Công nghệ xử lý rác của Đa Phước như thế nào
Quảng cáo dùng công nghệ tiên tiến của Mỹ để xử lý rác, song gần 10 năm Đa Phước chỉ chôn lấp và lấy giá cao hơn nhiều so với những nơi khác.
Giới thiệu trên website, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) cho biết công nghệ áp dụng tại bãi rác Đa Phước là “mới nhất, tiên tiến nhất” tương tự cách làm của họ tại tiểu bang California (Mỹ).
Tuy nhiên, theo Thanh tra TP HCM, hợp đồng VWS ký với Sở Tài nguyên – Môi trường ngày 28/2/2006 có nội dung công ty sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp. Song, thực tế sau gần 10 năm hoạt động, VWS chưa thực hiện phân loại, tái chế mà chôn lấp toàn bộ với công suất 3.000 tấn một ngày.
Ngoài ra, thanh tra cũng kết luận rằng, VWS chưa thực hiện đúng giấy phép đầu tư số 2535 cấp ngày 28/12/2005 khi không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn mỗi ngày.
Lý do khiến Đa Phước không thực hiện như hợp đồng được cho là do thành phố chưa cung cấp được chất thải đã phân loại. Về vấn đề này, Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM đã triển khai nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng đều thất bại dù kinh phí không nhỏ. Nguyên nhân là thiếu đầu tư hệ thống phân loại một cách đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu.
Sau gần 10 năm hoạt động, rác ở Đa Phước đã chồng chất thành núi, có thể nhìn thấy từ xa. Ảnh: Hữu Nguyên
Trong hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn ký kết giữa VWS và Sở Tài nguyên – Môi trường (đại diện ủy quyền của UBND TP HCM) hồi tháng 2/2006, quy định trách nhiệm của VWS sẽ trang bị cho nhà máy các thiết bị chuyên dụng mới, sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp với môi trường làm việc của thành phố (với các thiết bị chủ yếu được sản xuất tại Hoa Kỳ, hoặc các nước khác theo công nghệ có giấy phép hoặc được công nhận của Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản hay EU).
Tuy nhiên, theo một cán bộ Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, dự án xử lý rác Đa Phước không có công nghệ nào được chuyển giao, bởi nếu được chuyển giao phải thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ chuyển giao hay góp vốn bằng bí quyết công nghệ phải được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận.
Video đang HOT
Khu xử lý rác Đa Phước chỉ nêu công nghệ dự án đang sử dụng là công nghệ Hoa Kỳ nhưng công nghệ trên chỉ do “trung tâm công nghệ và xử lý môi trường” tư vấn nêu trong dự án khả thi mà chính đơn vị này lập. Hiện, Đa Phước chỉ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp mà bất cứ đơn vị bãi rác nào ở TP HCM cũng thực hiện.
Đánh giá về công nghệ của Đa Phước, các chuyên gia môi trường cho là đơn giản hơn nhiều so với các công nghệ tái chế rác thải thành phân vi sinh hoặc đốt rác chuyển hóa năng lượng. Nó có chi phí đầu tư và vận hành thấp, có thể thu hồi khí CH4 nhưng lại chiếm nhiều đất, khó kiểm soát nước rỉ rác, ô nhiễm không khí, mùi hôi khu vực chung quanh bãi chôn lấp.
“Trong tương lai chúng ta cần hạn chế dần công nghệ chôn lấp rác thải và hướng tới công nghệ như xu thế mà các nước tiên tiến đang làm. Nếuphân loại được riêng khối lượng rác cao su cũng đem lại một nguồn thu rất lớn cho ngân sách”, ông này nói.
“Núi rác” Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: Hữu Nguyên
Tại cuộc họp báo Chính phủ hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua kiểm tra phát hiện Đa Phước chưa hoàn thành nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước thải, nước rác. Việc xử lý rác thải dưới hình thức chôn lấp đang được nhiều nước sử dụng, song công nghệ chôn lấp sẽ không triệt để và không giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường. Trong điều kiện đất đai không có nhiều thì giải pháp chôn lấp chỉ là trước mắt.
“Quá trình xử lý rác còn liên quan đến quy trình nhận rác, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi và áp dụng công nghệ sinh học hợp lý. Một việc chính nữa là thu được khí phân hủy từ rác và nước phân hủy để xử lý. Hiện, Bộ đã giao Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM kiểm tra và tiếp tục đề xuất”, ông Hà nói.
Bãi rác Đa Phước là một trong 3 “nghi phạm” được Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu NamSài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, Đa Phước còn bị cho là khiến TP HCM ‘mất’ 3 triệu USD mỗi năm vì giá xử lý rác quá cao. Bất cập này một lần nữa được nhắc đến hồi tháng 8 khi Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại (giá khởi đầu 16,4 USD/tấn) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ so với thực tế khối lượng rác đang chôn lấp.
Hữu Nguyên – Ngọc Hậu
Theo VNE
Giá xử lý rác của Đa Phước khiến TP HCM 'mất' 48 tỷ mỗi năm
Chỉ chôn lấp rác, chưa phân loại để tái chế nhưng giá xử lý lại cao hơn tất cả những nơi khác, Đa Phước đang khiến TP HCM phải chi thêm rất nhiều ngân sách.
Nằm biệt lập như một cù lao tại huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP HCM gần 20 km, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư. Nó vốn được quy hoạch làm khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng Nam Sài Gòn với công suất nhỏ. Tuy nhiên, hiện Đa Phước xử lý đến 5.000 tấn một ngày, chiếm khoảng 70% lượng rác của thành phố.
Lúc đầu, TP HCM chi trả 16,4 USD cho VWS xử lý một tấn rác, sau tăng lên hơn 19 USD, đến cuối năm 2014 là 20,166 USD và hiện là 21,1 USD. Với mức giá này, TP HCM đang thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3 USD mỗi tấn so với doanh nghiệp khác.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM hồi cuối tháng 1, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Với đơn giá này, ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Thanh tra thành phố, cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng Đa Phước có cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá không giống với những đơn vị khác. Cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký hợp đồng với VWS căn cứ vào "tổng chi phí đầu tư thực tế" của công ty này nhưng cho đến nay "không thể biết được chi phí đầu tư của VWS".
Giá xử lý rác ở Đa Phước được cho là đắt hơn các nơi khác dù cùng công nghệ. Ảnh: Hữu Nguyên
Về vấn đề này, hồi tháng 2/2015, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - (thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND TP HCM) có văn bản khẩn giao Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất các phương án đấu thầu, xử lý rác nhằm điều chỉnh giá của Đa Phước về mức hợp lý, tiết kiệm ngân sách cho thành phố và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ông Hà cho rằng, việc thành phố thoả thuận giá xử lý rác với VWS tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước là không đúng với Luật Cạnh tranh bởi "các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước ấn định giá".
"Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hàng năm của công ty VWS 25-40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực. Chẳng hạn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 3%/năm. Đây là bất hợp lý, cần được giải quyết kịp thời để tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo hoạt động công ích là phục vụ người dân, không phải lĩnh vực kinh doanh kiếm lợi nhuận cao", văn bản nêu.
Tuy nhiên, tại cuộc họp cuối tháng 3, lý giải việc giá xử lý rác tại Đa Phước cao nhất so với các công ty khác, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng, do Đa Phước là dự án của doanh nghiệp tư nhân nên giá được tính đầy đủ các chi phí, kể cả chi phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa (trong vòng 24 năm). Còn doanh nghiệp Nhà nước xử lý rác các chi phí có thể tính ở mức độ chưa đầy đủ hoặc thiếu.
"Giai đoạn đấu giá rác xử lý ở Đa Phước có cao hơn nhưng hiện gần như tiệm cận với các đơn vị xử lý khác. Mặt khác, UBND thành phố khống chế mức tăng giá xử lý rác ở Đa Phước theo chỉ số giá tiêu dùng. Nếu CPI tăng trên dưới 3% thì giá xử lý rác chỉ tăng ở mức 3% thôi", ông Hoan nói.
Bất cập về giá xử lý rác của Đa Phước một lần nữa lại được nhắc đến hồi tháng 8 khi Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại (giá khởi đầu 16,4 USD/tấn) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ so với thực tế khối lượng rác đang chôn lấp.
Dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước được thành lập theo chỉ đạo của Thành ủy TP HCM và Thường trực UBND TP HCM thời điểm năm 2002. Trong khi đó Khu xử lý rác Tam Tân (nay là Khu Phước Hiệp) là công trình trọng điểm, chiến lược của thành phố. Tuy nhiên, các nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo, TP HCM đã thuyết phục trung ương để dồn rác dần về Đa Phước và muốn đóng cửa bãi rác Phước Hiệp do gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc gần đó.
Bãi rác Đa Phước là một trong 3 "nghi phạm" được Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Khu liên hiệp Đa Phước đang xử lý những chất thải gì Sở Tài nguyên - Môi trường xác định "nghi can" gây ra mùi hôi thối khu vực phía Nam TP HCM là Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với 3 đơn vị đang hoạt động. Bãi rác Đa Phước Cách trung tâm TP HCM gần 20 km, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa...