Cộng hòa Cyprus nỗ lực tránh vỡ nợ
Ít nhất 1.000 nhân viên ngành ngân hàng ngày 24-3 đã biểu tình tại Thủ đô Nicosa của Cộng hòa Cyprus và đe dọa sẽ tổ chức đình công quy mô lớn nếu chính phủ không đảm bảo được tương lai cho họ.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy chủ trì cuộc đàm phán quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Cộng hòa Cyprus với bộ ba chủ nợ gồm IMF, ECB và EU trong nỗ lực cuối cùng nhằm giúp Cyprus tránh được nguy cơ vỡ nợ. Đây là cuộc họp có tính chất quyết định không chỉ đối với tương lai của Cyprus mà còn cả khu vực đồng tiền chung châu Âu nhằm đạt được thỏa thuận cần thiết cho kế hoạch giải ngân gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro cho Cộng hòa Cyprus.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các ngân hàng Cyprus sau ngày hôm nay 25-3 nếu không có thỏa thuận mới nào được đưa ra.
Theo ANTD
Sốc vì "đơn thuốc" giải cứu
Tình trạng người dân Cyprus, thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đổ xô đi rút tiền tiết kiệm và nguy cơ hai ngân hàng lớn nhất nước này sụp đổ chỉ trong vài ngày tới đang làm cả châu Âu chấn động.
Người dân Cyprus biểu tình phản đối việc đánh thuế tiền gửi
Đã 2 năm nay, kinh tế Cyprus lâm vào trì trệ. Đã thế, cơn lốc của khủng hoảng nợ công châu Âu lại giáng thêm đòn tàn phá vào nền kinh tế vốn ốm yếu của nước này. Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Cyprus đã phải xin cứu trợ từ các nước thành viên Eurozone, do khu vực ngân hàng nước này trở nên kiệt quệ vì mất trắng 4,5 tỷ euro trái phiếu Chính phủ Hy Lạp đang nắm giữ, bởi năm ngoái các lãnh đạo Eurozone quyết định xóa sổ các khoản nợ của Hy Lạp.
Để nhận được khoản cứu trợ trị giá 10 tỷ euro từ nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu - EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Cyprus phải chấp nhận điều kiện mà "bộ ba" này đưa ra là áp thuế tiền gửi của người dân nhằm thu về 5,8 tỷ euro. Mức thuế mà các chủ nợ áp đặt là 9,9% cho tài khoản trên 100 nghìn euro và 6,75% cho các tài khoản dưới mức này.
Đây là lần đầu tiên các định chế tài chính áp đặt điều khoản đánh thuế tiền gửi với một gói cứu trợ. Trước đây, các nước phải cầu viện tài chính từ nước ngoài như Ireland, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, chỉ buộc phải đáp ứng điều kiện thắt chặt ngân sách. Thực ra quyết định của các chủ nợ không phải không có lý. Họ muốn có được một sự đảm bảo về khả năng trả nợ của Cyprus sau những "bài học kinh nghiệm" từ Hy Lạp, nước nhận được gói cứu trợ rất lớn nhưng vẫn không thoát được cảnh vỡ nợ.
Nhưng với một nền kinh tế tổng GDP chỉ có khoảng 18 tỷ euro, chiếm tỷ trọng 0,2% trong nền kinh tế Eurozone, tác động từ "đơn thuốc" giải cứu từ bên ngoài có thể gây "sốc", thậm chí "tử vong" với Cyprus. Vấn đề là ở chỗ quy mô hệ thống ngân hàng của Cyprus hiện lớn gấp nhiều lần kinh tế quốc gia. Theo ước tính, chỉ riêng tiền gửi của người Nga tại Cyprus đã lên tới khoảng 20 tỷ euro (tương đương 26,2 tỷ USD). Nếu đánh thuế vào tiền gửi, nhiều người nước ngoài có tài khoản tại các ngân hàng Cyprus sẽ ồ ạt rút tiền, kéo theo sự sụp đổ của nền tài chính nước này.
Thêm vào đó, trong khi các chủ nợ cho rằng người dân Cyprus cũng phải gánh vác khoản nợ với chính phủ, thì nhiều người Cyprus lại nghĩ rằng tài sản của mình có nguy cơ bị cướp mất. Những người phản đối biện pháp áp thuế tiền gửi cho rằng "những người gửi tiền sẽ phải chi trả cho đống đổ nát ở châu Âu, bởi họ là những người duy nhất còn tiền". Người dân Cyprus đã đổ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ.
Người ta cũng lo ngại rằng làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng ở Cyprus sẽ lây lan sang các nước châu Âu khác, làm mất an toàn cả hệ thống ngân hàng Khu vực Eurozone. Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư vào Eurozone bị giáng một đòn mạnh.
Trước mắt, Chính phủ Cyprus đã phải đưa ra giải pháp thỏa hiệp. Theo đó, các mức thuế sẽ được chia làm ba mức thay vì hai mức như hiện nay: những tài khoản tiền gửi dưới 100 nghìn euro sẽ chịu mức thuế là 3% (mức của chủ nợ đưa ra là 6,75%), từ 100 nghìn đến 500 nghìn euro là 10% và trên 500.000 euro là 15% (mức chủ nợ đưa ra cho tài khoản trên 100 nghìn euro là 9,9%). Không biết thỏa thuận cuối cùng sẽ đi đến đâu.
Theo ANTD
Thế giới náo loạn vì Síp đánh thuế tiền gửi Ngay khi Cộng hòa Síp đưa ra kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ Euro từ Liên minh châu Âu, các thị trường trong và ngoài nước này đã lập tức phản ứng gay gắt. Người dân rút tiền ở máy ATM tại thủ đô CH Síp. EU đã yêu cầu Síp áp mức...