Công sở, trường học Hà Nội khẩn cấp di tản vì bão Dianmu
Nhân viên bất ngờ được nghỉ làm, các trường học yêu cầu phụ huynh đến đón con nhanh chóng trước khi hoàn lưu bão số 3 mạnh lên tại Hà Nội chiều nay (19/8).
Trưa 19/8, UBND thành phố Hà Nội ra Công điện khẩn gửi các cấp, ngành về phòng chống, ứng phó bão số 3. 12h, bão đã vào vùng biển Quảng Ninh – Nam Định với sức gió tối đa 90 km/h (cấp 9), giật cấp 8-9. Hà Nội nằm trên đường đi của bão. So với những cơn bão trước, diễn biến bão số 3 được đánh giá phức tạp.
Trước tình hình đó, nhiều trường học tại Hà Nội chủ động cho học sinh nghỉ học từ trưa nay. Nhiều trường phổ thông tư thục liên cấp ra thông báo trên toàn hệ thống từ mầm non đến THPT nghỉ sớm từ 12h và rời trường từ 13h để di chuyển về nhà. Các trường THCS Nguyễn Tất Thành, THPT Marie Curie… cũng cho toàn bộ học sinh nghỉ buổi chiều.
Học sinh nhiều trường ở Hà Nội được nghỉ học từ chiều nay.
Phụ huynh Phan Tâm có con theo học tại trường Mầm non Công dân Toàn cầu ở Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết chị nhận được điện thoại từ trường lúc 11h. “Trường thông báo có công điện khẩn về bão, yêu cầu phụ huynh đón con trước buổi trưa. Khi tôi đến, các bé đã được đón gần hết. Hai mẹ con đi xe máy, may đoạn đường từ trường về nhà ngớt mưa nên yên tâm chở con về đến nhà”, chị Tâm chia sẻ.
Một phụ huynh đón con trước khi bão ảnh hưởng mạnh tới Hà Nội.
Ông Hoàng Hữu Trung – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – cho biết từ chiều 18/8, Sở đã gửi công văn tới các trường học trên toàn thành phố. “Sở giao cho các Phòng Giáo dục – Đào tạo và thủ trưởng các nhà trường được chủ động căn cứ vào tình hình thời tiết phức tạp cho học sinh và cán bộ, giáo viên nghỉ học để đảm bảo an toàn”. Theo ông Trung, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đối phó bão nên các tường phải có phương án chủ động phòng chống ngập và đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Không chỉ các trường học, nhiều công sở cũng đồng loạt thông báo cho nhân viên nghỉ làm và chủ động tìm kiếm phương tiện đi về an toàn trong buổi trưa. Nhân viên tòa nhà FPT Duy Tân (Cầu Giấy) nhận được thông báo lúc 13h30 chiều nay. Chị Thu Thanh – Trưởng phòng nhân sự của một công ty về công nghệ ở Hà Nội – nói: “Rất lâu rồi tôi mới nhận được chỉ thị của tòa nhà thông báo tình hình bão cho cán bộ nhân viên. Bên tôi có khá nhiều nhân viên làm việc ngoài trời nên ngoài việc gửi thư khuyến cáo mọi người về sớm, chúng tôi còn có ý định gửi tin nhắn cho từng nhân viên để kịp thời di chuyển, tránh thiệt hại”.
Chị Vũ Thanh Nhàn (làm việc tại tòa nhà văn phòng phố Đào Duy Anh) cho biết lúc 14h30, trước thời gian tâm bão đổ bộ Hà Nội 30 phút, khoảng 60% nhân viên trong phòng chị xin phép ra về để tránh bão.
Anh Lê Minh (Tổng công ty vận tải Hà Nội) chia sẻ: “Phòng tôi hôm nay chỉ có vài người đi làm sau khi chứng kiến cảnh cơn giông tối qua. Mưa to quá nên ai cũng sợ. Còn bây giờ mọi người cũng đang kéo về gần hết”.
Video đang HOT
Sau bữa cơm trưa tại văn phòng, chị Phương Anh (nhân viên truyền thông) tranh thủ về luôn sau khi nghe tin bão mạnh lên vào lúc 15h. “Nghe nói bão to lắm, nếu sếp không cho nghỉ thì tôi cũng vẫn phải về, lo cho con và nhà cửa lắm”.
Trước giờ bão đổ bộ, nhu cầu di chuyển bằng taxi, uber của người dân Hà Nội tăng đột biến, khiến các hãng đều quá tải. Đường dây của các hãng lớn, phổ biến như Mai Linh, Taxigroup, Thanh Nga, Thành Công… bận liên tục. Một số tổng đài viên còn trả lời khách không có xe. Việc bắt xe trước cửa các công sở lớn tại các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… rất khó khăn. Chỉ những hành khách nào may mắn mới lên được chiếc xe vừa chở khách tới. Cùng thời điểm này, cước của các dịch vụ gọi xe phổ biến như Grab, Uber tăng cao.
Anh Trương Tùng cho biết anh đặt GrabCar – hình thức di chuyển giá rẻ hơn của Grabtaxi – đi từ Duy Tân về La Thành, khoảng 4 km, được báo giá 137 nghìn đồng, trong khi giá bình thường khoảng 40 nghìn đồng. Tuy vậy, sau khoảng 5 phút đặt thử vẫn không có xe nào chịu nhận chở. Chị Loan, một nhân viên công sở tại Cầu Giấy muốn đi đón con trai học mẫu giáo phải trả cước gần 100.000 đồng cho 4 km, cao gấp 2,5 lần thông thường.
Tương tự, khách hàng sử dụng Uber cũng rất khó gọi xe, dù chấp nhận mức cước cao gấp 2-3 lần so với thông thường được báo trên ứng dụng.
Du khách co ro trước ảnh hưởng của bão vào Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên tình hình đối phó bão được đặt ở mức khẩn cấp tại Hà Nội trong năm nay. Chiều tối 18/8, cơn giông bất chợt đổ bộ vào Hà Nội với lượng mưa lớn đã gây nhiều lo lắng cho người dân. Sáng nay, trời hửng nắng và đôi lúc có giông nhẹ. Tình hình thời tiết được đánh giá khó lường làm tăng lo lắng cho người dân. Chị Thùy Liên (ở Bát Tràng, Gia Lâm) cho biết sáng nay chị định khóa cửa để đi làm nhưng được báo 12h trưa bão về “nên tôi xin phép làm việc ở nhà luôn”.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, lúc 14h tâm bão trên đất liền Hải Phòng và Thái Bình, mạnh cấp 9 (90 km/giờ), giật cấp 10-12. Dự báo 12 giờ tới, bão giữ tốc độ 15-20 km/h, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ảnh hưởng của bão tới khu vực Bắc Bộ có thể kéo dài đến trưa mai.
Thu Hồng & Hoàng Anh
Theo VNE
Người dân ven biển Hải Phòng chạy đua với bão Dianmu
Sơ tán những hộ dân sống ở nơi xung yếu, chằng néo nhà cửa, dùng bao cát chắn lối có thể gây ngập... là những việc chính quyền và người dân TP Hải Phòng gấp rút hoàn tất trước 12h hôm nay.
Sáng nay, lực lượng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của quận Dương Kinh (Hải Phòng) lập chốt chống bão tại nhà văn hóa khu dân cư Thủy Giang, phường Hải Thành. Sau đó, từng mũi len lỏi vào ngõ xóm, nhà dân nằm ngoài đê biển 1 kiểm tra, nhắc mọi người sớm di dời đến nơi an toàn.
83 hộ dân ngoài đê biển 1 phải di chuyển đến Trung tâm liên hợp thể thao Hải Phòng, nằm trên phường khoảng 3 km. Bà con chỉ cần mang một chút nhu yếu phẩm đi, còn lại nhà cửa khóa trái, được công an, quân đội bảo vệ.
Toàn bộ số trẻ em khuyết tật tại cơ sở từ thiện Thiện Giao đã được quận Đồ Sơn bố trí 2 ôtô chuyển tới gia đình cựu chiến binh Việt ở phường Ngọc Xuyên lưu trú theo đề xuất của chính chủ nhà.
Vốn quen với bão và sống chung cảnh ngập lụt nhiều năm nay nên người Đồ Sơn nảy ra nhiều cách để chống ngập. Một trong những cách được coi hữu hiệu nhất là xây "tường thành" bịt cửa nhà.
Tại khu 2 Đồ Sơn, lác đác số ít nhà hàng, nhà nghỉ đang khẩn trương chằng chống nhà cửa.
Nhiều ngôi nhà, cửa hàng khác đã được chằng chống an toàn từ chiều qua.
Chiến sĩ Trung đoàn 50, Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng đóng bao cát để ngăn nước biển, bảo vệ đơn vị.
Hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân đã được neo đậu an toàn tại khu vực bến cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn.
Ngoài hàng chục tàu neo đậu tại cửa cống Thủy Giang, một số ngư dân cẩn thận kéo tàu lên đà.
Các trường học trên địa bàn quận Đồ Sơn đã được gia cố bằng bao cát trước cổng ra vào. Bão được dự báo đổ bộ vào đầu giờ chiều, đúng thời điểm nước biển dâng cao, gây ngập trung tâm quận.
Hàng nghìn tấn đá hộc đã được nhà chức trách Hải Phòng tập kết tại cống Bẩy Tỷ dưới đê biển 1 Cầm Cập, sẵn sàng ứng cứu khi gặp sự cố.
Hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản của các hộ dân 2 quận Dương Kinh và Đồ Sơn đã được chủ đầm tháo bớt nước, sử dụng lưới cắm chắn, chống tôm, cá tràn ra ngoài khi mưa lớn.
Giang Chinh
Theo VNE
Ba Phó thủ tướng đi chống bão Dianmu Các Phó thủ tướng chia nhau đến Hải Phòng, Quảng Ninh; Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, Thanh Hóa để chỉ đạo chống bão. Chiều 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng chống bão số 3. Lo lắng mưa...