Công nhân được mua nhà giá 100 triệu đồng
Những căn hộ rộng 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác 10m2) với giá chỉ 100-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%.
Vợ chồng anh Trần Văn Vững (30 tuổi, quê Long An) và chị Hoàng Thị Mai (29 tuổi) cùng con trong căn hộ tại tầng 3, block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Bình Dương – Ảnh: Bá Sơn
Ngày 3-4, UBND tỉnh Bình Dương đã khánh thành gần 5.000 căn nhà ở xã hội và tiếp tục khởi công 10.000 căn hộ mới. Cùng với Đồng Nai, Bộ Xây dựng nhận định đây là những mô hình thành công tạo cơ hội an cư lạc nghiệp cho hàng chục ngàn người lao động.
Những căn hộ rộng 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác 10m2) với giá chỉ 100-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%.
“Mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả góp 1,8 triệu đồng, gần bằng tiền thuê trọ trước đây nhưng sau năm năm chúng tôi sẽ có nhà”
Anh TRẦN VĂN VỮNG
(Công ty Saigonstec, người vừa mua một căn nhà ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Bình Dương)
Gom tiền thuê trọ thành nhà
Chúng tôi có mặt tại căn hộ của vợ chồng anh Trần Văn Vững (30 tuổi, quê Long An) và chị Hoàng Thị Mai (29 tuổi, quê Thanh Hóa) tại tầng 3, block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Sau giờ tan ca, trong căn hộ nhỏ chỉ 30m2, chị Mai đang tất bật lo bữa cơm tối, còn anh Vững phụ vợ trông nom cậu con trai chỉ mới 1 tuổi.
Anh Vững kể hai vợ chồng làm chung Công ty Saigonstec chuyên sản xuất linh kiện điện tử, tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Gom góp tiền, hai vợ chồng bàn nhau mua một căn hộ ở tầng 3 với giá 132 triệu đồng, trong đó chỉ phải trả trước 20 triệu là nhận nhà.
“Khoảng hơn một năm trước, vợ chồng tôi phải đi thuê một kiôt ở ngoài với giá 2 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước phải dùng giá cao. Nay mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả góp 1,8 triệu đồng, gần bằng tiền thuê trọ trước đây nhưng sau năm năm chúng tôi sẽ có nhà” – anh Vững tính toán.
Bài toán của vợ chồng anh Vững – chị Mai cũng là cách tính của nhiều công nhân khác khi mua nhà ở xã hội. Vợ chồng anh Dương Văn Mẫn (33 tuổi, công nhân Công ty Mai Thư trong Khu công nghiệp VSIP 2) và chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (30 tuổi) mua một căn hộ ở tầng 5 với giá gần 100 triệu đồng.
“Nếu so với ở trọ bên ngoài hằng tháng cũng phải trả tiền như vậy thì ở nhà xã hội sạch sẽ, thoáng mát và an ninh hơn rất nhiều. Từ nhà tôi đến công ty chỉ mất ba phút, trường học cũng gần nên chúng tôi tranh thủ lúc đi làm và tan ca đưa đón con cũng rất tiện” – chị Liễu nói.
Theo tìm hiểu, một số công ty như Mai Thư tại Khu công nghiệp VSIP 2, Công ty TNHH Finecs VN tại Khu công nghiệp VSIP1… đã có chính sách hỗ trợ rất tốt để người lao động mua được nhà ở xã hội, từ đó yên tâm làm việc cho công ty.
Chẳng hạn Công ty Mai Thư đã phối hợp với chủ đầu tư để người lao động trong công ty mua được hàng chục căn nhà ở xã hội, trong đó công ty ứng trước một phần tiền gốc cho công nhân vay để nhận nhà. Số tiền còn lại công ty sẽ trích lương hằng tháng để đóng cho công nhân. Với những công nhân làm đủ năm năm, công ty sẽ cho công nhân 10 triệu đồng trong phần mà công ty đã ứng ra để mua nhà…
Sẽ triển khai hàng loạt
Mới có 20% công nhân có nhà ở
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có trên 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, mới có khoảng 20% công nhân có chỗ ở, hầu hết công nhân vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm.
Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân.
Video đang HOT
Với cách làm này, rất nhiều công nhân có thu nhập thấp tại Bình Dương đã có nhà. Tới nay, tại Bình Dương đã xây dựng được gần 5.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa điểm quanh các khu công nghiệp gồm: khu Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một): 2.435 căn, khu Việt Sing (thị xã Thuận An): 752 căn, khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát): 1.388 căn, khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng): 320 căn…
Còn tại Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO) cũng đang triển khai hàng ngàn căn nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch. Trong đó, khu đầu tiên với quy mô 3.520 căn hộ đã có 447 căn hộ vừa hoàn thành, số lượng công nhân chuyển đến ở đã chiếm đến 80%.
Anh Lê Đình Duyên – công nhân Công ty Posco VST – cùng vợ và hai con nhỏ vừa chuyển vào căn hộ ở đây cho biết: “Giá căn hộ tôi mua là 230 triệu đồng, sau khi trả 20% (tương đương 47 triệu) thì nhận nhà vào ở ngay.
Số còn lại tôi vay từ gói 30.000 tỉ đồng, mỗi tháng cả gốc và lãi là 2,5 triệu”. Trước đó anh Duyên cùng vợ con đã ở trọ bảy năm ngoài khu công nghiệp này với giá thuê phòng trọ mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt, tổng giám đốc IDICO – chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, cho biết dự án của IDICO mới giải quyết được chỗ ở cho 10.000 công nhân, tức khoảng 10% nhu cầu tại riêng khu vực này.
“Có thể thấy nhu cầu nhà ở công nhân, người thu nhập thấp là rất lớn. Sắp tới chúng tôi đang tiếp tục xây dựng hàng loạt” – ông Đạt nói.
Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội không chỉ tạo cơ hội sở hữu nhà để người lao động yên tâm làm việc mà còn tạo ra một diện mạo, sức sống mới cho các khu đô thị.
Có mặt tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi chiều 1-4, đây là khu nhà ở xã hội quy mô lớn nhất hiện tại của Bình Dương với gần 2.500 căn hộ. Càng về tối, khu nhà ở xã hội này càng đông đúc do công nhân đi làm về. Công nhân có thể mua đồ nấu ăn, thực phẩm, thuốc, quần áo hoặc các dịch vụ khác ngay trong “thành phố thu nhỏ” này.
Anh Trần Nam Thanh (quê Thái Bình, chủ tiệm tạp hóa Nam Thanh) cho biết hai vợ chồng anh gom góp tiền mua căn hộ tại tầng trệt với giá 480 triệu đồng với diện tích 57m2. Đây vừa là nơi buôn bán tạp hóa, vừa là nơi ở của hai vợ chồng và hai đứa con.
Anh Thanh cho biết với căn nhà này, nếu mua trả góp thì hai năm đầu mỗi tháng phải trả 4 triệu đồng. “Tôi đi làm công ty có lương, còn vợ tôi ở nhà vừa bán tạp hóa vừa trông con. Thu nhập của hai vợ chồng gom góp lại cũng đủ trả tiền nhà và sinh hoạt” – anh Thanh nói.
Với mỗi khối nhà, các chủ căn hộ cũng bầu ra những người đại diện giống như “tổ trưởng khu phố”, bầu ra ban quản trị chung cho cả tòa nhà… Các căn nhà ở xã hội được cấp “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đồng sở hữu đất” nên người mua nhà thật sự được là chủ ngôi nhà mà mình đang ở.
Tháo gỡ cơ chế
Theo đề án phát triển nhà ở xã hội do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và giao Becamex IDC thực hiện, năm 2015 sẽ phải xây dựng được 64.700 căn hộ, nhưng tới nay mới thực hiện được một phần nhỏ. Chủ đầu tư nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn liên quan tới cơ chế, nguồn vốn và quỹ đất.
Ông Bùi Văn Chiến – phó tổng giám đốc Becamex IDC – cho rằng dù chính sách nhà ở xã hội có tác dụng lớn, mang lại ý nghĩa xã hội nhưng sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng còn rất hạn chế. Trong tổng số 4.000 khách hàng mua nhà ở xã hội của Becamex thì chỉ có khoảng 400 người (chiếm khoảng 10%) tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi.
Còn ông Nguyễn Văn Đạt cho rằng vấn đề quan trọng là các khu nhà ở công nhân phải có hạ tầng đồng bộ như: y tế, trường học… nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Ông Đạt nói nhà trẻ, mẫu giáo, chợ búa chủ đầu tư có thể đáp ứng được nhưng trường cấp I, cấp II, hay các cơ sở y tế – bệnh viện trong khu thì doanh nghiệp đang không đủ điều kiện xây.
“Chính sách nhà nước nên cho doanh nghiệp được phép điều chỉnh một phần đất khu công nghiệp thành đất xây nhà ở cho công nhân trong nội khu các khu công nghiệp. Miễn tiền thuê đất và các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi. Thứ hai là cơ chế hỗ trợ cho người mua nhà, cho họ vay với lãi suất hợp lý” – ông Đạt đề xuất.
Sẽ có nhà ở xã hội 40-70m2
Cũng trong ngày 3-4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư đã khởi động xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2 tại các khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), Việt Sing (thị xã Thuận An).
Trong đó, ngoài mô hình căn hộ 30m2, sẽ xây dựng những căn hộ có diện tích lớn hơn, từ 40-70m2 để phù hợp với nhu cầu trong tình hình mới.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá mô hình nhà ở xã hội bước đầu thành công, tạo chỗ ở cho hàng chục ngàn người lao động. Thời gian tới, khi Luật nhà ở đã có hiệu lực, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ ngành tạo cơ chế chính sách thông thoáng, tốt hơn nữa để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong đó sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại dành ít nhất 3% nguồn vốn để người lao động mua nhà ở xã hội theo giá ưu đãi.
Theo Tuổi Trẻ
Người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh: "Tín hiệu xấu, đáng lo"...?
"Chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá, kể cả làm hàng gian dối, mua chính sách để trục lợi".
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ với Đất Việt trước vấn đề liên quan đến tốc độ gia tăng người siêu giàu VN nhanh nhất thế giới.
Không minh bạch thì người siêu giàu sẽ tăng nhanh
Vừa qua, Báo cáo của Knight Frank dự đoán trong 10 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, từ 116 lên 300 người. Ông có bất ngờ trước thông tin này hay không? Theo ông, việc tăng nhanh số người siêu giàu có khiến VN được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục hay không? Vì sao?
Tôi hoàn toàn không bất ngờ trước con số này. Bởi vì, những quốc gia càng không minh bạch, càng nhiều rủi ro thì tốc độ tăng người siêu giàu cũng nhanh hơn ở một đất nước minh bạch. Càng xáo trộn bao nhiêu sẽ càng dễ làm giàu bấy nhiêu nên các cụ nhà ta mới có câu "đục nước béo cò".
Cũng giống như người Mỹ đi tìm vàng ở Washington, sau đó tràn qua miền biển Tây đi tìm vàng, những người đi tìm vàng là những người có máu giang hồ, có thể chết vì một lý do nào lãng xẹt nào đó.
Khi đất nước chúng ta bắt đầu mở cửa, rất nhiều Việt kiều, người nước ngoài tràn sang làm ăn, vì họ hy vọng rằng khi một đất nước mới mở cửa thì luật chưa hoàn thiện sẽ có nhiều điều không minh bạch, có nhiều điều bất ngờ, thì cơ hội làm giàu sẽ càng lớn.
Chúng ta không minh bạch, có nhiều rủi ro thay đổi, nên tốc độ những người làm giàu tăng lên cũng nhanh chóng. Đi kèm thêm đó là rất nhiều điều kiện, như thiên thời, cơ may, thay đổi luật lệ hay nhờ cậy vào một thế lực nào đó.
Hơn nữa, đối với một đất nước trình độ phát triển còn thấp thì chuyện lượng người siêu giàu tăng tốc gấp đôi, gấp 3 trong vòng bao nhiêu năm là điều dễ hiểu, trong khi người Mỹ có vài trăm nghìn người, thì không thể tăng 100%, còn VN chỉ có vài trăm người thì chuyện tăng 100% là điều dễ hiểu.
Nhưng tốc độ tăng nhanh, chưa hẳn đã làm bạn bè quốc tế nể phục, họ chỉ nể phục khi đất nước toàn dân giàu, xã hội ổn định, phát triển bền vững. Nếu như một số ít người giàu lên nhanh chóng vì nhiều lý do nào đó, có khi là những lý do không chính đáng, không minh bạch thì chưa chắc đã được người ta nể phục.
Đặc biệt, nếu như đất nước tăng số lượng người giàu, nhưng không giải quyết được phần đông người dân còn nghèo đói, công nhân không có nhà ở, phải ở lán trại, những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm không đủ ăn, huống gì nuôi con ăn học. Đó là xã hội phân hóa giai cấp nhiều hơn, một tín hiệu xấu cho xã hội nói chung.
Tốc độ tăng người siêu giàu của VN nhanh nhất thế giới
Phải làm sao để thu nhập cả đất nước quốc dân tăng, bởi vì, không phải đất nước nào có GDP lớn mà đã tốt, GDP tốt thì phải chia cho cả những người thu nhập thấp và thu nhập cao cùng hưởng, chứ không phải một vài trăm người có hàng trăm triệu USD trong khi hàng triệu người không có 1 USD nào, đó không phải đất nước đáng sống, đất nước hạnh phúc.
Trong khi đó, cũng theo một báo cáo mới đây, các chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng rõ rệt. Nhiều người giàu hơn trong khi chênh lệch giàu nghèo càng tăng lên, điều này thể hiện điều gì, thưa ông? Đây là tín hiệu đáng mừng hay là đáng lo và vì sao?
Theo tôi điều này thể hiện: Thứ nhất, đó là sự phân hóa giàu nghèo đã ngày càng lớn dần, trung bình thu nhập của người VN hiện nay là 3 -5 triệu đồng/tháng, toàn bộ thu nhập đó chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt không còn tiền cho việc tích lũy, sống ngày nào hay ngày đó, chạy ăn từng bữa
Nhưng lại có một số bộ phận người thu nhập 100-200 triệu đồng/tháng thậm chí lên tới hàng tỷ đồng, chỉ có những người này mới tích lũy được, nhưng đó chỉ là con số ít, như vậy sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ rệt, cuối cùng tạo ra sự bất công.
Đối với đất nước nào cũng vậy, càng bất công nhiều thì đều dễ sinh ra mầm mống nổi loạn, phản kháng.
Nếu xã hội tạo ra những người siêu giàu càng ngày càng giàu, những người nghèo càng ngày càng nghèo, không có đường ra, thì xã hội đó chắc chắn không bền vững, mà mang mầm mống nổi loạn, dễ thay đổi.
Đây là tín hiệu đáng lo, bởi vì chừng nào cả nền kinh tế phát triển trên sự ấm no của toàn dân, sự sung túc của toàn dân mới là điều đáng mừng, còn sự giàu có của một số ít người, vài trăm người, trong khi có hàng chục triệu người khốn khó, thì chỉ mang đến mầm mống nổi loạn.
Lợi dụng chính sách để trục lợi
Đặc biệt, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã cơ bản khai thác xong tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Vậy thì sự gia tăng số người giàu trong thời điểm này phải được lý giải ra sao? Một số vô cùng ít người giàu lên, trong khi đời sống nói chung không được cải thiện, điều này biểu hiện điều gì?
Nói thẳng ra, hiện nay, rất nhiều người lợi dụng chính sách, mua chính sách để trục lợi một cách nhanh chóng, trong khi đại đa số công chúng từ nông dân cho đến công nhân đều gặp quá nhiều khó khăn, do thể chế của chúng ta không nâng đỡ công nhân, nông dân, mà chỉ tạo điều kiện cho người giàu càng ngày càng tích lũy tài sản.
Đó là lỗi của thể chế, không có cách gì cân đối, không có cách hỗ trợ thiệt thòi cho nông dân, công nhân, cho nên sự phân hóa càng rõ rệt, bất công ngày càng lớn.
Thể chế không có cách điều tiết lại tài sản những người quá giàu, siêu giàu, giúp đỡ người nghèo.
Tóm lại như bên bất động sản cũng không có chính sách gì hỗ trợ người công nhân thuê nhà giá rẻ, không có cách gì hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ, cuối cùng người công nhân phải ở trong căn phòng 5-10m2, trong khi nhà giàu thì vẫn đàng hoàng mua nhà giá hời.
Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, giàu có không minh bạch hợp pháp... là điều đáng ngại. Quan điểm của ông ra sao?
Nếu như chúng ta có 100 người giàu, tôi không mừng, tôi không lo, tôi chỉ lo chục triệu người nghèo không lối thoát, sống ngày nào lo ngày đó, gạo đong từng bữa.
Tôi nói ngay đến chính sách nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chúng ta phát động hàng chục năm nay, điểm lại đã có gì thành công hay không?
Có nhà nào cho người nghèo thuê không, hay toàn phải đi thuê tư nhân với giá cao, tiền lương không đủ tiền thuê nhà.
Có ý kiến cho rằng, sự giàu lên quá nhanh một cách không minh bạch sẽ tạo ra tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không? Xã hội Việt Nam đã gánh chịu những hậu quả của tâm lý này chưa, xin ông/bà phân tích cụ thể.
Đúng là chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá, kể cả làm hàng gian dối, mua chính sách để trục lợi, như BĐS người giàu luôn tìm mọi cách để đầu tư mua khu đất vàng, mua khu cảng, hết cảng biển đến cảng sông, lợi dụng khai thác hầm mỏ, tìm kiếm lợi nhuận.
Có thể thấy, chúng ta đã ngấm đòn từ lâu, nhà nhà đua nhau làm giàu, người người đua nhau làm quan, doanh nghiệp cũng làm giàu, không ai thực sự lo cho người lao động, người nghèo.
Từ đó cái nghèo đói, sinh ra bất ổn trong XH chém giết, cướp giật; sẵn sàng lợi dụng đốm lửa nào đó, thêm thùng xăng dự trữ đầy, dễ xảy ra đám cháy lớn, nguy hiểm cho an ninh, an sinh xã hội.
Mặt khác, hàm lượng chất xám trong sản phẩm của chúng ta hiện nay không cao mà hàm lượng thế lực, hàm lượng tài chính, mối quan hệ luôn luôn lớn hơn. Như trong ngành BĐS có nhiều siêu đại gia nhưng chất lượng công trình chưa phải là cao, cuộc sống chưa phải tốt nhất, nhưng chẳng qua thủ đắc vị trí tốt nhất.
Đáng lo ngại, là khi một đất nước không phát triển bằng hàm lượng chất xám nhiều thì làm sao phát triển lâu dài được.
Cứ cho là có đồng vốn cao lấn át người khác, nhưng chất xám trong sản phẩm không nhiều, bài toán phân biệt giàu nghèo ngày càng hiện rõ, không cần yếu tố con người mà cần yếu tố thế lực, tài chính, thì chắc chắn không được bền lâu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh Huyền
Đất Việt
Cả nước có 61.249 nhà ở công vụ Vẫn còn có trường hợp cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ nhưng chưa trả lại nhà. Ảnh minh họa. Theo thống kê của cơ quan chức năng gửi Văn phòng Chính phủ, tính đến hết ngày 31/8/2014, theo báo cáo của 33 bộ ngành, cơ quan trung ương và 60 địa phương thì tổng quỹ nhà...