Công nghệ – “chìa khóa” cho nước sạch nông thôn
Kém hiệu quả trong công tác quản lý, thiếu sự đồng thuận của người dân là những vấn đề gây cản trở hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Rào cản này đang dần được tháo gỡ với sự “vào cuộc” của khoa học công nghệ hiện đại.
Ứng dụng công nghệ minh bạch chỉ số nước
Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CDIT) – đơn vị nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển giải pháp ghi chỉ số đồng hồ nước thông qua thiết bị điện thoại cầm tay. Giải pháp này được gọi là ezWater, sử dụng mã định danh QR (Quick Response) để cập nhật và truy xuất dữ liệu đồng hồ trên hệ thống.
Với mỗi đồng hồ đã được gán mã QR, khi đến ghi chỉ số, nhân viên chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh cá nhân (đã tải phần mềm ezWater) để quét mã QR và nhập các thông tin như chỉ số, tình trạng đồng hồ vào phần mềm trên điện thoại, sau đó sẽ gửi dữ liệu về hệ thống qua mạng Internet.
Nhân viên ghi chỉ số nước bằng phần mềm ezWater (ảnh: CDIT cung cấp).
Video đang HOT
Điểm đáng lưu ý của ezWater là hệ thống yêu cầu nhân viên đi ghi chỉ số phải chụp ảnh mặt đồng hồ, đồng thời các thông tin về nhân viên và thời gian sẽ tự động được ghi và hiển thị ngay trên ảnh. Người dân có thể truy cập đến ảnh này để tự kiểm tra lượng tiêu thụ nước nhà mình có chính xác không. Bên cạnh đó, người dân còn có thể xem toàn bộ lịch sử tiêu thụ nước hàng tháng của mình một cách dễ dàng qua website hoặc ứng dụng di động.
Với đơn vị cung cấp nước, tính năng này giúp lưu lại dữ liệu lịch sử vừa để phục vụ cho khâu hậu kiểm trước khi xuất hóa đơn cho khách hàng, vừa làm cơ sở cho doanh nghiệp giải trình khi có khiếu nại. Điều này cho phép đảm bảo công tác ghi chỉ số gần như chính xác tuyệt đối.
“Bình dân hóa” công nghệ hiện đại
Dù triển khai ở khu vực nông thôn, nhưng giải pháp ghi chỉ số nước ứng dụng công nghệ mới nhanh chóng được người dùng chấp nhận do doanh nghiệp không cần đầu tư bất kỳ hệ thống hay thiết bị chuyên dụng nào. Tiêu chí “bình dân hóa” khoa học công nghệ hiện đại cũng là tiêu chí mà Viện CDIT đặt ra khi làm sản phẩm, dịch vụ cho bà con nông dân. Do đó, các thao tác thực hiện để nhập số liệu trên điện thoại được đơn giản hóa tối đa giúp người dân dễ dàng sử dụng.
TS Cao Minh Thắng – Phó Viện trưởng Viện CDIT chia sẻ: “Về nông thôn mới, việc đi ghi chỉ số nước ở đây khó khăn hơn nhiều so với khu vực thành thị. Đôi khi nhân viên đến mà không chốt được chỉ số nước do vị trí đặt đồng hồ rất khó tiếp cận, có những chỗ bị che lấp bởi gạch đá, chỗ có rắn rết hoặc chó dữ… trong khi khoảng cách giữa các hộ dân sử dụng nước lại khá xa”.
Vì lẽ đó, hệ thống ezWater cũng cho phép nhân viên chốt “vo” khi không thể tiếp cận được đồng hồ. Việc chốt “vo” được thực hiện dựa trên tính năng dự báo sản lượng tiêu thụ dự kiến của người dân trong tháng tiếp theo với sai số dưới 5%. Đồng thời, lịch sử chốt “vo” này cũng được ghi lại rõ ràng để đối chất với khách hàng khi có khiếu nại.
Công tác quản lý cũng được thắt chặt hơn do bộ phận quản trị của nhà máy nước luôn theo dõi sản lượng nước, doanh thu và tiến độ thực hiện công việc của nhân viên trên hệ thống. Họ cũng nhận được các cảnh báo tức thời khi có những sự kiện bất thường xảy ra như chốt chỉ số không hợp lệ (quá lớn, quá nhỏ, gây sản lượng âm…). Các cảnh báo này giúp ban quản trị nắm bắt và đưa ra chỉ đạo xử lý kịp thời nhằm hạn chế sai sót tối đa ngay từ khâu nhập chỉ số.
Nhanh, đơn giản, chính xác và tiết kiệm chi phí là những lợi ích rõ rệt của ezWater nhưng nhìn sâu xa, giá trị của giải pháp này chính là tăng cường niềm tin từ các bên liên quan. Người dân và chính quyền tin tưởng hơn vào các đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch. Các đơn vị này cũng tin tưởng hơn vào đội ngũ nhân viên ghi chỉ số và quản lý của mình.
Các doanh nghiệp cũng được củng cố thêm niềm tin về sự hiệu quả khi đầu tư nguồn lực xây dựng các nhà máy nước sạch ở nông thôn. Những giá trị đó là đòn bẩy quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng sống của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các nơi còn nhiều khó khăn.
Theo Danviet
Tôn vinh 153 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Sáng 17/1 tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ tôn vinh 153 sản phẩm nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân và người nông dân trên khắp vùng miền của cả nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ tôn vinh
Đây là hoạt động quan trọng thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam", góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nông nghiệp.
153 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được lựa chọn trong tổng số 183 sản phẩm xuất sắc thuộc các nhóm sản phẩm nông nghiệp, chế biến, phục vụ. Lễ tôn vinh không chỉ dừng lại ở việc vinh danh các sản phẩm nông nghiệp, mà còn mở ra diễn đàn chung để nông dân, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cùng chia sẻ và quảng bá những sản phẩm tiêu biểu của mình.
Dịp này, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho các đơn vị có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được bình chọn 5 năm liên tục.
Minh Long
"Cách mạng 4.0 không diễn ra tuần tự, đòi hỏi tư duy đột phá và hành động" Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, tương lai không nằm trên đường thẳng, không giống truyền thống, không diễn ra tuần tự. Do đó, đòi hỏi quan trọng hiện nay là tư duy đột phá và hành động. Phát biểu tại phiên tổng thể và đối thoại...