ. Nắp cống của hệ thống mương dẫn nước bị bật tung, nằm ngổn ngang. Trên tháp nước cao hàng chục mét có hệ đà giáo chưa được tháo dỡ, đứng giữa trời mặc cho mưa nắng hủy hoại.
“Công trình cả chục tỷ đồng của nhà nước dở dang ai nhìn vào cũng xót xa. Chúng tôi mong nó sớm đi vào hoạt động để thoát cảnh xin nước hàng ngày”, một người dân xã Kim Hải nói.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết, không riêng người dân Kim Hải mà các xã lân cận như Kim Đông, Kim Chính, thị trấn Bình Minh cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. “Những năm đầu nhà thầu thi công khá nhanh, tới năm 2012 cơ bản đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Nhưng từ đó, họ lặng lẽ bỏ đi. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, nhân dân, chính quyền địa phương liên tục phản ánh đến các đại biểu HĐND cấp huyện, tỉnh, song chưa có chuyển biến”, ông Tuấn nói.
Các hạng mục công trình hoàn thiện khoảng 80% thì “đắp chiếu”. Hệ thống vòi nước hoen rỉ dù chưa vận hành. Ảnh: Phương Vy.
Ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Ninh Bình (đơn vị được giao quản lý dự án) cho hay, đến năm 2015 nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia không còn là nguyên nhân dẫn tới việc công trình bị đình trệ. “Chúng tôi đang tính toán, kêu gọi nguồn xã hội hoá, kêu gọi Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình tiếp tục đầu tư phần còn lại và đưa dự án đi vào hoạt động sớm nhất có thể”, ông Toán nói.
Tuy nhiên, thời gian cụ thể hoàn thiện công trình và đưa vào hoạt động, đến bao giờ người dân xã Kim Hải và vùng phụ cận mới có nước sạch sinh hoạt thì các cơ quan chức năng Ninh Bình vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Phương Vy
Theo VNE
Sông mặn gần bằng nước biển, người dân Khánh Hòa lo lắng
Nắng hạn kéo dài, mực nước sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) cùng hai nhà máy thiếu hụt, xâm nhập mặn khiến dân không có nước tưới tiêu, sinh hoạt...
Tình trạng hạn, mặn đang hoành hành ở tỉnh Khánh Hòa. Mực nước sông Cái, đoạn cách biển Nha Trang 10 km, đã bị nhiễm mặn gần như nước biển khiến người dân không thế tưới cây trồng. Nhiều ngày qua, ông Nguyễn Thành Lực (41 tuổi, xã Vĩnh Phương) phải bơm nước giếng khoan để tưới vườn ớt, rau ngót rộng hơn 1.500 m của gia đình.
"Nếu dùng nước sông để tưới thì những cây trong vườn sẽ chết dần", ông Lực nói và lo ngại nếu nước giếng cũng bị nhiễm mặn thì ông không biết xoay sở thế nào vì bao nhiêu gia sản của gia đình tập trung vào vườn rau.
Nước giếng nhà ông Ngân cũng bị nhiễm mặn. Ảnh: Xuân Ngọc
Còn hai vợ chồng già ông Nguyễn Hữu Khánh (79 tuổi) có chừng 3.000 m đất nông nghiệp, sát sông Cái để trồng lúa. Mọi năm thời gian này, gia đình ông đã bắt đầu làm đất vào vụ mùa nhưng bây giờ thì không thể gieo xạ. "Nước mặn chát, tôi cũng như người dân trong xã chưa thể trồng được, đành phải nhìn đồng ruộng trơ trọi", ông Khánh buồn bã nói.
Cách đó không xa, chừng một km, do nhà sát sông nên giếng của nhà ông Đặng Ngân bị nhiễm mặn. Gia đình ông phải đi mua nước đóng chai về dùng. "Nước trong giếng vẫn chưa cạn nhưng bị nhiễm mặn. Nhà có trẻ sơ sinh nên tôi phải mua lấy nước bình về để pha sữa, nấu ăn cho cháu và phải dùng tiết kiệm", ông Ngân chia sẻ.
Trao đổi VnExpress, ông Vũ Đức Bình - Phó tổng giám đốc Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa cho hay, nguồn nước ở sông Cái Nha Trang - được đánh giá lớn ở khu vực Nam Trung Bộ - đang bị cạn, nhiễm mặn tăng cao.
Mực nước đo được trên sông Cái qua đập ngăn mặn ở cầu Vĩnh Phương, TP Nha Trang trong ngày 25/4 chỉ khoảng 12 cm, lượng nước đang bị thiếu hụt trầm trọng. "Độ mặn nước biển ở Nha Trang trung bình khoảng 30.000 mg muối/lít, còn độ mặn ở chân cầu Vĩnh Phương, tại sông Cái khoảng 28.500 mg muối/lít", ông Bình nói.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa, do tình trạng hạn mặn kéo dài, trữ lượng nước đổ về hai nhà máy Võ Cạnh và Xuân Phong giảm, chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt, chứ không đủ tưới tiêu nông nghiệp cho TP Nha Trang cũng như các khu vực lận cận.
"Các nhà máy đang cung ứng đủ nước sinh hoạt cho người dân ở thời điểm hiện tại. Nhưng sắp tới, nước sẽ bị thiếu hụt nếu cứ tiếp tục bơm nước cho nông nghiệp, nên mỗi địa phương phải vận động từng nhà sử dụng tiết kiệm", ông Bình khuyến cáo.
Sông Cái TP Nha Trang bị nhiễm mặn gần bằng nước biển. Ảnh: Xuân Ngọc
Để giải quyết trình trạng này, UBND Khánh Hòa ra văn bản về tình hình xâm nhập mặn ở các dòng sông trên địa bàn, yêu cầu các địa phương ngưng bơm nước sản xuất nông nghiệp để ưu tiên nước sinh hoạt, sau đó đến chăn nuôi...,
Theo lãnh đạo địa phương, tỉnh đang nghiên cứu xả nước ở hồ Suối Dầu để đẩy xâm nhập mặn và phục vụ sinh hoạt nếu tình trạng nhiễm mặn, hạn kéo dài. "Còn những khu vực mà người dân bị ảnh hưởng, địa phương có tính toán hỗ trợ, để đảm bảo đời sống", người này nói.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Đắk Lắk công bố rủi ro thiên tai do hạn hán 13/15 đơn vị cấp huyện Trong 15 đơn vị cấp huyện của Đắk Lắk, chỉ có TP.Buôn Ma Thuột và H.M'Đrắk chưa công bố rủi ro thiên tai. Nhiều vườn cà phê khô cháy do hạn hán ở H.Cư Mgar. ẢNH: NGỌC QUYỀN UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định công bố rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2 ở 3 huyện: Ea Súp,...