‘Công nghệ’ sử dụng trẻ em đi bán kẹo cao su
Được địu trước bụng cậu bé 14-15 tuổi, đứa bé chốc chốc lại khóc thét, còn “người anh” tay cầm bình sữa, tay bê rổ kẹo, mặt buồn rầu mời chào khách. Ít phút sau, một phụ nữ to béo phi xe máy đến đón cả hai.
Tối ngày đầu tháng 6, tại đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Hà Nội), sau khi đưa hai đứa trẻ xuống quán trà đá vỉa hè, người phụ nữ dáng to béo mặc bộ đồ ngủ đi xe Dream quay đầu xe lao vun vút về phía đường Xuân Thủy.
Cháu bé ngủ gật ngay trên tay người anh trong khi hai anh em trên đường đi “tác nghiệp”.Ảnh: Bá Đô
Rời xe của người phụ nữ, một tay giữ bé trai địu trước ngực, một tay bê rổ nhựa đựng kẹo cao su, cậu bé chừng 14-15 tuổi quỳ gối bên quán nước với vẻ mặt buồn rầu và liên tục mời chào: “Mua giúp em phong kẹo cao su anh chị ơi”.
Thấy ánh mắt có phần van lơn, đặc biệt thấy bé chừng hơn một tuổi chốc chốc lại ngọ nguậy, khóc thét lên từng hồi, nhiều người không ngần ngại rút ngay những tờ tiền mệnh giá 20.000-50.000 đưa cho cậu bé để đổi lấy một phong kẹo cao su.
Đi hết những hàng quán trên đường, rổ kẹo vơi dần, “người anh” dừng tại một góc tối, từ từ đếm tiền rồi rút điện thoại gọi. Vài phút sau, người phụ nữ to béo lại có mặt, tiếp tục chở chúng đi về hướng quảng trường Mỹ Đình.
Ngày hôm sau vẫn cậu bé, nhưng với trang phục khác và được đưa tới quảng trường Mỹ Đình bởi một thanh niên đi xe SYM màu xanh. Giống như hôm trước, với bộ mặt sầu não, tiếng khóc thét của đứa trẻ, hai anh em cậu bé nhanh chóng bán được khá nhiều kẹo.
Đến 23h đêm tại một điểm hẹn sẵn, người thanh niên quay lại đón hai cậu bé rồi lao về phía cuối đường Đê La Thành, khuất dần trong con ngõ nhỏ.
Hai cậu bé được người phụ nữ đi xe Dream đưa đón đi khắp các điểm để “tác nghiệp”. Ảnh: Bá Đô
Ở một góc khác của thủ đô, trên đường Ngọc Hà, 12h trưa hằng ngày, 3 bé gái chừng 11-12 tuổi bê rổ kẹo cao su được một người đàn ông trung niên đưa đến quán bia 1B Bắc Sơn.
Thân hình nhỏ nhắn, gầy guộc, khoác trên mình chiếc áo cộc tay màu xanh nõn chuối với nhiều vết loang lổ, bé gái khoảng 11 tuổi vừa bước vào quán bia đã vội lôi lọ kẹo cao su trong rổ nhựa ra mời chào “Chú mua cho con lọ kẹo”.
Video đang HOT
Thấy những vị khách mải mê nâng cốc không để ý đến lời mời, cô bé đưa lọ kẹo vào trong rổ rồi nhanh nhẹn đấm bóp vai cho khách và kiên trì mời chào. Trông cô bé nhanh nhẹn, lại khéo léo, không ít vị khách đã rút hầu bao mua kẹo. Đi khắp quán bia, bé gái bê rổ kẹo ra quán trà đá gần đó ngồi đợi người đến đón.
Bé gái cho biết tên Hương, 10 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa. “Cháu theo bà lên Hà Nội kiếm sống được 3 năm, hàng ngày bà đi bán báo dạo, còn cháu bán kẹo thuê. Mỗi tháng họ nuôi ăn và trả cháu 1,5 triệu đồng, số tiền này hàng tháng cháu lại gửi về cho bố mẹ”, Hương cho biết.
Khi được hỏi thêm về danh tính, địa chỉ của người thuê và hàng ngày chở bé đi tới những hàng quán để bán kẹo, cô bé im lặng và nhanh chóng bỏ đi.
Nhìn Hương mất hút giữa dòng xe cộ, chị Vân, người bán trà đá gần 10 năm nay trên đường Ngọc Hà cho biết, trưa nào chúng cũng được một người đàn ông đưa đón ở đây. “Chúng nó chưa đủ tuổi lao động, không hiểu bố mẹ nghĩ gì mà cho đi lang thang để bị bóc lột sức lao động”, chị Hương nói.
Không chỉ tại phố Nguyễn Phong Sắc hay Ngọc Hà, tại nhiều con phố của Hà Nội như Cấm Chỉ, Phùng Hưng, Cao Bá Quát hay Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch…, nơi có nhiều quán ăn uống, cũng thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ em rong ruổi cả ngày lẫn đêm để bán kẹo cao su thuê.
Theo nghị định 114 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trẻ em, nếu cha mẹ có hành vi bắt con đi lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng và phạt tiền 5-10 triệu đồng với hành vi chứa chấp trẻ lang thang để bán vé số, sách báo, tranh ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.
Theo VNExpress
Nở rộ nghề chăn dắt trẻ em đi bán hàng rong
Khi tôi hỏi em đi xa thế này, lại lâu vậy em có nhớ nhà, nhớ bố mẹ không, em bảo "có nhớ, khóc đòi về nhưng lần nào cũng bị cô đánh nên không dám khóc nữa, giờ thì hết nhớ rồi".
Sau nhiều đợt ra Hà Nội ra quân thu gom, xử lý, tình trạng chăn dắt trẻ em đi ăn xin đã có phần thuyên giảm. Nhưng những đối tượng chăn dắt xưa giờ đây chuyển sang một hình thức mới: chăn dắt trẻ em đi bán hàng rong.
Làm việc không ngày nghỉ
Khu vực hoạt động của những đối tượng này là những nơi tập trung đông người, như các tuyến phố du lịch (khu phố cổ Hà Nội), các hàng quán ăn nhậu (khu đường Trần Huy Liệu, Gia Văn Minh, Lý Văn Phúc...), hoặc những chỗ café, hóng mát (quanh hồ Văn Quán, khu vực Mỹ Đình...)
Hơn 7h tối, chúng tôi có mặt tại bờ hồ Văn Quán (khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), không khó để bắt gặp bóng dáng những đứa trẻ bán hàng rong, trên tay cầm theo những vỉ kẹo cao su. Chúng lang thang quanh hồ, vào từng quán, đến từng bàn nải nỉ khách mua.
3 đứa trẻ bàn hàng rong đang chuẩn bị ngày làm việc mới. (Ảnh chụp tại hồ Văn Quán).
"Cô chú ơi mua giúp cháu" - một câu vừa để chào hàng, vừa cầu xin mọi người rủ lòng thường mua hộ chúng. Câu nói đã trở thành quen thuộc với nhiều người, mà có lẽ với chúng chẳng biết nói câu nào ngoài câu đấy. Gặp ai cũng thế, hôm nào cũng vậy, vẫn là câu đấy.
Tại khu vực hồ Văn Quán, có 5 em nhỏ đêm nào cũng có mặt để bán hàng. Trong đó, có 2 em bán bỏng ngô (1 em gái khoảng 7 tuổi và một em trai khoảng 10 tuổi), và 3 em gái khoảng 4, 5 tuổi bán kẹo cau su. Chúng làm không có ngày nghỉ, cuồi tuần là cơ hội tăng thu nhập vì khách ở các hàng quán cũng đông hơn.
Sự xuất hiện của chúng khiến nhiều người tỏ ra khó chịu, thậm chí "ghẻ lạnh" chúng. Không ai thèm để ý đến chúng, có lẽ ai cũng nghĩ chúng chỉ là công cụ kiếm tiền của người lớn - những kẻ chăn dắt.
Đến bàn nào chúng cũng dừng lại một lúc để van nài, chèo kéo khách, dù khách có mua hay không. Nên, để chúng nhanh đi chỗ khác nhiều người chấp nhận bỏ ra 10 nghìn đồng để mua cho chúng một vỉ kẹo, dù ai cũng biết vỉ kẹo đấy nếu mua ở các cửa hàng tạp hóa chỉ 5 nghìn đồng.
Hôm nay là 1/6, các em vẫn làm công việc như được lập trình sẵn. Chỉ có khác hơn là những khách hàng ở các quán ven hồ, khi xuất hiện nhiều hơn những đứa trẻ ăn mặc sặc sỡ, em nào cũng có một món đồ chơi, đi cùng bố mẹ ra đây liên hoan.
Trong số những đứa trẻ bán hàng rong ở đây, đứa bé mặc quân áo màu xanh luôn gây được sự chú ý đặc biệt của tôi, vì em là đứa nhỏ nhất, ngày nào em cũng xuất hiện với bộ quần áo đấy, và thường đi sau những "đồng nghiệp" khác.
Đặc biệt, hôm nay tôi thấy em khác lạ hơn, dù dưới ánh đèn điện yếu ớt, nhập nhặng sáng tối, nhưng tôi vẫn nhận ra một điều hễ đến bàn có đứa trẻ trạc tuổi mình, trông em vẻ bối rối, em nói câu quen thuộc "cô chú ơi mua hộ cháu" âm lượng như bé hơn bình thường, và thường bị đứt đoạn, mắt nhìn chân nhiều hơn. Mất đi vẻ mạnh bạo, ranh mãnh được người lớn chỉ dạy và rèn luyện từ nhiều tháng hành nghề.
Tôi chọn ngồi cạnh bàn một gia đình có hai em nhỏ, trong đó có một bé gái khoảng 6 tuổi, mặc váy trắng với nhiều đường chỉ tinh xảo, tóc thắt bím buộc nơ rất cầu kỳ, tay đang mân mê từng sợi tóc con búp bê mà tôi đoán là vừa được bố mẹ tặng. Khi tôi vừa ngồi yên vị, thì em bé bán kẹo cũng bước tới bàn bên cạnh. Lúc em xuất hiện cả gia đình gần như dừng mọi câu chuyện, bé gái cũng thôi mân mê tóc con búp bê.
Cũng đưa kẹo ra để xin khách rủ lòng thương mua giúp em, khi đã lướt qua nhìn một lượt tất cả mọi người, nhử để xem đâu là con mồi ngon nhất, dựa vào việc ai sẽ là người rút ví. Nhưng bất chợt, em dừng cái nhìn trong chốc lát với con búp bê bé gái đang cầm.
Chúng lang thang khắp quanh hồ để xin mọi người rủ lòng thương.
Người đàn ông cất tiếng hỏi "bao nhiêu?", khiến em hơi giật mình, và rời mắt khỏi con búp bê, em trả lời cũng cụt lủn "10 ngàn". Người đàn ông nghiên nghười để rút ví, mắt em tập trung hoàn toàn vào chiếc ví. Một tờ 10 ngàn được rút ra, người đàn ông đưa sang cho đứa con gái, để nó trả, đứa bé gái cầm tiền nhưng chưa đưa ngay mà hơi lưỡng lự, chỉ đưa khi bố mẹ nó dục "đưa đi, cho nó đi chỗ khác".
Cầm tiền, em đưa vỉ kẹo ra giao cho khách, nhưng người đàn ông bảo "thôi, không cần, đi đi", nhưng nó chưa kịp để vỉ kẹo vào mũ thì người phụ nữ đã kịp đưa tay ra giật lại "mất tiền rồi tội gì không lấy". Rồi em lặng lẽ bức về phía bàn của tôi, nhưng được vài ba bước em lại quay nhìn con búp bê lần nữa.
Số phận sau vài câu nói
Em đứng trước mặt tôi, đưa hộp kẹo ra cũng với câu nói ấy "chú ơi mua hộ cháu", để không gây chú ý tôi cũng hỏi giá bao nhiêu, tay rút ví để lấy tiền, nhưng chưa vội đưa tiền cho em, tôi mời em uống nước.
Em hơi lưỡng lự đôi chút, mắt nhìn tôi dò xét rồi lại nhìn ra xung quanh như tìm thứ gì đó, thấy những "đồng nghiệp" của mình đã đi khá xa ở cuối hồ em mới dám ngồi. Chẳng phải để tôi gọi hộ, em tự gọi phục vụ đến rồi yêu cầu một cốc xoài dầm, kèm theo câu nhắc "nhanh hộ cháu".
Qua những câu hỏi, và những câu trả lời ngắn gọn đến mức cụt lủn của em, tôi biết được em năm nay 6 tuổi, em chỉ biết quê mình ở Thanh Hóa, ở nhà em còn một đứa em đang tập đi. Em cũng không biết mình ra Hà Nội được bao lâu, chỉ biết là ra được một thời gian thì về quê ăn tết, sau đấy lại ra ở tới giờ. Tối nào em cũng ra đây bán kẹo, chỉ những hôm trời mưa mới được ở nhà xem ti vi.
Khi tôi hỏi em đi xa thế này, lại lâu vậy em có nhớ nhà, nhớ bố mẹ không, em bảo "có nhớ nhớ, khóc đòi về nhưng lần nào cũng bị cô đánh (đối tượng chăn dắt - PV), nên không dám nữa, giờ hết rồi", vừa nói em vừa xúc từng miếng xoài bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, để rớt cả nước vào quần áo.
Đôi lúc tôi thấy em lơ đễnh nhìn sang con búp bê của cô bé bên cạnh. Tôi hỏi em có biết hôm nay là ngày gì, em chỉ lắc lắc đầu, và cũng không tỏ vẻ gì quan tâm, hay tò mò đến câu hỏi của tôi, chủ yếu tập trung vào cốc xoài.
Chẳng mấy chốc em đã ăn hết cốc xoài, em nghiêng cốc ngậm cái ống hút hút rụt một cái thật kêu, rồi đứng dậy lấy tay xoa xoa vào những chỗ bị nước rớt vào. Trước khi đi em vẫn không quên nài tôi mua hộ vỉ kẹo.
Cố chờ đợi khách "đổi ý" mua cho chúng vỉ kẹo.
Em đi được một đoạn thì tôi cũng lặng lẽ bám theo. Trong một đêm, những đứa trẻ bán kẹo ở hồ Văn Quán đi được khoảng 4 vòng quanh hồ, mỗi lần đi hết một vòng, các em lại tìm bóng cây khuất sáng, vắng người để ngồi nghỉ, xếp tiền và cất thật kỹ vào ví, chiếc ví được giấu cẩn thận dưới đáy mũ.
Đến gần 11h tối, khi các hàng quán khách đã vãn, các em bắt đầu tụ tập về góc hồ (phía đường Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông), ngồi xếp lại tiền, kiểm kê số kẹo còn lại. Bất ngờ, đúng ra là tôi không thể tin vào mắt, tai mình khi chính em gái khi nãy tôi nói chuyện rút từ trong túi ra chiếc điện thoại di động, bấm nút "alo... cháu đợi ở góc hồ rồi", cháu tắt máy bỏ lại điện thoại vào túi, rồi tiếp tục xếp tiền.
Chỉ chưa đầy 5 phút sau, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, đi xe máy tới. Toàn bộ tiền các em kiếm được, và số kẹo còn lại được bỏ vào một túi ni lông treo lên xe, rồi hai em gái leo thoắt lên xe, người phụ nữ kéo ga chạy thẳng. Một đứa bé còn lại cũng chỉ phải đợi ít phút, để một thanh niên khoảng 17 tuổi đạp xe đạp đến đón về.
Theo VTC
Cò mồi trục lợi từ tin đồn tăng phí làm hộ chiếu Không biết từ đâu rộ lên tin đồn sắp tăng phí làm hộ chiếu. "Đục nước", "cò mồi" được dịp lộng hành trục lợi người đi đăng ký làm hộ chiếu tại Cục quản lý xuất nhập cảnh trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây. Đổ xô đi làm hộ chiếu trước tin đồn tăng phí Ghi nhận của PV...