Công Lý suýt chết khi đóng phim ‘Bão qua làng’
Công Lý bảo đời anh thế mà may, tưởng đã “toi” vì cảm lạnh khi đóng phim “ Bão qua làng”, nhờ trời thương nên vẫn cho sống qua cái phen lận đận ấy.
30 tập phim Bão qua làng đang phát sóng trên kênh VTV1, thu hút được sự chú ý của khán giả vì đó là một bộ phim đề cập đến vấn đề nông thôn hôm nay. Chuyện bầu cử trưởng thôn, chuyện người nghèo quay cuồng trong cơn bão đô thị hóa đang hàng tuần lấy nước mắt, nụ cười của khán giả.
Trong bộ phim này, NSƯT Công Lý vào vai anh nông dân Đận – nhân vật chính có một số phận lắt lay như chính mảnh vườn nhà mình. Công Lý tâm sự: “Tôi thấy thú vị với kịch bản phim này bởi vì mặc dù không phải bộ phim hài nhưng tính cách các nhân vật cọ xát với nhau qua các tình huống thì tạo nên tiếng cười dung dị, tự nhiên chứ không phải làm ra vẻ chúng tôi đang diễn hài đây”.
“Tôi đã có một khoảng thời gian vắng bóng khá lâu trên phim truyền hình nhưng quyết định tham gia nhận lời đóng phim trở lại vì tôi nghĩ, sau khi tốt nghiệp đạo diễn thì mình nên có những cơ hội để trải nghiệm việc đóng các bộ phim truyền hình dài tập, để hình dung xem nếu mình ở trong vai trò đạo diễn thì mình sẽ xử lý tình huống thế nào”, anh nói.
Nghệ sĩ Công Lý trong phim Bão qua làng. (Ảnh: Ngọc Hà).
Còn với khán giả đã từng yêu mến Công Lý khi anh diễn hài cực láu trên sân khấu Táo Quân, họ có cảm giác hình như dạo này chàng nghệ sĩ này đã chán diễn hài. Hai bộ phim anh tham gia gần đây là Khi người đàn ông góa vợ bật khóc và Bão qua làng đều nghiêng hẳn từ hài sang bi.
Đem thắc mắc này hỏi Công Lý, anh cho biết: “Đúng là trước đây tôi có cách diễn, cách thể hiện các nhân vật khác hẳn. Gần đây tôi hay vào các vai hoàn toàn bi kịch bởi tôi muốn thử xem mình có trụ được với loại vai bi kịch hay không. Ở tuổi ngoài 40, tôi cũng già rồi, làm sao mà cứ mãi lưu manh, lấc cấc được. Tôi không muốn mình lúc nào xuất hiện cũng chỉ để chọc cười thiên hạ nữa. Lấy được nụ cười của khán giả đã khó, nhưng lấy được nước mắt của khán giả còn khó hơn nhiều. Đó là lý do tôi muốn thử thay đổi”.
Vai diễn nông dân Đận trong phim Bão qua làng
là nhân vật có đời sống và tâm lý khác hẳn với những vai trước đây Công Lý đã làm. Bề ngoài hai vợ chồng nông dân Lận – Đận cố gắng vươn lên làm giàu nhưng luôn bị các thế lực chính quyền ở địa phương dồn ép, cướp hết thành quả lao động. Bên ngoài của vai diễn anh nông dân Đận cũng là người dí dỏm, vui vẻ, nhưng khi bị chèn ép, anh đã vùng lên giành lấy hạnh phúc, thành quả lao động của mình.
Để hóa thân vào dạng nhân vật nào thì người diễn viên phải nghiên cứu tâm lý nhân vật đó. Chuyển từ dạng nhân vật hài sang bi, Công Lý cho biết cá nhân anh không có khó khăn gì. Vấn đề là thể hiện như thế nào để vai diễn mang lại sự thú vị: Bề ngoài là một anh nông dân tưng tửng nhưng đoạn tâm trạng, bi kịch thì người diễn viên phải cố làm tốt để khán giả không cảm thấy bị “chênh” khi đã quen mặt với “cô Đẩu” ưỡn ẹo trên sân khấu Táo Quân.
Video đang HOT
Có một kỷ niệm đặc biệt mà Công Lý không thể quên khi đóng phim Bão qua làng, đó là lần suýt chết vì cảm lạnh. Công Lý nhớ lại: “Phim Bão qua làng quay trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc năm ngoái. Có lúc nhiệt độ xuống dưới 10 độ nhưng vì bối cảnh phim nên các diễn viên vẫn phải mặc quần áo mùa hè. Tôi nhớ nhất là lần bị cảm lạnh, người lạnh run, lưỡi cứng lại đến nỗi không nói nổi nhưng vì cả đoàn phim, tất cả mọi người đều đã sẵn sàng nên tôi vẫn phải cố gắng ra diễn trong tiết trời lạnh giá. Hôm đó, bao nhiêu quần áo trong đoàn làm phim đều được huy động hết cho tôi mặc. Lần quay đó, chẳng cần để ý đến zắc co gì nữa, tôi không chết đã là may lắm rồi. Giờ nghĩ lại vẫn không thể quên được” .
Hiện nay Công Lý đã gạt hết mọi lời mời đóng phim để tập trung làm trợ lý đạo diễn, kiêm đóng vai Ba Hổ – “đầu gấu” chợ Đồng Xuân trong vở kịch Những người con Hà Nội sẽ phát sóng Nhà hát Truyền hình VTV1 cuối tháng 9 này. Với nghệ sĩ đa tài này, phim truyền hình là mảnh đất để anh tung tẩy, nhưng kịch mới chính là tình yêu lớn nhất của đời anh.
Hỏi Công Lý bao giờ sẽ cho khán giả biết tin vui, vì sau khi chia tay MC Thảo Vân, nhiều người bắt gặp bóng hồng luôn có mặt bên cạnh anh, trong những cuộc gặp gỡ vui vẻ với bạn bè, tuy nhiên Công Lý từ chối không trả lời câu hỏi này. Có lẽ sau hai cuộc hôn nhân, Công Lý muốn giữ một góc riêng tư cho mình, trước những con mắt tò mò của người ngoài cuộc.
Theo Ngọc Hà/Dân Việt
Phim của Công Lý, Quốc Khánh bị tố 'đạo ý tưởng'
Người viết kịch bản Nguyễn Văn Vỹ (Thiên Vỹ) phản ánh, phim "Bão qua làng" đang phát VTV1 hàng tuần "đạo ý tưởng" kịch bản "Xóm trưởng" của anh.
Anh Vỹ kể, ngày 10/6/2008, anh gửi kịch bản Xóm trưởng, dài 25 tập đến Phòng Nội dung 1, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC). Biên tập Phạm Ngọc Tiến đọc, nhận xét chưa làm được, kịch bản phải sửa.
"Không thấy VFC liên lạc lại, bẵng đi thời gian, sau khi làm Rừng chắn cát năm 2011, tôi bắt tay sửa kịch bản. Đến đầu tháng 8, phim Bão qua làng (30 tập) phát VTV1 tôi mới nhận ra kịch bản của mình đã bị đạo ý tưởng", anh Vỹ nói.
Bão qua làng phát VTV1 bị tố trùng ý tưởng với kịch bản Xóm trưởng của tác giả Nguyễn Văn Vỹ.
"Tôi không được đọc trực tiếp kịch bản Bão qua làng, chỉ theo dõi qua các tập phim, đến đâu mới biết người ta dùng ý tưởng của mình đến đó. Theo tôi, cốt truyện cơ bản, bối cảnh diễn ra ở một vùng nông thôn trong đó câu chuyện bắt đầu từ việc bầu lại xóm trưởng. Các đối tượng tranh giành nhau chức trưởng thôn - đều nằm trong kịch bản của tôi. Thậm chí một tình tiết cụ thể cũng giống nhau. Cảnh ông chạy chức trưởng thôn bắt gà đút lót quan xã ở tập 1 Xóm trưởng được sử dụng trong tập 2 Bão qua làng. Chưa kể một số chi tiết khác: bán hàng khuyến mại, mua 1 tặng 1, đi vận động bỏ phiếu cho mình, sự tham nhũng của cán bộ xã dần hé lộ. Mô típ người vận động thì không trúng, người chả làm gì thì trúng cử, giống hệt kịch bản của tôi", anh Vỹ nhận định.
Trong Xóm trưởng, cũng có một hộ thực hiện mô hình VAC, đồng thời được dân bầu là xóm trưởng. Bão qua làng khai thác tuyến nhân vật vợ chồng Lận-Đận làm VAC ở đầu làng, rồi bị quan xã ức hiếp, cướp đất-dễ gây liên tưởng vụ Tiên Lãng.
"Kịch bản của tôi phát triển nhanh hơn, người ta viết lại chắc chắn phải lược đi một số tuyến, kéo dài vấn đề bầu xóm trưởng đến hết tập 11 chưa xong", tác giả Xóm trưởng nói.
"Ý tưởng câu chuyện có trong kịch bản của tôi, người ta chỉ viết lại, thêm bớt chi tiết, tình huống. Người ngoại đạo có thể không rõ, nhưng đây là một trong những cách làm việc của biên tập-biên kịch: Một số kịch bản của tôi trước đây, biên tập và biên kịch thống nhất phá vỡ kịch bản ban đầu, có thể thêm cảnh, thêm tuyến khi viết lại", anh Vỹ nói thêm.
Bộ phim Bão qua làng quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ được biết đến.
Thiên Vỹ từng có hai kịch bản làm với VFC là Phóng viên thử việc, Rừng chắn cát. Kịch bản Xóm trưởng gửi đến VFC năm 2008, đến năm 2011 VFC đặt hàng Nguyễn Xuân Trường viết Bão qua làng.
"Tôi cho rằng chính VFC phải cho người không dính líu, thẩm định độc lập cả hai kịch bản, đưa ra những chi tiết trùng hợp, để khẳng định chuyện đạo kịch bản. Nhưng anh Đỗ Thanh Hải bảo, việc này cần có thời gian", anh Vỹ nói.
VFC nói gì?
Phóng viên liên hệ với biên kịch Xuân Trường, người đứng tên tác giả kịch bản Bão qua làng, anh từ chối, đẩy phát ngôn lại cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC. Trước đó, Xuân Trường viết thư cho tác giảXóm trưởng, khẳng định khi viết Bão qua làng, anh chưa về VFC mà làm theo đặt hàng của biên tập Đặng Diệu Hương.
"Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiện tôi vẫn sống ở nông thôn, nên chuyện làng quê liên tục hiện hữu trước mắt. Mà tôi chắc rằng, chuyện ở làng tôi hay ở làng Vỹ, cũng như ở bất kỳ làng nào của vùng đồng bằng Bắc bộ cũng na ná. Bởi vậy, nếu Vỹ khẳng định kịch bản đã lấy nội dung chính từ kịch bản của em là võ đoán. Nếu Vỹ từng viết nhiều kịch bản chắc cũng biết, mỗi bộ kịch bản chúng ta xây dựng không thể hoàn toàn mới, hoàn toàn lạ", thư Xuân Trường viết.
Theo lí giải của biên kịch này, cuộc sống muôn màu thật, nhưng những chuyện xảy đến trước mắt chỉ có vậy: Làm về bác sĩ sẽ phải nhắc tới nạn phong bì; làm về ngành giáo dục không thể không nhắc tới dạy thêm học thêm; đề cập ngành xây dựng tác giả nào cũng phải nói về mánh khóe rút ruột công trình của nhà thầu; và làm về nông thôn không thể không nhắc tới trưởng thôn, những anh "Chí" nát rượu.
Bão qua làng đang gây chú ý trên sóng VTV.
Theo biên tập chính phim Bão qua làng, hiện làm việc tại Phòng Nội dung 1 của VFC - Đặng Diệu Hương: "Phim mới phát sóng tập 1, Vỹ đã khăng khăng là đạo kịch bản của Vỹ. Dù anh Hải và Trường đều nói Vỹ hãy bình tĩnh, xem tiếp phim rồi đưa ra ý kiến. Chưa biết diễn biến tiếp theo của phim ra sao, các nhân vật, tình huống phát triển thế nào mà đã khẳng định là của mình liệu có nóng vội quá không?".
Biên tập Diệu Hương cho biết, năm 2008 Vỹ gửi kịch bản cho nhà văn Thùy Linh, rồi nhà văn Phạm Ngọc Tiến thẩm định. Trong khi thực tế, ê kíp làm Bão qua làng hoàn toàn là người mới, không biết đến kịch bảnXóm trưởng, kể cả giám đốc Đỗ Thanh Hải.
"Vậy Vỹ cần liên lạc với hai nhà văn Vỹ từng gửi kịch bản, hỏi rõ sự tình thay vì vội vàng nói mình bị đạo ý tưởng. Nếu Vỹ có suy nghĩ chính người của VFC gợi ý cho biên kịch (xuất phát từ kịch bản của Vỹ) thật sự gây tổn thương cho nhà văn Thùy Linh và Phạm Ngọc Tiến", chị Hương nói.
Tác giả Xóm trưởng cho rằng, tập kịch bản Xóm trưởng vẫn nằm ở Phòng Nội dung 1, người của VFC hoàn toàn có thể tiếp cận. "VFC phải có trách nhiệm trong việc này", anh Vỹ nói.
Đại diện VFC khẳng định, làm đúng quy trình khai thác kịch bản, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
"VFC khi ký hợp đồng mua kịch bản của Xuân Trường cũng như các biên kịch khác đều có phân định trách nhiệm rất rõ: Tác giả phải chịu trách nhiệm về bản quyền và nếu có tranh chấp, đó là việc của tác giả", Đỗ Thanh Hải trao đổi qua thư với tác giả Thiên Vỹ.
"Nếu sau này, Vỹ tiếp tục muốn khẳng định ý tưởng kịch bản là của Vỹ và có những dẫn chứng cụ thể, sau khi đã xem toàn bộ phim Bão qua làng, VFC sẽ có ý kiến, tránh gây hiểu lầm là VFC dùng sự việc này để lăng xê bộ phim đang phát sóng", đại diện VFC nói.
Phải biết tự bảo vệ
Khi gửi kịch bản Xóm trưởng, tác giả không đăng ký bản quyền vì cứ nghĩ gửi ra VFC là một dạng đăng ký. "Trước đây, một số kịch bản khi gửi ra hãng phim tư nhân không kiểm soát được, người ta cũng lấy một số ý tưởng nhỏ trong kịch bản của mình để làm phim. Các kịch bản sau này, tôi đều tự đăng ký bản quyền", biên kịch Thiên Vỹ nói.
"Xóm trưởng viết sau Phóng viên thử việc. Hồi ấy tôi chưa có kinh nghiệm nhiều, thoại viết cũng chưa tốt. Nếu lúc đó có người tâm huyết làm việc cùng mình, tôi tự tin viết lại. Vấn đề nhức nhối ở địa phương tôi mới thành câu chuyện, chứ không phải tưởng tượng ra, nó gắn liền với đời sống", anh Vỹ chia sẻ.
Theo Toan Toan/ Tiền Phong
'Trưởng thôn' Quốc Khánh bị chê cổ hủ Dù có vào vai được coi là cao ngất tận trời mây - Ngọc Hoàng - thì gương mặt và lối diễn xuất của Quốc Khánh luôn lôi cuốn khán giả vào những tình huống bi nhiều mà hài không ít. Được giới làm phim đánh giá rất có duyên với điện ảnh và truyền hình, nhưng để mời được Quốc Khánh đóng...