Công khai việc khắc phục sai phạm môi trường để báo chí giám sát
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu thanh tra bộ này công khai quá trình thực hiện việc khắc phục sai phạm, vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp và người dân để các lực lượng như cơ quản quản lý nhà nước trên địa bàn, hệ thống tổ chức chính trị của MTTQ Việt Nam, người dân và báo chí, truyền thông giám sát.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Việt Hùng).
Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 11/1, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu thanh tra bộ này bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ năm 2017 với phương châm: “Thanh tra đến đâu phải kết luận đến đó và giám sát chặt việc thực hiện các kết luận thanh tra”.
Ông Trần Hồng Hà yêu cầu Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tổng kết lại các biện pháp xử lý, khắc phục bổ sung những sai phạm trong từng lĩnh vực và đưa ra những giải pháp nhằm hướng dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong công tác thực thi pháp luật, khắc phục sai phạm, sự cố, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau thanh tra phải xác định được có bao nhiêu việc đem lại hiệu quả kinh tế xã hội và cần có cơ chế để hướng dẫn đối tượng thanh tra cách khắc phục những tồn tại đó.
Đặc biệt, Bộ trưởng Hà yêu cầu công khai quá trình thực hiện việc khắc phục sai phạm, vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp và người dân để các lực lượng như cơ quản quản lý nhà nước trên địa bàn, các hệ thống tổ chức chính trị của MTTQ Việt Nam, người dân và đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát. “Công khai giám sát công tác này là việc chúng ta phải làm chứ không thể khác được” – ông Hà nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Trung, năm 2016 các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành 90 cuộc thanh tra và kiểm tra theo chuyên đề đối với 1.176 tổ chức trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố; trong đó có 4 cuộc thanh tra hành chính và 86 cuộc thanh tra chuyên ngành.
Video đang HOT
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 61 tổ chức với tổng số tiền trên 20,3 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách 1 tỷ 20 triệu đồng; thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của 3 tổ chức.
Ông Lê Quốc Trung khẳng định ngành thanh tra sẽ đẩy mạnh công tác ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017. Trong lĩnh vực đất đai sẽ thực hiện các nội dung trong Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01/7/2014 đến thời điểm thanh tra.
Trong lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, xi mạ, thuộc da, nhiệt điện…); các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được Bộ TN&MT thanh tra trong năm 2016). Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra đối với các đối tượng do bộ này thẩm định và phê duyệt ĐTM hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết…
Thế Kha
Theo Dantri
Lập danh sách 'đen' doanh nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới sẽ rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xử lý môi trường tại Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Thùy.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành tài nguyên và môi trường sáng qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới sẽ rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Quyết tâm 2-3 năm tới, các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường phải có lộ trình khắc phục.
Kiến nghị giám sát chặt
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2016, vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều lúc rất bức xúc. Báo cáo của Bộ cho thấy, bùng phát nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở các địa phương (khoảng 50 sự cố, vấn đề môi trường nóng năm 2016 theo báo cáo trước đó của Tổng cục Môi trường). Ngoài ra, một số lượng lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường. 4.500 làng nghề hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm. Đặc biệt chỉ có 40/786 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt mới đạt 10-11%, còn lại xả trực tiếp ra môi trường.
Trước thực trạng đó, nhiều địa phương, bộ ngành kiến nghị giám sát chặt các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm. Ông Trương Minh Hoàng, Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội cũng đề nghị, Bộ TN&MT cần tập trung cao nhất về kiểm soát, thẩm tra các công trình dự án trọng điểm kinh tế. Việc thẩm định, kiểm soát phải thực hiện ngay từ giai đoạn đầu. Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, vấn đề thanh tra, kiểm tra nếu làm chi tiết, cụ thể và xử lý nghiêm thì rất tốt cho công tác quản lý.
Nhận định vi phạm về môi trường ngày càng nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, không cho đầu tư xây dựng các dự án không đảm bảo môi trường. Các dự án khi có đủ cơ sở xử lý môi trường theo yêu cầu mới cho vận hành. Tổng điều tra, rà soát, phân loại các nguồn gây ô nhiễm ra sông biển, không khí ở các đô thị lớn, cải tạo phục hồi các khu vực ô nhiễm.
Riêng với Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường. Khi đáp ứng đủ điều kiện mới cho hoạt động đúng thiết kế.
Trước các đề nghị, yêu cầu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới kiểm tra từ trung ương đến địa phương để rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường để quản lý thật tốt các doanh nghiệp này. Quyết tâm 2-3 năm tới, các lĩnh vực, các ngành, có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm phải có lộ trình khắc phục. "Chúng ta quyết tâm giám sát vấn đề này", Bộ trưởng Hà nói.
Không để đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức
Một trong những nguyên nhân gây ra hiện trạng môi trường hiện nay được Bộ TN&MT chỉ ra là do hiệu quả, biện pháp quản lý Nhà nước còn bất cập. Trong đó, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hay Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vẫn chưa trở thành công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai chia sẻ, việc chôn lấp chất thải rắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường nên Tỉnh ủy Đồng Nai ra Nghị Quyết giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn xuống dưới 15% vào 2016 và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, khi rà soát để thực hiện, các doanh nghiệp cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của họ được phê duyệt thực hiện đến năm 2020, thậm chí 2025 nên cần thời gian đầu tư. Vì vậy, theo ông Khánh, thời gian tới, Đồng Nai sẽ xin kiến nghị điều chỉnh một số báo cáo đánh giá tác động môi trường để giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải và mong Bộ TN&MT ủng hộ chủ trương này.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu bất cập khác trong phê duyệt ĐTM. Ngoài Bộ TN&MT, UBND các tỉnh có quyền phê duyệt ĐTM, một số bộ, ngành khác cũng có quyền phê duyệt ĐTM trong khi trách nhiệm quản lý môi trường là của Bộ TN&MT và UBND các cấp. Cũng theo ông Quyền hiện nay có tình trạng, đơn vị này phê duyệt ĐTM trong khi đơn vị khác lại được cấp phép xả thải, dẫn đến bất cập. "Ví dụ Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM nhưng quyền cấp phép xả thải lại thuộc về UBND tỉnh Thanh Hóa. Quá trình làm có những khó khăn, phải xin ý kiến lên, ý kiến xuống. Chúng tôi đề nghị cấp nào phê duyệt ĐTM thì gắn luôn cấp phép xả thải", ông Quyền nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu thực tế, có một thời kỳ báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức vì chúng ta chưa thấy được tác hại của ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Sự cố môi trường rất nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền trung là bài học cảnh tỉnh. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nghiêm túc nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường trong thời gian tới.
Yêu cầu xây dựng đề án giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội xây dựng đề án chống ô nhiễm không khí. "Thời gian qua, có những ngày ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức cao, đe dọa sức khỏe, cuộc sống người dân", Phó Thủ tướng nói.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Bộ trưởng TN-MT: Phát triển kinh tế nhưng không được "lạm" vào khu bảo tồn Trước việc tỉnh Bình Thuận đề xuất cắt giảm hơn 1.000 ha diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau để phục vụ cảng biển và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, quan điểm của Bộ là tăng diện tích khu bảo tồn lên chứ không có chuyện giảm diện tích khu...