Công khai đổi tiền lẻ ăn tiền chênh trên Facebook
Không chỉ diễn ra tại khu vực đình chùa, nhiều cá nhân đang công khai việc đổi tiền lẻ trên các trang mạng xã hội để ăn tiền chênh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép, trong đó có hoạt động đổi tiền lẻ. Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, hoạt động đổi tiền lẻ không chỉ vẫn diễn ra tại khu đình, chùa mà còn ngang nhiên trên mạng xã hội. Tại khu vực Hà Nội, cách Tết Nguyên Đán chưa đầy một tháng, các lời quảng cáo đổi tiền lẻ đang phát tán rầm rộ trên mạng xã hội Facebook. Đổi tiền lẻ rẻ nhất Hà Nội, hay Đổi tiền lẻ Ship tận nơi… liên tục xuất hiện, những chủ đổi tiền lẻ còn đưa ra cả số điện thoại nóng để dễ liên lạc kèm lời cam kết: “Giá đổi tốt nhất”.
Rao đổi tiền lẻ ăn chênh trên mạng xã hội.
Mức phí ăn chênh lệch của “đổi tiền lẻ online” từ 5-30%. Tiền mệnh giá càng thấp, tỷ lệ chênh lệch càng lớn. Hầu như tất cả các địa chỉ mạng đổi tiền đều khẳng định có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về số lượng cũng như các mệnh giá từ nhỏ nhất 200, 500, 1000, 2000, 5000, 10.000 đồng cho tới các mệnh giá lớn hơn. Nhiều địa chỉ mạng còn cam kết tiền mới, seri đẹp, rồi tiền in hình con dê may mắn cho năm Ất Mùi.
Dù phía ngân hàng nhà nước tuyên bố không in thêm tiền lẻ mới nhưng lượng tiền lẻ có trên thị trường vẫn rất nhiều. Lý giải điều này – Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, có thể là do người dân giữ từ lâu, ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Thực tế, tiền mệnh giá nhỏ do giá trị không lớn nên nhiều người dân vẫn găm giữ để kinh doanh vào dịp Tết. Hiện có thể vẫn còn một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ còn tồn một ít tại một số các ngân hàng. Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được đưa ra thị trường vào dịp Tết.
Vẫn theo ông Tú, các năm trước việc xử phạt được thực hiện nơi có nơi không, nhưng năm nay Chính phủ đã có Nghị định 96/2014/NĐ-CP, đổi tiền là hoạt động không được phép. Do những công cụ để xử phạt đã đầy đủ nên chắc chắc các cơ quan chức năng sẽ rất quyết liệt để loại bỏ hình thức dịch vụ đổi tiền trong dịp Tết Nguyên đán
Video đang HOT
Hiện nay NHNN phối hợp cùng các cơ quan gồm công an, quản lý thị trường, thanh tra NH NN, văn hóa thể thao du lịch… để kiểm tra, giám sát quyết liệt hơn để xử phạt nghiêm những đối tượng có hành vi đổi tiền.
Mới đây, BộVăn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn số 71/BVHTTDL-VHCS gửi tới các địa phương, chỉ đạo việc tiếp tục tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội.
Theo Dân Trí
Vẫn công khai đổi tiền lẻ ở các đình, chùa
Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ nhưng nhiều chủ kinh doanh vẫn công khai thực hiện đổi cho khách để ăn tiền chênh.
Vừa qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép, trong đó có đưa hoạt động đổi tiền lẻ vào quy định.
"Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Đây là điểm mới trong năm nay", ông Tú cho biết.
Vẫn la liệt các quầy đổi tiền lẻ ở đình La Khê
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên trong những ngày gần đây, tại một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội như khu di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê (ở làng La Khê, quận Hà Đông), cổng chùa Hà (quận Cầu giấy)... việc đổi tiền lẻ vẫn diễn ra tràn lan và công khai.
Các chủ kinh doanh đổi tiền lẻ để ăn tiền chênh
Trong vai một người đi đổi tiền lẻ để đặt lễ, ghé vào một cửa hàng ở khu di tích đình La Khê. Khi thử hỏi đổi tiền lẻ, chủ hàng tên H. ban đầu tỏ ra rất dè chừng. Tuy nhiên, sau một hồi hỏi han, bà H. không ngần ngại chỉ ra từng loại giá mời chào để đổi tiền lẻ.
Theo quan sát, trong tủ đựng tiền của bà H. có rất loại mệnh giá tiền khác nhau như loại 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng...những loại tiền này rất mới phần lớn chưa sử dụng. Khi hỏi giá cả, bà H. cho biết nếu muốn đổi số tiền theo seri (tức loại tiền mới chưa sử dụng) thì 10 ăn 8 (tức là người đổi mất 20% tổng giá trị tiền đổi). Còn nếu đổi tiền đã qua tay (đã qua sử dụng) thì 10 ăn 9 (tức là người đổi mất 10% tổng giá trị tiền đổi). Thử đổi với số tiền 200.000 đồng thì bà H. không đồng ý. Chủ đổi tiền lẻ này cho biết chỉ đổi từ 1 triệu trở lên, ít quá không đổi.
Nhiều chủ kinh doanh "dấm dúi" thực hiện việc đổi tiền lẻ
Ngay bên cạnh đó, một cửa hàng đổi lẻ khác, chủ hàng tên T. không ngần ngại khi xẻ cọc tiền ra để đổi cho khách với số tiền 400.000 đồng. Một điều đặc biệt ở cửa hàng của chủ hàng T. đó là hộp đựng tiền của người này có vài tờ tiền giả, chủ hàng T. cho hay rằng, sau khi có thông tin đổi tiền lẻ bị phạt tiền thì những cửa hàng ở đây đều cảnh giác và tìm cách để đối phó.
"Để tiền giả như vậy là tượng trưng và để khách hàng biết đây là chỗ đổi tiền, tránh khi công an vào họ bắt và lấy hết. Nếu lấy thì chỉ vài đồng tiền mệnh giá nhỏ chẳng đáng là bao", chủ hàng T. nói.
Trái ngược với đình La Khê, trước cổng chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mặc dù tình trạng đổi tiền lẽ vẫn diễn ra nhưng không công khai. Mỗi khi thấy khách hàng có ý định đổi tiền, chủ các cửa hàng bán đồ thờ, đồ lễ vẫn mời chào "đổi tiền lẻ không em".
Theo báo cáo của NHNN, khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực.
Hiện tượng đặt tiền lễ tại các bàn thờ, ném tiền, thả tiền... đã giảm so với các năm trước, hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh. Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và chọn lựa tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.
Lê Tú
Theo Dantri
Phải đổi tiền lẻ tại ga, khách nhắn tin mách Bộ trưởng Thăng Ba vé tiễn trị giá 6.000 đồng, khách đưa 20.000 đồng, nhân viên bán vé bắt khách phải đi đổi tiền với thái độ khó chịu. Vị khách này đã nhắn tin thẳng cho Bộ trưởng Thăng. Bộ trưởng Thăng chuyển tin nhắn cho Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu xử lý. Ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga...