Cộng nhầm điểm ưu tiên, nhiều thí sinh từ đậu thành rớt ĐH
Thay vì chỉ được cộng 1,5 điểm, 20 thí sinh ở Phú Yên được trường THPT cộng 3,5 điểm khiến nhiều thí sinh chọn nhầm ngành học và từ trúng tuyển thành rớt nguyện vọng 1(NV1) đại học.
Gia đình và các em Trần Quang Thịnh (thứ hai từ trái sang) và em Nguyễn Văn Tý (thứ ba từ trái sang) bức xúc, lo lắng sau khi từ trúng tuyển thành rớt NV1 đại học do bị cộng nhầm điểm. Ảnh: TRUNG HIẾU
Tối 30-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết Sở đã có công văn báo cáo Bộ GD-ĐT để thông báo đến các trường ĐH, CĐ bỏ điểm ưu tiên đối với 20 thí sinh ở tỉnh này do bị cộng nhầm.
Theo báo cáo ban đầu của Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), trong đợt làm thủ tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 vào các trường ĐH, CĐ, bộ phận nhập dữ liệu của trường đã cộng nhầm điểm ưu tiên đối với 20 thí sinh.
Trong đó có 19 em ở xã An Phú, TP Tuy Hòa và một em ở huyện Sông Hinh. Thay vì chỉ nhập khu vực 1- có hộ khẩu thường trú tại vùng bãi ngang ven biển (được cộng 1,5 điểm), Trường THPT Nguyễn Huệ lại nhập thêm đối tượng 1- học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (để cộng thêm 2 điểm).
Do được cộng thêm 3,5 điểm, nhiều thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và đã trúng tuyển vào nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, sau khi phát hiện sai sót, các trường ĐH đã hạ 2 điểm khiến nhiều em từ trúng tuyển trở thành rớt NV1.
Video đang HOT
Theo phản ánh của nhiều thí sinh, phụ huynh ở xã An Phú, trong hai ngày qua, nhiều gia đình đã nhận thông báo từ các trường ĐH cho biết đã hủy kết quả trúng tuyển NV1 đối với thí sinh. Các gia đình thí sinh này đều rất bức xúc do đang chuẩn bị cho các em lên đường nhập học giờ lại phải tìm trường nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung.
Sau khi tổ chức tiệc mừng, gia đình em Trần Quang Thịnh (ngụ thôn Xuân Dục, xã An Phú) đã mua vé xe, chuẩn bị thủ tục, tư trang để vào nhập học ngành Tài chính ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM thì bỗng nhận điện thoại từ trường này thông báo đã hủy kết quả trúng tuyển NV 1 đối với em Thịnh do nhầm điểm ưu tiên. Hiện em Thịnh chưa xác định được sẽ đăng ký NV bổ sung vào trường nào.
Tương tự, gia đình em Nguyễn Văn Tý (ngụ thôn Long Thủy, xã An Phú) đã chuẩn bị hoàn tất các thủ tục nhập học và đang chuẩn bị tổ chức tiệc mừng để em vào học ngành Chỉ huy tham mưu, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thì nhận tin báo từ trường này là em không đủ điều kiện vì không đủ điểm. “Sai sót này đang ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con tôi. Hiện con tôi đang rất hoang mang, lo lắng vì không biết chọn ngành nào, trường nào phù hợp để đăng ký NV bổ sung. Gia đình tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ, giờ hụt hẫng vô cùng, cũng không biết giải thích với bà con họ hàng ra sao!’- ông Nguyễn Lanh (cha em Tý) bức xúc.
Theo báo cáo của Trường THPT Nguyễn Huệ, hiện đã có sáu thí sinh bị ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển NV1 ĐH. Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện chưa xác định, thống kê đầy đủ có bao nhiêu thí sinh từ trúng tuyển thành rớt NV1.
Ông Trần Bảy, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Huệ thừa nhận sai sót này là do lỗi của bộ phận nhập dữ liệu của trường, do ông phụ trách. “Do quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay mà nhà trường gặp nhiều lúng túng trong quá trình nhập dữ liệu điểm cho học sinh”- ông Bảy giải thích.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Cường nói: “Về nguyên tắc, phiếu đăng ký được in ra, giáo viên chủ nhiệm, thí sinh đều kiểm tra và ký vào nhưng không hiểu sao lại không phát hiện. Giờ sự việc đã lỡ hết rồi! Cùng với việc báo cáo Bộ GD-ĐT để trả lại nguyên điểm cho các em, chúng tôi đã yêu cầu Trường THPT Nguyễn Huệ đến từng nhà xin lỗi học sinh, phụ huynh; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan, sau đó Sở sẽ có hình thức xử lý đối với những trường hợp để xảy ra sai sót này. Điều đáng tiếc là những học sinh bị cộng nhầm điểm ưu tiên không còn cơ hội để chuyển ngành theo NV 1. Chúng tôi cũng rất buồn vì các em và gia đình đã lo lắng, vất vả đi nộp hồ sơ, đã trúng tuyển thì giờ lại không trúng, làm cho các em bị khó khăn, phiền hà!”.
Theo TẤN LỘC/ Pháp luật TP.HCM
Hai nguyên nhân chính khiến việc xét tuyển ĐH, CĐ rối loạn
Nếu Bộ GD - ĐT hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn một ngành cho mỗi đợt xét tuyển như đã làm trước đây thì sẽ không gây ra rối loạn như hiện nay.
Càng đến những ngày cuối, đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học càng trở nên căng thẳng khi nhiều thí sinh đang chờ chốt điểm trúng tuyển để liệu đường rút HS hoặc chuyển nguyện vọng. Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc tốt đẹp, được dư luận đánh giá là nhẹ nhàng tại sao đến giai đoạn này lại trở nên rối rắm? Có hai nguyên nhân
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT sử dụng sai từ "nguyện vọng"
Từ năm 2014 trở về trước, khi đăng ký dự thi ĐH thí sinh đã chọn 1 ngành (gọi là nguyện vọng 1 - NV1). Sau khi có kết quả thi các trường ĐH xét tuyển NV1 cho các thí sinh. Sau đó nếu có các ngành chưa đủ chỉ tiêu thì các trường xét tuyển đợt thứ 2. Trong đợt này thí sinh được chọn 1 ngành nữa gọi là NV2, vì vậy đợt xét tuyển này được gọi là đợt xét tuyển NV2.
Năm nay (2015) khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh không được yêu cầu chọn ngành nào cả. Trong đợt xét tuyển này thí sinh được yêu cầu nộp hồ sơ ĐKXT, và thí sinh được phép chọn tối đa 4 ngành (gọi là NV) và phải xác định thứ tự ưu tiên nên gọi là NV1, NV2, NV3, NV4. Vì vậy xét về bản chất đây là "giai đoạn xét tuyển đợt 1", nhưng do "quán tính" của cách gọi các kỳ thi trước Bộ gọi đợt xét tuyển này là "đợt xét tuyển NV1" làm cho vấn đề đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn.
Thứ hai, Bộ không lường trước tác hại quá lớn của các nguyện vọng ảo đến tâm lý của thí sinh.
Thay vì mỗi hồ sơ ĐKXT chỉ được chọn 1 ngành Bộ lại cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành thay vì chỉ được chọn 1 ngành như trước đây. Tôi nghĩ rằng Bộ cho phép thí sinh được chọn 4 ngành là tin vào khả năng lọc ảo của phần mềm sử dụng giải thuật được đoạt giải Nobel. Bộ không ngờ rằng việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ chớ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển.
Với quy định nêu trên các thí sinh điểm cao xuất hiện trong danh sách 4 ngành giống như chỉ có 1 Tề Thiên nhưng lại có thêm 3 Tề Thiên được hoá thân từ cái lông khỉ xuất hiện ở 4 nơi đẩy các thí sinh có điểm từ trung bình đến thấp làm cho cách thí sinh này hoang mang vì số thứ tự của họ xuống xa hơn chỉ tiêu. Càng ngày số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên sự rối loạn càng tăng mạnh hơn. Mấy ngày gần đây sự rối loạn này càng rõ hơn.
Nhiều trường ĐH chưa lường hết tác động này nên chưa chuẩn bị phương tiện CNTT hỗ trợ nên tôi cũng chưa biết rối loạn này sẽ đi đến đâu. Trường ĐH Cần Thơ chúng tôi đã nhận thấy sự tác hại của thí sinh ảo chỉ vài ngày đầu nhận hồ sơ nên chúng tôi đã xây dựng xong phần mềm lọc thí sinh ảo. Trong mấy ngày qua sự lọc ảo này đã phát huy tác dụng.
Ngoài ra cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây ra sự hiểu nhầm của thí sinh và phụ huynh làm cho họ không thể dựa vào stt của họ trong danh sách của ngành đăng ký. Trong đó sự hiểu nhầm có tác dụng gây rắc rối lớn nhất là các NV là ưu tiên xét tuyển, khi xét tuyển 1 ngành thì NV1 được ưu tiên xét tuyển trước, NV2 được xét tuyển sau.
Thực chất NV chỉ có tác dụng giúp trường ĐH chọn lại một ngành trúng tuyển khi thí sinh có thể trúng tuyển nhiều ngành chứ ưu tiên của NV không có tác dụng vào việc xét tuyển.
Nếu Bộ hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn 1 ngành cho mỗi đợt xét tuyển như đã làm như trước đây thì sẽ không gây ra rối loạn như hiện nay.
Theo PGS - TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ (Báo Pháp luật TP.HCM)
Theo Dantri
Thấp thỏm vì điểm xét tuyển tăng từng ngày Dù chưa vào cao điểm xét tuyển nhưng tình hình thí sinh rút hồ sơ sang trường khác khá nhộn nhịp. Sáng 10-8, khoảng 1.000 thí sinh (TS) xếp hàng dài chờ nộp và rút hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM. Nhiều TS cho biết sau nửa chặng đường xét tuyển vào trường này, TS đã cơ bản nắm được...