Cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ra Trường Sa
Ngày 2/1 và 6/1, Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì vi phạm Công ước Hàng không quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông DOC, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Máy bay Trung Quốc đáp xuống đá Chữ Thập ngày 6/1 – Ảnh: Chinanews.com
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược nói không đúng
Trong hai tuần qua, Trung Quốc đã thực hiện những chuyến bay bất hợp pháp đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Bắc Kinh vừa hoàn tất xây dựng đường băng phi pháp. Việt Nam đã phản đối những chuyến bay này của Trung Quốc hoạt động trong vùng thông báo bay – FIR – của Việt Nam nhưng lại không thông báo với cơ quan chức năng của Việt Nam, vi phạm Công ước Hàng không quốc tế và đe dọa an ninh hàng không của khu vực. Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao và nhất là đã kiện Trung Quốc trước ICAO, cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách Hàng không dân dụng.
Ngày 11/1, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang ngược cho rằng, Trung Quốc không cần phải thông báo cho phía Việt Nam vì các chuyến bay nói trên thuộc diện “hoạt động hàng không Nhà nước” và hoạt động này “không bị Công ước về Hàng không Dân dụng quốc tế cũng như các quy định có liên quan của ICAO ràng buộc”.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đã dùng máy bay hàng không dân dụng để thực hiện các chuyến bay, nhưng lại dán lên đó nhãn “chuyến bay Nhà nước”. Mặt khác, mặc dù ngang ngược tuyên bố không có trách nhiệm phải thông báo với Việt Nam, nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi sau đó thừa nhận Bắc Kinh “đã thông báo” nhưng “không nhận được phản hồi” (?).
Ngay ngày 12/1, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản bác từng điểm một trong phát biểu ngày 11/1 của người đồng cấp Trung Quốc Hồng Lỗi. Về tuyên bố của Trung Quốc cho rằng, đã thông báo cho các cơ quan chức năng Việt Nam về các chuyến bay – từ ngày 28/12/2015 – nhưng “không nhận được câu trả lời”, ông Lê Hải Bình khẳng định rằng, cơ quan quản lý không lưu FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam đã “không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Trung Quốc về kế hoạch bay như họ nói”.
Video đang HOT
RFI cho rằng, đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 3.000m, một chiều dài đủ để tiếp nhận các loại oanh tạc cơ tầm xa, phi cơ vận tải và các chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc. “Ý nghĩa chiến lược của đường băng và các cơ sở trên đá Chữ Thập và các đảo nhân tạo khác của Trung Quốc tại Trường Sa rất lớn, vì cho phép Bắc Kinh hiện diện ngay ở trung tâm vùng biển khu vực Đông Nam Á, điều mà từ trước đến nay Trung Quốc chưa làm được”, RFI bình luận.
Reuters trích lời ông Leszek Buszynski, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của đại học Quốc gia Úc, cho biết: “Sau các chuyến bay dân sự, chắc chắn sẽ là các chuyến bay quân sự. Một khi Trung Quốc đã thử nghiệm đường băng với một số phi cơ dân sự, bước tiếp theo sẽ dùng đến các chiến đấu cơ như SU-27 và SU-33. Và các máy bay này sẽ đặt căn cứ thường trực tại đấy”.
Hành vi bị cộng đồng quốc tế lên án
Trả lời RFI, Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore Yusof Ishak, còn dự báo là tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn nữa khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới để triển khai lực lượng sâu hơn vào vùng Biển Đông. Với việc thử nghiệm đường băng trên đá Chữ Thập, có thể nói Trung Quốc đã bắt đầu tiến trình quân sự hóa. RFI cũng cho biết, theo một số quan chức Mỹ và khu vực, Trung Quốc hiện đang hoàn tất một loạt cảng biển, nhà kho, nhà ở trên các đảo nhân tạo và ngay trên đá Chữ Thập, sẽ có những trạm radar cảnh báo sớm cũng như trạm thông tin liên lạc quân sự.
Liên quan đến các chuyến bay của Trung Quốc ra đá Chữ Thập, chính quyền Philippines vừa xác nhận việc chính thức trao công hàm phản đối Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 13/1 cho biết: Manila đã triệu mời đại diện Sứ quán Trung Quốc tại Philippines lên bộ Ngoại giao ngày 8/1 để trao công hàm phản đối “những hành động khiêu khích, hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển Biển Đông” do Bắc Kinh tiến hành. Theo hãng tin Mỹ AP, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã tố cáo việc Trung Quốc cho thử nghiệm phi đạo trên đá Chữ Thập là một hành động làm “tăng thêm căng thẳng và bất ổn định trong khu vực”.
Theo Reuters, hai chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc đã châm ngòi cho sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ngoài Việt Nam, Philippines đã có phản đối ngoại giao chính thức, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng lên án hành động của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. Về phần Nhật Bản, Tokyo cũng đã bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” trước vấn đề Bắc Kinh thử đường bay trên đá Chữ Thập. Trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida xác định rằng, Nhật Bản hết sức quan ngại trước hành động của Trung Quốc, bị coi là “đơn phương thay đổi hiện trạng” khu vực, nhằm biến các công trình bồi đắp và xây dựng cấp tốc, rầm rộ các đảo nhân tạo thành “sự đã rồi”. Ông Kishida khẳng định, Nhật Bản “không thể chấp nhận” một hành động như của Trung Quốc, đã làm căng thẳng leo thang và khiến cho cả cộng đồng quốc tế quan ngại. Vẫn theo Ngoại trưởng Nhật Bản, Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác có liên quan để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển.
Về phần mình, Mỹ hiện đặc biệt lo ngại khả năng Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo bồi đắp, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa vào mục đích quân sự. Washington khẳng định, hành động bay thử của Trung Quốc ở đá Chữ Thập đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trên Biển Đông. “Việc Trung Quốc cho máy bay hạ cánh trên đá Chữ Thập đang đẩy căng thẳng dâng cao và châm ngòi bất ổn ở khu vực”, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói sau khi Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên cho máy bay dân sự cất/hạ cánh trên đường băng nước này xây phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Chúng tôi quan ngại về những chuyến bay này và tất cả những hoạt động của Trung Quốc trong những đảo tranh chấp ở Biển Đông… Chúng tôi nghĩ, mọi hành động của bất kỳ quốc gia nào cố làm leo thang căng thẳng trên những đảo tranh chấp, quân sự hóa hoặc tham gia các hoạt động bồi đắp ở các đảo này đều góp phần gây bất ổn”, Reuters dẫn lời ông Cook nói rõ.
Truyền thông Thái Lan ngày 12/1 cũng đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm. Tờ Bangkok Post nhấn mạnh: “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã tạo ra và kéo dài các nguy cơ xung đột không cần thiết và thực sự hết sức nguy hiểm”. Bài xã luận trên báo cũng khẳng định việc Trung Quốc thực hiện những chuyến bay thử nghiệm phi pháp là “một quyết định sai lầm và nên chấm dứt ngay lập tức”. Nhật báo này nhấn mạnh, ASEAN phải tiếp cận Trung Quốc với vị thế là một nhóm các quốc gia, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn hàng không và đây cũng là “tình thế mà Cộng đồng ASEAN mới ra đời phải chứng tỏ khát vọng và khả năng hành động”. Bangkok Post cũng nhận xét: “Trung Quốc cần có các hành động biết điều và biết quan tâm đến cảm xúc của nước khác”.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cộng đồng quốc tế phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông
Việc Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ra sân bay mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam lần lượt trong hai ngày 2-1 và 6-1 đã khiến cộng đồng quốc tế sục sôi trong nhiều ngày qua.
Bên cạnh việc lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc thì một số tờ báo đã đăng tải những bài viết vạch trần mưu đồ của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bức xúc hơn, cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Việc Trung Quốc tuyên bố coi việc cho máy bay ra Đá Chữ Thập là "các hoạt động hàng không quốc gia" thực chất phi lý của họ đối với quần đảo Trường Sa. Ngày 13-1, Philippines đã trao công hàm phản đối Trung Quốc đã có "những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không" ở vùng Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh: "Những hành động đó của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)". Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman chỉ ra rằng, hành động của Bắc Kinh có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước.
Bộ trưởng Anifah nhấn mạnh, điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và DOC. Một nước châu Á khác cũng lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập là Philippines.
Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép.
Trang mạng Riafan (Hãng thông tấn liên bang) của Nga ngày 12-1 đã dẫn lời khẳng định của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Washington cho rằng, các hành động tương tự như vậy đang phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực và rất dễ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Những nguy cơ hàng không không cần thiết", trong đó nhấn mạnh về sự nguy hiểm trước mắt từ các chuyến bay đến và đi của Trung Quốc giữa lãnh thổ của họ ở Trung Quốc đại lục và đảo Hải Nam, tới những thực thể họ đang cải tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bài báo cho rằng, giới chức Bắc Kinh, trong một động thái rất nguy hiểm, đã coi các chuyến bay này như các tuyến đường nội địa. Không quân và các công ty dân sự Trung Quốc bay trên Biển Đông mà không hề thông báo. Theo Bangkok Post, Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và kéo dài những nguy cơ xung đột không cần thiết và thực sự nguy hiểm.
Về phía các học giả quốc tế, phát biểu tại Diễn đàn tầm nhìn khu vực năm 2016 do Viện ISEAS-Yusof Ishak tổ chức tại Singapore ngày 12-1, Giáo sư Carlyle Thayer tới từ Học viện Quốc phòng Australia phân tích, tại Biển Đông, Trung Quốc chưa bao giờ giải thích được cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của nước này.
Giáo sư, Tiến sĩ Susan Shirk đến từ Trường Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu khu vực Thái Bình Dương, Đại học California, thì vạch trần các ý đồ và các toan tính của Trung Quốc tại khu vực. Giáo sư Shirk chỉ ra khoảng cách một trời một vực giữa tuyên bố của Trung Quốc về "sự trỗi dậy trong hòa bình" và việc nước này đang bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có thể sắp tới là quân sự hóa các đảo trên.
Trong khi đó, theo đánh giá của Giáo sư Eric David, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB), hành động của Trung Quốc xây dựng đường băng trên đảo tranh chấp là "hành động nhằm thể hiện chủ quyền". Do vậy, các quốc gia liên quan cần phải hành động bằng cách gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc và khẳng định rằng, nước này không có bất cứ quyền nào để xây dựng sân bay trên những hòn đảo mà họ tự cho là thuộc về mình.
Các nước cũng cần yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề chủ quyền bằng con đường pháp lý. Còn theo chuyên gia cao cấp về quan hệ Âu-Á và tranh chấp ở Biển Đông thuộc Viện châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS) Theresa Fallon, hành động bay thử của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những khu vực tranh chấp "nóng" nhất thế giới.
Theo bà Fallon, để kiềm chế hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực cần thu hút rộng rãi hơn nữa sự chú ý của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cần cử quan sát viên đến Tòa Trọng tài quốc tế để hỗ trợ cho quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa các bên liên quan.
Theo Công an Nhân dân
Lộ diện AirMule - "la thồ hàng không" không người lái của Israel Hãng Robotics Ltd của Israel vừa thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm cho chiếc máy bay vận chuyển hàng hóa không người lái AirMule. AirMule. Mặc dù chiếc máy bay này đã được các phương tiện truyền thông nhắc đến từ cách đây 2 năm nhưng mãi gần đây thì nguyên mẫu đầu tiên mới được đưa vào thử nghiệm. Hãng...