Công khai danh tính 46 đảng viên có con được nâng điểm ở Sơn La
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đã kiểm tra, kết luận 46 đảng viên là cha, mẹ của 44 thí sinh được nâng điểm trái quy định trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Trong đó đã thi hành kỷ luật 45 đảng viên; phê bình nghiêm khắc một đảng viên.
Ngày 5/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Thông báo số 208-TB/UBKTTU về Kết quả kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Kết luận nêu rõ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đã kiểm tra, kết luận 46 đảng viên là cha, mẹ của 44 thí sinh được nâng điểm trái quy định trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Sơn La (có 88 cha, mẹ của 44 thí sinh; trong đó có 48 đảng viên (46 đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Sơn La, 2 đảng viên không thuộc Đảng bộ tỉnh Sơn La) và 40 người không phải đảng viên). Đã thi hành kỷ luật 45 đảng viên; phê bình nghiêm khắc một đảng viên.
Kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với những phụ huynh có con được nâng điểm:
Trần Đức Thuận – Phó chánh Thanh tra tỉnh Sơn La; Đào Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La; Phạm Hữu Sơn – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La; Nguyễn Quang Việt – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La;
Đinh Thị Thu Hiền – Phó chánh Văn phòng tỉnh ủy; Ngô Trí Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La); Dương Đức Toàn – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Sơn La;
Vũ Thị Thu Hà – Cán bộ THCS Lê Quý Đôn (tỉnh Sơn La); Phạm Thị Nga – chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La; Phạm Thị Hải Yến – Cán bộ Văn phòng Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (tỉnh Sơn La);
Vũ Hồng Minh – chuyên viên Bưu điện tỉnh Sơn La; Bùi Thị Xuân – Trưởng phòng hành chính tổng hợp (Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La; Trà Thị Mai – cán bộ Chi cục Thuế huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La);
Thái Thị Thủy – cán bộ phòng quản trị tài vụ (Văn phòng UBND tỉnh Sơn La); Nguyễn Hùng Vĩ – cán bộ Chi cục Thuế huyện Mai Sơn; Thái Thị Kim Ngân – cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Sơn La; Lê Thanh Hà – Phó Bí thư chi bộ Trạm y tế thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn);
Nguyễn Văn Thêm – cán bộ tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót; Trần Thị Son – Bí thư Chi bộ Tiểu khu 14 thị trấn Mộc Châu; Lò Văn Hiêng – Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La); Trần Thị Vân – cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La);
Thông báo Kết quả kiểm tra, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Sơn La.
Hà Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Tường Thượng 1 (huyện Phù Yên, Sơn La); Phạm Xuân Thược – Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên;
Dương Bá Tươi – Bí thư chi bộ Hỗ trợ tư pháp (Công an huyện Quỳnh Nhai); Lò Thị Ne – Đảng viên chi bộ bản Nà Trá A (huyện Vân Hồ); Vũ Ngọc Hùng – Cán bộ Văn phòng tuần tra xe lái (Công an tỉnh Sơn La);
Video đang HOT
Lương Thu Hà – Phó Bí thư đảng bộ Phòng PC 06 (Công an tỉnh Sơn La); Nguyễn Thanh Hải – Phó phòng PC 06 (Công an tỉnh Sơn La.
HĐXX vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 Sơn La tại Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La diễn ra từ ngày 15-18/10
Kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với những phụ huynh có con được nâng điểm:
Đỗ Kim Quang – Giám đốc VNPT tỉnh Sơn La; Nguyễn Duy Hoàng – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Lê Trọng Bình – Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La; Phan Ngọc Sơn – Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La;
Phạm Phương Loan – Chi bộ Trường THCS Nguyễn Trãi (tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Tâm – Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (Công an thành phố Sơn La); Trần Ích Phương – Cán bộ Công ty cổ phần sữa Mộc Châu; Lù Thị Kem – giáo viên Trường Tiểu học Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La);
Dương Duy Bồng – Cán bộ tiểu khu 2 thị trấn Phù Yên (tỉnh Sơn La); Đào Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phù Yên; Hoàng Thị Thành – Bí thư chi bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai; Trần Hồng Diệp – Bí thư chi bộ 3 Đảng bộ cơ sở phòng PV 1 (Công an tỉnh Sơn La).
Kiểm điểm sâu sắc đối với phụ huynh có con được nâng điểm:
Bùi Thị Thanh Loan – giáo viên Trường THPT Tô Hiệu (tỉnh Sơn La).
Cách tất cả các chức vụ trong đảng:
Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).
Đang xem xét thi hành kỷ luật:
Phạm Đăng Cường – Cán bộ trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên); Hà Thị Liễu – Cán bộ trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên).
Trước đó, trong 4 ngày từ 15 – 18/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã đưa vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La ra xét xử. Tuy nhiên, trong phiên xét xử sáng 18/10, chủ tọa phiên toà Quản Hữu Chiến cho biết, HĐXX thống nhất trả hồ sơ vụ án vì căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa và đề nghị của đại diện VKS, xét thấy thiếu chứng cứ để chứng minh mà không bổ sung tại tòa.
Đồng thời, có căn cứ cho rằng ngoài hành vi bị VKS truy tố, các bị cáo còn thực hiện hành vi khác theo BLHS quy định; có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác, người khác thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Cùng với quyết định trả hồ sơ, HĐXX yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện nâng điểm cho 44 thí sinh, từ đó xem xét khởi tố vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Theo pháp luật plus
Xét xử vụ nâng điểm thi: Sự vô lý và những khoảng tối
Để xảy ra các vụ án gian lận thi cử cực kỳ nghiêm trọng tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, làm dư luận mất niềm tin nghiêm trọng vào sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng chưa thấy một vị lãnh đạo nào của các địa phương trên bị khởi tố vê tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối cùng, những hoài nghi bỏ lọt tội phạm đưa và nhận hối lộ trong vụ nâng điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La của dư luận bước đầu được giải tỏa: Chủ tọa phiên tòa tuyên, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Mặt khác, những gì diễn biến ở phiên tòa đang xét xử ở Hà Giang và Sơn La đã cho thấy rõ hơn, những khoảng tối trong vụ án này là rất lớn.
Trước hết, phải nói ngay rằng, những dấu hiệu "mua bán điểm thi" trong 3 vụ án ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là rất rõ. Nhưng ngoài việc Cơ quan điều tra vụ án ở Hòa Bình khởi tố hai đối tượng về tội đưa và nhận hối lộ, còn lại có tới cả trăm đối tượng trong 3 vụ án này có dấu hiệu thoát tội đưa và nhận hối lộ khiến dư luận dậy sóng, băn khoăn.
Cựu Phó giám đốc Sở GD ĐT Hà Giang Phạm Văn Khuông là đối tượng duy nhất nhờ nâng điểm cho con bị khởi tố.
Tại Hà Giang, nhằm làm rõ sự phi lý trong nội dung trả lời của nhân chứng (đối tượng có con là thí sinh được nâng điểm - NV), chủ tọa phiên tòa chỉ cần một câu hỏi đã làm rõ thêm thực tế: "Không chỉ riêng chị mà rất nhiều người nhờ các bị cáo xem điểm nhưng lại thành nâng điểm? Có mâu thuẫn không? Đây là một điều rất vô lý...".
Vậy mà, "điều rất vô lý" này đã diễn ra hơn cả năm qua, đặc biệt, diễn biến này xảy ra ở cả 3 vụ án này. Do đó, dư luận đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ: Có hay không uẩn khúc của cái điều "rất vô lý" này?
Ở hai vụ án tại Hà Giang và Sơn La trong quá trình điều tra, xét xử chưa có đối tượng nào bị khởi tố về tội đưa, nhận hối lộ dù dấu hiệu rất rõ, nhưng diễn biến ở hai phiên tòa là rất khác nhau. Chủ tọa phiên tòa ở Sơn La đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, còn phiên tòa ở Hà Giang vẫn diễn ra bình thường.
Hà Giang là nơi có số thí sinh, số bài thi được nâng điểm nhiều hơn hẳn so với Sơn La, Hòa Bình, nhưng đây cũng nơi số đối tượng bị khởi tố ít nhất (Hà Giang có 5 bị cáo, trong khi Sơn La là 8 và Hòa Bình là 15).
Trong kết luận điều tra ở 3 vụ án này, Hòa Bình không chỉ là nơi có nhiều đối tượng bị khởi tố nhất, mà cũng là nơi duy nhất có các bị can bị khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ. Cũng cần phải lưu ý một điều, vụ án ở Hòa Bình là nơi duy nhất được Cơ quan Điều tra an ninh của Bộ Công an thụ lý.
Đặc biệt, việc nguyên Phó trưởng phòng PA03 Công an Sơn La Nguyễn Minh Khoa không có mặt ở nơi cư trú khi bị yêu cầu dẫn giải đến tòa với tư cách nhân chứng khiến dư luận càng hoài nghi về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
HĐXX của Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã ra quyết định trả lại hồ sơ vụ án để làm rõ tội Đưa nhận hối lộ, Môi giới hối lộ.
Trong khi đó, nhiều lời khai của các bị cáo, các nhân chứng cho thấy, ông Khoa đã nhờ 2 thuộc cấp và bị cáo Lò Văn Huynh để nâng điểm cho 5 thí sinh và đã hối lộ cho bị cáo Huynh 1 tỷ đồng. Với chứng cứ, lời khai như vậy, lẽ nào cựu sĩ quan Khoa chỉ là nhân chứng?
Dù là với động cơ gì đi nữa, những hành vi "cảm ơn" từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng của các nhân chứng như ông Khoa, lẽ nào vẫn chưa phải là hành vi đưa và nhận hối lộ?
Rất tình cờ, liên quan đến tội đưa và nhận hối lộ, cùng với thời gian xét xử các vụ án gian lận điểm thi, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử phiên phúc thẩm vụ án mua bán "logo xe vua" có liên quan đến nhiều cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) trên địa bàn liên tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù các bị cáo bị kết tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ khai rõ việc hối lộ cho 79 đối tượng trong lực lượng CSGT, TTGT, nhưng chỉ vì các đối tượng này không thừa nhận, nên tất cả đều thoát tội !?
Thế nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Viện Kiểm sát khẳng định, lời khai của các bị cáo là có căn cứ, các bị cáo xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ, các bị cáo cũng nhận diện được một số CSGT, TTGT nhận hối lộ. Do đó, VKS kiến nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ những CSGT, TTGT nhận hối lộ trong vụ án này.
Dư luận mong rằng, đó là bài học rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án nâng điểm hiện tại: Đừng để lọt người, lọt tội, đặc biệt trong đó có tội đưa và nhận hối lộ.
Cuối cùng, câu hỏi rất lớn khiến dư luận vẫn băn khoăn: Trong số các vị phụ huynh có con được nâng điểm thi, không ít các vị là lãnh đạo tỉnh, ngoài nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh, qua xét xử lộ thêm danh tính một số vị như bà Chúng Thị Chiên - Phó chủ tịch HĐND, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đều nhắn tin nhờ "xem điểm" để được "nâng điểm"...
Thậm chí, ông Trần Đức Quý đã nhắn tin "Ok" khi bị cáo Huynh nhắn tin cầu cứu trước nguy cơ bị lộ.
Đó là chưa kể đến khá nhiều vị lãnh đạo các sở, ban ngành của 3 tỉnh này cũng có liên quan ít nhiều. Vậy nhưng, các vị này vẫn "bình chân như vại". Không thể hiểu nổi sự vô lý này (?)
Điều đáng nói nữa là, để xảy ra các vụ án cực kỳ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự, làm mất niềm tin nghiêm trọng vào sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng không hiểu sao, chưa thấy vị lãnh đạo nào của các địa phương trên trên bị khởi tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Theo danviet
Xét xử gian lận điểm thi Sơn La: 'Cảm ơn' hàng tỷ đồng có phải hối lộ? Viện kiểm sát ở Sơn La từng khẳng định không có căn cứ xử lý hành vi đưa nhận hoặc môi giới hối lộ nhưng nay bất ngờ thay đổi quan điểm, đề nghị cho điều tra thêm. Tòa án đồng ý trả hồ sơ và yêu cầu làm rõ số tiền hàng tỷ đồng tiền "cảm ơn" trong phi vụ nâng điểm....