Cộng đồng thổ dân Brazil kêu gọi châu Âu giúp bảo vệ rừng Amazon
Các thủ lĩnh cộng đồng thổ dân tại Brazil cảnh báo rằng việc phá rừng quá mức để trồng trọt, canh tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe hành tinh.
Khói lửa bốc cao trong vụ cháy rừng tại Amazonas,Brazil ngày 26/8. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngày 12/11, các thủ lĩnh cộng đồng thổ dân tại Brazil đã hối thúc các nghị sỹ Liên minh châu Âu (EU) giúp bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon và các cộng đồng sinh sống tại đây, đồng thời cảnh báo rằng việc phá rừng quá mức để trồng trọt, canh tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe hành tinh.
Các thủ lĩnh cộng đồng thổ dân ở Brazil hiện đang có chuyến thăm 12 nước EU kéo dài trong 5 tuần. Trong các cuộc tiếp xúc và làm việc tại châu Âu, họ đã kêu gọi chính phủ các nước cấm nhập khẩu những sản phẩm được canh tác tại vùng đất gây tranh cãi hoặc đất của thổ dân bị cưỡng ép tịch thu.
Trả lời báo giới tại thủ đô Paris (Pháp), Điều phối viên của Hiệp hội Thổ dân Brazil Sonia Guajajara nhấn mạnh những bộ lạc ở Brazil “giờ đây không thể tự mình đương đầu với cuộc chiến này.”
Thời gian qua, lâm tặc đã thâm nhập vào các vùng đất của thổ dân Brazil để chặt trộm cây, lấy gỗ và điều này đã trở thành mối đe dọa với cư dân bản địa.
Video đang HOT
Để bảo vệ nơi sinh sống, hơn 100 thành viên các bộ lạc đã thành lập nhóm tuần tra các vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, lâm tặc ngày càng hoành hành và tấn công nhóm này, thậm chí gây thương vong. Do đó, các cộng đồng thổ dân tại Brazil cho rằng người tiêu dùng châu Âu có thể đóng vai trò quan trọng, thông qua việc yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này phải có thông tin xuất xứ rõ ràng, đảm bảo rằng những hàng hóa tiêu dùng đó không phải sản phẩm được sản xuất ra hoặc có nguyên liệu được gieo trồng tại những khu rừng bị chặt phá.
Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Tuy nhiên, khu rừng này đang bị tàn phá do các hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ và cháy rừng thiếu kiểm soát.
Khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi sau trận hỏa hoạn tại bang Amazonas, Brazil, ngày 24/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo nhà nghiên cứu Romulo Batista của tổ chức Greenpeace, hoạt động chăn nuôi cũng là nguyên nhân chính khiến Amazon bị hủy hoại nghiêm trọng với hơn 65% diện tích rừng bị phá để có đất làm khu chăn nuôi gia súc.
Brazil hiện là nhà xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, với 1,64 triệu tấn thịt được xuất khẩu, trong khi EU là nhà nhập khẩu lớn thứ ba mặt hàng này. Ngoài ra, rừng Amazon còn bị phá để trồng các cây nông nghiệp như đậu tương, mía đường – nguyên liệu trong nhiều loại đồ ăn phổ biến được bày bán tại các siêu thị trên khắp thế giới.
Mối quan ngại về rừng Amazon, được biết đến là “Lá phổi của hành tinh,” đã tăng lên kể từ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lên nắm quyền.
Theo Tổng thống Bolsonaro, hiện nay có khoảng 14% diện tích của Brazil được coi là vùng đất của người thổ dân và nếu tiếp tục giữ như vậy thì chỉ đem lại đói nghèo và sự tách biệt của các cộng đồng thổ dân với đời sống của đất nước.
Chính vì vậy, không thể viện dẫn các vấn đề môi trường và các chính sách đối với cộng đồng thổ dân để làm chệch hướng phát triển mà Chính phủ Brazil đương nhiệm đã lựa chọn, cũng như sử dụng các vấn đề này phục vụ lợi ích chính trị và kinh tế của nước ngoài.
Đầu tháng này, Tổng thống Bolsonaro đã hủy lệnh cấm trồng mía ở rừng nhiệt đới Amazon, động thái khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng có thể đe dọa đến các khu sinh thái dễ bị tổn thương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu, các thủ lĩnh cộng đồng thổ dân tại Brazil đã dừng chân tại Italy, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Bỉ và Thụy Sĩ.
Trong ngày 13/11, họ sẽ tới London, Anh, trước khi đến chặng dừng chân cuối cùng là Tây Ban Nha./.
Đặng Ánh
Theo vietnamplus.vn
Mỹ muốn ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC
Một quan chức Nhà Trắng ngày 29/10 cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tháng tới ở Chile, song thời điểm cụ thể vẫn chưa được xác định.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Wall Street Journal
Báo South China Morning Post dẫn một người thạo tin cho biết lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến ký thỏa thuận thương mại tạm thời vào ngày 17/11, "nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ".
Ngày 28/10, Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn ký một phần quan trọng của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh này, song không nêu rõ thời gian cụ thể. Một nguồn tin riêng rẽ hiểu rõ về kế hoạch này cũng khẳng định ngày 17/11 là ngày có khả năng diễn ra cuộc gặp lãnh đạo Mỹ - Trung.
Trước đó, ngày 25/10, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết nước này và Trung Quốc đang gần hoàn tất một số điều khoản của thỏa thuận thương mại song phương sau cuộc điện đàm giữa các trưởng đoàn đàm phán của hai bên. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng nhấn mạnh hai nước đã đạt được "những bước tiến cụ thể" trong nhiều lĩnh vực, tạo một nền tảng quan trọng cho việc ký kết thỏa thuận. Ông cũng lưu ý rằng các cuộc đàm phán cần được tiến hành dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm giải quyết những vấn đề cốt lõi của hai bên.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15/10. Đáp lại, Ủy ban Thuế vụ Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông báo sẽ hủy bỏ việc áp thuế bổ sung đối với hai mặt hàng đậu tương và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trước thềm các cuộc đàm phán thương mại cấp cao.
Giới phân tích cho rằng việc chấm dứt căng thẳng thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách căng thẳng kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo Phương Hoa (TTXVN)
Rừng Amazon sẽ chạm 'giới hạn không thể đảo ngược' vào năm 2021 Nạn phá rừng tăng vọt cùng các chính sách của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có thể đẩy rừng nhiệt đới Amazon đến "điểm tới hạn" không thể đảo ngược trong vòng 2 năm. Sau điểm này, rừng nhiệt đới sẽ ngừng sản xuất đủ mưa để tự duy trì và bắt đầu xuống cấp từ từ thành thảo nguyên khô hơn, giải...