Cộng đồng người Việt khắp thế giới “Chung tay vì Việt Nam” đẩy lùi Covid-19
Gần 20 tổ chức chuyên gia và cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ chung tay khởi động Chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam – Không còn Covid-19″ nhằm gây quỹ ủng hộ quê hương chống dịch.
Sau 99 ngày tưởng chừng không còn dịch bệnh, Việt Nam lại phải đối phó với đợt dịch Covid-19 thứ hai – với tâm điểm là Đà Nẵng. Lần dịch này phức tạp và nguy hiểm hơn – đã có những gia đình vĩnh viễn mất đi người thân.
Tuy nước Mỹ cũng đang ở tâm điểm số 1 của dịch với nhiều thiệt hại về người và kinh tế (5.7 triệu ca nhiễm, 177.000 ca tử vong và hơn 16 triệu người thất nghiệp), những người con xa quê vẫn đau đáu hướng về dải đất hình chữ S nhỏ bé, lo cho cha mẹ già, lo cho người thân, lo cho nền kinh tế bị tổn thương chưa hồi phục, nay lại phải oằn mình trước bệnh dịch hung hãn.
Bắt đầu từ một lời kêu gọi trên mạng xã hội từ Nhóm Gia đình Việt ở Mỹ, bốn người bạn ở California, Missouri, Massachusetts và Texas đã liên lạc nhau để thành lập nhóm Điều phối xây dựng Chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam – Không còn Covid-19″ và đặt ra “Tuần lễ Chung tay vì Việt Nam”.
Mục tiêu ban đầu của nhóm là gây quỹ 5.000 USD trong vòng một tuần từ ngày 16/8 đến ngày 23/8 và ngay lập tức sử dụng số tiền này để hỗ trợ các điểm dịch ở Việt Nam – đặc biệt là Quảng Nam, Đà Nẵng trong tuần sau đó là 24/8 đến 31/8.
Chị Trương Phan Ngọc My là người sáng lập và điều hành Nhóm chuyên gia người Việt mảng Kinh doanh Công nghệ ở Mỹ, Quản lý phát triển sản phẩm công nghệ chăm sóc bệnh nhân từ xa vốn sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, lấy bằng dược sĩ ở Việt Nam và MBA ở Mỹ, hiện đang sống tại thành phố Boston, bang Massachusetts.
Là dân Đà Nẵng, My có nhiệm vụ làm cầu nối giữa nhóm và các bạn ở Việt Nam để tìm nơi cần giúp đỡ cũng như các đối tác hỗ trợ hoạt động.
Chị Đoàn Thị Minh Phượng, đồng sáng lập Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ và Mạng lưới Chuyên gia Việt tại Mỹ đang sống cùng chồng và hai con tại thành phố Saint Louis, tiểu bang Missouri và đã ở Mỹ được 10 năm đảm nhận phụ trách mảng đối ngoại, truyền thông cho chiến dịch; đặc biệt là kết nối hơn 20 tổ chức chuyên gia, sinh viên và cộng đồng người Việt tại Mỹ, Nhật, Úc trong thời gian chỉ có vài ngày.
Chị Nguyễn Hà, sinh viên Đại học Harvard đang sinh sống cùng chồng và hai con tại thành phố Houston và học tập tại Boston và đã ở Mỹ được 6 năm. Vừa học, vừa làm việc, lại chăm sóc hai con nhỏ, Hà vẫn tích cực tham gia giúp nhóm trong việc kế toán và quảng bá chiến dịch.
Chị Triệu Thùy Lan, trưởng nhãn hàng của công ty Coca Cola Bắc Mỹ đang sống cùng chồng và hai con tại Nam Cali và đã ở Mỹ được 5 năm rất tích cực trong các hoạt động xã hội vì cộng đồng người Việt tại Mỹ nhận phụ trách mảng nội dung cho các kênh mạng xã hội, hỗ trợ truyền thông và quản lý trang gây quỹ Gofundme.
Chị Ngô Ngọc Linh đang sống và làm việc tại Hà Nội, cựu sinh viên ĐH Ngoại Thương, đi làm toàn thời gian ban ngày theo giờ Việt Nam, tối về lại thức và làm mảng thiết kế cho chiến dịch theo giờ Mỹ.
Vốn là các thành viên tích cực cho các hoạt động cộng đồng ở Mỹ, và tham gia nhiều tổ chức chuyên gia – thanh niên, sinh viên tại Mỹ, sau một tuần liên lạc ngày đêm, hàng trăm email, tin nhắn và các cuộc điện thoại, chiến dịch đã nhận được sự đồng hành và ủng hộ nồng nhiệt từ 25 tổ chức và hội nhóm ở Mỹ.
Cứ mỗi ngày, nhóm lại nhận những tin nhắn thông báo nhau đã có thêm một Hội nhóm mới chung tay cùng chiến dịch. Đến ngày thứ 3 thì chiến dịch đã vượt qua biên giới Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ các bạn Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện nay các tổ chức đồng hành cùng chiến dịch gồm có: Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (The Association of Vietnamese Students and Professionals in the U.S – AVSPUS); Mạng lưới Chuyên gia Việt tại Mỹ (The Vietnamese Professionals Network – VNPN); Gia đình Việt tại Mỹ; Hội Chuyên gia Việt mảng Kinh doanh Công nghệ (Vietnamese Business Professionals in Tech); Hội Chuyên gia Việt UX-PM; Cộng đồng Tài chính Việt Nam (Vietnam Finance Society – VFS); Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (The Vietnamese Entrepreneurs Network in the United States of America – VENUSA); Mạng lưới chuyên gia nữ Việt Nam (Vietnamese Women’s Professionals Network – VWPN); Hội mẹ Việt nuôi con tại Mỹ; Cộng đồng Trí thức và Học giả người Việt (Viet.EB1.EB2.NIW); Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Boston; Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại California; Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Chicago; Hội Chuyên gia và Sinh viên Việt Nam tại Seattle; Hội Chuyên gia và Sinh viên Việt Nam tại Saint Louis; Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Washington D.C; Hội Sinh viên MBA Việt Nam (US MBA – Vietnamese Students); Câu lạc bộ Cựu Du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ (VUSAC Hanoi); Hội Nghiên cứu sinh và Học giả Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation Fellows and Scholars Association – VEFFA); Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Kyoto; Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc; Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp – UEVFl; Viet Acdemics in Canada; Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Michigan State University…
Nhờ sự cộng tác nhiệt tình của các tổ chức, chiến dịch đã nhanh chóng lan tỏa và các dòng chia sẻ, tâm sự và đóng góp của mọi người liên tục được gửi tới.
Đọc những tâm sự chia sẻ của mọi người trên facebook, nhóm rất cảm động và thấy rất ấm áp khi thấy tinh thần “chung tay” mạnh mẽ của người Việt xa quê trong lúc bản thân nhiều người cũng gặp nhiều khó khăn.
Chiến dịch chính thức khởi động vào tối chủ nhật ngày 16/8 ở Mỹ và ngay trong tối đó đã có luôn 35 người ủng hộ khoảng 1.500 USD. Nhóm bảo nhau mục tiêu của ngày thứ hai là 2.500 USD thì ngay tối 17/8 đã có hơn 100 người ủng hộ với số tiền 4.700 USD. Sang ngày thứ 3 thì mọi người quyết định đặt mục tiêu mới là 10.000 USD.
Trong hai ngày đầu tiên, trang gofundme có 520 lượt shares, trang facebook page đã được truyền thông tin tới 15.000 người – hoàn toàn là organic (tự phát) do các bạn share qua share lại chứ chưa hề có truyền thông.
Tại thời điểm viết bài – ngày thứ 5 của chiến dịch, quỹ gofundme đã quyên được 10.012 USD (khoảng 232 triệu đồng) với 1.300 lượt shares, 206 mạnh thường quân và trang facebook của chiến dịch đã được 24.000 người biết đến, hoàn toàn qua sự chia sẻ của cộng đồng.
Được biết, mạnh thường quân nhỏ tuổi nhất là bé Quân ở California – 11 tuổi. Bé ủng hộ 5 USD từ số tiền dành dụm 93 USD suốt 1 năm của mình. Bé rất vui khi nghe mẹ nói là số tiền này có thể mua được 3 phần ăn cho các bạn ở Việt Nam.
“Bạn S. ở Los Angeles – một người con gốc Đà Nẵng – hiện giờ đang bị thất nghiệp do Covid-19, bản thân bạn cũng còn nhiều khó khăn vì không biết đến ngày nào có thể đi làm lại, nhưng bạn đã không ngần ngại ủng hộ 50 USD. Bạn còn nhắn tin cho chúng tôi nói bạn mong muốn ủng hộ nhiều hơn nhưng hoàn cảnh chưa cho phép.
Bạn Lex Nguyễn – hiện đang làm tại công ty Amazon ở Seattle, một thành viên của hội Chuyên gia và sinh viên người Việt tại Seattle và Mạng lưới chuyên gia Việt tại Mỹ (VNPN) tâm sự những tin tức về bác bảo vệ mất việc ra trạm xe bus ngồi mếu máo mà không biết phải đi đâu, làm gì tiếp, về giám đốc xưởng cúi đầu xin lỗi công nhân khiến bạn muốn được làm gì đó để đóng góp cho Việt Nam. Bạn là một trong những người đầu tiên tham gia ủng hộ chiến dịch.
Một mạnh thường quân giấu tên đã ủng hộ $650 – giúp chương trình đạt được mốc $10.000 khi vẫn còn 2 ngày nữa mới ngừng thời gian quyên góp”, chị Lan Triệu – thành viên điều phối chiến dịch chia sẻ.
Cộng đồng người Việt “Chung tay vì Việt Nam” đẩy lùi Covid-19
Hàng loạt những gương mặt Việt nổi bật ở nước ngoài như anh Huỳnh Thế Du, anh Nguyễn Đình Phú, anh Đinh Công Bằng, anh Trần Việt Hùng, anh Vũ Ngọc Tâm, anh Vũ Duy Thức, chị Văn Đinh Hồng Vũ, chị Ellie Phương D. Nguyễn, chị Hà Kin, chị Nguyễn Phương Chi, anh Phạm Nguyễn Đăng Trình… cũng như cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ và đại diện của hơn 20 tổ chức trong và ngoài Mỹ đã giúp lan tỏa thông tin về chiến dịch trên các trang thông tin của mình.
Trao đổi với PV Dân trí về kế hoạch hỗ trợ tại Việt Nam sau khi gây quỹ cụ thể, chị Đoàn Thị Minh Phượng cho biết hiện tại nhóm dự kiến chia làm hai giai đoạn giải ngân.
Giai đoạn 1 – Số tiền 5.000 USD (115 triệu đồng – đã quyên đủ) đã được chuyển ngay tiền về Việt Nam ngày 21/8 để ủng hộ kịp thời.
Nhóm hợp tác với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES – hướng tới hỗ trợ bệnh viện và người bị mất việc do ảnh hưởng Covid19 ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
Số tiền sẽ được ủng hộ để mua các đồ bảo hộ y tế và nhu yếu phẩm cho bác sĩ, y tá và người dân đang bị cách ly ở huyện Nông Sơn – Quảng Nam; ủng hộ nhu yếu phẩm cho 50 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Đà Nẵng, 83 các anh xích lô bị thất nghiệp ở Đà Nẵng và hỗ trợ đồ bảo hộ y tế cho các bệnh viện còn thiếu thốn ở Quảng Nam.
Giai đoạn 2 – số tiền 5.000 USD (đang quyên góp thêm ngoài kế hoạch ban đầu). Vì tình hình dịch bệnh tiến triển liên tục ra các địa bàn mới – nhóm điều phối chiến dịch đang kết nối với các đối tác ở Việt Nam để có thể hỗ trợ được các vùng còn thiếu thốn và cần hỗ trợ gấp.
Sau chiến dịch lần này, nhóm tiếp tục tiến hành xây dựng Chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” thành một dự án lâu dài, để có thể luôn sẵn sàng kêu gọi sức mạnh từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhằm góp sức phần nào giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn trong tương lai.
Sự hợp lòng chung sức của hàng loạt tổ chức chuyên gia, hội sinh viên, cộng đồng người Việt tại Mỹ như một ngọn lửa ấm áp góp sức mạnh từ những người con xa tổ quốc cho quê hương Việt Nam kiên cường, đẩy lùi dịch Covid-19.
Phẫn nộ vì những bình luận vô duyên về việc Văn Toàn đấu giá áo đấu ủng hộ quê hương Hải Dương chống dịch Covid-19
Đúng là thói đời, làm việc thiện cũng bị phán xét. Những người chuyên chỉ trích, ném đá, phá đám trên mạng xã hội... Họ đã làm được những gì?
Ngày 16/8, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Toàn đã tiến hành đấu giá chiếc áo có đầy đủ chữ ký của các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup trên trang cá nhân nhằm mục đích hỗ trợ quê hương Hải Dương chống dịch. Đây là một nghĩa cử rất cao đẹp, vừa thể hiện trách nhiệm của một người con với quê hương, vừa góp phần tuyên truyền ủng hộ phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi bài đăng được đưa lên các báo mạng, nhiều người đã có những bình luận không tốt về việc làm của Toàn. Do Văn Toàn đấu giá trực tiếp trên mạng xã hội hoặc qua phần nhắn tin nên nhiều người có thể trực tiếp biết rõ số tiền được trả để sở hữu chiếc áo đấu này. Khi số tiền đấu giá vượt lên con số hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, thì có rất nhiều bình luận khiếm nhã công kích cá nhân Văn Toàn và những người tham gia đấu giá.
Họ cho rằng Toàn đang tranh thủ đại dịch để bán áo đấu với giá cao, còn những người tham gia đấu giá là những kẻ thừa tiền muốn đánh bóng tên tuổi. Họ đặt ra câu hỏi là nếu những người tham gia đấu giá muốn ủng hộ thì sao không ủng hộ trực tiếp mà phải thông qua đấu giá làm gì cho mất thời gian? Hay tại sao dịch đã bùng phát từ lâu mà đến bây giờ Toàn mới ủng hộ?
Nhiều người còn có thái độ đùa cợt không đúng mực khi có những lời như: "Áo fake hay áo real?", "Văn Toàn học làm doanh nhân, bán áo đấu cũ với giá trăm chai", "Chữ ký thật hay chữ ký được in?", "Dở hơi bỏ mấy trăm triệu ra mua cái áo lau chỉ để lau mồ hôi", "Chốt 100k, freeship thì mua", "Hy vọng những kẻ thừa tiền quan tâm", "Sao không dùng tiền đi từ thiện mà lại bỏ trăm triệu ra mua cái áo? Áo dát vàng hay gì?"...
Những lời đó nhiều đến mức khiến cho nhiều cư dân mạng chân chính cảm thấy rất phẫn nộ. Rõ ràng, bán đấu giá các kỷ vật thể thao nhằm mục đích từ thiện là một việc rất hữu ích mà các ngôi sao trên thế giới vẫn hay làm. Chính CR7 cũng từng bán đấu giá Quả Bóng Vàng 2013 để quyên góp gần 800 ngàn USD cho một tổ chức hoạt động vì trẻ em.
Tự nhiên, những hành động trên làm mình nhớ đến một bộ phận cư dân mạng Hàn Quốc - những người nổi tiếng ngớ ngẩn, ích kỷ. Họ từng chỉ trích các ngôi sao bằng những lý do điên khùng, ủng hộ chậm cũng bị chửi, ủng hộ nhanh quá cũng bị chửi, ủng hộ nhiều quá thì bị nói là khoe khoang, ủng hộ ít quá thì bị nói là keo kiệt... Tính ra, ở nơi nào cũng có một bộ phận dân mạng rất tiểu nhân.
Những bình luận vô duyên của dân mạng về việc đấu giá áo đấu của Văn Toàn.
Cách đây ít ngày, mình nhận được dòng tin nhắn tâm sự của một chị. Chị ấy kể rằng con gái chị muốn thực hiện một dự án vẽ tranh và quyên góp hỗ trợ cho các bạn nhỏ khó khăn tại Đà Nẵng. Ngày họp phụ huynh, con gái chị có đứng lên bục giảng và thuyết trình dự án cho các bậc phụ huynh nghe nhưng có bậc phụ huynh đã nói rằng con gái chị còn nhỏ, chưa có hiểu biết, nên ăn ngủ hơn là việc từ thiện. Nghe thấy thế, con gái chị đứng như trời trồng đến mức cô giáo phải vỗ vai ra hiệu con gái chị dừng thuyết trình và đi ra ngoài.
Chị nói, mất mấy ngày liền sau hôm họp phụ huynh đó, con gái chị cứ nằm thõng chẳng buồn ăn. Chị có nói thêm, con gái chị học trường quốc tế nên điều kiện của các phụ huynh là có, trong khi dự án kế hoạch thì mỗi bậc phụ huynh chỉ ủng hộ khoảng 300 ngàn đồng. 300 ngàn đồng có lớn hay không? Có với một vài người, không với một vài người.
Đúng là thói đời, làm việc thiện cũng bị phán xét.
"Xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được" - Đó là lời của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch gửi đến Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Chúng ta thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, các bác sĩ không phải là những người có phép màu mà có thể "cải tử hoàn sinh". Đợt dịch này, Covid-19 tấn công vào các bệnh viện, nhắm đến đối tượng yếu thế, mắc nhiều bệnh nền. Vì thế, việc cứu người thoát khỏi cửa tử rất khó...
"Sao làm dân chết không xin lỗi dân?", "Tôi trả tiền thuế để cứu người, không phải để các bác sĩ xin lỗi", "Đề nghị cách chức, sa thải các bác sĩ làm chết người", "Nhìn bác sĩ phương Tây cứu người kia kìa"... Đó lại là những bình luận từ một nhóm công nghệ rất đông thành viên mà mình đã lấy ví dụ rất nhiều lần. Và không hiểu sao, trong bao nhiêu ngày tháng qua, họ vẫn hành xử và nhận định thiển cận, quy chụp như vậy.
Khi có một bình luận nói rằng việc chết người không phải trò đùa, không nên chỉ trích các bác sĩ mà hãy động viên họ thì một bình luận phản hồi rằng: "Tao đóng thuế trả lương. Việc bác sĩ là cứu người, không làm tốt thì tao chửi. Mày khóc thuê à?".
Chẳng phải là khóc thuê đâu. Nhưng các bác sĩ vẫn là chỉ là những người bình thường chứ không phải là thần thánh mà có thể "cải tử hoàn sinh"... Hàng trăm ngàn cái chết vì đại dịch, vậy tất cả các bác sĩ trên thế giới đều vô trách nhiệm hết sao? Và cần chú ý rằng, chục triệu người trên thế giới đã sống, còn tại Việt Nam thì con số đó là hàng trăm người, hàng ngày số người khỏi bệnh cũng đã lên mức hai con số.
Hãy nhìn vào những việc đó mà đánh giá chứ?
Chính những người không tham gia đóng góp được gì lại là những người luôn muốn đòi hỏi nhiều nhất. Mình thực sự muốn hỏi rằng, các người đã làm được những gì? Hay chỉ giỏi chỉ trích, bông đùa, phá rối những gì mà người khác đang nỗ lực bằng cái tâm thấp hèn?
Đôi khi, dịch bệnh không đáng sợ bằng những con người mang tư tưởng tiểu nhân.
Sau 11,7 tỷ từ phiên đấu giá, chủ nhân Bướm đại ngàn tiếp tục trao gần 5 tỷ đồng ủng hộ chống dịch Covid-19 Sáng nay (13/8), anh Trương Quốc Chính (SN 1984, ở Phú Thọ) đã thay mặt cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam có mặt tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển số tiền hơn 4,9 tỷ đồng ủng hộ chống dịch Covid-19. Anh Chính Trương có mặt tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để...