Công nghệ bất khả xâm phạm của tàu sân bay tương lai Mỹ
Tàu sân bay công nghệ cao lớp Ford của Mỹ sẽ đem đến những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với năng lực hải quân nước này.
Tàu sân bay USS Gerald R.Ford của hải quân Mỹ hồi năm 2013 được đóng tại nhà máy. Ảnh: Daily Press
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford thuộc lớp Ford thế hệ mới sắp triển khai sẽ mang trên mình hàng loạt công nghệ hiện đại, giúp hải quân Mỹ đối phó với các mối đe dọa tương lai, đồng thời tăng cường năng lực triển khai lực lượng trong thế kỷ tới, theo National Interest.
Trước khi bàn giao, con tàu này sẽ trải qua các “thử nghiệm khả năng chịu sốc”, để kiểm tra tính ổn định cũng như khả năng hoạt động của nó một cách kỹ lưỡng tại rất nhiều điều kiện, môi trường khác nhau.
Từ năm ngoái, giới chức hải quân Mỹ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đặc biệt nhằm tìm cách giảm bớt chi phí vận hành và khám phá những giải pháp hoàn thiện tàu sân bay mới. Nghiên cứu này sẽ kiểm nghiệm các công nghệ và chiến lược đầu tư dài hạn dành cho hạm đội tàu sân bay tại một môi trường mà các mối đe dọa toàn cầu thay đổi vô cùng nhanh chóng, các quan chức quân đội cấp cao Mỹ cho hay. Dù vậy, tính năng cùng kế hoạch biên chế đối với ba tàu sân bay lớp Ford gồm USS Ford, USS Kennedy và USS Enterprise có lẽ vẫn không thay đổi.
Mặc dù hải quân Mỹ chưa đưa ra thông báo cụ thể nào nhưng dường như các tàu sân bay tương lai này sẽ sở hữu những nền tảng công nghệ cảm biến cực cao và hệ thống phòng thủ mạnh hơn. Bên cạnh đó, tốc độ, tính cơ động, khả năng điều khiển cũng được tối ưu hóa để giúp tàu né tránh hỏa lực địch hữu hiệu.
Công nghệ tối tân
Để rút ngắn khoảng thời gian giữa hai lần triển khai phi cơ, các tàu lớp Ford có sân bay lớn hơn, máy phóng điện từ sẽ thay thế hệ thống phóng máy bay bằng khí nén hiện tại, đồng thời khả năng tự động hóa và điều khiển tàu bằng mạng máy tính cũng được cải thiện. Khi xuất hiện, tàu sẽ trang bị hàng loạt cảm biến, phần mềm, vũ khí cùng hệ thống chiến đấu mới, các quan chức hải quân cho biết.
USS Ford sở hữu 4 máy phát điện 26 Megawatt, cung cấp năng lượng phục vụ các trang bị đang phát triển của tàu như Hệ thống Phóng Máy bay Điện – Từ (EMALS) hay súng laser và súng điện từ… Ngoài ra, nhờ các máy phát điện công suất lớn kể trên, hoạt động của các radar băng tần kép cùng nhiều thiết bị tân tiến khác cũng sẽ trở nên trơn tru hơn.
Video đang HOT
“Cần có nguồn điện khoảng 300 kilowatt để vũ khí laser vận hành hiệu quả. Điện năng càng cao uy lực càng lớn. Tôi cho rằng tàu sân bay sau này sẽ sở hữu cả vũ khí laser lẫn vũ khí điện từ. Ở một thời điểm nào đó, vũ khí laser sẽ thay thế các hệ thống tên lửa đang tồn tại”, chuẩn đô đốc Thomas Moore, Quản lý Dự án Tàu sân bay của Mỹ, hồi năm ngoái nói.
Nếu được triển khai, vũ khí laser sẽ vừa mang đến hiệu quả chiến đấu cao vừa giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, đồng thời cung cấp một lớp bảo vệ vững chắc hơn cho tàu sân bay Mỹ.
Các công nghệ tương lai trang bị cho tàu sân bay lớp Ford cũng như những hệ thống tự động hóa mà nó sở hữu còn giúp giảm thiểu nhân lực, thu nhỏ hạm đội, từ đó tiết kiệm tới 4 tỷ USD chi phí vận hành trong suốt vòng đời của tàu.
Cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai
Chiến đấu cơ tàng hình F-35C. Ảnh: UK Defence Journal
Hải quân Mỹ đang phát triển hàng loạt tấm lá chắn phòng thủ đời mới cho chiến hạm, điển hình như hệ thống Điều khiển Hỏa lực – Phòng không Tích hợp. Đây là hệ thống sử dụng radar Aegis kết hợp với tên lửa đánh chặn SM-6 và cảm biến chuyển tiếp trên không nhằm phát hiện và tiêu diệt mọi tên lửa địch tiếp cận tàu từ đường chân trời.
Chiến đấu cơ tàng hình, phương tiện bay không người lái phóng từ tàu sân bay, phi cơ đa nhiệm V-22 Osprey, trực thăng chống ngầm, vũ khí laser, thiết bị gây nhiễu điện từ đều sẽ là trọng tâm trong chiến lược tương lai của hải quân Mỹ.
Chuẩn đô đốc Mike Shoemaker, chỉ huy không lực hải quân Mỹ, hồi năm ngoái khẳng định, năng lực triển khai rộng khắp của hạm đội tàu sân bay vẫn cần được củng cố. Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh nhiều người tỏ ra hoài nghi về tương lai của đội tàu sân bay trước một môi trường mà các mối đe dọa công nghệ cao ngày càng tăng.
Theo ông, đặc điểm hình dáng và công nghệ của những phi cơ trang bị cho tàu sân bay sẽ dần thay đổi. Theo đó, chiến đấu cơ tàng hình xuất kích từ tàu sân bay F-35C dự kiến đi vào hoạt động trong thập kỷ tới. Quân đội vì thế phải nâng cấp những nền tảng hiện có, đồng thời xây dựng thêm những nền tảng mới để thích ứng với phương tiện tối tân này.
Chuẩn đô đốc Shoemaker đánh giá, sự xuất hiện của các chiến đấu cơ tàng hình F-35C sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, giúp hoàn thiện năng lực của các hạm đội tàu sân bay.
“Điều quan trọng nhất mà F-35C mang đến là khả năng tổng hợp thông tin, thu thập các tín hiệu và dữ liệu bên ngoài môi trường để hợp nhất chúng lại rồi truyền cả bức tranh toàn cảnh tới tất cả những thành viên còn lại trong cụm tàu sân bay chiến đấu”, ông Shoemaker giải thích. Ngoài ra, các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet vẫn đóng vai trò chủ chốt trong các phi đội trên tàu sân bay tương lai.
Một số quan chức hải quân Mỹ còn cho biết các trực thăng MH-60R, với công nghệ săn ngầm tối ưu, sẽ là một thành phần không thể thiếu trong phi đội trên tàu sân bay tương lai.
“MH-60R sở hữu cơ chế tác chiến chống ngầm rất hiệu quả. Nó có cảm biến tần số thấp trên không, một hệ thống kính tiềm vọng giám sát kết hợp cùng mạng lưới liên kết thông tin và radar quét hồng ngoại. Với bộ tác chiến điện tử này, nó sẽ đứng ở vòng phòng thủ chống ngầm bên trong của cụm tàu sân bay chiến đấu”, Shoemaker cho hay.
Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Ảnh: Naval-technology
Theo ông, hải quân Mỹ cũng đang chuẩn bị cho nghỉ hưu máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler để thay thế chúng bằng phiên bản EA-18G Growler hiện đại hơn. Máy bay EA-18G Growler sẽ góp phần bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay tốt hơn, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho những lực lượng phối hợp trên bộ.
Bên cạnh đó, các máy bay EA-18G Growler sẽ tiếp nhận một loại vũ khí điện từ mới, đem đến cho chúng khả năng tác chiến trên phạm vi rộng lớn hơn và có thể can thiệp vào nhiều tần số liên lạc, trao đổi thông tin khác nhau tại cùng thời điểm.
Các máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye dự kiến cũng được thay thế bằng phiên bản cải tiến E-2D với công nghệ radar khác biệt, Shoemaker cho biết.
Những phi cơ cảnh báo sớm trên không E-2D sẽ “mang theo radar quét điện tử mới, có khả năng tìm kiếm, theo sát mục tiêu sau đó đưa ra chỉ thị và kiểm soát nhiệm vụ xuyên suốt nhóm tác chiến”, ông Shoemaker nói.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Siêu tàu sân bay 13 tỷ đô gia nhập hải quân Mỹ vào tháng 9
USS Gerald R. Ford, tàu chiến đắt nhất từng được đóng, dự kiến gia nhập đội tàu hải quân Mỹ vào tháng 9 tới.
USS Gerald R. Ford, tàu đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay mới nhất của hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Sean J. Stackley, trợ lý bộ trưởng hải quân phụ trách các thương vụ, hôm 6/4 đưa ra khung thời gian cho siêu tàu sân bay 100.000 tấn, dài 335 m trong lời điều trần chuẩn bị cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Đến tháng ba, tàu Ford hoàn thiện đến 97%, CNN dẫn lời Stackley nói. Tàu bắt đầu được đóng năm 2009. Ông cho biết tàu sân bay dự kiến bắt đầu chạy thử trên biển vào tháng 7 và sẽ được công ty Newport News Shipbuilding chuyển giao cho hải quân sau đó hai tháng.
Tàu được đặt theo tên tổng thống thứ 38 của Mỹ, người qua đời năm 2006. Ông từng làm việc trên tàu sân bay USS Monterey trong Thế chiến II và giải ngũ khỏi hải quân khi làm thiếu tá.
USS John F. Kennedy (CVN 79) và USS Enterprise (CVN 80) là hai tàu sân bay tiếp theo thuộc lớp Ford. Tàu John F. Kennedy đến tháng ba hoàn thành 18% và sẽ được hạ thủy vào năm 2020. Còn tàu Enterprise sẽ bắt đầu được đóng năm 2018.
Khung thời gian cho các tàu chiến lớn nhất của hải quân Mỹ được đưa ra khi ông Stackley yêu cầu các nhà lập pháp xem xét ngân sách hải quân trong vòng 5 năm tới. Hải quân muốn chi 81,3 tỷ USD trong giai đoạn đó để đóng 38 tàu chiến, ông nói. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng một lực lượng tác chiến hải quân gồm 308 tàu, tính đến năm 2021.
Trọng Giáp
Theo VNE
Siêu tàu sân bay 13 tỷ USD của Mỹ trang bị pháo laser Hải quân Mỹ sắp đưa vào hoạt động siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford với các công nghệ và hệ thống vũ khí tân tiến, hứa hẹn giúp Washington giữ thế thượng phong trên biển. Siêu tàu sân bay Gerald R. Ford. Ảnh: Huntington Ingalls Industries Đại úy Jesus Uranga từ Văn phòng Thông tin Hải quân Mỹ hồi giữa tháng...