Công khai xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan
Ngày 17/4, tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tổ chức “Buổi công khai xin lỗi cải chính đối với người bị kết án oan là ông Nguyễn Thanh Chấn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Buổi công khai xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn, SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có sự tham gia trực tiếp của ông Nguyễn Thanh Chấn; đại diện TAND, VKSND, Công an tỉnh Bắc Giang; đại diện UBND, Mặt trận Tổ quốc xã Nghĩa Trung; đại diện thôn Me; đại diện gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn và nhân dân địa phương…
Ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tóm tắt diễn biến quá trình tố tụng đối với vụ án
Thay mặt Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa đã tóm tắt quá trình tiến hành tố tụng đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Theo đó, khoảng 22h ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại nhà ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Sau khi nhận được tin báo, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành điều tra vụ án và ngày 17/8/2003 đã khởi tố vụ án hình sự; đến ngày 28/9/2003 đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tratỉnh Bắc Giang đã kết luận và VKSND tỉnh Bắc Giang đã có cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm o khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 34 Bộ luật Hình sự, xử phạt ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội “Giết người” và buộc ông Chấn phải bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền là 35.000.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn có đơn kháng cáo kêu oan. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã bác kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, hủy phần quyết định của Bản án sơ thẩm về khoản cấp dưỡng cho con của người bị hại để điều tra, xét xử lại.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình ông tiếp tục có nhiều đơn kêu oan gửi đến các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương. Quá trình xem xét Đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Cơ quan điều tra có căn cứ cho rằng người giết chị Nguyễn Thị Hoan không phải Nguyễn Thanh Chấn mà là Lý Nguyễn Chung (con trai ông Lý Văn Chúc) cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 4/11/2013, Viện trưởng VKSNDTC có Kháng nghị tái thẩm số 01/QĐ-VKSTC-V3, kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy các quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và Bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004; Bản án hình sự phúc thẩm số 166/HSPT ngày 02/3/2005 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội; Bản án hình sự sơ thẩm số 145/HSST ngày 30/9/2004 của TAND tỉnh Bắc Giang đối với ông Nguyễn Thanh Chấn để điều tra lại vụ án.
Các cơ quan, ban ngành và nhân dân địa phương tham dự buổi công khai xin lỗi đối với ông Nguyễn Thanh Chấn
Tại Quyết định tái thẩm số 18/2013/HS-TT ngày 06/11/2013, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận định: Căn cứ vào đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Chiến (là vợ của ông Nguyễn Thanh Chấn) cho rằng người giết chị Nguyễn Thị Hoan là Lý Nguyễn Chung (con trai ông Lý Văn Chúc) cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cục Điều tra VKSNDTC đã tiến hành xác minh về nguồn tin trên. Hội đồng thẩm phán TANDTC thấy bản tự thú, lời khai của Lý Nguyễn Chung, lời khai của bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của Chung), lời khai của chị Hoàng Thị Xướng có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004 của TAND tỉnh Bắc Giang đối với ông Nguyền Thanh Chấn; chuyển hồ sơ vụ án cho VKSNDTC để điều tra lại theo thủ tục chung.
Video đang HOT
Sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hànhđiều tra lại vụ án. Ngày 25/01/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01/C44-P3 đôi với ông Nguyễn Thanh Chấn do có đủ căn cứ kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội giết chị Nguyễn Thị Hoan.
Ngày 18/4/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội nhận được đơn của ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu bồi thường cho người bị kết án oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 2/11/2012 của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thì ông Nguyễn Thanh Chấn thuộc đối tượng được bồi thường và Tòa án phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức buổi trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai cũng như giải quyết việc bồi thường cho người bị kết án oan là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng trong vụ án này, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội chính thức xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn là người bị kết án oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Cùng với việc trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội sẽ tiến hành việc đăng tin xin lỗi, cải chính công khai trong 3 số liên tiếp trên BáoCông lý và Báo tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội cũng đã và sẽ tiếp tục thương lượng với ông Nguyễn Thanh Chấn; phối hợp cùng các cơ quan chức năng để giải quyết bồi thường những khoản thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Thân Ngọc Hoạt là người đại diện cho ông Chấn phát biểu tại buổi xin lỗi công khai
Phát biểu tại buổi công khai xin lỗi, đại diện cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Thân Ngọc Hoạt là người đồng hành cùng gia đình ông Chấn trong suốt 10 năm qua đi tìm sự thật của vụ án cho biết: Buổi công khai xin lỗi, cải chính đối với người bị kết án oan là ông Nguyễn Thanh Chấn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được diễn ra tại nơi ông Chấn sinh sống trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân đã thể hiện sự trung thực, thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám sửa sai của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án. Như vậy, nỗi oan sai của ông Chấn đã được minh oan.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Chấn bày tỏ: việc Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tổ chức công khai xin lỗi cho người bị kết án oan đã thực sự trả lại cho ông sự trong sạch. Ông mong muốn các cơ quan chức năng sớm bồi thường vật chất, danh dự, tinh thần, sức khỏe một cách thỏa đáng và tạo điều kiện thuận lợi cho ông sớm hòa nhập với cộng đồng.
Ông Ngô Hồng Phúc tặng hoa ông Nguyễn Thanh Chấn.
Thay mặt Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, ông Ngô Hồng Phúc đã tặng ông Nguyễn Thanh Chấn bó hoa tươi thắm và chia sẻ với những vất vả, khó khăn mà bản thân ông cùng gia đình đã phải gánh chịu oan sai trong suốt 10 năm qua. Ông Ngô Hồng Phúc trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của UBND xã Nghĩa Trung và các cơ quan, ban ngành tại Trung ương cũng như địa phương đã phối kết hợp trong việc tổ chức buổi trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn được diễn ra trang trọng, đúng quy định của pháp luật.
Gia đình ông Chấn vui mừng sau khi ông Chấn được minh oan
Theo Công lý
Kiện đòi bồi thường thiệt hại: Chuyện con voi, cái kiến?
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước công nhận quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, để đòi được quyền lợi cho mình thì người bị thiệt hại phải mất rất nhiều thời gian.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bồi thường thiệt hại chậm trễ, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tranh chấp giữa thẩm quyền bồi thường và trách nhiệm bồi thường.
Trả "con voi"... thu "con kiến"
Theo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực (từ ngày 1/1/2010) đến ngày 30/7/2013, ngân sách Nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại trên 28,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền mà cán bộ, công chức hoàn trả Nhà nước do việc thực thi công vụ sai chỉ vài chục triệu đồng. Thậm chí có vụ trong lĩnh vực tố tụng, Nhà nước phải bồi thường hàng tỷ, song thu được một khoản tiền hoàn trả khoảng vài chục triệu đồng.
Mới đây nhất vào tháng 8/2013, cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai số tiền lớn nhất từ trước đến nay. "Khổ chủ" trong vụ án này là ông Lương Ngọc Phi, ở Thái Bình một doanh nhân đang làm ăn phát đạt bỗng bị sa vào vòng lao lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng vụ Kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ VKSND Tối cao.
Trở lại vụ án ông Lương Ngọc Phi, vào tháng 4/1998, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình (CSĐT) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình có trụ sở tại TP.Thái Bình, về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".
Ngày 1/5/1998 ông Phi bị bắt giam, vài tháng sau, toàn bộ tài sản của ông Phi và công ty đã được cơ quan CSĐT, Công an tỉnh phát mại với giá hết sức rẻ mạt.
Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Lương Ngọc Phi 14 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm..." và 3 năm tù về tội "trốn thuế". Tổng hợp hình phạt, ông Phi phải nhận 17 năm tù.
Ông Phi kháng án, ngày 25/4/2000, toà phúc thẩm, TAND tối cao xét xử phúc thẩm và tuyên: "Lương Ngọc Phi không phạm tội "lạm dụng tín nhiệm". Huỷ phần "trốn thuế" của bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, ngày 12/12/2003, Viện KSND tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi.
Từ khi bị bắt giam đến khi được trả tự do, ông Phi đã bị giam oan 35 tháng. Ngày 13/6/2006, ông Phi mới được TAND tỉnh công khai xin lỗi tại quê nhà. Ngay sau khi được minh oan, ông Phi đã tiến hành đòi bồi thường. Trong hành trình đòi bồi thường của mình, ông Phi đề nghị tách vụ kiện thành hai vụ riêng và đã được TAND TP thái Bình chấp thuận.
Vụ thứ nhất được Tòa xét xử vào ngày 21/7/2009, tuyên buộc TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi 660 triệu đồng về các khoản thiệt hại về tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất sau 35 tháng bị giam oan.
Vụ thứ hai được TAND TP.Thái Bình mở phiên xét xử ngày 26/8/2013, tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21,4 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông Lương Ngọc Phi.
Nhận định về vụ án của ông Lương Ngọc Phi, nhiều chuyên gia cho rằng đây là vụ án oan lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông Phi bị bắt lẫn sự phức tạp, gian truân suốt gần một thập kỷ đi đòi bồi thường oan sai.
Tuy nhiên, đáng nói hơn cả, số tiền TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi là số tiền không hề nhỏ và là tiền ngân sách phải "gánh" cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, trong khi số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.
Quá trình thương lượng bị kéo dài
Một vụ án oan "động trời" không kém mà tới đây các cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết khi người bị oan sai có đơn yêu cầu là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Mức bồi thường chưa được xác định nhưng các cán bộ gây oan sai thì người đã chết, người về hưu, người chuyển công tác. Vì vậy, việc hoàn trả sẽ không đơn giản, nếu không muốn nói là chẳng khác nào "mò kim đáy bể".
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hiền, vụ Trưởng Vụ kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ, VKSND Tối cao về vấn đề trên, ông Hiền cho biết: Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm bổi thường đối với người bị oan sai, nhưng trên thực tế do nhiều vụ án hồ sơ bị trả đi trả lại, nên khó phân định rạch ròi trách nhiệm bồi thường thuộc đơn vị nào.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết bồi thường thiệt hại bị chậm trễ.
Thứ nhất do người được bồi thường không nắm rõ quy định của pháp luật nên họ có những đòi hỏi, yêu sách thái quá. Ví dụ, theo quy định pháp luật họ được bồi thường 1 tỷ, thế nhưng họ đòi tới 10 tỷ, dẫn đến quá trình thương lượng giữa người yêu cầu bồi thường và cơ quan có trách nhiệm bồi thường bị kéo dài. Thậm chí có vụ phải giải quyết bằng vụ án dân sự.
Thứ hai, người được bồi thường phải có đầy đủ hồ sơ liên quan đền việc yêu cầu đòi bồi thường như: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc người đó bị oan sai, các chứng từ liên quan chứng minh được mức thu nhập thực tế và thiệt hại do việc oan sai gây nên.
Thứ ba, tranh chấp về thẩm quyền bồi thường, như đã phân tích ở trên, nếu trong giai đoạn điều tra VKS phê chuẩn lệnh bắt gây ra oan sai thì VKS phảỉ chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn bị TAND tối cao xét xử phúc thẩm cuối cùng gây ra oan sai cho ông Chấn. Như vậy TAND tối cao phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn.
Theo Đời sống Pháp luật
Hôm nay Toà tối cao công khai xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn Thông tin từ gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn, vào lúc 9h30 sáng nay (17/4), Tòa Phúc thẩm - TAND tối cao sẽ tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với người tù oan 10 năm tại UBND xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang. Ông Thân Ngọc Hoạt, người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Thanh Chấn...