Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng kinh tế
Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2020, “bức tranh” sản xuất công nghiệp đã có nhiều gam màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN
Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2020, “bức tranh” sản xuất công nghiệp đã có nhiều gam màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Cụ thể, ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,3% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.
Chỉ số sản xuất quý I/2021 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất kim loại tăng 30,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,9%; sản xuất thiết bị điện và khai thác quặng kim loại cùng tăng 12,5%… Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,7%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 9,8%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,6%…
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%; sữa bột tăng 17,5%; sơn hóa học tăng 15,5%; sắt, thép thô tăng 14,4%…
Mặc dù, sản xuất công nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt, song báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,9%),
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 91,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 85,7%; sản xuất kim loại tăng 68,1%…
Video đang HOT
Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, khẩn trương triển khai Quyết định 221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, trong đó, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, hình thành các nền tảng số về logistics nhằm cắt giảm chi phí; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, các ngành cần tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai, sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, rà soát các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tăng cường “khơi dòng” tiêu thụ thông qua các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa; đồng thời, cần tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Hiện, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2021 tăng 1,6% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm trước./.
Bắc Ninh: Tổng thu ngân sách quý I/2021 tăng 8,16% so với cùng kỳ
Quý I/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Bắc Ninh theo giá so sánh 2010 ước đạt 33.285 tỷ đồng, tăng khá cao 8,16% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 9.624 tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 7.054 tỷ đồng, bằng 37% dự toán năm, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng chủ yếu 73,6% tăng rất cao 89,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Quý I/2021 do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 2/4. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Theo số liệu công bố của Cục Thống kê và báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong Quý I/2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Do đó, kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Anh Tuấn)
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượng doanh nghiệp được thu hút giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại tăng hơn 2 lần về tổng số vốn đăng ký. Cụ thể, Bắc Ninh đã cấp mới 29 dự án FDI, giảm 40,8% so với năm 2020 nhưng vốn đăng ký cấp mới lại đạt 242,4 triệu USD, tăng 215,2% so với năm 2020. Điều này đúng theo quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, theo hướng "2 ít, 3 cao" (ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp Ngân sách cao, hàm lượng công nghệ cao).
Dự báo xu hướng sản xuất công nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu khả quan hơn rất nhiều, có tới 52,56% doanh nghiệp đánh giá sản xuất tốt lên, cao hơn mức đánh giá ở Quý I/2021, trong khi chỉ có 12,02% doanh nghiệp khẳng định sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tư vấn chính sách việc làm, lao động tới 10.713 lượt người, cầu nối cho 157 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động, tiếp nhận và giải quyết 1.280 hồ sơ người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, trên địa bàn không có doanh nghiệp nợ lương người lao động, thu nhập bình quân của người lao động tại các loại hình doanh nghiệp ước đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện 171 vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường với 148 đối tượng, xử phạt 3,9 tỷ đồng.
Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và điều hành thu ngân sách, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2021...
Tại buổi họp báo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh đã thông tin, giải đáp, trả lời thỏa đáng các câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về các vấn đề liên quan đến: giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tiếp theo; việc thực hiện thu hút đầu tư theo tiêu chí "2 ít, 3 cao"; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực sông Ngũ Huyện Khê; tiến độ thực hiện dự án tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi qua địa bàn thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du; xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và kinh doanh bất động sản; việc công bố các quy hoạch và tiếp cận thông tin các quy hoạch...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và tỉnh thời gian qua đã luôn đồng hành cùng địa phương, phản ánh toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tuyên truyền động viên, khích lệ các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19, góp phần tạo động lực quan trọng giúp Bắc Ninh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.
"Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh sẽ luôn đồng hành, tiếp nhận và cung cấp kịp thời, đầy đủ, trách nhiệm các thông tin cho báo chí qua nhiều kênh, đồng thời kịp thời làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh và có hướng giải quyết triệt để, qua đó, góp phần xây dựng Bắc Ninh ngày càng phát triển, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai", đồng chí Vương Quốc Tuấn khẳng định.
Đáng chú ý, Bắc Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hỗ trợ các đối tượng chính sách, đảm bảo thực hiện an sinh xã hội ở mức tốt hơn trung bình chung của cả nước...
Bàn giải pháp nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước Mặc dù nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản của Nhà nước, song hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Do đó, cần có những giải pháp "giải bài toán" này, để nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Đây là...