Cộng đồng quốc tế nỗ lực vì biển Đông
Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo – Ảnh: Ngô Minh Trí
Không chỉ phân tích cặn kẽ vấn đề biển Đông, các chuyên gia quốc tế còn cùng nhau nhấn mạnh nền tảng pháp lý giải quyết tranh chấp tại đây.
Chiều 21.11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã bế mạc tại TP.HCM. Trả lời Thanh Niên, GS Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine của Mỹ, nhận định hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành về biển Đông trên thế giới, giúp phân tích cặn kẽ nhiều khía cạnh xung quanh vấn đề trên. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng phục vụ cho chiến lược lâu dài nhằm giải quyết rốt ráo tranh chấp tại biển Đông.
Giáo sư hàng hải Geoffrey Till, Đại học King tại Anh và Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, khẳng định biển Đông đóng vai trò trung tâm đối với lợi ích của nhiều bên. Phó đô đốc (đã nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki ở Nhật Bản, cũng khẳng định nhiều nước đang có lợi ích tại đây, chẳng hạn như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… Các nước này đang hình thành cơ chế an ninh hàng hải trên biển Đông nên cần tham gia giải quyết vấn đề ở khu vực này.
“Đường lưỡi bò” vô lý
Video đang HOT
Tại hội thảo, không ít ý kiến chỉ trích việc Trung Quốc đưa yêu sách trên biển Đông với bản đồ “đường lưỡi bò”. Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia Lý Danh Tượng thuộc RSIS cho rằng: “Sự mập mờ trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông gây lúng túng cho những người ngoài cuộc với câu hỏi chính xác thì Trung Quốc đang yêu sách điều gì. Một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc yêu sách vùng nước lịch sử bên trong “đường 9 đoạn” ở biển Đông”.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu nhất trí rằng đường lưỡi bò và cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây quan ngại cho các quốc gia có liên quan. Lập luận về quyền lịch sử của Trung Quốc cũng không có cơ sở.
Trả lời báo giới bên lề hội nghị, Giáo sư Tô Hạo, Đại học Ngoại giao ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thừa nhận “đường lưỡi bò” đơn thuần là do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước đây vẽ ra. Đồng thời, ông cũng giải thích lòng vòng về bản đồ này: “Vùng nước nằm phía trong “đường 9 đoạn” không phải là vùng nước Trung Quốc có chủ quyền, mà chỉ là vùng nước có thể đưa ra bàn thảo với các quốc gia khác”. Ông Tô Hạo còn thừa nhận bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra gây quan ngại cho các bên tranh chấp lẫn cộng đồng quốc tế.
Trong hội thảo lần này, sự quan ngại không chỉ đến từ “đường lưỡi bò” mà còn từ những hành động của Bắc Kinh. Theo bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), chính các cơ quan trong nội bộ Trung Quốc cũng cạnh tranh nhau để tìm kiếm lợi ích trên biển Đông. Điều này dẫn đến nhiều hành động quá đà, gây quan ngại.
Ngoài ra, trình bày tham luận tại hội thảo, các chuyên gia như Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, và chuyên gia Richard A.Bitzinger, thuộc RSIS, cũng chỉ ra những hệ lụy của việc Trung Quốc không ngừng gia tăng quân sự trong khu vực.
Philippines sẽ tổ chức họp về biển Đông
Philippines sẽ tổ chức một đợt hội nghị với các nước ASEAN trực tiếp liên quan tới tranh chấp tại biển Đông. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 21.11 cho hay các cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao sẽ diễn ra tại Manila từ ngày 12.12.
Các cuộc họp lần này không mời đại diện của Trung Quốc, nước luôn khăng khăng rằng tranh chấp cần được giải quyết trên cơ sở đàm phán song phương. “Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Trung Quốc nhưng không chấp nhận nó. Tranh chấp trên biển là mối nguy cho an ninh và ổn định của toàn khu vực”, Ngoại trưởng del Rosario nói. Do đó, theo ông, cần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương cho vấn đề biển Đông để tìm một giải pháp hòa bình.
Theo TNO
Nghi án Israel ném bom Sudan
Dư luận đang hướng về Israel khi có thêm bằng chứng cáo buộc nước này ném bom nhà máy sản xuất vũ khí của Sudan hồi tuần trước.
Ngày 28.10, Reuters đưa tin các chuyên gia quốc tế đang tiến hành phân tích một số hình ảnh vệ tinh, do Công ty DigitalGlobe cung cấp, để tìm hiểu nguyên nhân vụ nổ tại nhà máy sản xuất vũ khí trên. Rạng sáng 24.10, Nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk ở thủ đô Khartoum của Sudan bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn và gây nên những đám cháy dữ dội. Theo một số hình ảnh vệ tinh vừa được công bố, sau khi xảy ra vụ nổ, các hố sâu có dấu vết bị ném bom đã xuất hiện tại khu vực trên. Kết quả phân tích này càng củng cố mạnh mẽ hơn cho tuyên bố từ phía Khartoum khẳng định Tel Aviv đã điều động máy bay ném bom tấn công Nhà máy Yarmouk. Trước đó, chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ nổ, BBC dẫn lời Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Sudan Ahmed Bilal Osman cáo buộc 4 chiến đấu cơ Israel đã ném bom cơ sở trên, gây ra thiệt hại nặng nề về vật chất và khiến 2 nạn nhân thiệt mạng.
Hiện trường vụ nổ ở Nhà máy Yarmouk - Ảnh: Reuters
Nhiều năm qua, Sudan thường bị xem là có quan hệ thân cận với Iran, những tay súng theo dòng Hồi giáo Sunni từng tham gia tấn công nhằm vào Israel. Thậm chí, một số nguồn tin còn khẳng định Sudan thuộc đường dây cung cấp vũ khí phi pháp cho lực lượng vũ trang Hamas hiện đang hoạt động tại Dải Gaza và chống Israel. Hồi tháng 3, tờ The Guardian dẫn nguồn các điện tín, do trang WikiLeaks công bố, cho rằng Mỹ vào tháng 1.2009 từng cảnh báo Sudan không được "ngó lơ" việc vận chuyển vũ khí của Iran đến Dải Gaza để đáp ứng nhu cầu của Hamas. Vì thế, theo giới phân tích, Israel có động cơ để tấn công Sudan dù Khartoum nhiều lần bác bỏ việc ủng hộ các nhóm vũ trang trên.
Trong khi đó, Tel Aviv không đưa ra bất cứ tuyên bố bác bỏ hay thừa nhận đối với cáo buộc ném bom Nhà máy Yarmouk. Cách "đánh trống lảng" vốn dĩ là phản ứng quen thuộc của Israel trong những trường hợp tương tự, dù giới chuyên gia ám chỉ Tel Aviv thực sự có liên quan. Lần này, khi được hỏi về vụ tấn công trên, một quan chức quốc phòng cấp cao Israel tên Amos Gilad trả lời mập mờ bằng cách cáo buộc Sudan là "một chính phủ khủng bố nguy hiểm" và ca ngợi sức mạnh của không quân nước mình.
Theo tờ The Guardian, để tập kích Nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk, Tel Aviv có thể triển khai chiến đấu cơ bay dọc theo bờ biển Đỏ. Số chiến đấu cơ này được tiếp nhiên liệu trên không, bay dưới tầm radar của Ả Rập Xê Út và Ai Cập để lặng lẽ tiếp cận thủ đô Khartoum rồi tấn công. Thậm chí, Tel Aviv cũng có thể đánh phá bằng máy bay không người lái. Vốn dĩ, Israel cùng với Mỹ là hai nước chính thức chế tạo thành công máy bay không người lái vũ trang dùng để tấn công.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Khartoum khẳng định bị tấn công bởi Tel Aviv. Reuters dẫn thông báo từ chính phủ Sudan hồi tháng 5 cho biết một nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ một chiếc xe hơi phát nổ ở thành phố Port Sudan, nằm bên bờ biển Đỏ. Đồng thời, theo phía Khartoum, vụ nổ này khá giống với một trường hợp tại Sudan bị tấn công bởi tên lửa Israel vào năm 2011. Ngoài ra, Khartoum từng cáo buộc Tel Aviv đã dùng không quân tấn công miền tây Sudan hồi năm 2009. Trong khi đó, truyền thông Israel tiết lộ Tel Aviv đã triển khai chiến đấu cơ tấn công Sudan tối thiểu hai lần vào năm 2009. Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 1.2009 khi máy bay Israel tập kích một đoàn xe chở vũ khí qua Sudan để đến dải Gaza khiến 119 người thiệt mạng. Khoảng một tháng sau, Israel lại tấn công một chiếc tàu đậu tại cảng của Sudan. Tuy nhiên, như thường lệ, Tel Aviv luôn "đánh trống lảng" trước những cáo buộc trên.
Theo TNO