Cộng đồng người Việt thành điểm sáng tiêm chủng ở bang Mỹ
Cộng đồng người Việt nổi lên là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Alabama, một trong những bang triển khai vaccine Covid-19 chậm nhất nước Mỹ.
Tại bến thuyền Bayou La Batre Alabama, Truc Le, chủ một tàu đánh bắt tôm, đang cùng vợ và con trai chuyển đá lạnh lên tàu để bảo quản tôm. Le vẫn đánh bắt suốt đại dịch và không quá lo lắng về Covid-19, nhưng người nhà ông thì có, vì vậy Le đi tiêm vaccine.
“Người nhà tôi lo bị nhiễm nCoV nếu không tiêm vaccine”, Le nói bằng tiếng Việt.
Phuong Thi Nguyen, một phụ nữ Việt Nam sinh sống ở Bayou La Batre, chất đá lên lạnh lên máy làm mát ở bến tàu hôm 14/6. Ảnh: AL.
Alabama có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp thứ hai tại Mỹ, nhưng cộng đồng người Việt ở đây lại trở thành một điểm sáng. Lãnh đạo cộng đồng ước tính 90% người Việt đủ điều kiện tại Alabama đã tiêm chủng. Con số này chỉ là 34% với người dân trong bang.
Con trai của Le làm việc trên thuyền cùng bố, có kế hoạch tiêm vaccine theo mong muốn của gia đình. Còn bà Phuong Thi Nguyen, vợ của Le, vừa chất đá vào máy làm mát công nghiệp ở bến tàu vừa kể chuyện con gái đã giúp đặt lịch tiêm bởi bà không biết nói tiếng Anh.
“Mọi người xung quanh chúng tôi đa số đã tiêm rồi”, bà nói. “Họ bảo tôi tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV”.
Alabama có khoảng 4.000 người Việt sinh sống, riêng tại Bayou La Batre có 900 người, theo các lãnh đạo cộng đồng. Nguyen cho hay bà thường gặp đồng hương vào các dịp lễ tết truyền thống và hay đến nhà thăm hỏi nhau.
Ở miền nam Alabama, nhiều người Việt như Le va Nguyen kiếm sống nhờ nghề đánh bắt cá. Họ di cư tới Louisiana, Mississippi và vịnh Alabama từ thập niên 1980.
Danial Le, giám đốc chương trình hỗ trợ người Việt nhập cư tại Mỹ ở vùng vịnh Alabama, cho hay nhiều người Việt Nam tại đây rất nghiêm túc nhìn nhận Covid-19, họ tuân thủ quy định hạn chế và lắng nghe các nhà khoa học.
“Về mặt văn hóa, nói chung người Việt Nam tin tưởng vào lời khuyên của y bác sĩ”, ông nói. “Họ hiểu y bác sĩ là những người đưa ra lời khuyên tốt nhất”.
Tại nhà thuốc Bayou, một điểm tiêm vaccine ở Bayou La Batre, người gốc Việt tới mua sắm chỉ chiếm 15% lượng khách, nhưng từ khi có vaccine, họ trở thành những khách hàng tới nhiều nhất.
“Khi mới bắt đầu có vaccine, có ngày chúng tôi tiếp tới 70-80 người Việt”, Courtney Moore, dược sĩ của nhà thuốc, nói.
Công việc của Moore là gọi điện cho người đăng ký tiêm từ đầu năm 2021, khi nhu cầu vaccine đang cao.
“Chúng tôi là hiệu thuốc duy nhất có người nói tiếng Việt, bây giờ là hai”, Moore cho hay. Mẹ cô là người Việt Nam. “Mọi người cảm thấy thoải mái hơn bởi không còn rào cản ngôn ngữ”.
Video đang HOT
Hiệu thuốc điều phối tiêm chủng qua điện thoại và giấy tờ, giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và kỹ thuật số thường gặp nếu đăng ký qua mạng. Dược sĩ Rubesh Patel cho hay người Việt ở Bayou la Batre sẵn lòng tiêm vaccine của bất cứ hãng nào.
“Rất nhiều người là bệnh nhân mua thuốc ở đây, vì vậy họ giới thiệu cho bạn bè”, ông nói.
Tại Accordia Health, một bệnh viện địa phương, khoảng 35% bệnh nhân của bác sĩ Rajesh Gujjula là người Việt. Đa số bệnh nhân người Việt của ông đều tự nguyện bày tỏ ý định tiêm chủng.
“Bạn của họ đã tiêm rồi, đó là tiêu chuẩn đánh giá”, ông nói. “Hoặc họ đi tiêm vì người nhà muốn như thế”.
Bác sĩ Tung Nguyen, giáo sư y khoa đại học UC San Francisco, cho hay có rất ít dữ liệu về tỷ lệ tiêm chủng của người Việt nhập cư trên toàn nước Mỹ.
“Chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào về người Mỹ gốc Việt và tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19″, ông nói. “Nhìn chung, người Mỹ gốc Á có xu hướng tiêm vaccine nhiều hơn nếu dễ dàng tiếp cận vaccine”.
Ở ngoại ô thị trấn Bayou La Batre có một ngôi chùa Phật giáo. Chùa sơn màu vàng, mái đỏ, nhìn ra bãi cỏ màu xanh cùng vài cây mộc lan và một bức tượng Phật lớn.
Trần ngôi chùa hư hỏng vì bão năm ngoái. Mái nhà đã mọc rêu. Sư thầy Bon Le cho hay nếu không phải vì trần hỏng do bão, các ni tăng trong chùa sẽ nghiên cứu Phật pháp ở đây mỗi tối.
“Cộng đồng người Việt luôn tin tưởng chính phủ Mỹ và bất kỳ loại vaccine nào đã được phê duyệt, đơn giản vì chúng tôi luôn tuân thủ hướng dẫn”, Bon Le nói.
Ngôi chùa Phật giáo ở Bayou La Batre. Ảnh : AL.
Anna Chau làm việc trong một nhà máy chế biến hàu cùng khoảng 30 công nhân. Nhà máy giới hạn thời gian làm việc xuống còn hai ngày một tuần do Covid-19, nhưng cô vẫn sợ nhiễm nCoV tại nơi làm việc.
“Khi nghe nói mình có cơ hội tiêm vaccine, tôi đã tới hiệu thuốc hỏi và xin hướng dẫn”, Chau nói.
Chau di cư từ Việt Nam sang Mỹ năm 1992 theo diện con cái cựu binh Mỹ. Chau kết nối chặt chẽ với cộng đồng người Việt ở Bayou La Batre, trở thành một tình nguyện viên thường xuyên tuyên truyền kiến thức cho cộng đồng.
“Khi tiêm xong, tôi về nhà, gọi điện cho tất cả những người mình quen biết để khuyên họ đi tiêm vaccine”, cô nói.
Đã có vài người Việt chết vì Covid-19, một số người bị ảnh hưởng bởi di chứng bệnh. Do đó, rất nhiều người sợ nhiễm nCoV, theo Kim Lien Tran, nhân viên y tế cộng đồng của S.O.S, một tổ chức hỗ trợ người Việt ở Alabama.
“Cộng đồng người Việt quan hệ rất khăng khít”, Tran nói. “Họ luôn giúp đỡ nhau. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Tôi lớn lên trong một cộng đồng lớn người Việt, vì vậy tôi rất hiểu cảm giác này. Thậm chí dù không biết bạn là ai, họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ bạn mà không cần toan tính”.
Tran giúp đỡ người Việt không biết nói tiếng Anh tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch tài liệu cơ bản như biểu mẫu thuế, giúp họ điền đơn xin chính phủ hỗ trợ điện nước. Nhiều người tới đây thường làm việc nhiều giờ trong các tiệm làm móng, nhà máy chế biến hải sản, có ít thời gian học tiếng Anh và đây là rào cản khiến họ khó hòa nhập cuộc sống ở Mỹ.
Nhiều nguồn tin tiếng Việt thường truyền bá sai thông tin về vaccine, đặc biệt trên YouTube. Tại văn phòng S.O.S, họ phát đi những khuyến cáo của CDC bằng tiếng Việt và phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả.
Họ đi tiêm vaccine để bảo vệ cho người nhà vì rất nhiều người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính sinh sống tại đây, Tran cho hay.
Phu Nguyen, một người có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt, nhận định các biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt tại các nước châu Á như Việt Nam là mô hình chống dịch hữu hiệu. Ông nhập cư vào Mỹ năm 2013 để sống cùng con cái tại Bayou la Batre.
“Tự do thái quá khiến chúng ta mất cảnh giác, vì vậy Covid-19 có thể dễ dàng lây lan nếu chúng ta bất cẩn”, ông nói.
Nguyen làm nghề chế biến hàu tới năm ngoái khi phải nghỉ việc do nhiễm nCoV. Bây giờ ông đã tiêm phòng và hy vọng sớm tìm được việc làm mới.
“Sau khi tiêm phòng, tôi cảm thấy an toàn hơn khi ra ngoài và đi làm”, Nguyen nói
Một vùng ở Mỹ thoát 'bóng ma' COVID-19 nhờ tiêm chủng hiệu quả
Các bệnh viện ở vùng New England (Mỹ) đang dần thoát khỏi bóng đen COVID-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả. Điều này đang mở ra hy vọng về cuộc sống trở lại bình thường cho nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Ohio, Mỹ ngày 10/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin AP, đối với bác sĩ Jeremy Faust, thời điểm ông nhận ra đại dịch không còn chi phối ngày làm việc của mình là vào cuối tháng 5, khi ông không chứng kiến trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào trong hai ca bệnh tại phòng cấp cứu Bệnh viện Brigham and Woman ở Boston.
Kerry LaBarbera, một y tá tại phòng cấp cứu cách Trung tâm Y tế Boston vài km, cũng nhận thấy điều tương tự vào cuối tuần, khi chỉ còn 2 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở của cô, một trong những cơ sở đông đúc nhất vùng New England.
"Một năm rưỡi vừa qua giống như trải qua một cơn lốc xoáy hoặc một điều gì đó khủng khiếp", LaBarbera nói.
Massachusetts và phần còn lại của vùng New England, khu vực được tiêm chủng nhiều nhất ở Mỹ, đang chứng minh cho nhiều khu vực khác trên khắp đất nước thấy một tương lai tươi sáng khi có nhiều người được tiêm phòng hơn. Các trường hợp nhập viện và tử vong vì COVID-19 trong khu vực đã giảm đều, với trên 60% cư dân ở tất cả 6 tiểu bang đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Trong khi đó, các bang ở vùng Deep South gồm Alabama, Louisiana và Mississippi, mới tiêm chủng cho ít nhất khoảng 35% dân số. Các trường hợp mắc mới tại đây thường cao hơn ở hầu hết các tiểu bang ở New England. Trên toàn quốc, khoảng 50% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Tại Massachusetts, các quan chức y tế vào tuần trước đã xác nhận không có thành phố và thị trấn nào của bang có nguy cơ cao lây lan COVID-19, lần đầu tiên kể từ khi họ bắt đầu đưa ra đánh giá hàng tuần vào tháng 8 năm ngoái.
Ở tiểu bang Rhode Island, số ca nhập viện do COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 8 tháng. New Hampshire cũng đang chứng kiến tỉ lệ tử vong trung bình chỉ còn 1 ca/tuần sau khi đạt đỉnh khoảng 12 ca/ngày trong đợt bùng phát dịch vào mùa đông. Vermont, bang được tiêm chủng nhiều nhất ở Mỹ với trên 70%, đã trải qua hơn 2 tuần không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 nào.
Tiến sĩ Tim Lahey, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vermont ở Burlington cho rằng đây là sự thay đổi đáng kinh ngạc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Keidy Ventura, 17 tuổi, tiêm mũi vaccine đầu tiên tại New Jersey hồi tháng 4. Ảnh: AP
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng nhận định những khu vực khác ở Mỹ cũng sẽ chứng kiến những tín hiệu tích cực như New England, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden thúc đẩy tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% dân số trưởng thành vào ngày 4/7 tới. Chính quyền các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã nỗ lực vận động người dân đi tiêm chủng bằng nhiều biện pháp khác nhau, như tặng bia, quay sổ xố, tặng phiếu mua hàng và nhiều phần quà hấp dẫn khác.
Tiến sĩ Thomas Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, đánh giá New England dường như đã có chiến dịch tiêm chủng đúng đắn, đó là tập trung vào việc tiêm vaccine cho các nhóm dễ tổn thương.
Bác sĩ Albert Ko, Trưởng khoa Dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, bang Connecticut, cho biết giới chức New England phần lớn cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị của chuyên gia y tế công cộng về các ưu tiên kinh tế trong đại dịch COVID-19.
Mỹ đang nới lỏng giãn cách xã hội và dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 nhờ chương trình tiêm vaccine quyết liệt. Trên toàn quốc, trung bình các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống khoảng 15.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong giảm mạnh xuống còn khoảng 430 ca/ngày, mức giảm chưa từng thấy kể từ cuối tháng 3/2020 trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Tổng số ca tử vong của Mỹ hiện đang ở mức trên 612.000 người.
Bác sĩ Katherine Gergen Barnett tại Trung tâm Y tế Boston. Ảnh: AP
Tuy nhiên, ngay cả khi các ca bệnh giảm đáng kể, các bệnh viện ở New England vẫn bận rộn hơn bao giờ hết vì bệnh nhân trở lại đông đúc sau khi trì hoãn chăm sóc y tế suốt hơn một năm.
Bác sĩ Katherine Gergen Barnett, Trưởng khoa Y học gia đình tại Trung tâm Y tế Boston, cho biết họ đã "tiếp thêm năng lượng" để kết nối lại với những bệnh nhân mắc các bệnh khác ngoài COVID-19. Bên cạnh những căn bệnh thể chất bị lãng quên, nhiều bệnh nhân đang phải trải qua chấn thương tâm lý nghiêm trọng.
"Chúng tôi đã chạy marathon, nhưng bây giờ còn một cuộc đua dài khác phía trước, đó là giúp mọi người trở lại khỏe mạnh", cô nói.
Paul Murphy, y tá khoa cấp cứu tại Bệnh viện Brigham and Women, cho biết thời gian chờ đợi của các bệnh nhân trong khoa của anh ấy thường hơn 6 giờ trong những ngày này. Các nhân viên y tế đang cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.
Tuy nhiên, Warwick, 54 tuổi, sống tại bang Rhode Island, cho biết ông cảm thấy thật sảng khoái khi bước ra khỏi guồng quay công việc khi khu vực này trở lại cuộc sống bình thường. Murphy cho biết đã qua thời gian phải làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần trong đại dịch, giờ là thời gian tập thể thao và các ưu tiên sức khoẻ khác.
Đối với bác sĩ Faust, ông đang tận hưởng thời gian nghỉ ngơi sau cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài. Vị bác sĩ cho biết ông đã chìm trong giấc ngủ cả ngày mà không có cảm giác tội lỗi, điều mà ông không thể mơ tới trong đại dịch.
Nhưng giống như các chuyên gia y tế khác, ông cũng lo lắng tốc độ tiêm chủng chậm lại có thể khiến quốc gia này dễ bị tổn thương bởi các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn và lây lan nhanh hơn.
Ít nhất 25 bang của Mỹ đã tiêm chủng cho hơn 50% người trưởng thành Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ít nhất 25 bang của nước này đã thông báo tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% số người trưởng thành của bang, tính đến ngày 23/5. Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson tại Chicago, Illinois,...