Công thức làm dưa món chuẩn vị truyền thống
Hướng dẫn cách làm dưa món dùng ăn kèm với món chính trong các bữa cơm hằng ngày hoặc ăn kèm bánh chưng, bánh tét vào ngày Tết.
Dưa món là món ăn rất được ưa thích của người dân miền Trung và miền Nam, thường được ăn kèm với món chính trong các bữa cơm hằng ngày và đặc biệt là dùng ăn với bánh chưng, bánh tét trong những ngày lễ Tết. Tuy là một món ăn đơn giản nhưng để làm được một hũ dưa món đúng vị thì không phải ai cũng biết. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách chế biến dưa món đơn giản nhất.
Nguyên liệu làm dưa món:
300gr đu đủ xanh
300gr củ cải trắng
300gr củ cà rốt
300gr su hào
100gr củ kiệu
100gr hành tím
1 lít nước mắm
500gr đường vàng (nên chọn đường hoa mai).
5gr ớt tươi
Muối
Bột ngọt (mì chính)
Các loại củ được dùng làm dưa món (Nguồn: Internet)
Dụng cụ làm dưa món:
Video đang HOT
Nồi
Hũ thủy tinh sạch
Các bước làm dưa món
Bước 1: Ngâm củ kiệu và hành tím với muối để khử bớt mùi hăng
Đầu tiên, lột sạch vỏ và rễ của củ kiệu rồi chuẩn bị một thau nước, hòa tan muối rồi cho củ kiệu đã lột vỏ, rễ vào ngâm.
Sau khi ngâm khoảng 2 tiếng, bạn vớt củ kiệu ra rổ và để cho ráo nước
Ngâm củ kiệu và hành cho bớt đi mùi hăng (Nguồn: Internet)
Với hành tím, làm tương tự như củ kiệu, tuy nhiên hành tím bạn không cắt ra mà để nguyên củ.
Ớt tươi đem đi rửa sạch, để nguyên trái, không cắt.
Bước 2: Sơ chế các loại rau củ
Bạn rửa sạch lớp vỏ ngoài của cà rốt, đu đủ, su hào, củ cải trắng. Gọt hết vỏ để đảm bảo vệ sinh.
Sau khi gọt, bạn thái mỏng rau củ (độ dày vừa phải, không cắt quá mỏng). Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn có thể tỉa hoa hoặc đơn giản hơn là sử dụng dao có đường răng cưa để cắt các loại rau củ.
Dùng dao cò răng cưa để tạo hình cho rau củ (Nguồn: Internet)
Tiếp đến, bạn chuẩn bị một thau nước lạnh và cho muối vào hòa tan. Cho đu đủ, cà rốt, su hào, củ cải vào ngâm trong hỗn hợp nước muối khoảng 20 phút. Bước này giúp rau củ bớt đi vị hăng, mủ nhựa và thành phẩm sau khi ngâm cũng sẽ giòn, ngon hơn.
Bước 3: Phơi khô rau củ để khi ngâm dưa giữ được độ giòn
Khi ngâm với nước muối xong, vớt rau củ ra một khay lớn, trải đều ra khắp mặt khay.Tiếp đó, đem đi phơi ở nơi có ánh nắng tốt. Để rau củ đạt chất lượng tốt nhất thì bạn nên phơi 20 tiếng. Tuy nhiên, nếu thời tiết không đủ nắng thì bạn phải phơi thêm để lượng nước trong rau củ thoát ra để khi ngâm dưa sẽ giòn hơn.
Phơi khô rau củ giúp dưa món giòn hơn (Nguồn: Internet)
Bạn có thể dùng nồi sấy để tiết kiệm thời gian nhưng với cách làm này sẽ không ngon bằng biện pháp phơi nắng.
Bước 4: Ngâm rau củ với nước mắm và hoàn thiện món dưa món
Cho 1 lít nước mắm cùng 500 gram đường vào nồi.
Bắc nồi lên bếp đun đến sôi, sau đó cho tiếp 2 muỗng canh bột ngọt.
Tắt bếp và để hỗn hợp thật nguội. Nếu bạn ngâm khi nước còn nóng thì rau củ dễ bị mềm, không được giòn và không bảo quản được lâu.
Nhớ để cho hỗn hợp nước mắm thật nguội (Nguồn: Internet)
Trong lúc chờ hỗn hợp nước mắm nguội, bạn bắc tiếp nồi nước khác lên đun, khi nước sôi bạn cho vào một chút muối. Chờ cho hỗn hợp nước muối nguội hẳn, bạn cho rau củ đã phơi khô vào ngâm để loại bỏ bụi bẩn bám vào trong quá trình phơi cũng như giúp rau củ thêm giòn hơn.
Ngâm khoảng 10 đến 15 phút thì vớt ra rổ cho ráo bớt. Chuẩn bị một lọ thủy tinh hoặc bình nhựa, lau sạch và tráng bằng một ít nước mắm đã để nguội giúp bảo quản dưa món được lâu hơn.
Tiếp theo, bạn xếp rau củ vào đầy lọ và đổ hỗn hợp nước mắm ngập xăm xắp mặt rau củ. Sau đó, dùng đũa hoặc miếng lưới để chèn phía trên, để ngăn không cho các loại rau củ bị nổi lên, giúp ngấm đều gia vị.
Chèn chặt để rau củ không nổi lên (Nguồn: Internet)
Đậy kín nắp, đặt lọ dưa món ở nơi thoáng mát.
Ngâm dưa từ 2 đến 3 ngày là có thể dùng được.
Một vài mẹo nhỏ giúp dưa món ngon hơn:
Lượng đường, muối có thể được tăng giảm cho hợp với khẩu vị của gia đình bạn
Để chọn được kiệu ngon nên chọn mua kiệu ta, thân nở, đuôi nhỏ mảnh, không chọn kiệu quá to hoặc quá nhỏ.
Đường vàng Hoa Mai giúp nước ngâm có màu đẹp hơn so với khi sử dụng đường kính trắng
Dùng que tre hoặc dùng vật nặng để chèn lên phần rau củ khi ngâm để rau củ được giòn và không nổi váng.
Để bảo quản lâu hơn thì có thể với dưa món đã thành phẩm vào một hộp nhựa hoặc thủy tinh sau đó đậy kín rồi cho vào tủ lạnh.
Món dưa ngọt mặn hài hòa đưa cơm (Nguồn: Internet)
Món dưa này bạn có thể ăn cùng với bữa cơm hằng ngày hay dùng kèm với bánh chưng, bánh tét cũng rất hợp. Một chút dưa món sẽ giúp kích thích tiêu hóa và bổ sung một số lợi khuẩn cần thiết cho cơ thể. Hi vọng với công thức trên, bạn sẽ có được lọ dưa món giòn ngon đúng ý!
Theo VOH
Dưa môn - món ăn đậm đà phong vị thời khẩn hoang
Tôi từng thưởng thức nhiều món ngon đồng nội như dưa ngó sen, dưa bồn bồn, dưa cải, dưa hành... Tuy mỗi món ngon đều có giá trị khác nhau nhưng không biết tại sao tôi lại yêu thích món dưa môn mộc mạc một cách lạ lùng.
Dưa môn chấm nước cá kho
Món dưa môn ngày nay không còn phổ biến vì ít người làm, thế nhưng tại ấp Thới Hòa B, TT.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ lại còn một số hộ chuyên sản xuất dưa môn. Cũng nhờ vậy mà món ăn dân dã này còn tồn tại đến ngày nay.
Tuy là món ăn bình dân nhưng lại là món ngon độc đáo nên nhiều người sành điệu ẩm thực luôn săn tìm, coi đây là món ngon quý hiếm, mỗi khi xuất hiện trên bàn ăn, bàn tiệc là nhiều người lại cảm thấy thèm thuồng và vị giác bị kích thích vì cái mùi vị đặc trưng của nó.
Thời gian dần trôi, món dưa môn bây giờ ít người chế biến vì cách làm quá tỉ mỉ và công phu. Muốn có được một đĩa dưa môn ngon, người làm phải lội ra đồng, ra sông rạch cắt từng bẹ môn đem về phơi cho héo, tiếp đến là cắt khúc rồi bóp và vắt hoặc dùng chày giã cho mềm. Sau cùng mới đem ướp muối và cho vào khạp độ ba ngày hai đêm. Người cắt môn không cẩn thận để cho mủ dính vào người sẽ bị ngứa rất khó chịu.
Muốn cho hương vị tăng thêm đậm đà, trước khi ăn chúng ta trộn thêm chút đường, tỏi, ớt, vào đĩa dưa chua. Dưa môn ngon nhất là chấm với nước cá kho hoặc tương chao. Nếu cầu kỳ hơn, chúng ta có thể xé nhỏ dưa môn ra làm món gỏi tép, thêm vài cọng rau răm, hương thơm trở nên ngất ngây, nồng nàn, chưa ăn cũng đã thấy ngon rồi. Tuyệt nhất là dưa môn nấu canh chua với cá mề vinh hoặc cá điêu hồng, vừa chua, cay, vừa ngọt lại vừa thơm nồng, không thể cưỡng lại được.
Ngoài ra, đối với tôi, dưa môn bao giờ cũng là món ăn thấm đậm tình đất hồn người. Nói như nhà văn Sơn Nam, đó là món ăn "đậm đà phong vị thời khẩn hoang". Mỗi món ăn đều mang một chiều sâu văn hóa. Người Việt ở Nam bộ là những lưu dân đi khai phá, buổi đầu đều dựa vào thiên nhiên và ứng xử với thiên nhiên như ăn, ở, mặc. Trong đó, món dưa môn có thể là đặc sản lâu đời nhất do ông cha ta suy gẫm, chọn lọc và sáng tạo thành món ăn sao cho vừa ngon vừa bổ. Đó cũng chính là sáng tạo văn hóa.
Theo Thanhnien
Cá bống kho củ kiệu và ớt khô Cá bống cát thấm vị cay của ớt, gắp một miếng cá kèm với củ kiệu giòn ngọt rất lạ miệng, mùa mưa ăn cùng cơm rất ngon. Nguyên liệu làm cá bống kho củ kiệu và ớt khô (cho 2 Phần ăn) Cá bống 300 gr Củ kiệu 100 gr Muối 1/2 muỗng cà phê Đường trắng 1 muỗng canh Dầu điều...